Nội san

GIOACCHINO ROSSINI

22 Tháng Tám 2010

 (1792-1868)

 

            Khi nói tới âm nhạc của Gioacchino Rossini người ta thường nhắc tới Aleksandr Sergueievitch Pushkin (Александр Сергеевич Пушкин, 1799-1837) khi đại văn hào của nước Nga so sánh âm nhạc của Rossini với những giọt sâm panh màu vàng. Âm nhạc của Rossini mang màu sắc của sự vui vẻ, dí dỏm và sâu sắc một cách giản dị.

Gioacchino Rossini sinh ngày 29 tháng 2 năm 1792 tại thành phố Pesaro trong một gia đình cả cha và mẹ đều là nhạc sĩ. Cha của nhạc sĩ là một nghệ sĩ kèn cor. Ông cũng là một người giàu lòng yêu nước và chính ông đã truyền vào G. Rossini những quan điểm cộng hoà bằng chính hành động của mình.

            Mẹ của Gioacchino Rossini là con gái một chủ lò bánh mì. Bà đã từng là một ca sĩ có giọng hát rất đẹp. Cha mẹ ông đã từng bôn ba qua nhiều địa danh của nước Italia cùng nhiều gánh hát nhỏ. Chính vì vậy, cuộc sống nay đây mai đó đã có ảnh hưởng nhiều đến việc tiếp thu học vấn một cách hệ thống của Gioacchino Rossini. Chúng ta cũng cần biết rằng nhà soạn nhạc tương lai đã bắt đầu cuộc đời lao động của mình trong công việc phụ việc của một người thợ rèn.

            Ngay từ khi còn trẻ, Gioacchino Rossini đã cùng gia đình tới thành phố Bologna. Đây là một trong những trung tâm âm nhạc lớn nhất của nước Italia thời bấy giờ. Thành phố luôn bảo lưu những đặc điểm của văn hoá âm nhạc Italia đầu thế kỷ XIX. Ở đây mọi người còn chưa hề biết tới Gluck và Mozart, người ta mới chỉ biểu diễn những tác phẩm nổi tiếng nhất của Handel và Beethoven. Các tác phẩm của Bach hầu như còn chưa được biết tới. Thậm chí, Oratorio “Bốn mùa” của Haydn cũng chỉ được một số người biết tới. Nhưng hơn tất cả những điều đó, ở Bologna có Viện hàn lâm khuyến nhạc nổi tiếng với những chương trình biểu diễn gồm rất nhiều các tác phẩm kinh điển.

            Bologna, Gioacchino Rossini bắt đầu được học âm nhạc một cách có hệ thống và nhanh chóng chiếm được sự chú ý của mọi người trên cương vị một ca sĩ và nghệ sĩ biểu diễn đàn clavecin. Năm 1806, khi 14 tuổi, G. Rossini đã được bầu chọn làm thành viên của Viện hàn lâm Bologna và cũng chính năm này cậu được vào học tại Trường âm nhạc. Học tập ở đây cho đến năm 1810 cậu đã nắm vững được những vấn đề cơ bản của chuyên ngành nghệ thuật âm nhạc. Nhưng ấn tượng mạnh nhất đến với cậu lại xuất hiện sau khi cậu tự nghiên cứu tác phẩm của Haydn và Mozart. Cũng thời kỳ này, nhà soạn nhạc tương lai còn được làm quen với nhiều nhà thơ Italia vĩ đại của thời đại Phục hưng và chính họ đã góp phần làm thức tỉnh ở chàng trai trẻ lòng khao khát hướng tới những tư tưởng nghệ thuật cao cả.

            Trong suốt thời gian này chàng nhạc sĩ trẻ tuổi Gioacchino Rossini chủ yếu hướng tới nghệ thuật biểu diễn thanh nhạc. Nắm vững kỹ thuật viết cho thanh nhạc là đặc điểm nổi bật của cậu.

            Mối quan hệ chặt chẽ với sân khấu âm nhạc của Gioacchino Rossini được bắt đầu từ những năm tháng còn đi học. Năm 1810, Gioacchino Rossini đã sáng tác vở opera đầu tiên có tiêu đề “Vecxen cưới vợ”. Cũng từ đó hàng loạt các vở opera của Rossini lần lượt ra đời và đạt được những thành công rực rỡ. Cho đến năm 30 tuổi, tên của ông đã được nổi tiếng khắp thế giới. Âm nhạc của ông vang lên không chỉ ở Italia, mà còn ở Áo, Đức, Pháp, Nga, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và thậm chí ở Thổ Nhĩ Kỳ, Mêxicô và các nước châu Mỹ La tinh khác. Âm nhạc của Gioacchino Rossini là một phần không thể thiếu của văn hoá âm nhạc phương Tây những năm 20 – 30 thế kỷ XIX.

            Cho đến trước năm 1822, Gioacchino Rossini chỉ sống ở Italia. Đặc điểm cát cứ của nước Italia thời đó đã để lại nhiều dấu ấn trong sáng tạo nghệ thuật của ông.

            Trong lĩnh vực âm nhạc của Gioacchino Rossini, cũng như của nhiều nhà soạn nhạc thời đó, ta thấy rõ sự phụ thuộc vào nhiều nhân tố khác. Khán giả đến nhà hát trước hết là để thưởng thức và luôn đánh giá cao tài nghệ của các ca sĩ nổi tiếng. Chính vì vậy, các ca sĩ thường có những đòi hỏi không chỉ đối với nhà soạn nhạc, mà cả đối với tác giả kịch bản.

            Trên con đường sáng tạo của mình Rossini không phá vỡ truyền thống sân khấu âm nhạc mà ông đã biến cải/cách tân nó rất nhiều. Ông kiên trì đi theo hai khuynh hướng sáng tạo của sân khấu âm nhạc Italia là: hài hước-sinh hoạtanh hùng ca.

            Không phá vỡ những gì đã được xác định của thể loại này, Rossini bằng tài năng xuất chúng của mình đã khẳng định một khuynh hướng mới tiến bộ của mỹ học opera Italia: nghệ thuật bel canto tuyệt vời, sự phong phú vô tận của các giai điệu, nền tảng thể loại dân gian và tinh thần lạc quan yêu đời vốn là đặc điểm nổi bật của âm nhạc dân gian Italia. Những đặc điểm này đã được kết hợp hoàn mỹ cùng sự biểu hiện kinh điển trong “Người thợ cạo thành Xê vin” nổi tiếng (1816).

            Khoảng thời gian từ năm 1815 đến 1820 là giai đoạn Gioacchino Rossini tìm kiếm sự sáng tạo một cách đặc biệt mạnh mẽ. Nhà soạn nhạc liên tục tiến hành các thể nghiệm làm phong phú thêm các loại hình truyền thống của Italia bằng kinh nghiệm và thành tựu của các Trường phái opera tiên tiến trên thế giới, làm cho sân khấu âm nhạc gần hơn với mỹ học của văn học và sân khấu thời đại.

           Năm 1822 Gioacchino Rossini cùng gánh hát Neapoli của nghệ sĩ Barbaya nổi tiếng đến Vienna. Chuyến đi này, bên cạnh những thành công gây được ấn tượng mạnh, đã rất quan trọng đối với sáng tạo của nhà soạn nhạc.

            Ở đây ông đã soạn vở “Delmira” sau khi đã nghiên cứu phong cách sáng tạo opera của Handel, Gluck và Mozart. Kết quả rõ nhất là sự phát triển của dàn nhạc giao hưởng trong các opera giai đoạn tiếp theo của Rossini.

            Cũng chính trong giai đoạn này nhà soạn nhạc đã được làm quen với vở “Mũi tên thần” của Veber, những đặc điểm lãng mạn của vở opera này đã mở ra trước Rossini những con đường mới của sáng tạo nghệ thuật.

            Cuối cùng, ở Vienna lần đầu tiên Gioacchino Rossini được nghe Giao hưởng Anh hùng và các Tứ tấu của Beethoven. Làm quen với sự phát triển rộng lớn dường như vô tận của âm nhạc Beethoven đã mở mang nhiều cho hiểu biết nghệ thuật của ông.

            Năm 1829, Rossini viết “Guillaume Tell” cho sân khấu Pháp. Đây là vở opera yêu nước – dân tộc đầu tiên của thời đại đó, thể hiện khát vọng hướng tới tự do của người dân Italia. các buổi biểu diễn lần đầu tiên của nó nhanh chóng được tổ chức ở các thành phố lớn nhất của châu Âu. Nhưng vở opera này lại chỉ được công diễn lần đầu tại Italia vào năm 1836. Sự xuất hiện của “Guillaume Tell” không chỉ mang ý nghĩa là đỉnh cao trong sáng tạo mà nó còn là sự kết thúc tiến triển sáng tạo của nhà soạn nhạc. Sau vở diễn này, mặc dù mới ở độ tuổi 37, Rossini đã ngừng sáng tác cho sân khấu,

            Mười năm cuối đời (1857 – 1868) Gioacchino Rossini dành sức lực cho âm nhạc piano và soạn các tiểu phẩm hài hước.

            Từ năm 1855 Rossini chuyển đến sống tại Paris. Và ông đã từ trần ở nơi đây vào ngày 13 tháng 11 năm 1868. Năm 1887 tro của ông đã được đưa về Tổ quốc và an táng tại Điện Panteon Santa – Kroch ở Florensia cùng với Mikenlanghelo và Galile.

            Nhìn lại sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật âm nhạc của Gioacchino Rossini chúng ta thấy rõ 2 đỉnh cao là các opera “Người thợ cạo thành Xe vin” và “Guillaume Tell”. Nếu như vở “Người thợ cạo thành Xe vin” được coi như phát triển một cách hoàn thiện của opera buffe, thì “Guillaume Tell” lại mở ra lịch sử của thể loại opera anh hùng – lãng mạn thế kỷ XIX.

 

TÓM TẮT TÁC PHẨM CỦA ROSSINI

I. OPERA

"Cô gái Italia ở Algiery" (1813)

"Người thợ cạo thành Xêvin" (1816)

"Otello" (1816)

"Maometto II" (1820)

"Semiramide" (1823)

" Le Comte Ory" (1828)

"Guillaume Tell" (1829)

II. Hợp xướng

"Messa Lễ trọng" (1820)

"Messa Lễ trọng nhỏ" (1863)

"Cái chết của Didon (1811)

III. Khí nhạc

Tứ tấu cho nhạc cụ hơi (công bố lần đầu vào năm 1929)

186 tiểu phẩm cho piano

                                                                                                                                      Dũng Hà