Nội san

ROBERT ALEXANDER SCHUMANN

08 Tháng Tám 2010

(1810-1856)

 

 

 

             Sáng tác âm nhạc của Robert Alexander Schumann là một trong những đỉnh cao của nghệ thuật âm nhạc thế giới thế kỷ XIX. Trong âm nhạc của ông thể hiện rất rõ những khuynh hướng triết học tiên tiến nhất của văn hoá Đức giai đoạn những năm 1820 – 1840.

           Robert Schumann sinh ngày 8 tháng 6 năm 1810 tại thành phố Zwickau trong một gia đình làm nghề xuất bản sách. Cha ông là một người trí thức và rất khuyến khích sự phát triển năng khiếu âm nhạc từ rất sớm của con trai. Chính ông đã đến Dresden gặp Veber và đề nghị nhạc sĩ nhận lời dạy dỗ cho con trai của mình. Nhưng vì Veber phải đi London do đó những giờ học âm nhạc không thực hiện được. Chính vì vậy mà người thầy của Schumann khi đó là nghệ sĩ đàn organ I.G. Kunts.

           R. Schumann bắt đầu sáng tác âm nhạc từ năm lên 7 tuổi, nhưng cậu bé cũng sớm thể hiện một tài năng đặc biệt qua các buổi biểu diễn đàn piano. Bên cạnh đó, tình yêu đối với văn học luôn chiếm một vị trí to lớn trong sự phát triển tâm hồn của nhà soạn nhạc tương lai. Tác phẩm của nhiều nhà thơ, nhà văn nổi tiếng thế giới như W. Goethe (Wolfgang von Goethe, 1749-1832), F. Siller (Friedrich Schiller, 1759-1805), L. Bairơn (Lord Byron, 1788-1824) đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong suốt cuộc đời cậu.

            Sau cái chết của người cha vào năm 1826, theo lời khuyên của mẹ và người thân, Schumann đã đến học ở Trường đại học tổng hợp Leipzig.

            Tuy nhiên, những năm tháng học tại Trường đại học tổng hợp Leipzig cũng là khoảng thời gian ông trau dồi kiến thức và khẳng định tình yêu với nghệ thuật âm nhạc. Trong thời gian ở đây Schumann bắt đầu học nhạc với Fridrich Vik (Friedrich Wiek) – một nhạc sĩ và đồng thời là một nhà sư phạm piano tài năng.

            Năm 1830, lần đầu tiên Robert Schumann được nghe Niccolo Paganini biểu diễn. Những ấn tượng mạnh mẽ được tạo bởi tiếng đàn của người nghệ sĩ thiên tài Niccolo Paganini đã làm thức tỉnh những tư duy mới lạ của Schumann về nghệ thuật biểu diễn piano. Ngay lập tức Schumann bắt tay vào sáng tạo nghệ thuật trong niềm cảm hứng từ sự khâm phục tài nghệ tuyệt vời của Paganini. Đó là những tác phẩm có tiêu đề: “Các etude theo capris của Paganini” và “Các etude hoà nhạc theo capris của Paganini”.

            Thời gian theo học Friedrich Wiek đã giúp cho Schumann rất nhiều trong việc khẳng định tài năng biểu diễn đàn piano của mình. Nhưng sau đó vì muốn có những ngón tay dài hơn để thuận tiện cho việc diễn tấu trên đàn piano, Schumann đã chế tạo ra một loại máy nhằm kéo dài các ngón tay. Nhưng kết quả ngược lại, Schumann đã bị hỏng tay và phải vĩnh viễn từ bỏ con đường của nghệ thuật biểu diễn piano. Ông dồn toàn bộ sức lực và tài năng sáng tạo xuất chúng của mình cho công việc sáng tác âm nhạc và hoạt động phê bình âm nhạc. Các sáng tác giai đoạn này phải kể đến: “Những con bướm” (1829-1831), Các biến tấu “Abegg” (1830), “Các etude giao hưởng” (1834), “Carnaval” (1834-1835), “Fantasia” (1836), “Những khúc fantasia” (1837), “Kreisleriana” (1938) và nhiều tác phẩm âm nhạc khác cho đàn piano. Những sáng tác của Schumann trong giai đoạn này thực sự là một trang mới trong lịch sử sáng tạo của nghệ thuật âm nhạc trên nhiều phương diện.

            Năm 1834, cùng sự tham gia của nhiều người bạn (L. Sunke. Iu. Knopp, Friedrich Wiek) Schumann đã thành lập “Tạp chí Âm nhạc mới”. Mục đích của Tạp chí là đề cao những giá trị đích thực của nghệ thuật âm nhạc trong quá khứ và hiện tại. Các phân tích của Schumann trên Tạp chí là những khám phá có giá trị về nội dung các tác phẩm âm nhạc của những nhà soạn nhạc danh tiếng như: J.S. Bach, W.A. Mozart, L.V. Beethoven, F. Schubert. Bên cạnh đó, trong nhiều bài viết của mình, R. Schumann đã có những dự báo có giá trị cao về tài năng của các nhà soạn nhạc đương thời như: F. Chopin (1810-1849), H. Berlio (1803 - 1869), F. List (1811 - 1886) và J. Bramx (1833 - 1897).

            Từ năm 1840, một giai đoạn mới sáng tác đầy thành công của R. Schumann đã được mở ra. Trước hết phải kể tới một bước ngoặt có ý nghĩa lớn lao trong cuộc đời của nhà soạn nhạc: đó là việc ông đã kết thúc thành công cuộc đấu tranh đầy căng thẳng với F. Viek để được quyền cưới người con gái yêu của ông là nghệ sĩ piano xuất sắc thế giới Clara Viek (1819-1896). Cô không chỉ là nghệ sĩ piano có thể biểu diễn một cách hoàn mỹ những kỹ xảo trong tác phẩm viết cho đàn piano, mà hơn thế, là khả năng biểu đạt được những ý tưởng sâu kín mà nhà soạn nhạc gửi gắm trong tác phẩm. Cô đã yêu Schumann từ khi còn rất trẻ, khi đó cô mới 15 tuổi. Nhưng tác phẩm của Schumann – quan điểm và thẩm mỹ nghệ thuật của Schumann đã không chỉ cuốn hút mà còn góp phần thức tỉnh tài năng vốn tiềm ẩn của người nghệ sĩ trong cô. Trong các sáng tác của mình, không ít lần Schumann đã sử dụng những chủ đề của C. Viek. Và như vậy, sự đồng cảm trong sáng tạo nghệ thuật dường như giúp cho tác phẩm của họ có thêm sức mạnh mới/vẻ đẹp mới để bay cao hơn, bay xa hơn. Thật chính xác khi chúng ta khẳng định: thành công rực rỡ trong lao động sáng tạo nghệ thuật của Schumann đầu những năm 1840 có mối liên hệ chặt chẽ với hôn lễ cùng C. Viek. Chính C. Viek sau này cũng viết trong nhật ký của mình rằng: hôn lễ với Schumann là khoảnh khắc đẹp nhất trong cuộc đời của cô.

            Nếu như đầu những năm 30 của thế kỷ XIX là giai đoạn Robert Schumann sáng tác chủ yếu cho piano, thì từ cuối năm 1839 ông hầu như không sáng tác cho piano nữa. Từ năm 1840 ông dồn sức cho sáng tác ca khúc nghệ thuật. Trong một thời gian ngắn Schumann đã sáng tác hơn 130 ca khúc. Trong đó có các Tuyển tập và Liên khúc xuất sắc như:

-          “Vòng quanh các bài hát” trên lời thơ của Hainơ.

-          “Vòng quanh các bài hát” trên lời thơ của Eichendorff.

-          “Tình yêu và cuộc đời người đàn bà” trên lời thơ của Samisso.

-          “Tình yêu của người thi sĩ” trên lời thơ của Hainơ.

            Sau năm 1840 niềm hứng khởi sáng tác ca khúc biến mất nhường chỗ cho các sáng tác thuộc lĩnh vực âm nhạc giao hưởng. Trong năm 1841 xuất hiện 4 tác phẩm giao hưởng lớn của Schumann. Đó là Bản giao hưởng số 1, Bản giao hưởng d - moll (thường được gọi là Bản giao hưởng số 4 do ông có sửa chữa vào năm 1851), “Uverture, Skezzo và Final”, Chương I của Concerto cho đàn piano.

            Năm 1842 là sự ra đời của hàng loạt các tác phẩm thuộc thể loại âm nhạc thính phòng: 3 Tứ tấu cho đàn dây, Tứ tấu piano (Tứ tấu có sự tham gia của đàn piano), Ngũ tấu piano (Ngũ tấu có sự tham gia của piano). Và tiếp đó vào năm 1843 là Oratorio “Rai và Pery”. Đặc điểm nổi bật của các sáng tác âm nhạc giai đoạn này của Schumann là sự phong phú về tư tưởng nghệ thuật. Trong các tác phẩm giai đoạn này chúng ta có thể gặp những tổng phổ đồ sộ, những tác phẩm sử dụng phong cách đối vị chịu sự ảnh hưởng của Bach, hay những tiểu phẩm cho thanh nhạc và piano.

            Bắt đầu từ năm 1848 Robert Schumann sáng tác âm nhạc thuộc thể loại hợp xướng theo tinh thần dân tộc Đức. Vào thời gian này bệnh thần kinh của ông đã bắt đầu có những dấu hiệu rõ ràng. Nhiều tác phẩm sáng tác ở giai đoạn này (Thí dụ như Giao hưởng số 2) là cuộc đấu tranh thật sự giữa “tâm hồn sáng tạo với sức mạnh huỷ diệt của bệnh tật” (như chính nhà soạn nhạc nói).

Tuy nhiên, vào khoảng những năm 1848 – 1849 cũng có giai đoạn sức khoẻ của Robert Schumann tốt hơn, đó là lúc ông sáng tác đầy cảm hứng. Đó là lúc ông hoàn thành vở opera duy nhất của mình “Henoveva”, sáng tác Chương nhạc hay nhất (thường được gọi là Chương I) trong 3 chương nhạc cho vở kịch “Phauxtơ” của W. Goethe (Wolfgang von Goethe, 1749-1832) và sáng tác một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của mình: Uverture và âm nhạc cho vở kịch thơ của Bairơn “Manfret”. Trong những năm này ở ông thường xuất hiện niềm hứng khởi sáng tác các tác phẩm thuộc thể loại tiểu phẩm piano và thanh nhạc. Đây là điều mà mười năm trước ông đã lãng quên.

            Mười năm cuối đời thực sự là một bức tranh đầy phức tạp và nhiều mâu thuẫn trong cuộc đời nhà soạn nhạc. Clara Schumann đã biểu diễn rất nhiều các tác phẩm âm nhạc của chồng mình. Bà đã cùng ông đến nhiều đất nước khác nhau: đến Nga (năm 1844), đến Praha, BerlinVienna (năm 1846), đến Thuỵ Sĩ và Bỉ (trong khoảng 1851 – 1853).

            Vào đầu năm 1854, bệnh tâm thần của Robert Schumann bước vào giai đoạn trầm trọng. Ông đã qua đời ngày 29 tháng 7 năm 1856 tại thành phố nhỏ Endenich gần thành phố Bonn (Đức).

 

MỘT SỐ TÁC PHẨM CỦA ROBERT SCHUMANN

I. Tác phẩm cho piano (tất cả khoảng 50 tập):

Các biến tấu "Abegg" op.1 (1830)

"Những con bướm" op.2 (1829-1831)

"Hội hoá trang" op.9 (1834-1835)

"Các etude giao hưởng" op.13 (1834-1852)

II. Giao hưởng:

Giao hưởng số 1 "Mùa xuân" B-dur, op.38 (1841)

Giao hưởng số 2 C-dur op.61 (1846)

Giao hưởng số 3 Es-dur op.97 (1850)

Giao hưởng số 4 d-moll op.120 (1841-1851)

 

 

Phạm Lê Hòa