Nội san

DI SẢN THEN CỦA CÁC DÂN TỘC TÀY, NÙNG, THÁI Ở VIỆT NAM

16 Tháng Ba 2021

                                                               PGS. TS. NGƯT  Nguyễn Bình Định 

                                                               Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam 

 

          Tóm tắt:

       

        Then là một hình thức sinh hoạt văn hóa gắn với các nghi lễ tín ngưỡng, tâm linh- một dạng văn hoá phi vật thể mà các nhà khoa học thường gọi là Shamanism. Sinh hoạt Then  của các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam bắt nguồn từ niềm tin “vạn vật có linh hồn” – tinh thần cơ bản của tín ngưỡng Vạn vật hữu linh (Animism). Đó là một tín ngưỡng mà trong thời kỳ khoa học còn chưa phát triển, một số dân tộc trên thế giới đã dùng làm chỗ dựa để giải thích và ứng xử với các hiện tượng, sự vật, sự việc diễn ra trong thiên nhiên, trong cuộc sống. Đồng bào Tày, Nùng, Thái sử dụng các nghi lễ Then, trong đó có trình diễn các làn điệu đàn, hát, múa theo phong cách đặc trưng của Then để cầu mong các đấng thần linh, tổ tiên giúp đỡ, nhằm giải quyết những khó khăn, rủi ro gặp phải (ốm đau, tai nạn, hiếm muộn con cái…), hoặc cầu xin đạt được những mong ước cho một cuộc sống tốt đẹp hơn (cầu sống lâu, cầu may mắn…). Trải qua nhiều thời đại, nhiều biến cố trong lịch sử, cho đến nay sức sống của Then đã cho thấy nó là tài sản tinh thần không thể thiếu, là di sản văn hóa phi vật thể vô giá của đồng bào Tày, Nùng, Thái. Nó đầy đủ giá trị về lịch sử, văn hóa và khoa học, không chỉ xứng đáng ở tầm di sản văn hóa cấp quốc gia mà còn xứng đáng được ghi nhận, tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

 

Từ khóa:

Các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam; hát Then, Tính Tảu, nghi lễ tín ngưỡng; di sản văn hóa phi vật thể.

 

THEN HERITAGE OF THE TAY, NUNG, THAI ETHNIC GROUPS IN VIET NAM

 

ABSTRACT

Then is a form of cultural activities associated with religious and spiritual rites; a form of intangible culture that scientists often call Shamanism. The Then activities of the Tay, Nung and Thai ethnic groups in Vietnam are rooted in the belief that "all things have a soul" - the basic spirit of the belief of Animism. It is a belief that in the period of developing science, some ethnic groups in the world used as a prop to explain and deal with the phenomena, things happening in nature, in life. The Tay, Nung and Thai compatriots used Then rituals, including performing the tunes, singing and dancing in Then's typical style to pray to the gods and ancestors for help to solve difficulties, risks encountered (illness, accident, child infertility...), or praying for the wishes of a better life (pray for long live, good luck ...). Over the ages, many events in history, until now Then's vitality has shown that it has been an indispensable spiritual asset, an invaluable intangible cultural heritage of the Tay, Nung, and Thai people. It is full of historical, cultural and scientific values, not only worthy of national cultural heritage but also worthy of recognition and honor as the intangible cultural heritage of humanity.

KEY WORDS: Tay, Nung, Thai Ethnic groups in Vietnam; Then singing, Tinh Tau, religious rituals; intangible cultural heritage.

 

    Trong tiếng Thái-Tày từ Then nghĩa là Thiên, đây là từ mượn ý của chữ Hán(天) chỉ trời, đấng thần linh tối cao mà các cư dân Tày – Thái nói chung đều thờ phụng1. Trước hết, Then là một hình thức sinh hoạt văn hóa gắn với các nghi lễ tín ngưỡng, tâm linh; một dạng văn hoá phi vật thể mà các nhà khoa học thường gọi là Shamanism (trong tiếng Pháp là Chamanism). Loại hình văn hóa tín ngưỡng này đã xuất hiện từ lâu trong lịch sử nền văn hóa của nhiều dân tộc trên thế giới, nhưng ở mỗi dân tộc nó lại có một kiểu trình thức, lễ nghi và cấu trúc của một lễ Sa man khác nhau. Then Sa man của người Thái – Tày ở Việt Nam bắt nguồn từ niềm tin “vạn vật có linh hồn” – tinh thần cơ bản của tín ngưỡng Vạn vật hữu linh (Animism). Đó là một tín ngưỡng mà trong thời kỳ khoa học còn chưa phát triển, một số dân tộc đã dùng làm chỗ dựa để giải thích và ứng xử với các hiện tượng, sự vật, sự việc diễn ra trong thiên nhiên, trong cuộc sống. Giở lại lịch sử phát triển của loài người ta thấy rất nhiều dân tộc có có suy nghĩ cho rằng, con người gồm có phần thân xác và phần linh hồn, khái niệm linh hồn cũng đồng nghĩa với hồn vía. Tùy theo từng dân tộc mà số hồn vía có khác nhau. Ở Việt Nam, người Kinh (người Việt) và một bộ phận của người Mường cho rằng, đàn ông có ba hồn bảy vía, đàn bà có ba hồn chín vía. Người Thái thì có 80 hồn, ứng với 80 bộ phận trên cơ thể con người, bố trí 30 hồn ở phía trước, 50 hồn ở phía sau. Khi người ta chết, toàn bộ hồn vía thất tán nên phải có lễ gọi hồn trước khi chôn. Khi một số hồn rời khỏi thân xác thì con người bị ốm. Để “chữa khỏi” bệnh cần phải đi tìm những hồn, vía đã bỏ đi ấy đem chúng trả về thân xác. Việc đi tìm và dẫn hồn về phải mời thầy Sa man, tức ông Then hoặc bà Then (từ đây gọi là ông/ bà Then), là người có lực lượng âm binh, tiếng Thái – Tày gọi là “Côn Then” tức “ Quân Then” tìm giúp.

   Di sản Then của người Tày, Nùng, Thái Việt Nam tập trung chủ yếu ở các tỉnh Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và một số địa phương khác.

    Chủ thể nắm giữ và thực hành di sản Then là các Ông Then, Bà Then – những người được cho là “do Trời chọn”, có số phận buộc phải trở thành Thầy Then. Họ đóng vai trò chủ chốt trong việc truyền dạy và thực hiện các lễ Then, như: Bà Then Chu Thị Hồng Vân (người Nùng, tỉnh Bắc Giang) mỗi năm thực hiện khoảng 200 lễ Then, đã truyền dạy được 2 người theo nghề; Ông Then Bế Sơn Trung (người Tày, tỉnh Cao Bằng) mỗi năm thực hiện hơn 200 lễ Then, đã truyền nghề cho 3 người... Có gia đình, dòng họ có nhiều người, nhiều đời làm Then như: Dòng họ Lê (người Tày, tỉnh Cao Bằng) có 7 đời làm Then; gia đình ông Hoàng Văn Để (người Tày, tỉnh Hà Giang) có 7 đời làm Then; dòng họ Hà (người Tày, tỉnh Tuyên Quang) có 5 đời làm Then; gia đình ông Lưu Đình Bạo (người Tày, tỉnh Bắc Kạn) có 3 người làm Then; gia đình bà Nông Thị Lìm (người Nùng, tỉnh Lạng Sơn) có 2 người làm Then; gia đình ông Vàng A Thức (người Thái, tỉnh Điện Biên) có 3 người làm Then; ông Chu Hồng Phương (người Tày, tỉnh Lào Cai) mỗi năm thực hiện hơn 200 lễ Then ở trong và ngoài nước… Mỗi Ông/Bà Then thường chủ trì một nhóm người chuyên làm các lễ Then và họ sẵn sàng trao truyền nghề Then.

     Theo số liệu kiểm kê năm 2016 do Viện Âm nhạc phối hợp với các tỉnh thực hiện2, Then Tày, Nùng, Thái Việt Nam ở 11 tỉnh, hiện có 817 Thày Then (213 nam, 604 nữ); trong đó có 439 người Tày, 328 người Nùng, 23 người Thái và 27 người ở các tộc người: Kinh, Cao Lan, Dao, Hoa... Có những nghệ nhân cao tuổi như: ông Nguyễn Văn Thi (1939, dân tộc Tày, Bắc Kạn), ông Nguyễn Nông Chàu (1925, dân tộc Tày, Cao Bằng), bà Đèo Thị Tủi (1924, dân tộc Thái, Lai Châu), bà Mỗ Thị Kịt (1922, dân tộc Nùng, Lạng Sơn)...

     Các lễ Then của người Tày, Nùng, Thái đều diễn tả một hành trình Thầy Then điều khiển đoàn âm binh đi từ Mường Đất lên Mường Trời, đến chỗ các thần linh để dâng lễ vật và thỉnh cầu, chỉ khác nhau ở ngôn ngữ tộc người và phong cách thể hiện. Hành trình ông/bà Then điều khiển đoàn âm binh đi tìm hồn đã bị lạc hay bị bắt làm tù binh là một bản trường ca du ký được thể hiện bằng khoảng 3000 câu thơ theo luật thơ dân tộc, sử dụng kết hợp giữa các thể thơ 4 từ, 5 từ và 7 từ, được hát lên theo các làn điệu Then khác nhau. Trong đó có rất nhiều nội dung được mô tả như những biểu tượng nghệ thuật có sức diễn cảm mạnh, khiến cho những người dự lễ Then cảm thấy như đang được xem một bộ phim có những quang cảnh, tình huống, sự việc; với những vị thần, những con ma hoặc những người dân ở xứ lạ mà đoàn âm binh đã gặp và phải bày mưu tính kế để có thể vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách. Nếu dõi theo nội dung, tình tiết những câu chuyện diễn ra trong lời khấn của ông/bà Then, ta có thể thấy những mảnh ghép của cuộc sống đã hiện lên một cách rất sinh động với cả những việc tốt và việc xấu xảy ra trong bối cảnh không gian đời sống trần tục (trong Then gọi là Mường Đất, nơi sinh sống của con người và các động thực vật) và bối cảnh không gian ở chốn thần linh (trong Then gọi là Mường  Trời, đồng nghĩa với Thượng giới, nơi cư ngụ của các vị thần linh tối cao và tối linh, cao nhất là Ngọc Hoàng), hoặc Mường Nước (Vương quốc của Long Vương và các Thủy thần, nơi giam giữ những linh hồn đã gây nhiều tội lỗi khi sống trên trần gian). Nội dung trong Then có nêu ra những câu chuyện về những việc tốt là để khen ngợi, đề cao, làm gương cho mọi người noi theo; đồng thời thể hiện những yếu tố may mắn, thuận lợi, những chiều hướng tích cực, giúp người ta củng cố niềm tin, hy vọng để tiếp tục sống và phấn đấu cho một tương lai tốt đẹp hơn. Ở một phía khác, các bài khấn trong các nghi lễ Then có nêu ra những việc xấu (xấu theo nghĩa đối chiếu với tiêu chuẩn đạo đức của con người trần gian) là để phê phán, nhắc nhở, cảnh tỉnh, để khuyến cáo cách phòng tránh, cách giải quyết những rắc rối, khó khăn; đồng thời thể hiện những yếu tố được hiểu là rủi ro, hoạn nạn, những vật cản trong cuộc sống của con người .v.v. Có những trường đoạn rất cảm động như: cảnh Nai mẹ dặn dò, chia tay đàn con và cam chịu hy sinh tính mạng của mình để cứu chúng; hay cảnh những người phu chèo thuyền vượt biển dặn dò vợ con như một lời trăng trối, vì sóng to gió lớn thì chưa chắc đã có ngày trở về… Có những câu chuyện rất lãng mạn, thơ mộng như, cảnh đôi trai gái đi vào rừng ve…có những sự việc có ý là để trao truyền  lại những phong tục văn hoá của cha ông cần được gìn giữ, chẳng hạn như, lễ đưa cô dâu về trình tổ tiên…Lại có những lời cầu khấn mang đậm tính nhân văn, chẳng hạn như: cầu cho người già được sống lâu (trong lễ cầu khoăn ); xin thần linh cứu giúp để chữa khỏi bệnh tật, vượt qua được hoạn nạn (trong lễ cầu an, giải hạn).v.v.  Mặc dù, việc sống lâu, việc khỏi bệnh, việc thoát khỏi hoạn nạn…không phải là dễ và cũng không phải ai, lúc nào cũng có thể đạt được, nhưng ít ra cũng giúp người ta nhận ra đâu là lẽ phải, đâu là tội ác…hy vọng ở tương lai phía trước. Qua những câu chuyện đó, bài học về đối nhân xử thế, những  nội dung mang tính giáo dục tích cực, sự  thể hiện cách ứng xử của con người với con người, con người với thiên nhiên; những yếu tố phản ánh bản sắc văn hoá dân tộc, vùng miền…đã được tích hợp, lồng ghép một cách khéo léo, khiến người ta có cảm giác được tiếp cận cả quá khứ, hiện tại và tương lai.

  Tùy theo mục đích của việc cầu cúng mà Thầy Then sẽ bày mâm cúng và cầu khấn những vị thần khác nhau, cao nhất là Ngọc Hoàng. Thầy Then thường phải có: lệnh bài, ấn tín, kiếm trừ tà, thanh âm dương, chuông, quạt...; sử dụng các lễ vật như: Thịt lợn, thịt gà, xôi, rượu, gạo, hoa quả, vàng mã... để thực hiện lễ Then tại nhà tín chủ, ở ngoài trời hoặc tại nhà mình. Khi làm lễ, Thầy Then mặc lễ phục chùm ra ngoài từ cổ xuống gần gót chân, đầu đội chiếc mũ Then thêu các hình màu sắc sặc sỡ, mô phỏng một loại mũ của Đạo Giáo với 3, 5, 7, 9 hoặc 11 dải mũ ở phía sau lưng biểu thị đẳng cấp cao thấp; Thầy Then vừa diễn xướng bài cúng vừa gảy đàn Tính (còn gọi là Tính Then), xóc chùm xóc nhạc và phất quạt; đôi khi có tốp nữ múa phụ họa.

   Nghi lễ Then có mấy loại thường gặp là: Then Cấp sắc (lễ phong chức, chứng nhận cho học trò bắt đầu được phép làm nghề Then, hoặc nâng cấp cho các Thầy Then), Then cầu an giải hạn (dùng cho việc chữa bệnh hoặc cầu khấn cho sự bình an, may mắn),Then cáo lão (nghi lễ của các ông, bà Then đã quá già xin phép Then Luông, tức ông trời cho nghỉ không cúng bái gì nữa), Hội Then (gọi là Kin Pang Then, là lễ mừng cho mệnh Then).v.v.

  Khi tiến hành một cuộc lễ Then, với sự hỗ trợ của những người phụ đồng (là học trò hoặc những người đã được ông/bà Then chữa khỏi bệnh), các ông/bà Then sẽ thực hiện một “kịch bản” ở phía trước một bàn thờ Then. Trong đó, khi thì họ thắp hương, khấn vái, cầu khấn thần linh; khi thì họ tiến hành những “chuyến đi” cùng với đoàn âm binh lên Mường Trời hoặc đến những vùng đất cần phải đến bằng cách đàn, hát, kể chuyện (đôi khi có cả múa phụ họa) để diễn tả về những chuyến đi ấy. Những làn điệu Then được sử dụng trong các nghi lễ như vậy người ta gọi là Then cổ, Then cúng hoặc Then nghi lễ. Nhạc cụ chính được dùng để đệm cho hát, múa trong Then nghi lễ là cây Tính Tảu (một loại đàn dây gẩy, cần đàn dài, có 2 dây hoặc 3 dây  bằng tơ tằm hoặc nilon, hộp đàn làm bằng quả bầu khô) và chùm nhạc xóc (một chùm gồm những quả chuông nhỏ) đôi khi được móc vào ngón chân để xóc theo nhịp. Trên cơ sở một khung kịch bản có những nguyên tắc chung, sự khác nhau giữa Then của các dân tộc Tày, Nùng, Thái chỉ là ở những chi tiết trong trang phục, ngôn ngữ, tên gọi, quãng và điệu thức cũng như những kiểu luyến âm trong giai điệu âm nhạc, cách sắp xếp đội hình múa.v.v. Khoảng từ cuối những năm 1980, xuất hiện thêm một kiểu trình diễn Then gọi là Hát Then – Đàn Tính (còn gọi là Then văn nghệ), không gắn với nghi lễ; trong đó, người ta dùng những làn điệu, trích đoạn đã được tách ra từ trong các nghi lễ Then rồi chỉnh sửa đi và đưa lời ca với nội dung, đề tài về cuộc sống mới vào để trở thành một dạng tiết mục ca múa nhạc phục vụ cho nhu cầu giải trí, thưởng thức của quần chúng.

     Trải qua hàng ngàn năm tồn tại và phát triển, di sản Then của các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam ngày càng đi vào chuyên môn hóa, hoàn chỉnh và hấp dẫn hơn về hình thức thể hiện; nó đã trở thành một “thiết chế” xã hội không thể thiếu, một thành trì làm chỗ dựa về tinh thần cho các dân tộc chủ nhân của nó. Trong cuộc sống hiện đại, thực tế là cũng còn khá nhiều điều về những khó khăn, bệnh tật…. mà con người chưa thể giải quyết được, thì những hình thức văn hóa tín ngưỡng như Then được xem là nơi có thể giúp con người thể hiện những ước mơ lãng mạn, bay bổng; nơi con người hướng tới những miền đất tốt đẹp và sung sướng tột cùng, làm sản sinh ra những khoảnh khắc thăng hoa về một cuộc sống lý tưởng, gửi gắm những gì là đẹp nhất, tinh hoa nhất mà con người có thể sáng tạo ra được. Vì vậy, nếu gạt bỏ những yếu tố mê tín (ví dụ, trong việc cầu xin thần linh giúp đỡ để chữa bệnh, để thoát khỏi hoạn nạn…) mà ngày nay thực tế cũng không còn mấy ai tin, thì Then là một không gian văn hóa dân tộc, một tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian đa dạng; vừa phản ánh, vừa mô tả, vừa gửi gắm, nhắn nhủ những cay đắng, ngọt bùi của cuộc sống. Trong Then có thể tìm thấy những làn điệu của tầng dân ca, dân nhạc cổ xưa nhất, những điệu múa đã song hành với Then qua bao năm tháng. Then là một kho tàng quí báu, tàng trữ những giá trị văn học nghệ thuật ngàn đời của các dân tộc Tày, Nùng, Thái; nó cần được bảo vệ, tôn vinh và tiếp tục phát huy những ý nghĩa tốt đẹp  để phục vụ cuộc sống. Kể từ năm 2012 đến nay nghi lễ Then của người Tày, Nùng ở các tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn; nghi lễ Then của người Tày ở Thái Nguyên, Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Quảng Ninh, Tuyên Quang; Lễ Cấp sắc của người Tày ở Bắc Cạn, Lễ Kin Pang Then của người Thái ở Điện Biên…đã được đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia3.     Với những giá trị và vai trò của nó trong cuộc sống, Then Tày, Nùng, Thái hoàn toàn xứng đáng được ghi nhận, tôn vinh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

 

 

Chú thích:

1. Nguyễn Thị Yên (2007): Then Tày, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, trang 54.

2. Viện Âm nhạc(2016): Kiểm kê di sản Then Tày, Nùng, Thái Việt Nam 2016. Nxb Thanh niên.

3. Xem: Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, trên trang Thông tin điện tử của Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

 

                                        TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tô Ngọc Thanh (2007): Ghi chép về văn hóa và âm nhạc. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

2. Nguyễn Thị Yên (2007): Then Tày.  Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

3. La Công Ý (2010): Đến với người Tày và văn hóa Tày. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.