Nội san

Biện pháp nâng cao chất lượng dạy hát cho sinh viên ngành giáo dục mầm non Trường Đại học Đồng Tháp

04 Tháng Mười 2016

Võ Ngọc Quyên [*]

 

Giáo dục âm nhạc hay dạy hát trong đào tạo giáo viên mầm non (GVMN) xuất phát từ yêu cầu thực tiễn ở các trường mầm non, bởi hầu như hoạt động ca hát luôn gắn liền với các hoạt động khác. Thông qua ca hát, GVMN có thể tích hợp để giáo dục trẻ rất nhiều điều như: giúp trẻ làm quen với môi trường xung quanh, làm quen với toán học, văn học…

Với chức năng giải trí, xã hội và mang tính giáo dục cao, Âm nhạc có vai trò giáo dục toàn diện về các mặt đức - trí - thể - mỹ cho trẻ mẫu giáo, học sinh và sinh viên nói riêng. Do đó, giáo dục âm nhạc hay dạy học hát trong chương trình đào tạo giáo viên mầm non ở các trường cao đẳng, đại học nói chung, Trường Đại học Đồng Tháp nói riêng, giữ vai trò không kém phần quan trọng so với các môn học khác. Môn học này không chỉ trang bị những kiến thức cơ bản về âm nhạc cũng như những kiến thức về ca hát, để sinh viên (SV) có khả năng thực hành âm nhạc sau khi ra trường, mà còn là một trong những phương tiện giáo dục hiệu quả nhất, góp phần hình thành tư tưởng, tình cảm và lối sống đạo đức, thẩm mỹ đúng đắn cho SV.

Theo tác giả Ngô Thị Nam: “GVMN cần phải có năng lực hoạt động âm nhạc nhất định, trong đó có năng lực ca hát”. Sinh viên chuyên ngành GDMN học hát không phải để trở thành những ca sĩ chuyên nghiệp, nhưng để thực hiện mục tiêu giáo dục ở nhà trẻ - mẫu giáo, cho nên họ không cần phải hát thật hay. Tuy nhiên, họ cần phải hát đúng giai điệu và thể hiện đúng sắc thái, tình cảm của bài hát. vậy, việc rèn luyện kỹ năng hát cho SV là một nội dung không thể thiếu trong chương trình đào tạo giáo viên mầm non.  

Trong thực tế dạy học tại Trường ĐH Đồng Tháp, vấn đề dạy học âm nhạc hay dạy hát cho sinh viên ngành Giáo dục Mầm non ở trường còn nhiều bất cập: ngoài những SV có năng khiếu hát tốt và những SV hầu như không biết hát, còn rất nhiều SV có tai nghe âm nhạc kém, không có khả năng nhắc lại chính xác giai điệu bài hát; không biết cách điều khiển giọng hát, nhiều SV hát lên giọng, xuống giọng rất bất thường… nhưng do điều kiện khách quan và chủ quan nên việc rèn luyện kỹ năng hát đúng cao độ, tiết tấu... cũng như kỹ năng thể hiện bài hát cho sinh viên chưa được giáo viên (GV) quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, việc xây dựng một chương trình, một biện pháp cụ thể nhằm khắc phục thực trạng để nâng cao chất lượng hiệu quả môn học còn chưa được người dạy chú ý... Vì vậy, nhiều SV sau khi tốt nghiệp ra trường vẫn còn hát sai cao độ, trường độ của những bài hát quen thuộc và chưa có khả năng vỡ bài hát mới... Điều này không chỉ tồn tại ở Trường Đại học Đồng Tháp mà có thể nói đó là một thực trạng chung cho các trường cao đẳng, đại học khác trong cả nước về vấn đề này. 

Với những thực trạng trên, chúng tôi đề xuất một số biện pháp như sau: 

1. Phân loại năng khiếu âm nhạc của sinh viên

Năng lực thực hành âm nhạc nói chung, năng lực ca hát nói riêng được hình thành thông qua quá trình học tập và rèn luyện tích cực, bên cạnh đó nó đòi hỏi người học cần phải có năng khiếu ca hát. Mức độ năng khiếu ca hát của một người thường được đánh giá thông qua việc kiểm tra thẩm âm và tiết tấu...

Để góp phần giáo dục có hiệu quả môn Âm nhạc cho SVGDMN cũng như lựa chọn những biện pháp thích hợp cho việc rèn luyện kỹ năng hát đúng và diễn cảm cho sinh viên, thì việc phân loại giọng hát theo năng khiếu của SV là rất cần thiết. Vì vậy, việc xác định và phân loại giọng hát theo năng khiếu là công việc đầu tiên phải làm khi bắt đầu học hát cũng như để dễ dàng hơn cho việc rèn luyện kỹ năng ca hát. Đây là công việc cần thiết và có ý nghĩa quan trọng, từ đó ta có thể định hướng học tập và phương pháp rèn luyện cho từng đối tượng một cách phù hợp, tạo điều kiện phát triển thuận lợi cho giọng hát của SV. Việc xây dựng tiêu chí để phân loại năng khiếu SV là thông qua kết quả tuyển sinh đầu vào năng khiếu âm nhạc và thực tiễn giảng dạy hát cho SV.

2. Xây dựng nội dung dạy học Âm nhạc - dạy hát phù hợp với thời lượng mới của chương trình và phù hợp với trình độ của sinh viên

Để việc rèn luyện kỹ năng ca hát thực sự có hiệu quả, trước hết cần phải xây dựng một chương trình cụ thể, phù hợp với thời lượng và đối tượng người học.

Hiện nay, Trường Đại học Đồng Tháp đã và đang thực hiện quy chế đào tạo theo tín chỉ, các lớp học phần do SV tự chọn, đăng ký lớp học. Vì vậy, trình độ, nhận thức của SV không đồng đều, khả năng hát chuẩn xác của nhiều SV còn rất hạn chế. Hơn nữa, lớp học có quá nhiều SV, đây là lớp học môn năng khiếu mà sĩ số tới 45 – 65 SV/ lớp... như vậy GV sẽ không có đủ thời gian để gọi từng SV hát và sửa sai cho SV. Đó là những khó khăn cho việc dạy học hát của cả thầy và trò.

Sinh viên ngành GDMN sau khi tốt nghiệp ra trường không phải là những người làm trong lĩnh vực âm nhạc chuyên nghiệp, GVMN không dạy nhạc lý cho trẻ, mà mục đích chính là thông qua giáo dục âm nhạc, GVMN dạy trẻ biết cảm thụ âm nhạc, cảm nhận được cái hay, cái đẹp trong âm nhạc, nhận biết những điều hay, lẽ phải thông qua nội dung của những bài hát...; GVMN không nhất thiết phải hát thật hay như ca sĩ chuyên nghiệp, nhưng cần phải biết hát, để dạy trẻ hát và hát cho trẻ nghe; dạy trẻ vận động theo nhạc và cùng chơi trò chơi âm nhạc với trẻ... Do đó, với nội dung và thời lượng của chương trình hiện nay, dành cho đối tượng không chuyên sâu (đa số có năng khiếu rất thấp) là chưa hợp lý, vượt quá khả năng đối với SVGDMN nói chung, SVGDMN Trường Đại học Đồng tháp nói riêng. Tuy nhiên, lý thuyết âm nhạc là cơ sở nền tảng về kiến thức âm nhạc, học tốt lý thuyết âm nhạc, nắm vững kiến thức và biết vận dụng trong thực hành sẽ giúp người học hình thành năng lực hoạt động Âm nhạc. Vì vậy, GV cần nghiên cứu, điều chỉnh, chọn lọc những nội dung cơ bản và cần thiết nhất để dạy cho SV, nhằm trang bị những kỹ năng thực hành âm nhạc như  đàn, hát cùng với các kỹ năng khác, hỗ trợ cho việc thực hành âm nhạc như múa và vận động theo nhạc; hát kết hợp với gõ đệm theo tiết tấu nhanh, chậm...

Để giúp sinh viên tích lũy được một số lượng bài hát cũng như rèn luyện nâng cao kỹ năng ca hát, phục vụ cho việc dạy học sau này, GV nên chọn những bài hát trong chương trình Giáo dục Âm nhạc cho trẻ mẫu giáo, đồng thời lập kế hoạch, nội dung bài dạy hát theo từng chủ điểm như: Chủ điểm trường lớp mẫu giáo, chủ điểm gia đình.

Tuy nhiên, GV cũng có thể sưu tầm thêm những bài hát mới để bổ sung vào nội dung chương trình rèn luyện ngoại khóa (có thể là bài hát thiếu nhi hoặc ca khúc dành cho người lớn...

3. Xây dựng tiến trình thực hiện rèn luyện kỹ năng ca hát

Việc xây dựng tiến trình thực hiện rèn luyện các kỹ năng hát, nhằm giúp SV có cơ sở kiến thức (sườn bài) để có thể tự soạn bài ở nhà trước khi đến lớp; hướng dẫn SV cách tự học, tự rèn luyện kỹ năng ca hát trong giờ học ngoại khóa... từ đó nâng cao năng lực thực hành âm nhạc nói chung, kỹ năng ca hát cho SV nói riêng.

Tiến trình thực hiện rèn luyện các kỹ năng hát như sau: Tìm hiểu sơ lược về tác giả, tác phẩm (nếu có thể) Phân tích sơ lược bài hát (cấu trúc câu, đoạn, nhịp, tiết tấu...); xác định mục tiêu, nội dung bài hát từ đó thiết lập kế hoạch cụ thể nhằm đạt được mục đích, yêu cầu của bài học một cách tốt nhất; xử lý hơi thở - cách khắc phục hụt hơi trong học hát cho SV, luyện tập một số kỹ thuật hát thông qua luyện thanh trên thang âm của các bài hát trong chương trình GDAN cho trẻ ở Trường Mầm non, khắc phục lỗi phát âm sai chính tả; luyện gõ đệm tiết tấu kết hợp với hát...

4. Một số biện pháp khác

 Áp dụng đổi mới phương pháp dạy học hát trong giờ học ngoại khóa:

Thông thường, các nội dung đổi mới phương pháp dạy học được tập trung vào giờ học chính khóa, ít được chú trọng triển khai trong các giờ học ngoại khóa. Vì vậy, để giải quyết thực trạng này, theo chúng tôi, cần phải kết hợp đổi mới phương pháp giảng dạy trong giờ học chính khoá cũng như trong các hoạt động ngoại khoá, tăng cường, chú trọng hình thức tự học, tự rèn luyện kỹ năng hát cho SV thông qua các hoạt động ngoại khóa, tạo sự hứng thú trong học hát cho SV bằng cách áp dụng hình thức hát Karaoke trong rèn luyện kỹ năng hát, sử dụng các phương tiện dạy học hát một cách có hiệu quả.

Để giúp cho việc học ngoại khóa có hiệu quả tốt hơn, GV cần biết áp dụng các phương tiện dạy học cũng như việc vận dụng công nghệ thông tin vào trong dạy học hát. Sinh viên có thể sử dụng điện thoại, máy ghi âm để ghi âm lại bản nhạc được GV đàn trên lớp, hoặc ghi lại giai điệu bài hát để sử dụng trong giờ học ngoại khóa; hoặc sau khi SV đã học xong bài hát ở mức độ hoàn thành, GV có thể cho SV thực hành thể hiện bài hát qua hình thức hát Karaoke… Việc thay đổi hình thức học hát, có thể đem lại hiệu quả cao hơn trong giảng dạy âm nhạc nói chung, dạy học hát nói riêng. GV có thể thiết kế một đĩa hát Karaoke, trong đó có phần hướng dẫn thực hành luyện tập ở mỗi bài hát.

Sử dụng phương tiện dạy học hiệu quả

Phương tiện dạy học là một trong những yếu tố hỗ trợ đắc lực trong quá trình dạy học, giúp phương pháp dạy học trở nên tích cực và hiệu quả hơn, đồng thời góp phần hỗ trợ cho nội dung dạy học.

Chẳng hạn như, khi sử dụng đàn phím điện tử trong quá trình dạy hát, ở bước hát mẫu, GV có thể vừa đệm đàn vừa hát trực tiếp cho SV nghe hoặc trước giờ lên lớp, GV đến sớm hơn, đệm đàn thu vào bộ nhớ của đàn, khi cần sử dụng, GV chỉ cần mở nhạc đệm đã cài sẵn và tập trung vào thể hiện cho tốt bài hát. Như vậy GV sẽ không bị gò bó phải ngồi một chỗ để hát, mà có thể đứng hát, đi lại giao lưu với SV. Sau khi tập cho SV hát từng câu, GV có thể mở nhạc cho cả lớp hát lại, khi đó GV sẽ không bị phân tán sự chú ý khi nghe sinh viên hát, mà có thể dễ dàng bao quát lớp học tốt hơn, dễ dàng phát hiện những chỗ SV hát sai, cần phải được sửa chữa… GV có thể sử dụng các nhạc cụ gõ trong phần hát ôn, làm tăng thêm sự sinh động cho tiết dạy học hát, tuy nhiên GV phải hướng dẫn SV cách gõ sao cho hòa hợp, nhịp nhàng….

Ngoài ra, việc thay đổi phương pháp cũng như các hình thức dạy và học là rất cần thiết. Hiện nay Karaoke là một dạng của hình thức ca hát đã và đang được giới trẻ rất yêu thích, GV có thể sưu tầm băng, đĩa Karaoke các bài hát trong chương trình mầm non và bổ sung một số bài hát ngoài chương trình; áp dụng hình thức hát Karaoke trong giờ học ngoại khóa bằng cách lên kế hoạch cụ thể về thời gian luyện tập, thời gian kiểm tra, đánh giá kết quả luyện tập… GV chọn sẵn “list” - danh sách bài hát cho từng nhóm đối tượng, SV tự chọn bài hát trong danh mục đó để luyện tập theo khả năng ca hát của mình… Qua đó, giúp SV thực hành tập thể, thể hiện bài hát qua hình thức hát này, nhằm ôn lại những kiến thức đã học và rèn luyện kỹ năng ca hát cho sinh viên.

Để hướng tới mục tiêu chung trong giáo dục cũng như việc đào tạo nguồn nhân lực - GVMN có chất lượng, đảm bảo yêu cầu giảng dạy sau này cho SV, bên cạnh việc trang bị cho SVGDMN những kỹ năng nuôi dạy và chăm sóc sức khỏe cho trẻ, chúng ta cần trang bị cho SV những kỹ năng cần thiết khác, trong đó có kỹ năng thực hành âm nhạc nói chung, kỹ năng ca hát nói riêng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    A.Xô Khor (Vũ Tự Lân dịch - 1976), Vai trò giáo dục của âm nhạc, Nxb Văn hóa, Hà Nội.

2.     Bộ Giáo dục và Đào tạo, Vụ Giáo dục Mầm non, Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Mầm non (2001), Hướng dẫn thực hiện công tác chăm sóc giáo dục trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi, Nxb Hà Nội, Hà Nội.

3.    Nguyễn Trung Kiên (2002), Phương pháp Sư phạm Thanh nhạc, Bộ Văn hóa Thông tin - Nhạc viện Hà nội - Viện Âm nhạc.

4.    Ngô Thị Nam (Chủ biên, 1994), Âm nhạc và phương pháp giáo dục âm nhạc, tập II, Nxb Hà Nội.

5.    Ngô Thị Nam (2001), Phương pháp dạy học Âm nhạc, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

6.     Ngô Thị Nam (2005), Hát, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

7.     Nhiều tác giả (1978), Cái đẹp, Nxb Thanh niên, Hà Nội.

8.     Nguyễn Ánh Tuyết (2007), GDMN những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Đại học Sư phạm.

9.     Song Minh (tuyển chọn, 2016), Tuyển tập bài hát hay dùng trong Trường Mầm non, Nxb Thanh Niên, Hà Nội.

* Các Web site:

10.   Error! Hyperlink reference not valid. [Truy cập ngày 05/07/2016]

11.   http://www.music.edu.vn... [Truy cập ngày 14/12/2015]

12. http://www.spnttw.edu.vn/HYPERLINK "http://www.spnttw.edu.vn/nangkhieuvanangkhieucahat"nang-khieu-va-nang-khieu-ca-hat-su-can-thiet-cua-am-nhac-voi-tuoi-tho, Dương Việt Hoàng [Truy cập ngày 27/11/2015]

13.    http://vhnthcm.edu.vn/ve-am-nhac-trong-truong-mam-non-hien-nay/ [Truy cập ngày 9/7/2016]

____________________________

[*] Lớp Cao học k4– Chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học Âm nhạc