Nghiên cứu lý luận

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý lễ hội xuống đồng tại phường Phong Cốc, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh

13 Tháng Chín 2016

 Hoàng Văn Trường [*]

 

Lễ hội là một trong những nét đẹp trong đời sống sinh hoạt văn hóa của nhân dân. Có thể nói, lễ hội chính là sự gắn kết cộng đồng, là một trong những hoạt động thể hiện lòng tri ân của nhân dân với truyền thống chung của dân tộc, tưởng nhớ công ơn của các bậc thánh nhân đã có công dựng làng, lập nước và giữ nước. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhu cầu tín ngưỡng và tâm linh cũng tăng lên, nên số người tham gia lễ hội ngày càng đông hơn, đi cùng với đó những hiện tượng tiêu cực trong hoạt động lễ hội ngày càng xuất hiện nhiều. Nâng cao hiệu quả công tác Quản lý hoạt động Lễ hội nói chung và Lễ hội Xuống Đồng tại phường Phong Cốc (Quảng Yên, Quảng Ninh) là một trong những nhiệm vụ cần được quan tâm.

Phường Phong Cốc thuộc thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh được coi là một trong những trung tâm lễ hội của thị xã Quảng Yên, có lịch sử hình thành, phát triển lâu đời với những truyền thống văn hoá còn lưu giữ được như lễ hội Tiên Công, hội Làng Cốc, tục thờ Thần Nông, Thần Biển… Trong đó lễ hội Xuống Đồng là một trong những lễ hội lớn, mang nhiều giá trị văn hoá, đặc trưng của địa phương. Kể từ năm 2007 khi lễ hội Xuống Đồng được phục dựng lại, các cơ quan ban ngành địa phương phường Phong Cốc, thị xã Quảng Yên, đặc biệt là Phòng Văn hoá thông tin và Ủy ban nhân dân phường Phong Cốc đã đẩy mạnh tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội Xuống Đồng, trong đó bao gồm công tác tuyên truyền, thông tin, cổ động, quản lý nguồn lực, quản lý dịch vụ, môi trường, trật tự an ninh trong lễ hội, và công tác tổ chức, kiểm tra, giám sát trong quá trình diễn ra lễ hội, công tác quản lý của cộng đồng trong hoạt động lễ hội. Nhờ vậy những năm gần đây lễ hội Xuống Đồng được tổ chức nề nếp, hiệu quả, an ninh trật tự được đảm bảo, những hiện tượng, hành vi tiêu cực đã giảm đáng kể, góp phần tạo sự linh thiêng cho lễ hội và nâng cao được những giá trị văn hoá đặc trưng của lễ hội. Tuy nhiên công tác quản lý tổ chức lễ hội Xuống Đồng của phường Phong Cốc, thị xã Quảng Yên còn nhiều hạn chế. Do đó địa phương cần có nhiều giải pháp nâng cao hoạt động quản lý lễ hội để mang lại hiệu quả cao hơn nữa.

Theo tôi, cần có những giải pháp cụ thể như sau:

Thứ  nhất, hoàn thiện cơ cấu và nâng cao trình độ bộ máy tổ chức, quản lý lễ hội

Để việc tổ chức lễ hội Xuống Đồng cũng như các lễ hội khác của địa phương đạt hiệu quả và đi vào chiều sâu thì các hoạt động của phong trào cần phải được định hướng một cách có tư duy và khoa học. Điều đó đòi hỏi trước hết ở vai trò của đội ngũ cán bộ quản lý, tổ chức lễ hội phải là những người am hiểu chuyên môn, nghiệp vụ, vừa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng. 

 

Lễ cúng thần Nông, Thần Hoàng, Tiên Công (Nguồn: st)

 

Trước hết phải xây dựng kế hoạch, thực hiện quy hoạch đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa nói chung và cán bộ quản lý các hoạt động lễ hội nói riêng theo hướng chuyên môn hóa và ổn định nhân. Đào tạo cán bộ quản lý lễ hội nên chú ý tới các cán bộ chuyên môn có tính đa ngành, tuyển chọn nguồn nhân lực có đức, có tài, những người trẻ có đam mê với nghề. 

Thứ hai, xây dựng chương trình lễ hội phong phú, đa dạng

Nhằm nâng cao chất lượng lễ hội, đồng thời để lễ hội thật sự trở thành một hoạt động văn hóa có ý nghĩa, từng bước thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa và nhu cầu tâm linh của người dân địa phương cũng như du khách từ nơi khác đến tham gia, ban quản lý lễ hội Xuống Đồng của thị xã Quảng Yên các cấp cần chú trọng đến việc nghiên cứu, xây dựng các chương trình lễ hội phong phú và đa dạng hơn.

 Ban tổ chức lễ hội có thể tổ chức thêm nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc trưng do chính cộng đồng dân cư địa phương biểu diễn, tạo ra những nét văn hoá trong sinh hoạt văn hóa mang bản sắc riêng có của người dân nơi đây. Đồng thời cũng có thể tổ chức thêm các trò chơi dân gian không chỉ cho người dân mà còn tạo điều kiện cho du khách khi dự hội có thể tự mình tham gia vào các trò chơi, góp phần làm phong phú thêm chương trình lễ hội, tạo sức lôi cuốn đối với khách du lịch. 

Thứ ba, chú trọng đầu tư kinh phí cho hoạt động lễ hội

Nguồn ngân sách đầu tư cho lễ hội vẫn còn hạn chế, eo hẹp. Đây là nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng, phát triển, phục dựng và tôn tạo các giá trị trong lễ hội Xuống Đồng. Thị xã Quảng Yên cần tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí cho sự nghiệp bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị văn hoá trong lễ hội Xuống Đồng của phường Phong Cốc, thị xã Quảng Yên.

Tăng cường phối hợp với các Ban, ngành các cấp để tìm nguồn vốn đầu tư tôn tạo bảo tồn các giá trị văn hoá của lễ hội Xuống Đồng. Ngoài nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, tìm nguồn vốn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài địa phương. Vận động các doanh nghiệp xây dựng công trình trên địa bàn, doanh nghiệp địa phương hỗ trợ thực hiện công tác tổ chức lễ hội Xuống Đồng thật hiệu quả. Bên cạnh đó cần huy động nguồn lực trong cộng đồng dân cư, nhất là nhân dân địa phương để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của lễ hội.

Thứ  tư, tăng cường quản lý dịch vụ, môi trường, trật tự an toàn trong lễ hội

Trong những năm qua mặc dù công tác quản lý các hoạt động trong lễ hội Xuống Đồng tại phường Phong Cốc, thị xã Quảng Yên được tăng cường nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Công tác quản lý môi trường, bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân tham gia còn hạn chế; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành liên quan chưa chặt chẽ; lực lượng làm công tác bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự xã hội ở các khu, điểm du lịch còn mỏng; thiếu các quy định, chế tài xử phạt hoặc việc xử phạt chưa đủ tính răn đe đối với các hành vi đeo bám, ép giá, lừa đảo khách. Do đó để đảm bảo việc tổ chức lễ hội Xuống Đồng một cách ý nghĩa, bảo tồn các giá trị văn hoá thiêng liêng của lễ hội, chính quyền các cấp của địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý các hoạt động dịch vụ, vệ sinh môi trường và an ninh trật tự trong quá trình tổ chức lễ hội.

Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, khen thưởng và xử lý vi phạm trong lễ hội

Cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên hơn nữa giữa Sở Văn hoá Thông tin Quảng Ninh với Uỷ ban Nhân dân thị xã Quảng Yên, Phòng Văn hoá thông tin thị xã Quảng Yên để thường xuyên chỉ đạo, xử lý kịp thời những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện việc tổ chức lễ hội Xuống Đồng. Công tác thanh tra của ngành cũng tập trung việc chấp hành các quy định, chính sách của Nhà nước về tổ chức lễ hội, hoạt động kinh doanh, các vấn đề về đảm bảo môi trường, an ninh trật tự và kiểm tra hoạt động dịch vụ thể dục, thể thao, tổ chức giải thi đấu. Công tác thanh tra, xử phạt cũng cần được tiến hành nghiêm minh, quyết liệt bằng những điều khoản xử phạt dứt khoát, rõ ràng với cả những người vi phạm và cả những người thi hành công vụ thiếu trách nhiệm.

Thứ sáu, quản lý lễ hội Xuống Đồng gắn với phát triển du lịch, kinh tế, xã hội tại địa phương

Cần làm tốt mạng lưới tuyên truyền, vận động nhân dân, giáo dục ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường của các điểm tổ chức lễ hội, nâng cao nhận thức của cộng đồng cư dân bản địa và du khách trong việc bảo tồn, duy trì, tôn tạo các di tích văn hóa, giữ gìn thuần phong mỹ tục, giá trị văn hóa nguyên bản của địa phương, của lễ hội, giảm thiểu những tác động tiêu cực của thương mại hóa đến văn hóa bản địa.

            Các cơ quan chức năng cần có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa ngành du lịch với các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở địa phương để triển khai tổ chức lễ hội đảm bảo trật tự, an toàn, đảm bảo không khí linh thiêng của lễ hội, khôi phục nguyên bản những văn hóa dân gian của lễ hội, ngiêm cấm các hoạt động mê tín, dị đoan tại các lễ hội.

            Quản lý tốt công tác tổ chức các hoạt động lễ hội gắn với phát triển du lịch tại địa phương, đảm bảo hài hòa giữa mục đích phát triển kinh tế, xã hội với mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị của di tích. Đảm bảo nguyên tắc không làm mất đi cảnh quan, môi trường lễ hội.

Thứ bẩy, nâng cao hiệu quả, vai trò của cộng đồng trong hoạt động lễ hội Xuống Đồng

            Trong bối cảnh của các lễ hội truyền thống hiện nay, phần lớn phái nói đến vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của lễ hội nói riêng và di tích văn hóa nói chung. Chỉ có sự kết hợp tốt giữa chính quyền và người dân cộng đồng, mới giúp cho việc tổ chức lễ hội được thuận lợi và đạt hiệu quả cao nhất, thiết thực góp phần vào công cuộc bảo vệ và phát huy kho tàng di sản văn hoá phong phú và đa dạng của quê hương. Việc bảo tồn và phát huy giá trị của các lễ hội truyền thống đang là một vấn đề xã hội luôn quan tâm. Công tác quản lý đặt ra, phải làm sao tìm ra những giải pháp thiết thực, hiệu quả, góp phần quản lý, tổ chức lễ hội đảm bảo nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với thuần phong mỹ tục nhưng vẫn giữ được nét tôn nghiêm của lễ hội. Đặc biệt nhấn mạnh việc cần tăng cường hơn nữa vai trò chủ thể của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị của lễ hội nói riêng, di sản văn hoá nói chung. 

Có thể nói chỉ có sự kết hợp hài hòa giữa chính quyền và người dân cộng đồng, mới giúp cho việc tổ chức lễ hội được thuận lợi và đạt hiệu quả cao nhất và góp phần vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá của Đất nước và con người Việt Nam.

Như vậy công tác tuyên truyền về lễ hội là một trong những giải pháp quan trọng cần được Ban quản lý các lễ hội chú trọng thực hiện. Cần chủ động phối hợp với các cơ quan báo, đài tuyên truyền, quảng bá về nội dung, nguồn gốc, những giá trị văn hoá truyền thống lâu đời của lễ hội Xuống Đồng.  Đồng thời cũng cần thực hiện công việc này ngay tại lễ hội thông qua những bảng lược thuật lịch sử, sự tích, nguồn gốc lễ hội, những tờ gấp, tập sách mỏng…, góp phần giúp cho mọi người hiểu thêm, hiểu rõ về lễ hội.

Mặt khác, phải thường xuyên tuyên truyền, phổ biến tới các tầng lớp dân cư địa phương về giá trị của các di tích lịch sử - văn hoá, thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, tăng cường xã hội hoá trong công tác bảo vệ  và phát huy giá trị văn hoá của lễ hội. Hàng năm cần có tổng kết, đánh giá, khen thưởng, khích lệ động viên kịp thời những cá nhân, tập thể nhân dân, gia đình, dòng họ có nhiều thành tích đóng góp trong việc bảo vệ và phát huy giá trị văn hoá của lễ hội Xuống Đồng nói chung và các lễ hội tại địa phương nói riêng. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động đến mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn có trách nhiệm bảo vệ, không được vi phạm các hành vi tiêu cực ảnh hưởng đến quá trình tổ chức các hoạt động của lễ hội cũng như làm mất đi những giá trị văn hoá, ý nghĩa của lễ hội. Hơn nữa, cần tuyên truyền để khuyến khích sự tham gia của nhân dân về vật chất cũng như sức sáng tạo văn hóa, văn nghệ quần chúng vào hoạt động lễ hội, nâng cao trình độ và hiểu biết của nhân dân về lễ hội, bởi mục đích cuối cùng của việc tổ chức lễ hội cũng là để phục vụ cho nhân dân, vì nhân dân, do nhân dân thực hiện và sáng tạo.

Bảo tồn và phát huy những hoạt động lễ hội chính là bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, những bài học truyền thống giúp ích cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước lâu dài của dân tộc. Hơn nữa, đó cũng chính là hành trang để chúng ta bước vào cuộc hội nhập toàn cầu với những bản sắc và bản lĩnh được tích lũy và đúc kết trong lịch sử. Cùng với công cuộc đổi mới của đất nước, với những quan điểm mang tính định hướng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của Đảng và Nhà nước đặc biệt với công tác quản lý, tổ chức ngày càng được tăng cường sẽ góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị tốt đẹp, thiêng liêng của lễ hội, đưa lễ hội trở thành một nguồn lực tinh thần to lớn cho toàn xã hội.

Với mong muốn nâng cao hiệu quả công tác quản lý lễ hội Xuống Đồng tại phường Phong Cốc, thị xã Quảng Yên, tác giả hy vọng, những giải pháp nêu trên sẽ góp phần xây dựng hình ảnh đẹp hơn về lễ hội Xuống Đồng cũng như con người nơi đây trong mắt bạn bè trong và quốc tế.

 

                                 TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Toan Ánh (1991), Phong tục Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội;

2.       Toan Ánh (1992), Nếp cũ tín ngưỡng Việt Nam, Nxb Tổng hợp, Hồ Chí Minh;

3.    Trần Lâm Biền (2000), Một con đường tiếp cận lịch sử, Nxb Văn hóa dân tộc, 2003;

4.    Phan Kế Bính (2005), Việt Nam phong tục, Nxb Văn học,  Hà Nội;

5.    Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2015), Công văn số 556/BVHTTDL-VHCS ngày 12/02/2015 về việc tăng cường chỉ đạo, lãnh đạo công tác quản lý và tổ chức lễ hội, Hà Nội.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k2– Chuyên ngành Quản lí Văn hóa