Nội san

TẠO HỨNG THÚ HỌC KỸ NĂNG VIẾT TIẾNG ANH CHO SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM NGHỆ THUẬT TRUNG ƯƠNG THÔNG QUA HOẠT ĐỘNG VIẾT HỢP TÁC

16 Tháng Bảy 2021

Nguyễn Thanh Dung

1. Đặt vấn đề                                                                     

Trong quá trình học tiếng Anh, kỹ năng viết thường được xem là khó đối với người học, bời vì để có khả năng viết tiếng Anh tốt đòi hỏi người học phải có kiến thức ngôn ngữ, bao gồm khả năng sử dụng kiến thức ngữ pháp chính xác, khả năng sử dụng từ vựng đúng ngữ cảnh, phong phú, khả năng tổ chức ý tưởng, tư duy lô gic, mạch lạc. Nếu như kỹ năng đọc và nghe là các kỹ năng tiếp nhận ngôn ngữ thì kỹ năng nói và viết là kỹ năng sản sinh ngôn ngữ, đòi hỏi một quá trình tổ chức, trình bày các ý tưởng cụ thể hoặc trừu tượng dưới dạng văn bản viết. Vì học viết là một quá trình tổng hợp tương đối phức tạp, tốn thời gian, đòi hỏi sự kiên trì, sự thực hành thường xuyên nên trong quá trình dạy học kỹ năng viết tiếng Anh đòi hỏi người dạy phải không ngừng tìm tòi, vận dụng các phương pháp giảng dạy sáng tạo, phù hợp nhằm tạo hứng thú, từng bước giúp người học cải thiện khả năng viết và tự tin hơn khi học kỹ năng này. Trong bài viết tác giả trình bày khái niệm kỹ năng viết tiếng Anh, khái niệm hoạt động viết hợp tác và một số hoạt động viết hợp tác có thể áp dụng nhằm tạo hứng thú cho sinh viên Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương trong học kỹ năng viết tiếng Anh. 

2. Khái niệm kỹ năng viết trong dạy học tiếng Anh 

         Kỹ năng viết nói chung, kỹ năng viết tiếng Anh nói riêng là một phần quan trọng của quá trình giao tiếp, thông qua đó con người thể hiện các ý tưởng của mình. Khái niệm viết trong dạy học tiếng Anh được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm và đưa ra với những góc nhìn khác nhau. Coulmas (2003) định nghĩa “Viết là hệ thống các ký hiệu được sử dụng để đại diện cho một ngôn ngữ với mục đích ghi lại những thông điệp người nói lưu lại được. Bryne (1979) cho rằng “Viết là quá trình chuyển các ý tưởng thành ngôn ngữ, là kỹ năng tổng hợp đòi hỏi sự hoạt động cả về thể chất lẫn tinh thần đối với người viết”. Bryne khẳng định viết là một kỹ năng khó nhất đặc biệt đối với người học mong muốn đạt được kỹ năng viết chính xác khi học một ngôn ngữ trong đó có ngôn ngữ Anh. Theo tác giả có ba nguyên nhân chính khiến cho kỹ năng viết là kỹ năng khó, bao gồm: (1) vấn đề tâm lí học lô gic gây nên bởi sự thiếu tương tác và phản hồi giữa người đọc và người viết; (2) thiếu kiến thức ngôn ngữ sẽ khiến cho người viết gặp khó khăn trong việc diễn đạt ý tưởng. Điều này cho thấy năng lực ngôn ngữ đóng vai trò là công cụ chủ chốt trong việc phát triển kỹ năng viết; (3) vấn đề nhận thức.Theo Harmer (1998) “Viết là một quá trình trong đó người viết phải trải qua các giai đoạn cụ thể để sản sinh ra sản phẩm viết hoàn chỉnh cuối cùng. Các giai đoạn bao gồm: lập kế hoạch, viết nháp, sửa bản nháp và viết bản hoàn chỉnh.

         Như vậy, có thể thấy rằng mặc dù các nhà nghiên cứu đưa ra quan niệm khác nhau về kỹ năng viết tiếng Anh nhưng họ đều chia sẻ điểm chung khi cho rằng: Viết tiếng Anh là một quá trình phức tạp liên quan tới cả hoạt động thể chất lẫn tinh thần và phải trải qua các giai đoạn: lập kế hoạch viết, viết nháp, chỉnh sửa và viết bản hoàn thiện. 

3. Khái niệm hoạt động viết hợp tác và lợi ích của việc ứng dụng hoạt động viết hợp tác vào dạy kỹ năng viết tiếng Anh cho sinh viên  

         Theo tác giả Linda (2002) “Viết hợp tác là hoạt động trong đó có ít nhất từ hai đến nhiều cá nhân tham gia cùng hợp tác với nhau để sản sinh ra một văn bản viết chung theo yêu cầu”. 

Việc áp dụng hoạt động viết hợp tác vào lớp học viết tiếng Anh mang lại những lợi ích sau cho người học: 

Người học có cơ hội chia sẻ ý tưởng, kiến thức ngôn ngữ và hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình học tập. 

Phát triển nhóm kỹ năng mềm như: kỹ năng hợp tác, kỹ năng thảo luận, phản biện, kỹ năng phân tích và tổng hợp vấn đề; kích thích tư duy sáng tạo của người học. 

Phát triển kỹ năng lãnh đạo: Kỹ năng lãnh đạo được đề cập ở đây không chỉ giới hạn ở khía cạnh thể hiện vai trò quản lý mà thể hiện ở trách nhiệm với nhiệm vụ mỗi cá nhân người học được phân công. 

Phát triển mối quan hệ tốt đẹp giữa những người học với nhau vì thông qua làm việc hợp tác theo nhóm người học hiểu nhau hơn và có thể chia sẻ khó khăn trong học tập, từ đó giúp cho việc học kỹ năng viết tiếng Anh dễ dàng hơn, đạt hiệu quả cao hơn. 

4.Ứng dụng một số hoạt động viết hợp tác vào giờ học kỹ năng viết tiếng Anh nhằm tạo hứng thú cho sinh viên trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương

4.1. Hoạt động viết truyệnhợp tác 

Để việc áp dụng hoạt động viết truyện hợp tác thực sự có hiệu quả, cấu trúc bài học cần được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng. Một số nguyên tắc phải được thiết lập rõ ràng nhằm giúp người học thực hiện hoạt động một cách hiệu quả. Sau đây là các bước tiến hành áp dụng hoạt động viết truyện hợp tác: 

Thiết lập mục tiêu bài học: Trước khi xây dựng giáo án cho một bài học viết sử dụng hình thức viết truyện hợp tác người dạy cần xác định mục đích của việc áp dụng hoạt động này là gì? Người học được hưởng lợi ích gì từ hoạt động này? Ví dụ: Hoạt động viết truyện hợp tác được áp dụng nhằm giúp người học thực hành ghi nhớ từ vựng hay kiến thức ngữ pháp. Để sau khi hoàn thành một hoạt động học tập được giao người học cảm nhận họ vừa hoàn thành một việc làm có ý nghĩa. Để làm được điều này đòi hỏi người dạy phải xác định được mục đích rõ ràng của việc sử dụng phương pháp dạy học và mục tiêu bài học. 

Người học được chia thành các nhóm nhỏ từ 4 đến 5 thành viên. Để tạo thành các nhóm học tập có hiệu quả người dạy cần tuân thủ nguyên tắc chia nhóm trong dạy học: có thể chia nhóm ngẫu nhiên hoặc chia nhóm có chủ định. Các thành viên trong mỗi nhóm ngồi theo vòng tròn, mặt quay vào nhau. Người dạy sẽ yêu cầu mỗi nhóm viết một câu truyện dựa trên chủ đề cho sẵn. Điều cần lưu ý là mỗi thành viên trong nhóm sẽ luân phiên viết truyện cho đến khi câu truyện được hoàn thành. 

         Để đảm bảo mọi thành viên trong các nhóm đều hiểu yêu cầu, người dạy cần làm mẫu trước. Trong khi các nhóm hoạt động thực hiện nhiệm vụ được giao người dạy đi quanh các nhóm để hỗ trợ người học khi cần. 

         Sau khi các nhóm hoàn thành nhiệm vụ, người dạy thu lại sản phẩm viết và yêu cầu các nhóm đọc và góp ý chéo cho nhau về nội dung câu truyện, sự lô gic giữa các ý tưởng, cách sử dụng từ, kiến thức ngữ pháp. Để thống nhất tiêu chí đọc góp ý sản phầm viết giữa các nhóm, người dạy cần lập sẵn một bảng các tiêu chí đọc soát và cho điểm một cách chi tiết. Sau đó, người dạy là người đưa ra quyết định cuối cùng khẳng định ý kiến góp ý cho nhau của các nhóm là hợp lý hay chưa hợp lý. Căn cứ vào những ý kiến góp ý, các nhóm sẽ cùng nhau chỉnh sửa và hoàn thiện bài viết. 

4.2. Hoạt động viết di chuyển

 Hoạt động viết di chuyển được áp dụng theo quy trình sau: 

Mỗi thành viên trong lớp sẽ được phát một tờ giấy trong đó có ghi câu mở đầu của một câu truyện. Điều cần lưu ý là các câu truyện có câu mở đầu khác nhau. Thành viên đầu tiên sẽ có khoảng 5 phút để viết tiếp nội dung câu truyện theo hướng mở. Sau 5 phút người học sẽ nắm tờ giấy thành hình nắm tuyết rồi ném lên phía trước lớp học. Đối với những lớp học với biên chế sinh viên ít, trong không gian hẹp người dạy có thể cho phép người học ném “nắm tuyết” vào các vị trí khác nhau. Sau đó mỗi thành viên sẽ nhặt một “nắm tuyết” - là tờ giấy chứa một phần câu truyện do người thứ nhất đã viết, mở tờ giấy ra để viết tiếp nội dung câu truyện trong vòng 10 phút. Trong trường hợp người học nhặt được bài viết của chính mình, người học sẽ gấp lại và ném lên phía trước lớp rồi nhặt tờ giấy khác. Người dạy lặp lại hành động viết này đến lần thứ 4 thì dừng (Số lần lặp lại nhiều hay ít phụ thuộc vào nội dung câu truyện và lượng thời gian cho phép. Điều này do người dạy quyết định). Sau khi người viết đã hoàn thành nhiệm vụ, bản viết cuối cùng được chuyển tới người viết đầu tiên - tác giả của câu truyện. Người học này có nhiệm vụ đọc lại câu truyện, chỉnh sửa, bổ sung những nội dung cần thiết để có một câu truyện hoàn chỉnh. 

4.3. Hoạt động viết theo hình ảnh gợi ý

Học viết tiếng Anh theo hình ảnh được thực hiện theo quy trình như sau:

Người dạy chia lớp thành các nhóm nhỏ gồm từ 4 đến 5 thành viên.    

Người dạy phát cho mỗi thành viên trong nhóm một tờ giấy trắng kèm theo một chủ đề.

Các thành viên trong nhóm thảo luận và vẽ phác thảo hình ảnh theo chủ đề được giao. Sau khi vẽ phác thảo xong người học sẽ thảo luận cùng nhau để viết bài viết theo chủ đề được giao.

Sau khi các nhóm hoàn thành bài viết, người dạy thu lại bài viết và phát cho các nhóm để đọc chéo cho nhau. Người dạy phát cho các nhóm bảng tiêu chí đọc và đánh giá bài viết.

         Người dạy là người cuối cùng đánh giá bài viết của các nhóm và đưa ra nhận xét cuối cùng.

5. Kết luận 

Học kỹ năng viết tiếng Anh thông qua các hoạt động viết hợp tác mang lại những lợi ích nhất định cho sinh viên như cơ hội chia sẻ ý tưởng, kiến thức ngôn ngữ, kích thích tư duy sáng tạo. Đặc biệt, sự hỗ trợ lẫn nhau khi tham gia các hoạt động viết hợp tác giúp sinh viên xóa bỏ cảm giác lo lắng và tăng tính tự tin từ đó cảm thấy hứng thú hơn khi học kỹ năng viết tiếng Anh. Ngoài ra, việc tham gia vào các hoạt động viết hợp tác giúp sinh viên phát triển nhóm kỹ năng mềm cần thiết cho công việc sau này bao gồm kỹ năng hợp tác, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng thảo luận, kỹ năng phân tích và tổng hợp vấn đề.    

Tài liệu tham khảo

1. Byrne, J. (2012). Writing Comedy (Writing Handbooks). Methuen Drama.

2. Coulmas, R. (2003). Writing systems: An Introduction to their linguistic Analysis. Cambridge University Press. 

3. Donato, R. (1994). Collaboarative scaffolding in second language learning. In J. Lantolf & G. Appel. (Eds.), Vygotskian approaches to second language research (pp.33-56). Norwood, NJ: Ablex.  

4. Glendinning and Howard (2001)  Exploring the use of collaborative writing in an EFL classroom context.University of Sydney Papers in TESOL

5. Harmer, J. (1998). The Practice of English Language Teaching. Longman.Essex. 

6. Linda K. Karell, 2002, Writing Together, Writing Apart: Collaboration in Western American Literature. Univ. of Nebraska Press. 

7. Long, M.H. (1980). Input, interaction and second language acquisition. Unpublished doctoral disertation. University of California, Los Angeles.

8. Swan, M., & Lapkin, S. (1998). Interaction and second language learning: Two adolescent French immersion students working together. The Modern Language Journal, 82 93), 320-337.