Nghiên cứu lý luận

Sửa ngọng qua mẫu luyện thanh cho sinh viên sư phạm mầm non

13 Tháng Chín 2016

Phùng Thanh Tám [*]

 

Có bề dày thành tích trên 50 năm xây dựng và trưởng thành, Trường CĐSP Điện Biên là cái nôi đào tạo các thế hệ “lái đò” cho nền giáo dục tỉnh Điện Biên nói riêng và cả vùng Tây Bắc nói chung. Tuy nhiên với đặc điểm của vùng Tây Bắc, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vì thế số lượng sinh viên là người dân tộc chiếm phần lớn, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy và học của giảng viên và sinh viên. Phần lớn sinh viên nói ngọng các từ L, Đ đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát âm chuẩn khi giao tiếp, học tập và truyền đạt kiến thức cho học sinh sau khi ra trường.

Âm nhạc cũng là một trong những bộ môn được giảng dạy trong các trường sư phạm. Vì âm nhạc là phương tiện giáo dục hết sức quan trọng, có tác động mạnh mẽ đến thế giới cảm xúc và góp phần phát triển nhân cách của con người. Không chỉ vậy, âm nhạc còn giúp con người phát triển về tư duy, nhận thức được cái đẹp trong cuộc sống. Mặt khác, với những hoạt động ca hát, biểu diễn, âm nhạc là những hoạt động cụ thể, lành mạnh; là sân chơi bổ ích giúp trẻ em thể hiện mình, góp phần giáo dục toàn diện cho trẻ về Đức - Trí - Thể - Mỹ. Bởi vậy, âm nhạc đã trở thành môn học trong các nhà trường mầm non. Để đáp ứng được nhu cầu và nâng cao chất lượng giảng dạy, Bộ giáo dục và đào tạo đã đưa môn âm nhạc vào trong chương trình đào tạo giáo viên mầm non ở các trường đại học, cao đẳng.

Khó khăn nhất của giảng viên nhà trường hiện nay là việc giảng dạy bộ môn âm nhạc cho sinh viên. Sinh viên chủ yếu là người dân tộc thiểu số, chưa được tiếp cận với những loại hình âm nhạc, phát âm còn ngọng vì thế đòi hỏi giảng viên phải có phương pháp đặc biệt để truyền đạt kiến thức, sửa sai khi sinh viên phát âm ngọng nhất là đối với sinh viên bậc tiểu học – mầm non. Với sự cố gắng của giảng viên thanh nhạc khoa Tiểu học – Mầm non đã nghiên cứu đưa ra các mẫu luyện thanh để từng bước sửa sai khi sinh viên phát âm ngọng đã cơ bản sửa được các lỗi thường gặp trong phát âm của sinh viên.

Điều tra xã hội học về phát âm ngọng của phần lớn sinh viên, đặc biệt là môn Âm nhạc và Múa. Trong đó có phần dạy học hát kết quả cho thấy do đặc điểm của sinh viên học chuyên ngành Giáo dục mầm non (GDMN) chủ yếu là nữ, con em các dân tộc thiểu số, giọng nói còn bị ngọng do ảnh hưởng của ngôn ngữ địa phương, nên kỹ năng tiếp thu của các em về âm nhạc có phần hạn chế. Nhiều sinh viên khi vào học mới được tiếp xúc với các loại hình âm nhạc.

Để khắc phục những hạn chế nói ngọng của sinh viên, nhất là trong học hát của bậc tiểu học – mầm non, nhà trường đã có những giải pháp. Trong tuyển sinh, hàng năm các thí sinh tham gia thi vào hệ CĐSP mầm non phải thi các môn; toán, văn và năng khiếu. Đối với năng khiếu, phần thi gồm hai nội dung: kể truyện và hát một ca khúc thiếu nhi. Đối tượng dự thi là học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, ở độ tuổi này các em phát triển tương đối toàn diện thể chất, tâm sinh lý, trí tuệ, đặc biệt là bộ máy phát âm (miệng, vòm họng, mũi, thanh quản), điều kiện thuận lợi học nghệ thuật nói chung, môn hát nói riêng. Ban Giám hiệu nhà trường khuyến khích giảng viên trong trường nghiên cứu khoa học, tìm hiểu phương pháp chữa nói ngọng cho sinh viên không chỉ trong học hát mà trong giao tiếp. Đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của các giảng viên được áp dụng, giúp sinh viên đồng bào các dân tộc chữa phát âm ngọng.

 Qua nhiều năm tuyển sinh và trực tiếp giảng dạy môn học hát tại khoa Tiểu học- mầm non (TH – MN),  kinh nghiệm của các thầy, cô cho thấy: Xuất phát từ hoàn cảnh địa phương (vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn) nhiều sinh viên ít điều kiện tiếp xúc phương tiện truyền thông đại chúng như: truyền hình, báo viết, internet..., do đó chưa tiếp cận bài hát phổ thông. Điều này làm hạn chế khả năng nhanh, nhạy năng khiếu âm nhạc của sinh viên. Kiểm tra quá trình học nhạc tại trường phổ thông (tiểu học, trung học cơ sở), mặc dù học sinh thi đầu vào đã học âm nhạc theo quy định của Bộ giáo dục đào tạo, nhưng thời gian chỉ một tiết/1 tuần. Với thời gian dành cho bộ môn này như thế là quá ít, không đủ để sinh viên có thể tiếp thu, luyện thanh, sửa những lỗi nói ngọng.

Mặt khác chất lượng học nhạc, hầu hết tại các cấp phổ thông ở vùng sâu, vùng xa học theo lối đại trà. Đây là một trong những nguyên nhân tạo cho sinh viên thiểu số có thái độ rụt rè, thiếu tự nhiên trong học âm nhạc. Tại các bản làng xa xôi, hẻo lánh không có các trung tâm văn hóa, câu lạc bộ để các em tham gia sinh hoạt nghệ thuật. Những hoạt động văn hóa cộng đồng hát, múa chủ yếu vào dịp lễ, hội do người dân tự tổ chức và không thường xuyên. Nhiều sinh viên ít điều kiện tiếp xúc phương tiện truyền thông đại chúng như: truyền hình, báo viết, internet..., do đó chưa tiếp cận bài hát phổ thông, cơ hội tham gia múa, hát hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng nhanh, nhạy năng khiếu âm nhạc của sinh viên. Trong khi đó hát, múa đòi hỏi học sinh phải có năng khiếu và thường xuyên được thực hành, tham gia biểu diễn để nâng cao trình độ, sửa sai. Việc không được tiếp xúc thường xuyên với các loại hình nghệ thuật cũng là thiệt thòi của học sinh đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong quá trình học nhạc tại trường phổ thông (tiểu học, trung học cơ sở), mặc dù học sinh thi đầu vào đã học âm nhạc theo quy định của Bộ giáo dục đào tạo, nhưng thời gian chỉ một tiết/1 tuần. Cụ thể: mầm non học một tiết từ 15 phút đến 20 phút, tiểu học: 35 phút, trung học cơ sở: 45 phút, lớp 9 cấp Trung học cơ sở chỉ học nhạc trong một kì, cấp trung học phổ thông chưa có bộ môn âm nhạc. Chưa tính đến chất lượng học nhạc, hầu hết tại các cấp phổ thông ở vùng sâu, vùng xa học theo lối đại trà. Đây là một trong những nguyên nhân tạo cho sinh viên thiểu số có thái độ rụt rè, thiếu tự nhiên trong học âm nhạc.

Trong thi tuyển năng khiếu đầu vào hệ CĐSP Mầm non chỉ thi một ca khúc thiếu nhi, nên hội đồng tuyển chưa đánh giá, kiểm tra chính xác khả năng, chất giọng, năng khiếu âm nhạc của những thí sinh thuộc đối tượng cử tuyển. Như vậy, dẫn đến tình trạng sau trúng tuyển đã phát hiện một số sinh viên không có năng khiếu âm nhạc, gây khó khăn trong đào tạo đạt chuẩn đào tạo giáo viên mầm non. Những sinh viên dân tộc thiểu số tại Điện Biên luôn bị ảnh hưởng âm ngữ, thổ ngữ tộc người (Thái, Hmông...). Khi học âm nhạc, đặc biệt môn hát bị hạn chế do tật ngôn ngữ gây ra như: nói ngọng, nhả âm, nhả chữ. Các em phát âm ngọng ở các lỗi như sau: SV dân tộc Thái phát âm chữ d thành l, Điện Biên thành Liện Viên; các em dân tộc H’mông phát âm im thành in, con chim thành con chin. Đây là các lỗi do sinh viên không phân biệt được phụ âm, bị lẫn lộn giữ l với đ, m với n. Với những lỗi như trên giảng viên trực tiếp giảng dạy bộ môn thanh nhạc đãp dụng một số biện pháp sửa ngọng cho sinh viên.

Hướng dẫn sinh viên cách phát âm: Đối phụ âm l là phụ âm phát ra ở mặt lưỡi, khi nói phụ âm l âm thanh phát ra miệng phải mở, luồng hơi bay ra. Phụ âm đ là phụ âm phát ra ở cuỗng lưỡi và thanh hầu, khi nói phụ âm đ âm thanh ra phải rung lên, luồng hơi đi ra bị cản lại do một số bộ phận phát âm. Phụ âm m là phụ âm phát ra ở môi, khi phát âm 2 môi phải chạm nhau. Phụ âm n là phụ âm vang, khi phát âm 2 môi không chạm nhau, miệng không khép, lưỡi phải chạm răng. Biện pháp này chúng tôi sử dụng ở bước đọc lời ca, trong quy trình dạy học hát. Luyện thanh bằng các chữ l và đ đối với sinh viên dân tộc Thái, m và n đối với sinh viên dân tộc H’mông, đây là một trong những biện pháp có hiệu quả để giúp sinh viên phát âm không bị ngọng. Sinh viên sau khi luyện âm qua phương pháp trên có đến trên 90% sửa được ngọng trong phát âm khi hát, giao tiếp.

Ví dụ 1: Mẫu số 1 luyện chữ đ

Ví dụ 2: Mẫu số 2 luyện chữ l

Ví dụ 3: Mẫu số 3 luyện chữ m

Ví dụ 4: Mẫu số 4 luyện chữ n

            Mẫu luyện thanh số 1 dùng trường độ nốt trắng, tốc độ chậm rãi, từ từ để sinh viên xác định vị trí âm thanh ở cuối lưỡi. Mẫu số 2 dùng trường độ nốt tròn ngân dài để luyện tập cho lưỡi chưa linh hoạt, khẩu hình mở đúng.

            Mẫu luyện thanh số 3 với các mẫu âm mê, ma với trường độ chùm 3 móc đơn, để sinh viên luyện tập khi phát âm 2 môi phải chạm vào nhau, dùng hơi thở âm bật cùng với mẫu luyện thanh số 4, luyện tâp cho sinh viên cách đặt vị trí đầu lưỡi ở chân răng, 2 môi không chạm vào nhau, miệng không khép.

            Trong quá trình dạy hát, ban đầu nên chọn các bài có nhiều  chữ l, đ, m, n để luyện tập. Trong chương trình các bài hát mầm non có thể chọn một số bài Vì sao chim hay hót của Hà Hải, Vui đến trường của Hồ Bắc, Cháu vẽ ông mặt trời của Tân Huyền. Trước khi vào hát sinh viên trải qua quá trình đọc lời ca, đây là thuận lợi để sinh có thêm thời gian luyện đọc các từ có những phụ âm, l, đ, m, n. Sửa ngọng là một phần rất cần thiết đối với sinh viên chuyên ngành SPMN, giảm bớt được nhược điểm giọng hát của các em. Qua thời gian sửa giọng giảng viên nhà trường nhận thấy sinh viên có tiến bộ, trong khi hát gần như đã biết phân biệt được các phụ âm l, đ, m, n. Trong giao tiếp các em cũng từng bước sửa được việc phát âm ngọng.

Có thể nói với những cố gắng, tìm phương pháp phù hợp, đúng để luyện thanh, sửa phát âm ngọng cho sinh viên khi học hát và giao tiếp đã tạo bước ngoặc trong việc dạy và học của giảng viên và sinh viên nhà trường. Quan trọng hơn sau khi tiếp thu được kiến thức được đào tạo, các thế hệ giao viên sẽ truyền đạt kiến thức, cách phát âm chuẩn đã được học đến các thế hệ học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục Điện Biên.

 

                                     TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Nguyễn Hữu Châu - Nguyễn Xuân Cường- Trần Bá Hoành - Nguyễn Bá Kim- Lâm Quang Thiệp (2007), Đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy giáo viên THCS, Nxb Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hà Nội.

2.    Huỳnh Hoàng Cư (2013), Giáo trình cơ sở Thanh nhạc- Bậc Đại học- Ngành sư phạm Âm nhạc (tái bản lần thứ nhất), Nxb Đại học Huế, Huế.

3.    Trần Hữu Du (1983), Giáo dục âm nhạc trong trường mẫu giáo, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

4.    Đào Ngọc Dung (1997), Những bài hát tập thể đồng ca, hợp xướng, (tập I, II, III), Cao đẳng Sư phạm Nhạc- Họa TW, Hà Nội

5.    Hoàng Công Dụng (2015), Tuyển tập bài hát dành cho trẻ Mầm non, theo chương trình giáo dục Mầm non, Tái bản lần thứ hai, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

6.Đỗ Hương Giang (2006), Một số bài tập rèn luyện kỹ năng thể hiện sắc thái trường độ trong dạy học thanh nhạc năm thứ 2 hệ THSP Âm nhạc, Trường Đại học Sư phạm Nghệ Thuật TW, Hà Nội.

7.    Trần Công Hòa (2001), Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy môn âm nhạc cho học sinh Trung học Sư phạm Mẫu giáo trường CĐSP Hưng Yên, Luận văn cao học LL&PP dạy học Âm nhạc, HVANQGVN

8.    Phạm Thị Hòa, Ngô Thị Nam (2013), Giáo dục âm nhạc (sách dùng cho khoa Giáo dục Mầm non), tập I, Nxb Đại học sư phạm, Hà Nội.

9.    Đặng Thành Hưng (2002), Dạy học hiện đại - Lý luận, biện pháp, kỹ thuật, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.

10.  Nguyễn Trung Kiên (2001), Phương pháp sư phạm thanh nhạc, Nhạc viện Hà Nội - Viện Âm nhạc, Hà Nội

11.  Trần Kiều (1995), Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực hóa hoạt động dạy học, Đề tài cấp Bộ -  Viện Khoa học Giáo dục, Hà Nội.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k4– Chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học Âm nhạc