Nghiên cứu lý luận

Giải pháp nâng cao hoạt động quản lý dịch vụ Karaoke, vũ trường ở thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh

13 Tháng Chín 2016

                                                                                       Bùi  Mạnh Thắng [*]

 

 Từ khi Chính phủ có chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, đã mở đường tạo cơ hội phát huy nguồn lực trong nhân dân cùng tham gia phát triển văn hóa theo mô hình xã hội hóa. Thực hiện chủ trương trên, nhiều mô hình hoạt động văn hóa như: Câu lạc bộ, đội nhóm văn hóa, loại hình dịch vụ karaoke, vũ trường cũng dần phát triển, các chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở đầu tư ở mức độ vừa và nhỏ đã thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân đến tham gia sinh hoạt vui chơi trong thời gian rảnh rỗi, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần trong nhân dân.

Để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động dịch vụ karaoke, vũ trường trên địa bàn thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh phù hợp với nhu cầu lợi ích xã hội, tạo điều kiện thuận lợi trong quản lý và tổ chức kinh doanh đạt hiệu quả, hạn chế thấp nhất về tệ nạn xã hội, các vụ cháy nổ do hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường gây ra theo tôi, cần xây dựng các quy định, điều kiện, tiêu chuẩn hoạt động, quản lý dịch vụ này như sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tuyên truyền nâng cao nhận thức về hoạt động karaoke, vũ trường

Tăng cường công tác nghiên cứu lý luận, làm rõ các vấn đề, tính chất hoạt động, về trách nhiệm của các tổ chức xã hội trong hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường để từ đó tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phù hợp. Tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về các Chỉ thị, Nghị định, Nghị quyết, Thông tư… cùng các văn bản chỉ đạo của tỉnh, của thành phố về những quy định trong lĩnh vực hoạt động karaoke, vũ trường đến các đơn vị, tổ chức và nhân dân để họ nhận thức đúng, đầy đủ nhằm thực hiện có hiệu quả chủ trương lành mạnh hóa trong kinh doanh hoạt động karaoke, vũ trường.

Mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn ngắn ngày, thông báo các quy định, điều kiện, tiêu chuẩn cho phép  hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường, những quy định nghiêm cấm và hình thức xử phạt hành chính trong hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường đến các chủ cơ sở để họ nắm bắt và kinh doanh đúng pháp luật.

Phát động thi đua, xây dựng và nhân rộng các điển hình đối với cơ sở tổ chức hoạt động kinh doanh lành mạnh, tích cực tham gia công tác xã hội. Khuyến khích, động viên khen thưởng kịp thời và đưa ra những quy định bảo mật, đảm bảo an toàn đối với tổ chức, cá nhân có công khai báo, tố giác những biểu hiện vi phạm tệ nạn xã hội nghiêm trọng trong kinh doanh karaoke, vũ trường.

Thứ hai, thực hiện nghiêm các điều kiện, tiêu chuẩn phòng karaoke, vũ trường

 Phòng karaoke phải có diện tích 20m2 trở lên, công trình phụ bố trí bên ngoài, hợp lý để sử dụng chung cho nhiều phòng karaoke khác. Phòng hát karaoke xây dựng phải thông thoáng đảm bảo cách âm tường và trần phòng, biển hiệu phải được làm theo đúng quy định của Luật Quảng cáo số 16 năm 2012.

 Phòng vũ trường phải có diện tích từ 80m2 trở lên. Trang thiết bị, phương tiện hoạt động của phòng khiêu vũ đảm bảo tiêu chuẩn âm thanh, ánh sáng. Có nội quy hoạt động được niêm yết công khai ở vũ trường. Đảm bảo ánh sáng trong phòng khiêu vũ trên 10 Lux tương đương 01 bóng đèn sợi đốt 40W cho 20m2. Đảm bảo về cách âm tường và trần phòng, các thiết bị trong âm thanh, ánh sáng trong phòng vũ trường cần đảm bảo chất lượng kỹ thuật cao.

Thứ ba, thực hiện nghiêm điều kiện, tiêu chuẩn đội ngũ nhân viên phục vụ

Nhân viên phục vụ phải đủ 18 tuổi, có hợp đồng lao động, được tập huấn về kỹ năng chuyên môn, văn minh trong giao tiếp, ứng xử; đạo đức, lối sống, được cấp chứng chỉ hành nghề theo chương trình đào tạo của ngành Lao động Thương binh và Xã hội; phải được trang bị đồng phục kín đáo, có phù hiệu tên để khách hàng dễ dàng nhận biết mới được làm việc phục vụ tại cơ sở karaoke, vũ trường. Mỗi phòng karaoke chỉ sử dụng 01 nhân viên phục vụ (nam hoặc nữ) để điều chỉnh hệ thống máy hát karaoke, máy điều hòa, ánh sáng. Đặc biệt, nhân viên nữ không được ngồi chung với khách nam và lưu lại trong phòng karaoke sau khi hoàn thành xong công việc của mình. Mở các lớp đào tạo nhằm chuẩn hóa đội ngũ nhân viên phục vụ, có cấp chứng chỉ hành nghề; văn minh giao tiếp ngày được cải thiện trong xã hội văn minh hiện đại.

Thứ tư, thể chế hóa các văn bản pháp quy về thủ tục cấp giấy phép

Trong thời gian qua, hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa có dấu hiệu đi chệch hướng chỉ đạo của nhà nước và hướng dẫn của Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch đã làm nảy sinh nhiều tiêu cực về tệ nạn xã hội, có nơi “điểm nóng” kéo dài và tồn tại nhiều năm liền, nhưng chưa kịp thời chấn chỉnh, xử lý theo đúng quy định. Để thể chế hóa các văn bản pháp quy nhà nước và thủ tục cấp giấy phép hành nghề kinh doanh, cần nghiên cứu thực hiện những vấn đề sau:

Trên cơ sở các văn bản pháp quy của nhà nước và ngành dọc cấp trên về các điều khoản quy định hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường để vận dụng, cụ thể hóa vào tình hình, đặc điểm, điều kiện, nhu cầu thị hiếu của công chúng thành phố Uông Bí trong hiện tại cũng như dự báo tương lai. Từ đó tham mưu cho Thành Ủy - UBND Thành phố xây dựng đề án quy hoạch phát triển toàn diện các loại hình kinh doanh dịch vụ văn hóa trên địa bàn thành phố mang tính chiến lược, lâu dài. Trong đó chú trọng một số loại hình văn hóa nhạy cảm nhất là hoạt động karaoke, vũ trường. Nghiên cứu, cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy - Thành ủy; kế hoạch của UBND tỉnh và thành phố Uông Bí theo điều kiện cụ thể và nhu cầu khách quan của nhân dân, để từ đó xây dựng một quy chế phối hợp với các ngành, địa phương trong quản lý, kiểm tra xử lý vi phạm hoạt động karaoke, vũ trường đúng quy định của pháp luật hiện hành.   

Thứ năm, lập sổ điện tử theo dõi hoạt động dịch vụ karaoke, vũ trường

Việc lập sổ điện tử theo dõi hoạt động dịch vụ văn hóa trong đó có dịch vụ karaoke, vũ trường trên toàn địa bàn thành phố nhằm tăng cường công tác phối hợp quản lý giữa các phòng, ban, ngành chức năng chuyên môn của thành phố với UBND các xã, phường để kịp thời nắm bắt tình hình hoạt động kinh doanh của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa; để có số liệu chính xác trong công tác quản lý đối với từng xã, phường như: Tổng số cơ sở trên từng lĩnh vực (karaoke; vũ trường; quán bar; dịch vụ trò chơi điện tử công cộng và một số loại hình vui chơi giải trí khác); số cơ sở được cấp phép, số cơ sở chưa được cấp phép; số lần kiểm tra, số cơ sở được kiểm tra; hình thức xử lý.

           Thứ sáu, đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quản lý

Đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng của công tác quản lý cũng như định hướng phát triển văn hóa, xã hội. Từ thực trạng đội ngũ cán bộ văn hóa hiện nay và xuất phát từ vai trò của công tác cán bộ do đó cần quy hoạch lại đội ngũ cán bộ văn hóa từ thành phố đến cơ sở để phân loại và có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công việc quản lý hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa. Có chính sách ưu đãi để thu hút nhân tài ở các nơi khác đến làm việc tại Thành phố. Cần có kế hoạch ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm quản lý văn hóa cả về số lượng và chất lượng. Nên có chế độ đãi ngộ thích hợp, coi đó là sự động viên để họ yên tâm công tác, đóng góp sức lực vào công việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. 

Thứ bảy, tăng cường công tác kiểm tra hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường

Đẩy mạnh tăng cường công tác kiểm tra, kế hoạch hoạt động theo chế độ định kỳ, bất thường, thường xuyên liên tục. Quy định trách nhiệm của từng thành viên trong thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, đồng thời phát huy tính dân chủ và cùng nhau giám sát công việc. Kế hoạch tổ chức kiểm tra phải bảo mật, không thông báo trước nhằm đảm bảo yếu tố nghiêm túc, trong sạch bất ngờ. Xây dựng quy chế phối kết hợp giữa các lực lượng kiểm tra trên địa bàn thành phố; đề ra phương án kiểm tra chéo giữa các địa bàn xã, phường nhằm phát huy tính tích cực và nâng cao hiệu quả trong công tác thanh, kiểm tra. Nghiêm cấm, có hình thức xử lý đối với những cán bộ kiểm tra có mối quan hệ móc nối bất chính với các chủ quán karaoke, nhà hàng karaoke, vũ trường. Vì trên thực tế vẫn còn không ít cán bộ bao che cho các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường.

Để quản lý tốt hoạt động dịch vụ karaoke, vũ trường đòi hỏi phải áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ. Trước hết, các nhà quản lý văn hóa cần tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tuyên truyền nâng cao nhận thức về hoạt động karaoke, vũ trường tới cộng đồng; thực hiện nghiêm các điều kiện, tiêu chuẩn phòng karaoke, vũ trường; điều kiện, tiêu chuẩn đội ngũ nhân viên phục vụ; thể chế hóa các văn bản pháp quy về thủ tục cấp giấy phép; lập sổ điện tử theo dõi hoạt động dịch vụ karaoke, vũ trường; tổ chức đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quản lý; tăng cường công tác kiểm tra hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường. Các giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động dịch vụ karaoke, vũ trường được áp dụng sẽ góp phần thực hiện tốt hơn nhiệm vụ quản lý hoạt động dịch vụ này ở thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Văn Bính (chủ biên) (2011), Giáo trình lý luận văn hóa và đường lối văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị - Hành chính, Hà Nội;

2. Chính phủ (2009), Nghị định số 103/NĐ-CP, Ban hành Quy chế hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng;

3. Đảng cộng sản Việt Nam (2014), Nghị quyết 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Nxb Lao động, Hà Nội;

4. Phan Hồng Giang - Bùi Hoài Sơn (đồng chủ biên) (2014), Quản lý văn hoá Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế, Nxb Chính trị Quốc gia - Hà Nội;

5. Vũ Thị Phương Hậu (2008), Quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa những vấn đề lý luận và thực tiễn, Đề tài cấp cơ sở Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh;

6. Hồ Chí Minh (1990), Hồ Chí Minh toàn tập (tập 3), Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội;

7. Trần Ngọc Thêm (1998), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội;

8. Phan Văn Tú (1999), Đại cương về khoa học quản lý, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội;

9. Phan Văn Tú, Nguyễn Văn Hy, Hoàng Sơn Cường, Lê Thị Hiền, Trần Thị Diên (1998), Quản lý hoạt động văn hoá, Nxb Văn hoá - Thông tin, Hà Nội;

10. Nguyễn Phú Trọng, Trần Xuân Sầm (2001), Luận cứ khoa học cho việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

 

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k2– Chuyên ngành Quản lí Văn hóa