Nội san

Ca khúc viết về nhà trường trong định hướng dạy học ở bậc Tiểu học và Trung học cơ sở

30 Tháng Chín 2016

Nguyễn Thị Huyền Trang [*]

 

            Âm nhạc là một trong số ít các môn học nghệ thuật mang tính đặc trưng của việc giáo dục cái hay cái đẹp ở bậc Tiểu học và THCS. Đây là môn học có sức lôi cuốn, dễ gây được hứng thú và niềm say mê đối với học sinh. Bằng những giai điệu đẹp, ca từ trong sáng, giản dị, dễ hiểu, ca khúc về đề tài nhà trường đã góp phần vào việc giáo dục tư tưởng, đạo đức cho học sinh qua tình yêu mái trường, thầy cô, bạn bè; tạo động lực để các em đến trường, thêm tinh thần say mê học tập, góp phần hình thành nên nhân cách cho học sinh trong thời đại mới.

           Trong cuốn Thuật ngữ và kí hiệu âm nhạc thường dùng của Đào Trọng Từ - Đỗ Mạnh Thường - Đức Bằng giải thích “ca khúc là bài hát ngắn có bố cục mạch lạc”.

Tác giả Nguyễn Thị Nhung trong cuốn Thể loại âm nhạc có lý giải kỹ lưỡng hơn về thể loại ca khúc là những ca khúc được thể hiện bằng giọng người “dù là ca khúc dân ca hay ca khúc của các nhạc sĩ chuyên nghiệp thì vai trò chủ yếu được thể hiện là giai điệu. Giai điệu trong các tác phẩm này là những giai điệu hoàn chỉnh, độc lập; thậm chí nếu ko thể hiện bằng lời ca mà dùng một nhạc cụ nào đó tấu lên, nó vẫn mang một ý nghĩa hoàn thiện của một tư duy âm nhạc.

Qua các ý kiến trên, có thể khái quát lại: ca khúc là tác phẩm âm nhạc có lời ca, được thể hiện bằng giọng hát của con người. 

Như trên đã nêu, ca khúc là một thể loại âm nhạc mang tính phổ cập cao, dễ đến được với quần chúng bởi có lời ca, cấu trúc không phức tạp. Có thể nói, quốc gia nào cũng đều có một nền ca khúc của đất nước mình.

Trong vô số các đề tài của ca khúc Việt Nam như: ca ngợi quê hương đất nước, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, xây dựng cuộc sống, tình yêu lứa đôi, ca khúc viết cho thiếu nhi… có một dạng đề tài cũng được nhiều nhạc sĩ quan tâm sáng tác. Đó là ca khúc viết về đề tài nhà trường.

            Theo chúng tôi, ca khúc viết về đề tài nhà trường là những bài hát viết về giáo dục, về lứa tuổi học trò, là những chủ đề về nhà trường như: về thầy cô, nghề dạy học; về tình bạn dưới mái trường, những kỉ niệm thời đi học, những cảm xúc của tuổi học trò…

            Trong hơn nửa thế kỷ qua, âm nhạc cho thiếu nhi nói chung và ca khúc cho thiếu nhi nói riêng đã đáp ứng, tuy chưa đầy đủ những yêu cầu cấp thiết về ca nhạc của tuổi thơ trong cả nước, nhưng đồng thời cũng đáp ứng nhạy bén các yêu cầu của cách mạng trong từng giai đoạn. Mỗi thời kỳ đều có những bài hát hay, có chất lượng nghệ thuật, đọng lại sâu trong tình cảm của trẻ em là những kí ức âm thanh không thể nào quên trong suốt cả cuộc đời.

Riêng mảng ca khúc về đề tài nhà trường bắt đầu xuất hiện từ giai đoạn 1945- 1954, tuy nhiên đến giai đoạn 1954 - 1975 mới thực sự phát triển. Giai đoạn này, tuy chỉ có miền Bắc được giải phóng, đất nước còn chiến tranh nhưng công tác giáo dục thiếu nhi luôn được chú trọng. Chính sự phát triển của giáo dục với hệ thống các trường phổ thông và mầm non trên khắp miền Bắc là yếu tố quan trọng trong sự thay đổi thời đại. Nhiệm vụ, yêu cầu của giáo dục ở giai đoạn này là một “mặt trận” về tư tưởng và văn hóa. Những ngày đầu khi hệ thống giáo dục phổ thông được hình thành và đưa vào đời sống, để các em thiếu nhi đến trường, nhà nước đã phải làm công tác vận động, tuyên tuyền để người dân hiểu được tầm quan trọng không thể thiếu của việc học. Để giáo dục tình yêu của các em đối với học tập, mái trường, thầy cô, bạn bè… mảng ca khúc về đề tài nhà trường đã góp một phần công sức không nhỏ trong mặt trận ấy. Bằng những giai điệu trong sáng, vui tươi, hồn nhiên, thể hiện được tâm tư tình cảm, nhu cầu, mơ ước của học sinh, ca khúc viết về nhà trường phần nào trở động lực để các em đến trường phấn đấu học tập tốt.

            Sang đến giai đoạn 1975 - đến nay, các ca khúc thiếu nhi viết về nhà trường ngày càng phát triển phong phú cả về số lượng, nội dung đề tài, đối tượng phản ánh ở nhiều lứa tuổi khác nhau: mầm non, Tiểu học - THCS, THPT… và trở thành một mảng đề tài đáng được chú ý trong mảng ca khúc thiếu nhi.

Ca khúc thiếu nhi về đề tài nhà trường được đưa vào chương trình dạy học ở môn Âm nhạc từ bậc mầm non tới Tiểu học và THCS. Ở bậc Tiểu học và THCS, lớp nào cũng có bài hát về nhà trường ít nhất từ 1 đến 3 bài cả ở nội dung chính thức và phụ lục. Trong chương trình ngoại khóa các bài hát về nhà trường thường được sử dụng vào các dịp khai giảng, bế giảng năm học; chào mừng các ngày lễ như: ngày Nhà giáo Việt Nam, thành lập Đội Thiếu niên Tiền Phong Hồ Chí Minh, thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh…

            Tuy nhiên, hiện nay đa phần các em có cuộc sống vật chất đầy đủ, thêm vào đó là sự phát triển mạnh mẽ các phương tiện thông tin đại chúng đã có tác động không nhỏ đến sự lựa chọn và thưởng thức âm nhạc của học sinh nên nội dung của các bài hát sử dụng trong chương trình chính khóa nhiều bài có nội dung không còn phù hợp với tâm tư tình cảm của các em nữa. Từ đó dẫn đến tình trạng các em tìm đến với những ca khúc nhạc trẻ không phù hợp với độ tuổi của chính mình và ít nhiều đã hình thành nên quan điểm âm nhạc không lành mạnh, chưa mang tính giáo dục cao. Phần lớn học sinh đều tỏ ra rất hứng thú với các thể loại âm nhạc như: nhạc trẻ, pop, rock có nội dung về tình yêu đôi lứa nhiều hơn là các ca khúc mang nội dung giáo dục đạo đức, giáo dục lòng kính trọng thầy cô...

Bên cạnh những thành tựu ấy, phải nói là ca khúc viết về đề tài nhà trường trong chương trình dạy học ở bậc Tiểu học, THCS vẫn còn một số ít bài đã quá cũ, chất lượng nghệ thuật chưa cao, chưa có nhiều bài mang hơi thở của thời kỳ đương đại và đặc biệt, còn quá ít bài mang tính truyền thống cho ngành nghề đại diện cho từng bậc học.

Khi dạy các bài hát về đề tài nhà trường, năng lực phân tích tác phẩm của giáo viên Tiểu học và THCS còn chưa đồng đều, thậm chí có người do kiến thức yếu không dám khai thác sâu hay mở rộng kiến thức, phụ thuộc nhiều vào sách giáo khoa khiến bài giảng bị hời hợt, thiếu hấp dẫn, sinh động. Trong những buổi hoạt động ngoại khóa, biểu diễn văn nghệ như kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, ngày khai giảng, bế giảng… rất cần các tiết mục hay về nhà trường thì có những giáo viên tỏ ra lúng túng từ việc chọn bài sao cho phù hợp, ý nghĩa cho đến dàn dựng sao cho hay. Những bất cập ấy cũng có một phần nguyên nhân do giáo viên chưa hiểu sâu sắc về cái hay, cái đẹp của ca khúc về đề tài nhà trường, điều đó có ảnh hưởng đến chất lượng dạy học âm nhạc ở Tiểu học và THCS.

            Sau khi nghiên cứu sự phát triển cũng như phân tích nội dung, đặc điểm âm nhạc để đánh giá giá trị nghệ thuật của ca khúc thiếu nhi viết về đề tài nhà trường trong chương trình dạy học âm nhạc ở bậc Tiểu học và THCS, chúng tôi rút ra một số kết luận sau:

            Ca khúc thiếu nhi về đề tài nhà trường trong chương trình âm nhạc bậc Tiểu học và THCS là những bài có giá trị nội dung và nghệ thuật cao: đề tài phong phú; giai điệu đẹp, dễ hát, giàu sức biểu cảm, mang đậm bản sắc Việt Nam.

Về phong cách được chia làm ba dạng chủ yếu: phong cách cổ điển châu Âu, mang âm hưởng dân ca vàcó màu sắc nhạc nhẹ.

Về tính chất âm nhạc có thể phân ra một số dạng tính chất chính như trong sáng vui hoạt, trong sáng trữ tình.       

            Cấu trúc của ca khúc viết về nhà trường cho bậc Tiểu học và THCS chủ yếu được viết ở hình thức một đoạn đơn và hai đoạn đơn. Chỉ có một số ít bài được viết ở hình thức ba đoạn đơn.        

Các bài có phong cách châu Âu và nhạc nhẹ thường viết ở điệu thức 7 âm (trưởng, thứ), các bài mang âm hưởng dân ca thì thường viết ở điệu thức 5 âm trong âm nhạc dân tộc Việt Nam hoặc pha trộn giữa điệu thức 5 âm và 7 âm.

            Đa phần các ca khúc viết về nhà trường có giai điệu đẹp, trong sáng… với âmvực hẹp, hầu như không sử dụng quãng nghịch và quãng nhảy tạo giai điệu thuận giúp HS dễ thuộc, dễ hát.

            Về tiết tấu, ca khúc viết về nhà trường thường sử dụng tiết tấu đơn giản, chủ yếu là trường độ nhóm các nốt đen hoặc nhóm các nốt móc đơn mà ít sử dụng nhóm các nốt móc giật, móc kép… để phù hợp với nhận thức của HS.

            Lời ca trong các ca khúc viết về nhà trường có nội dung ngợi ca thầy, cô giáo, tình cảm về mái trường, về bạn bè, thể hiện những ước mơ của các em về cuộc sống, về tương lai…

Nhà trường của ngày hôm nay, học sinh của thế kỷ 21, cách suy nghĩ, cách tiếp cận, cách thưởng thức có nhiều thay đổi. Các phương tiện và điều kiện của các em tiếp xúc với văn hóa nghệ thuật vô cùng phong phú qua công nghệ thông tin, kỹ thuật số. Sự giao thoa giữa các nền văn hóa do xu thế toàn cầu hóa ngày càng phát triển mở rộng. Vì lẽ đó, nhạc sĩ cũng phải cập nhật, đổi mới tư duy viết ra những gì cho đúng và phù hợp với tâm tư tình cảm của các em thì mới được các em tiếp nhận.

Nhiều năm qua, Bộ GD&ĐT đã chú trọng đổi mới toàn diện công tác giáo dục phổ thông như: “kiên quyết giảm hợp lí nội dung chương trình học cho hợp với tâm sinh lý học sinh cấp tiểu học và trung học cơ sở”, qua đó môn âm nhạc cũng đã được điều chỉnh. Tuy nhiên vẫn cần có thêm nhiều bài hát mới và phù hợp với tâm sinh lý của học sinh và đáp ứng được nhiều hơn nhu cầu của các em.

Vì thế, rất cần đến sự quan tâm của các nhạc sĩ về đề tài nhà trường để chọn được thêm nhiều bài hát phù hợp với lứa tuổi, với nhà trường ngày nay của các em. Những bài hát dành cho lứa tuổi lứa tuổi các em có rất nhiều nhưng những bài hát mới, mang hơi thở thời đại, đặc biệt là các ca khúc viết về đề tài nhà trường tương đối ít mà có thể nói là “vắng bóng”. Tuy nhiên, đây lại là đối tượng rất đáng được quan tâm của các nhà giáo dục nghệ thuật. Vì vậy, chúng ta rất cần nhiều các bài hát về nhà trường mới, phù hợp với nhà trường của các em hiện nay. Và rất cần các giáo viên Âm nhạc định hướng, bồi dưỡng cho học sinh có những thị hiếu âm nhạc đúng đắn, phù hợp với mục tiêu giáo dục là phát triển con người mới với đầy đủ 5 yếu tố: Đức - Trí - Lao - Thể - Mỹ.

Việc tìm hiểu giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật nói chung, đặc điểm âm nhạc nói riêng của các ca khúc thiếu nhi viết về đề tài nhà trường trong chương trình âm nhạc bậc Tiểu học và THCS là một việc làm cần thiết, có ý nghĩa tích cực, góp phần vào việc nâng cao chất lượng dạy học môn âm nhạc trong trường phổ thông.

 

                                                 TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Chương trình giáo dục âm nhạc phổ thông(2006), Môn Âm nhạc, Nxb Giáo dục.

2.    Đào Ngọc Dung (2012), Phân tích ca khúc, Nxb Âm nhạc.

3.    Kỷ yếu Hội thảo khoa học (2011), Ca khúc cho nhà trường Phổ thông hiện nay, thực trạng và giải pháp, Trường ĐHSP Nghệ Thuật TW, Hội Âm nhạc Hà Nội.

4.    Phạm Lê Hòa (2015), Giáo trình phân tích tác phẩm âm nhạc hệ ĐHSP Âm nhạc, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, Hà Nội.

5.    Tú Ngọc - Nguyễn Thị Nhung - Vũ Tự Lân - Nguyễn Ngọc Oánh - Thái Phiên (2000), Âm nhạc mới Việt Nam tiến trình và những thành tựu, Nxb Viện Âm Nhạc.

6.    Nhiều tác giả (1981), Các thể loại âm nhạc, Người dịch: Lan Hương, Nxb Văn hóa, Hà Nội.

  1. Nguyễn Thị Nhung (1996), Thể loại âm nhạc, Nxb Âm nhạc.

8.    Lê Anh Tuấn (2010) Phương pháp dạy học Âm nhạc ở trường Tiểu học và THCS, Nxb Đại học sư phạm.

9.    Đào Trọng Từ, Đỗ Mạnh Thường, Đức Bằng (1987), Thuật ngữ và ký hiệu âm nhạc thường dùng, Nxb Văn Hóa, Hà Nội.

10.  Varfolomey Aleksandrovich Vakhromeev (1982), Lý thuyết âm nhạc cơ bản, Nxb Văn hóa.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k2– Chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học Âm nhạc