Nội san

Một số thủ pháp soạn phần nhạc kết cho ca khúc trên đàn Electronics Keyboard

01 Tháng Mười 2016

                                                                             Phạm Anh Tuấn [*]

 

Những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, đàn phím điện tử trở nên phổ biến trong nhiều hoạt động âm nhạc ở Việt Nam. Trong các chương trình biểu diễn chuyên nghiệp, đàn phím điện tử luôn đóng vai trò chủ lực, dẫn dắt, làm âm thanh nền khi phối hợp với nhạc cụ: bass, trống (Drum), guitar, tạo hiệu quả âm nhạc sống động, phong phú. Với nghệ thuật không chuyên, đàn phím điện tử có thể thay thế một dàn nhạc qua tính năng đặc biệt, vượt trội các loại nhạc đàn khác.

Xuất phát từ nguyên lý cấu tạo tích hợp nhạc khí châu Âu, Mỹ, trong đó hệ thống âm sắc (voice) mô phỏng dàn nhạc (symphony) đem lại cảm nhận thực cho người nghe. Là nhạc khí có âm sắc đa dạng, do đó đàn phím điện tử nhanh chóng trở thành nhạc cụ chủ lực trong dàn nhạc nhẹ, đồng thời là loại đàn chuyên đệm trong các chương trình biểu diễn ca- múa- nhạc (nhỏ và vừa). Tại các trường phổ thông, đàn phím điện tử thường được sử dụng trong hoạt động giảng dạy âm nhạc gồm: ca hát, đọc nhạc, nghe nhạc... Đàn phím điện tử không chỉ giúp giáo viên chủ động trong giờ dạy đạt hiệu quả mà còn tự tin trong tổ chức thực hiện các chương trình hoạt động ngoại khóa…

Đàn phím điện tử có thể đệm cho thanh nhạc và cho nhạc cụ diễn tấu khác. Về cơ bản, nó thường sử dụng bộ đệm tự động được cài sẵn, bên cạnh đó cũng có thể sử dụng các kỹ thuật đệm như đàn piano. Phần đệm đóng vai trò phụ của một ca khúc nhưng nó có thể “nâng cánh” cho lời ca, giai điệu, tăng sức thu hút cho tác phẩm. Một ca khúc có thể có nhiều cách đệm khác nhau. Có những phần đệm trở thành một yếu tố không thể tách rời giai điệu của ca khúc, khi đó giai điệu cộng với phần đệm mới trở thành một chỉnh thể tác phẩm.

Có thể nói, phần đệm đã chiếm một vị trí rất quan trọng trong việc bổ sung hình tượng nghệ thuật cho ca khúc, nó chính là một bước kế tiếp của sự sáng tạo sau giai điệu. Có rất nhiều thủ pháp để soạn đệm từng phần cho ca khúc như dạo đầu, dạo giữa, kết thúc và các câu nhạc nối, phần nền tay phải cho giai điệu. Mỗi thể loại ca khúc lại có cách kết thúc tác phẩm khác nhau, tuy nhiên nó cùng dựa trên các thủ pháp soạn kết như: phiên khúc, điệp khúc, các nhóm hợp âm mẫu, ý nhạc…

Tương tự như mở đầu, phần kết giữ vai trò quan trọng, mục đích tổng kết toàn bộ chất liệu, âm hưởng, nhịp điệu, hòa thanh mà trước đó các thành phần đã tham gia. Về chức năng: tóm tắt những đường nét chính của chất liệu chủ đề, kết thúc sự phát triển, tạo sự cân bằng, ổn định. Tùy tác phẩm, khuôn khổ của phần kết có thể ngắn hoặc dài. Thông thường , phần kết ngắn khoảng 2- 4 nhịp, dài: 8- 12 nhịp. Ý nghĩa nhạc kết nêu được cảm xúc, liên tưởng đến hình tượng nghệ thuật. Một phần nhạc kết ấn tượng, cô đọng, góp phần vào thành công chung tiết mục biểu diễn. Có rất nhiều cách thực hiện phần kết. Dưới đây, bài viết xin đưa ra một số cách thực hiện phần kết thường được sử dụng:

 Phần kết sử dụng ending trong bộ đệm tự động trên đàn Keyboard

Là thủ pháp kết của bộ đệm tự động, người đệm chỉ bấm nút ending, nhạc phần kết trong đàn tự động vang lên mà không cần một thao tác nào khác. Cách làm đơn giản, phù hợp với người mới học đàn.

Cách sử dụng như sau: trên đàn Keyboard có 3 chế độ kết (ending) với 3 cách kết khác nhau. Kết ngắt: bấm nút ending số 1, bộ đệm tự động chỉ tạo tối đa 2 ô nhịp. Kết lửng: bấm ending 2, âm nhạc nhịp kết kéo dài và các thành phần nhạc cụ trong bộ đệm tự động vang lên đầy đủ. Kết trọn: sử dụng ending 3, âm nhạc kéo dài với những âm hình tiêu biểu trong các fill (dồn đầy), phrase (câu chèn đầy) vang lên đầy đủ, tùy theo tiết tấu đã chọn, quy mô kết kéo dài từ 4- 12 nhịp.

 Kết sử dụng giai điệu trong bài hát

VD:

 ANH CÒN NỢ EM

Sáng tác: Anh Bằng

                                                                                                  Soạn kết: Sưu tầm

Câu nhạc kết trên nhắc lại phần giai điệu (đoạn b) trong bài hát Anh còn nợ em. Vòng công năng: I- VII- I- VII (2 ô nhịp cuối) sau khi hoàn thành mới về kết ở hợp âm chủ (Em). Kiểu kết lại đem lại cảm giác an toàn, ổn định, như nét vẽ tô đậm một giai điệu cần nhắc lại trong bài hát.

Kết bằng xử lý tốc độ (tempo) chậm dần (rall)

            VD:

CARRIE

Ban nhạc: Europe

 

Bằng thủ pháp để tốc độ chậm dần rồi dừng hẳn, kết tạo âm hưởng lắng đọng, lưu giữ cảm giác như không muốn hết, chấm dứt. Đây là lối kết phổ biến của nhiều ban nhạc nổi tiếng trên thế giới trong quá trình biểu diễn. Khi tốc độ chậm dần, những hợp âm khác nhau (trong bài) xoay chuyển cùng âm lượng, nhạc cụ để diễn tả sắc thái không muốn kết thúc, mà lắng đọng theo âm hưởng bài hát đến người nghe.

 

Kết ngắt

            VD:

BABY ONE MORE TIME

Ca sĩ: Britney Spears

Soạn kết: Sưu tầm

Bài Baby One More Time được kết ngắt cùng với giai điệu chính của bài hát. Đây là kiểu kết đối lập với chậm dần lại, tạo cho bài hát dừng đột ngột, nhằm gây hiệu quả bất ngờ, hụt hẫng tới người nghe. Về giá trị, kết ngắt vẫn tác dộng vào tâm lý con người bằng âm hưởng kết mà không kết, có nghĩa kết thúc toàn bộ âm nhạc, lúc đó người nghe nhớ lại những diễn biến, giai điệu, lời ca trước đó. Âm hưởng của bài hát vẫn còn vang trong tâm tư, tình cảm, để lại những vấn đề cần lý giải, tự suy.

 Kết bằng cách nhắc lại nhạc mở đầu

Có 2 thủ pháp: nhắc lại nguyên dạng hoặc thay đổi.

Nhắc lại nguyên dạng có nghĩa không thay đổi bất cứ chi tiết nào của phần mở đầu. Cách kết này còn gọi là giả kết, tạo cho người nghe như chơi lại lần nữa toàn bộ bài hát. Sau khi tái hiện lại mở đầu, âm nhạc dừng lại, kết thúc ở đó, một thủ pháp gây ấn tượng với người nghe.

VD:                                      BÓNG CẢ

Vũ Quốc Việt

Soạn kết: Sưu Tầm

Câu nhạc kết trong bài Bóng cả của nhạc sĩ Vũ Quốc Việt được nhắc lại nguyên xi của câu dạo đầu. Câu nhạc dài 8 nhịp theo lối kết trọn vẹn T- S- D- T.

Phần kết thay đổi nhịp điệu

            VD:                                                                                Soạn kết: Sưu tầm

 

Bài hát Đã không yêu thì thôi do ca sĩ Minh Tuyết biểu diễn, phần kết nhắc lại nguyên xi giai điệu và hòa âm 4 ô nhịp phần mở đầu, nhưng thay đổi nhịp điệu, tốc độ: từ 8 nhịp có tốc độ: 62 sang 4 nhịp tốc độ: 124. Tạo cho kết sinh động, hiệu quả mới.

Phần kết bằng một chất liệu âm nhạc mới tương phản với chất liệu âm nhạc trong tác phẩm.

VD:

ẢO ẢNH

Y Vân

Soạn kết: Sưu tầm

Bài Ảo Ảnh (sáng tác: Y Vân) sử dụng hòa thanh bước lần đi xuống: I- VII- VI (Cm- Bb- Ab), sau đó giải quyết ngược lại về hợm âm chủ (Cm- Bb- Cm).

Kết có nhiều thủ pháp, nhưng lại có 2 dạng chủ yếu: kết hẳn (hoàn toàn), kết nửa (hoặc kết lửng, kết tạm).

Kết hẳn: hợp âm cuối là T (I)

Kết nửa: hợp âm cuối là D (V) hoặc S (IV)

Kết hẳn tạo tính chất ổn định, vững chắc, trọn vẹn. Kết nửa không ổn định, đòi hỏi âm nhạc tiếp tục pháp triển.

Kết hẳn, kết nửa chia làm hai loại: chính cách, biến cách.

Kết hẳn chính cách: hợp âm D đặt trước hợp âm T.

VD :                                             ANH

Sáng tác:Vũ Quốc Việt

Soạn kết : Sưu tầm

Phần kết bài Anh của Vũ Quốc Việt được có quy mô kết gồm 6 nhịp theo kiểu bè Bass đi xuống cromatic từ VII về V, tạo kết chính cách.

Kết hẳn biến cách: Kết có hợp âm S đặt trước hợp âm T

VD:                                            CARRIE

Ban nhạc: Europe

Bài Carrie tiến hành kết hẳn biến cách theo vòng hòa thanh VI- V- I- IV- I.

Kết nửa chính cách: Kết bằng hợp âm D ở cuối câu.

VD :                                        ĐÊM THẤY TA LÀ THÁC ĐỔ

Trịnh Công Sơn

                                                                                             Soạn kết: Sưu tầm

Bài Đêm thấy ta là thác đổ viết ở giọng Em, kết nửa chính cách, không kết về hợp âm chủ (T), mà kết hợp âm bậc V (D).

 


Kết nửa biến cách: bằng hợp âm S ở cuối.

VD:                                 Mùa Xuân làng Lúa làng Hoa

                                                                                         Sáng tác:Ngọc Khuê

                                                                                         Soạn kết: Sưu tầm

Bài Mùa xuân làng lúa làng hoa viết ở giọng La thứ (Am), nhưng được tiến hành kết ở bậc IV (S), kiểu kết nửa biến cách kết hợp với chuyển điệu cấp I (t- S) và để bài hát nhỏ dần tạo cảm giác mênh mang, âm hưởng đọng lại cho người nghe.

Kết hoàn toàn: T- S- D- T.

VD:                                     BÓNG CẢ

  Sáng tác:Vũ Quốc Việt

Soank kết: Sưu tầm

Đây là kiểu tiến hành kết phổ biến nhất trong đệm ca khúc, sau khi phần phát triển của bài hát kết thúc, người đệm đàn thường tiến hành giai điệu bằng các bước lần đi xuống liền bậc tạo cho người nghe một cảm giác kết đầy đủ hoàn toàn theo vòng hòa âm T- S- D- T.

Tóm lại, trình tự biểu diễn một ca khúc phổ thông ở Việt Nam hiện nay luôn có kết cấu với sự tham gia đầy đủ 5 thành phần chính: mở đầu (intro), trình bày (presentation), cầu nối (episode) hoặc dạo giữa (interlude), tái hiện (Reprodution), kết (Ending) .Trong quá trình ứng dụng các kỹ thuật hai tay trên đàn keyboard, những thành phần này luôn là chức năng đệm quan trọng, đòi hỏi kỹ năng, hiểu biết cấu trúc, sơ đồ để soạn đệm hát hiệu quả nhất.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Ngọc Anh (2013), Nâng cao chất lượng giảng dạy Keyboard cho sinh viên đại học sư phạm âm nhạc tại Hà Nội, luận văn thạc sỹ sư phạm âm nhac, Học viện âm nhạc Quốc gia.

2. Phạm Chinh (2001), Hướng dẫn thực hành phần đệm trên đàn organ, Nxb Âm nhạc Hà Nội.

3. Đào Ngọc Dung (2001), Phân tích tác phẩm Âm nhạc, Nxb Giáo dục

4. Nguyễn Hạnh (1999), Thực hành Keyboard 1, Nxb Thanh Niên.

5. Phạm Phương Hoa (2004), Phân tích và cách viết II – Hòa thanh công năng, Nhạc viện Hà nội. 

 6. Phạm Lê Hòa (2012), Phân tích tác phẩm Âm nhạc hệ ĐHSP, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k4– Chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học Âm nhạc