Nội san

Phát triển du lịch làng nghề truyền thống tỉnh Thanh Hóa - nhận diện tiềm năng và định hướng khai thác

17 Tháng Bảy 2021

TS.Nguyễn Thị Thục[1] - PGS.TS.Nguyễn Thị Lan Hương[2]

Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam

Tóm tắt

Làng nghề truyền thống hiện đang được đánh giáloại hình tài nguyên du lịch nhân văn hấp dẫn của Việt Nam nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng. Với kho tàng tri thức phong phú về nghề và văn hóa làng nghề, nhiều làng nghề truyền thống xứ Thanh đã trở thành điểm đến được ưu tiên trong hành trình khám phá truyền thống văn minh - văn hiến Việt Nam của du khách trong và ngoài nước. Lợi ích to lớn của việc đưa làng nghề truyền thống vào chuỗi hoạt động du lịch Thanh Hóa không chỉ thể hiện ở tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, mà trên hết, phát triển du lịch làng nghề chính là một trong những giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương trong bối cảnh hiện nay.

Từ khóa: Làng nghề, du lịch làng nghề, Thanh Hóa, tiềm năng, phát triển

 

Developing traditional craft village tourism in Thanh Hoa province - identifying the potential and orientation of exploitation

Summary

Traditional craft villages have been considered an especially intriguing humanistic resource for tourism in Vietnam in general and Thanh Hoa province in particular. Thanh Hoa province has a rich treasure of craft knowledge and craft village culture, thereby many traditional craft villages here have become attractive destinations for tourists, foreigners and Vietnamese alike, during their journeys to discover the country’s culture and civilization. Craft village tourism activities in Thanh Hoa bring many benefits, such as: economic growth, increase income for craft villages, and especially to preserve and promote traditional cultural values of the locality in the present context.

Key words: Craft village, craft village tourism, Thanh Hoa, potential, development.

1. Dẫn nhập

Thanh Hóa - vùng đất vốn nhận nhiều ưu đãi của thiên nhiên về nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng, đất đai màu mỡ, cùng phẩm chất lao động cần cù, chịu khó, khéo léo và sáng tạo của con người nơi đây đã và đang sở hữu hàng trăm làng nghề thủ công truyền thống, phân bố khắp các vùng, miền trong tỉnh. Trải qua thời gian tồn tại và phát triển, các làng nghề đã trở thành một bộ phận quan trọng tạo nên truyền thống lịch sử, văn hóa ở mỗi làng quê, thôn xóm xứ Thanh.

Mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn lịch sử, làng nghề truyền thống tuy có những thăng trầm nhưng tựu chung lại đều mang “sứ mệnh” nhân văn cao cả, với trọng trách lưu giữ những giá trị lịch sử - văn hóa  dân tộc, sắc thái văn hóa của mỗi địa phương, là sợi dây gắn kết bền chặt tình làng nghĩa xóm và đóng vai trò kinh tế quan trọng trong việc sản xuất ra các sản phẩm tiêu dùng, giải quyết việc làm tại chỗ. Có thể nói, sự hiện hữu của các làng nghề không chỉ làm gia tăng tính đa dạng, độc đáo của hệ thống di sản văn hóa xứ Thanh nói riêng và cả nước nói chung, mà nó còn có những đóng góp quan trọng trong cơ cấu của nền kinh tế Việt Nam với ba trụ cột: nông - công - thương, tạo cơ sở cho làng xã Việt Nam có thể tồn tại ổn định lâu dài, vững chắc. Thậm chí, cho đến cuối thế kỷ XX và thập niên đầu của thế kỷ XXI, những tiến bộ vượt bậc cùng sự tác động không nhỏ của khoa học công nghệ cũng chưa thể khiến cho hoạt động sản xuất ở các làng nghề truyền thống thay đổi nhiều. Tuy nhiên, khi xã hội loài người bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ XXI với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, hội nhập kinh tế thế giới ngày càng được mở rộng, giao lưu văn hóa phát triển và đặc biệt là sự xuất hiện của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì vấn đề bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của các quốc gia, dân tộc, vùng, miền, địa phương lại được đặt ra một cách cấp thiết hơn bao giờ hết, trong đó làng nghề truyền thống là một loại hình di sản văn hóa cần được quan tâm. Bảo tồn làng nghề truyền thống Thanh Hóa theo hướng: vừa gìn giữ và phát triển truyền thống văn hóa của dân tộc, địa phương để có thể “hòa nhập quốc tế mà không hòa tan”, vừa góp phần tạo động lực thúc đẩy công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho các cộng đồng dân cư, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Theo hướng đi này, phát triển du lịch làng nghề được nhận định là một trong những giải pháp khả thi và hữu hiệu.

Thời gian qua, bên cạnh những chủ trương đầu tư phát triển du lịch dựa trên lợi thế về sự phong phú, đa dạng của hệ thống di tích, sự hấp dẫn của cảnh quan thiên nhiên[3], trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chính quyền tỉnh Thanh Hóa đang từng bước quan tâm tới hoạt động khai thác, phát triển du lịch làng nghề truyền thống với sự tham gia của cộng đồng như một động thái bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh. Việc nhận diện, đánh giá tiềm năng, nắm bắt thực trạng hoạt động du lịch làng nghề, trên cơ sở đó đưa ra những định hướng phát triển cho loại hình du lịch nhân văn này trong thời gian sắp tới là một trong những trọng tâm của du lịch tỉnh Thanh Hóa hiện nay.

2. Du lịch làng nghề truyền thống - loại hình du lịch văn hóa tiềm năng của tỉnh Thanh Hóa

Du lịch làng nghề được các nhà nghiên cứu, các chuyên gia đánh giá là một loại hình du lịch văn hóa chất lượng cao bởi lẽ làng nghề truyền thống được xem như một tài nguyên du lịch nhân văn có ý nghĩa. Theo quan điểm của một số nhà nghiên cứu, làng nghề truyền thống chính là một  “bảo tàng sống” - nơi lưu giữ kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vừa phong phú, đa dạng, vừa sinh động, cụ thể, góp phần làm nên hệ giá trị của văn hóa dân tộc. Đồng thời là yếu tố thu hút sự quan tâm của du khách. Làng nghề truyền thống - đó không chỉ đơn thuần là nơi chế tác các sản phẩm thủ công đặc thù, mà còn là môi trường văn hóa lưu giữ và trao truyền qua nhiều thế hệ với những tinh hoa nghệ thuật và kỹ thuật dân gian, những kinh nghiệm sản xuất, phong tục tập quán của cộng đồng. Nhiều làng nghề truyền thống ở Thanh Hóa với hệ giá trị văn hóa đặc trưng đã được lựa chọn quy hoạch trở thành điểm đến hấp dẫn, là địa chỉ du lịch không thể thiếu trong hành trình du khách muốn tìm hiểu về văn hóa các vùng miền của Việt Nam. Khách du lịch đến với làng nghề không chỉ để tham quan các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh mà trên hết là để thưởng thức tinh hoa nghề nghiệp của những người thợ thủ công với bàn tay khéo léo, óc sáng tạo tuyệt vời được bảo lưu, gìn giữ qua nhiều thế hệ, từ đó từng bước tìm hiểu và khám phá các giá trị truyền thống của một nền văn hóa. Theo nhận định của một số chuyên gia du lịch quốc tế thì, sự kết hợp giữa du lịch và nghề thủ công truyền thống tại Việt Nam dường như phổ biến hơn so với ở các nước ASEAN khác. Đây cũng chính là lợi thế của các địa phương như Thanh Hóa trong phát triển loại hình du lịch làng nghề.

Song hành cùng những thăng trầm của lịch sử dân tộc, Thanh Hóa vốn nổi danh là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa. Ngay từ rất sớm, nhiều nghề/làng nghề truyền thống ở xứ Thanh đã ra đời và phát triển cho đến tận ngày nay. Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có 175 làng nghề đang hoạt động[4] với số lượng và quy mô khác nhau, tuy nhiên sự phân bố các làng nghề ở các khu vực, vùng miền trong tỉnh là không đều. Phần lớn các nghề và làng nghề tập trung tại khu vực đô thị, đồng bằng và duyên hải, số làng nghề truyền thống ở khu vực miền núi khá ít ỏi và tập trung chủ yếu vào một số nghề: dệt, đan lát....với mục đích cung cấp nguồn hàng tại chỗ phục vụ cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Trong số 175 làng nghề, thì làng nghề làm chiếu cói hiện chiếm tỷ lệ cao, với số lượng 37/175 làng nghề (chiếm 21,1%); làng nghề làm mây tre đan có 19/175 (chiếm 10,8%); làng nghề gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh có 13/175 (chiếm 7,4%); khai thác đá và sản xuất vật liệu xây dựng có 10/175 (chiếm 5,7%)...  Trải qua các giai đoạn lịch sử, một số nghề/ làng nghề tiếp tục được duy trì và phát triển tạo nên hệ thống các nghề/làng nghề truyền thống rộng khắp các vùng miền trong tỉnh, nhiều làng nghề quy mô liên tục được mở rộng, trong đó có một số nhóm nghề tiêu biểu như nghề gốm sứ, nghề dệt, nghề mây tre đan, nghề dệt cói, nghề chạm khắc đá, nghề gỗ, nghề kim khí đúc đồng, nghề chế biến thực phẩm…

Bảng 1: Quy mô hoạt động của một số làng nghề truyền thống ở Thanh Hóa

[Nguồn: Tác giả và nhóm nghiên cứu điều tra khảo sát năm 2019]

 

TT

Huyện/TP

Làng nghề

 quy mô lớn

Làng nghề

quy mô nhỏ

1

Thành phố Thanh Hóa

02

08

2

Thành phố Sầm Sơn

0

03

3

Hoằng Hóa

02

07

4

Nga Sơn

01

02

5

Hậu Lộc

04

0

6

Tĩnh Gia

01

01

7

Quảng Xương

01

03

8

Yên Định

0

05

9

Nông Cống

01

04

10

Vĩnh Lộc

0

04

11

Triệu Sơn

02

02

12

Hà Trung

01

03

13

Thiệu Hóa

0

04

14

Đông Sơn

0

02

15

Thọ Xuân

0

08

16

Như Thanh

01

01

17

Cẩm Thủy

01

02

18

Quan Sơn

0

01

19

Bá Thước

0

01

20

Thường Xuân

0

01

21

Thạch Thành

0

01

 

Tổng cộng

17

63

 

 

Bên cạnh đó, sự phân bố mang tính thống nhất và tập trung theo khu vực có tính chất phường/hội nghề đã xuất hiện từ trong lịch sử: (1) Các làng nghề đan lát ở miền biển: chiếu cói, đan mây tre ghép dừa (Nga Sơn, Hoằng Hóa, Thành phố Sầm Sơn); (2) Các làng nghề chạm khắc trên các chất liệu gỗ, đá (Hoằng Hóa, Thành phố Thanh Hóa…); (3) Các làng nghề dệt: vải gai, thổ cẩm ở các huyện miền núi (Quan Hóa, huyện Ngọc Lặc, Lang Chánh, Bá Thước…); (4) Các làng nghề đúc đồng (Thiệu Hóa, Quảng Xương); (5) Các làng nghề chum vại, gốm sứ (Thành phố Thanh Hóa, Thiệu Hóa, Hoằng Hóa…); (6) Các làng nghề chế biến thực phẩm: chè lam, bánh gai, nem chua, mắm, tương (Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Thành phố Thanh Hóa, Tĩnh Gia, huyện Yên Định…); (7) Các làng nghề gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh (Như Thanh)… Sản phẩm từ các làng nghề chính là nguồn tài nguyên quan trọng để chính quyền địa phương lựa chọn phát triển du lịch với những điểm nhấn ấn tượng sẽ đem đến cho du khách trong mỗi hành trình khám phá văn hóa vùng đất xứ Thanh.

Nhận thấy những lợi thế rất lớn của địa phương trong việc phát triển loại hình du lịch văn hóa làng nghề, ngày 25/9/2014 Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Quy hoạch các điểm du lịch làng nghề trên địa bàn tỉnh tại Quyết định số 3136/QĐ-UBND. Như vậy, bên cạnh tiềm năng vốn được thiên nhiên ưu đãi và lịch sử gây dựng thì sự quan tâm của các cấp tỉnh quyền từ tỉnh đến các địa phương đối với việc bảo tồn, phát triển, quy hoạch làng nghề truyền thống trở thành điểm đến du lịch cũng chính là một lợi thế không nhỏ để mỗi địa phương trong tỉnh hiện thực hóa chiến lược phát triển du lịch làng nghề trong chiến lược phát triển du lịch chung của Thanh Hóa trong thời gian tới, đó là: đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

3. Thực trạng hoạt động du lịch tại một số điểm du lịch làng nghề ở tỉnh Thanh Hóa hiện nay

Theo Đề án quy hoạch của UBND tỉnh Thanh Hóa, hiện có 15/175 làng nghề được quy hoạch trở thành điểm du lịch[5]:

(1) Làng nghề sản xuất bánh gai Tứ Trụ, xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân;

(2) Làng nghề sản xuất chiếu cói cụm công nghiệp liên xã, thị trấn Nga Sơn;

(3) Làng nghề đúc đồng, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa;

(4) Làng nghề dệt nhiễu Hồng Đô, xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa;

(5) Làng nghề dệt thổ cẩm, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy;

(6) Làng nghề sản xuất nước mắm Ba Làng, xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia;

 (7) Làng nghề sản xuất nem chua, thị trấn Tào Xuyên, Thành phố Thanh Hóa;

(8) Làng nghề sản xuất đá mỹ nghệ, xã Đông Hưng, Thành phố Thanh Hóa;

 (9) Cơ sở sản xuất tranh thêu Thanh Xuân, phường Nam Ngạn, Thành phố Thanh Hóa;

(10) Làng nghề sản xuất nón lá thủ công xã Trường Giang, huyện Nông Cống;

(11) Làng nghề sản xuất đồ lưu niệm từ sản phẩm biển (vỏ trai, vỏ sò, ốc...) phường Trường Sơn, Thành phố Sầm Sơn;

(12) Làng nghề mộc xã Hoằng Đạt, huyện Hoằng Hóa;

(13) Làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ (mây tre đan) xã Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa;

(14) Làng nghề nấu rượu Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc;

(15) Làng nghề sản xuất chè lam Phủ Quảng, huyện Vĩnh Lộc.

Như vậy, việc quy hoạch và phát triển du lịch làng nghề hiện chỉ tập trung chủ yếu vào một số địa phương: Thọ Xuân (01), Nga Sơn (01), Thiệu Hóa (02), Cẩm Thủy (01), Tĩnh Gia (01), Thành phố Thanh Hóa (03), Nông Cống (01), Thành phố Sầm Sơn (01), Hoằng Hóa (02), Hậu Lộc (01), Vĩnh Lộc (01). Các làng nghề nói trên bước đầu thu hút được khách du lịch tới tham quan, bao gồm cả khách quốc tế và khách nội địa. Tuy nhiên, với 15 làng nghề được quy hoạch thì rõ ràng đây là con số khá khiêm tốn so với số lượng làng nghề/nghề hiện có trên địa bàn toàn tỉnh.

Bảng 2:  Thống kê lượt khách du lịch đến 15 làng nghề  được quy hoạch

giai đoạn 2017-2019

[Nguồn: Tác giả và nhóm nghiên cứu điều tra khảo sát năm 2019]

Đơn vị: Lượt khách

Làng nghề

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Chênh lệch 2018/2017

Chênh lệch 2019/2018

Lượt khách

Tỉ lệ (%)

Lượt khách

Tỉ lệ (%)

1-Làng nghề sản xuất bánh gai Tứ Trụ, xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân

4.102

4.440

5.600

338

7.6

1.182

21

2-Làng nghề sản xuất chiếu cói cụm công nghiệp liên xã, thị trấn Nga Sơn

1.452

1.574

1.066

122

7.751

508

4.7

3-Làng nghề đúc đồng, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa

1.563

1.611

1.925

48

2.97

314

16.3

4-Làng nghề dệt thổ cẩm, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy

3.452

3.574

3.066

122

3.4

508

16.5

5-Làng nghề sản xuất nước mắm Ba Làng, xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia

1.160

1.280

1.360

12

0.93

08

0.58

6-Làng nghề Nem chua - thị trấn Tào Xuyên

5.102

5.444

6.602

342

6.28

1.158

17.54

7-Làng nghề Đá mỹ nghệ - xã Đông Hưng

3.452

3.574

3.066

122

3.41

508

16.56

8-Cơ sở sản xuất tranh thêu Thanh Xuân, P.Nam Ngạn, TP Thanh Hóa

1.263

1.411

1.925

148

10.48

514

26.7

9-Làng nghề dệt nhiễu Hồng Đô, xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa

443

560

570

117

20.89

10

1.75

10-Làng nghề sản xuất nón lá thủ công xã Trường Giang, huyện Nông Cống

1.000

1.100

1.225

09

0.08

105

0.85

11-Làng nghề sản xuất đồ lưu niệm từ sản phẩm biển (vỏ trai, vỏ sò, ốc...) phường Trường Sơn, Sầm Sơn

3.452

3.574

3.066

122

3.4

508

16.56

12-Làng nghề mộc xã Hoằng Đạt, huyện Hoằng Hóa

660

800

900

140

17.5

100

11

13-Làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ (mây tre đan) xã Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa

1.263

1.311

1.325

48

3.66

14

0.01

14-Làng nghề nấu rượu Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc

440

455

660

15

3.29

205

31.06

15-Làng nghề sản xuất chè lam Phủ Quảng, huyện Vĩnh Lộc.

1.190

1.230

1.140

04

0.03

09

0.07

Tổng

1571.451

1845.123

2161.366

1709

16.6

3313.34

14.4

 

 

Tổng hợp, phân tích số liệu thống kê lượng khách du lịch, có thể thấy chỉ có khoảng 15% khách du lịch quốc tế trong khi khách du lịch nội địa chiếm 85%. Một dấu hiệu đáng mừng là lượng khách du lịch đến với các làng nghề tăng lên hàng năm, trong đó có những làng nghề đón lượng khách năm sau tăng từ 10% đến 25% so với năm trước như: Làng nghề sản xuất bánh gai Tứ Trụ[6] năm 2018 tăng 7,6% so với năm 2017, 21% năm 2020 so với năm 2019; Làng nghề Đúc đồng Trà Đông[7]  năm 2018 tăng so với năm 2017 chỉ 2,97%, nhưng năm 2020 con số này đã tăng lên đến 16,3% so với năm 2019; Làng nghề làm nem chua[8] năm 2018 tăng 6,28%  so với năm 2017, năm 2020 tăng 17,54% so với năm 2019; Cơ sở sản xuất tranh thêu[9] năm 2018 tăng 10,48% so với năm 2017, đến năm 2020 con số này tăng lên đến 26,7% so với năm 2019... Tuy nhiên, bên cạnh những làng nghề truyền thống có lượng khách du lịch tăng lên hằng năm, vẫn còn nhiều làng nghề chưa thực sự hấp dẫn đối với du khách, tỷ lệ khách năm sau so với năm trước tăng chậm, như: Làng nghề sản xuất nón lá thủ công xã Trường Giang, huyện Nông Cống; Làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ (mây tre đan) xã Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa; Làng nghề sản xuất Chè Lam, Phủ Quảng, huyện Vĩnh Lộc... Đáng chú ý, một số làng nghề lại có dấu hiệu giảm lượng khách du lịch, như: Làng nghề sản xuất chiếu cói cụm công nghiệp liên xã, thị trấn Nga Sơn; Làng nghề mộc xã Hoằng Đạt, huyện Hoằng Hóa; Làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ (mây tre đan) xã Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa...

Đứng trước những thách thức trong phát triển bền vững du lịch làng nghề của địa phương, bên cạnh chính sách của Đảng, Nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện cho khôi phục và phát triển các làng nghề, tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng như các huyện, thị, thành phố trong thời gian qua cũng đã ra nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Chiến lược mang tính khả thi nhằm khôi phục các làng nghề truyền thống. Theo đó, nhiều dự án đã đầu tư cho các nghề mũi nhọn, có giá trị xuất khẩu và kinh tế cao như: Chế tác đá, đúc đồng, dệt lụa, mây tre đan...; Nhà nước có chính sách cho vay vốn ưu đãi, miễn giảm thuế tạo điều kiện nâng cấp cơ sở hạ tầng, mở rộng nhà xưởng và phát triển sản xuất phù hợp với các làng nghề. Hàng loạt các dự án làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống đã được xây dựng ở các huyện như: Quảng Xương, Nga Sơn, Thành phố Thanh Hóa, Đông Sơn, Thọ Xuân, Thiệu Hóa, các huyện miền núi... theo mô hình sản xuất là các công ty, doanh nghiệp. Nhiều lớp học dạy nghề và truyền nghề với sự tham gia của các nghệ nhân được nhân rộng ở khắp các huyện, thị, xã, phường… Các chủ trương, biện pháp nói trên được xem như những động thái hết sức tích cực nhằm thúc đẩy hoạt động du lịch làng nghề ở Thanh Hóa thông qua việc tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ của các làng nghề.

Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động du lịch làng nghề ở Thanh Hóa chưa thực sự tương xứng với tiềm năng của tỉnh,chưa được phát huy một cách đồng bộ và hiệu quả. Nhìn tổng thể, các sản phẩm của làng nghề còn nghèo nàn, đơn điệu về chủng loại, mẫu mã. Về cơ bản, các sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống ở Thanh Hóa chưa tiếp cận theo hướng phù hợp với thị hiếu của khách du lịch trên nền tảng sản xuất truyền thống của làng nghề. Sự thiếu và yếu của các sản phẩm dịch vụ bổ trợ tại các làng nghề trong việc đáp ứng nhu cầu của khách du lịch đang là một yếu tố cản trở sự phát triển của du lịch làng nghề ở các địa phương trong tỉnh. Bên cạnh đó, nhiều làng nghề truyền thống vẫn hoạt động ở phạm vi nhỏ, mang tính chất manh mún (hộ gia đình, thôn, làng), chính vì vậy chưa thể đem đến cho khách du lịch một không gian trải nghiệm đầy đủ từ khâu sản xuất - trưng bày - bán hàng. Các hộ dân làm nghề đang còn mang nặng tư tưởng chỉ quan tâm đến thị trường tiêu dùng thuần túy, khái niệm “du lịch”, “sản phẩm du lịch làng nghề”, “marketing du lịch”... còn rất mờ nhạt trong tư duy của mỗi người dân làng nghề.

Về hạ tầng cơ sở, do điều kiện các địa phương, đặc biệt là các huyện miền núi Thanh Hóa còn nhiều khó khăn nên đường xá và các cơ sở vật chất thiết yếu cho du lịch còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu ăn ở của du khách. Ngoài một số điểm du lịch - chủ yếu là du lịch sinh thái đã được chú ý đầu tư bước đầu thì hầu hết chưa được chú trọng, quan tâm đầu tư đúng mức về cơ sở hạ tầng;

Công tác xã hội hóa hoạt động du lịch tại các địa bàn còn nhiều hạn chế, do đó nhận thức của cộng đồng, của một số cán bộ về du lịch còn chưa đầy đủ. Nguồn nhân lực làm du lịch chưa được đào tạo bài bản nên kỹ năng giao tiếp ứng xử và tham gia vào các hoạt động kinh doanh du lịch chưa đạt chuẩn. Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, khả năng tiếp thu kiến thức nhằm sử dụng có hiệu quả giá trị của các tài sản đã được đầu tư hay tài nguyên sẵn có của người dân chưa được tốt. Trong khi đó, du lịch văn hóa nói chung và du lịch làng nghề nói riêng nếu không được tổ chức tốt và người làm du lịch không được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và những nghiệp vụ bổ trợ khác thì hoàn toàn có thể sẽ dẫn đến tình trạng hủy hoại môi trường và văn hóa truyền thống, nhất là khi lối sống, nếp sống của cư dân bản địa có thể bị biến dạng do ảnh hưởng, tác động từ hoạt động du lịch.

Sau cùng, vấn đề vệ sinh môi trường làng nghề - đặc biệt là ở các làng nghề chế biến thực phẩm chưa được đảm bảo và kiểm soát tốt.

Một số nguyên nhân cơ bản của những tình trạng trên được ghi nhận là: Cơ chế, chính sách hỗ trợ việc khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống mặc dù đã được ban hành song chưa cụ thể; Công tác quảng bá và xây dựng thương hiệu làng nghề đã được các ngành liên quan và cộng đồng làng nghề triển khai nhưng chưa đạt hiệu quả cao; Việc xây dựng và quản lý thương hiệu sản phẩm làng nghề gắn với du lịch cho đến nay dường như chưa có tiêu chí cụ thể, và có phần bị chồng chéo trong quản lý dẫn đến những khó khăn nhất định trong việc hỗ trợ cho các làng nghề xây dựng và đăng ký thương hiệu sản phẩm làng nghề; Chất lượng nguồn nhân lực trong các làng nghề còn nhiều hạn chế, nhất là trong năng lực quản lý doanh nghiệp, điều hành các hoạt động sản xuất, dịch vụ; Chế độ đãi ngộ đối với các nghệ nhân, thợ giỏi chưa được quan tâm đúng mức.

4. Một vài gợi ý về định hướng phát triển du lịch làng nghề truyền thống ở Thanh Hóa trong thời gian tới

Để khai thác, phát triển du lịch làng nghề của tỉnh Thanh Hóa theo hướng bền vững - đảm bảo hiệu quả trên các mặt kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái trong thời gian tới, cần tập trung quan tâm đến những vấn đề sau:

Cần khẩn trương quy hoạch lại các làng nghề hiện có trở thành điểm tham quan du lịch, trong đó việc kết nối và duy trì mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp lữ hành và các cộng đồng làng nghề đóng vai trò hết sức quan trọng để thiết lập các tour tham quan làng nghề. Chính sách phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch phải luôn luôn được chú ý quan tâm hàng đầu, hoạt động du lịch làng nghề cũng cần được gắn kết với các tài nguyên khác vốn đã là thế mạnh của du lịch địa phương như cảnh quan sinh thái, hệ thống di tích lịch sử văn hóa, các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống…

Môi trường - một bài toán nan giải trong công tác quản lý ở hầu hết các làng nghề cần được xem là một trong những yếu tố có ảnh hưởng rất lớn tới việc thu hút khách du lịch đến với các làng nghề, do vậy cần giải quyết triệt để. Ở đây, cần hoạch định rõ trách nhiệm của các bộ phận, cơ quan chức năng nhất là chính quyền cơ sở. Vấn đề xử lý môi trường cần được quan tâm ngay từ khâu quy hoạch địa điểm sản xuất, kinh doanh cho các làng nghề. Các làng nghề truyền thống cũng cần được thiết lập các quy định về bảo vệ môi trường trên cơ sở Luật Bảo vệ môi trường và Luật Du lịch hiện hành.

Quan tâm đầu tư cải thiện, nâng cấp có trọng điểm yếu tố hạ tầng cơ sở phục vụ du lịch làng nghề theo phương châm: chính quyền và nhân dân cùng làm. Các hạng mục cần quan tâm trước mắt là hệ thống đường giao thông; các dịch vụ hỗ trợ cho du lịch làng nghề bao gồm: hệ thống nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn phục vụ nhu cầu ăn uống và lưu trú; các điểm vui chơi, giải trí; dịch vụ ngân hàng, viễn thông…

Tổ chức các lớp tập huấn giúp cộng đồng làng nghề biết làm thương mại gắn với du lịch, theo đó, chính quyền, ban ngành các cấp đưa ra cơ chế chính sách, lập quy hoạch và có thể hỗ trợ một phần kinh phí cho các dự án trọng điểm, còn lại có thể huy động vốn từ các nhà đầu tư và kinh phí từ bản thân làng nghề. Một số nội dung cụ thể cần tập trung ở hạng mục này là: xây dựng môi trường du lịch văn hoá tại làng nghề thông qua các hoạt động giáo dục ý thức cho cộng đồng dân cư làng nghề có văn hoá giao tiếp với khách du lịch; phối hợp với các trường đào tạo về quản lý du lịch để mời giảng viên, chuyên gia về giảng dạy các khóa học, các lớp tập huấn ngắn hạn tại làng nghề nhằm trang bị cho cán bộ địa phương và nhân dân làng nghề những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong hoạt động du lịch.

Tập trung vào yếu tố mang tính then chốt, quyết định sự hấp dẫn của làng nghề truyền thống đối với khách du lịch trong và ngoài nước đó là đặc trưng sản phẩm của làng nghề. Các làng nghề Thanh Hóa có thể tham khảo một số mô hình/ý tưởng đã được thử nghiệm và áp dụng thành công ở một số nước châu Á, chẳng hạn như mô hình “mỗi làng một sản phẩm” hoặc mô hình ở các địa phương trong nước. Một trong những nội dung cốt lõi của chương trình chính là quan tâm đến vấn đề xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề cũng như tạo ra sự phong phú, hấp dẫn cho các sản phẩm để thu hút được sự quan tâm của du khách. Áp dụng thành công mô hình này, du lịch làng nghề Thanh Hóa không những góp phần nâng cao thu nhập cho người dân mà quan trọng hơn là có thể đóng góp tích cực cho sự nghiệp gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống trong bề dày lịch sử - văn hóa của địa phương.

Đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xúc tiến quảng bá, giới thiệu các làng nghề và sản phẩm làng nghề của Thanh Hóa trên các phương tiện truyền thông, qua các triển lãm và đặc biệt là qua các kỳ festival du lịch. Thanh Hóa có thể học hỏi những kinh nghiệm từ tỉnh Thừa Thiên Huế - một trong những địa phương đã có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức thành công các festival nghề truyền thống hằng năm. Thông qua kênh hợp tác với các công ty du lịch, các hãng lữ hành, có thể phát hành tờ rơi, tập gấp với những thông tin khái quát và hình ảnh minh họa sinh động về làng nghề. Đây sẽ là hình thức quảng cáo trực tiếp đến khách hàng một cách có hiệu quả.

Sau cùng, vấn đề phát triển du lịch làng nghề Thanh Hóa sao cho có hiệu quả vốn đã khó, việc gìn giữ bản sắc, tinh hoa của mỗi làng nghề, giá trị của các di sản cũng như đảm bảo môi trường sống của cộng đồng các làng nghề sẽ còn khó khăn hơn rất nhiều. Do vậy, trong quá trình hoạch định chính sách phát triển du lịch làng nghề, một sự đảm bảo cân bằng hài hòa giữa các lợi ích kinh tế - văn hóa - xã hội sẽ là nguyên tắc căn bản để loại hình du lịch này của tỉnh Thanh Hóa có thể thành công hơn nữa trong tương lai.

5. Thay lời kết

Trong bối cảnh du lịch làng nghề truyền thống đang ngày càng có sức hấp dẫn du khách và là xu hướng trong hành trình quảng bá, xúc tiến du lịch ở nhiều quốc gia trên thế giới thì việc tỉnh Thanh Hóa quan tâm đến vấn đề phát triển loại hình du lịch này dựa trên thế mạnh, tiềm năng của địa phương là hết sức cần thiết và đúng đắn. Rõ ràng, bên cạnh những lợi ích về kinh tế, xã hội thì quan trọng hơn, du lịch làng nghề còn có nhiều đóng góp cho công cuộc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của địa phương trong bối cảnh hiện nay. Mặc dù vậy, việc tìm ra và ứng dụng hiệu quả các phương hướng, biện pháp nhằm phát triển du lịch làng nghề ở Thanh Hóa là câu chuyện không hề đơn giản và là vấn đề có tính phổ quát ở nhiều địa phương khác trong cả nước, ở đó nếu chỉ chú trọng tới làm du lịch, làm kinh tế mà quên đi những vấn đề văn hóa - xã hội thì tất yếu dẫn đến nguy cơ làm mai một, thậm chí mất đi vốn di sản truyền thống của các cộng đồng làng nghề. Đây chính là bài toán khó cần sự chung tay giải quyết của chính quyền, các ban ngành hữu quan và cộng đồng làng nghề trong thời gian tới. Hy vọng, trong tương lai, du lịch làng nghề Thanh Hóa sẽ được nhận thức, quan tâm đầu tư đúng mức, đúng hướng, trở thành một trong những kênh quảng bá hữu hiệu hình ảnh địa phương trên hành trình không ngừng đổi mới để hội nhập và phát triển./.

 

 

TÀI  LIU THAM KHO

 

1. Trương Quốc Bình (2000), “Về mối quan hệ giữa văn hóa và du lịch”, Văn hóa Nghệ thuật  (2), tr.7-9.

2. Trương Quốc Bình (2001), “From traditional handicraft heritage to industrialized souvenirs technology for the sustainable development of tourism” - “Từ di sản nghề thủ công truyền thống đến công nghệ sản xuất vật phẩm lưu niệm phục vụ cho sự phát triển du lịch bền vững”, Report at ASIA - EUROPE Seminar Cultural Heritage, Man and Tourism, Hà Nội.

3. Ngô Quang Hưng (2015), “Hành trình di sản văn hóa làng nghề Việt Nam”, http://www.baotreonline.com.

4. Ngô Thị Phương Liên (2015), “Phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” của Nhật Bản và kinh nghiệm đối với Việt Nam”, http://lyluanchinhtri.vn.

5. Nhiều tác giả (2009), Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam xuất bản, Hà Nội.

6. Vũ Thị Hạnh Quỳnh (2007), Văn hóa du lịch châu Á - Thái Lan (Đất nước của nụ cười), Nxb Thế giới, Hà Nội.

7. Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD), Báo cáo Xây dựng nông thôn mới từ phong trào“Mỗi làng một sản phẩm”.

8. Website: https://congthuong.vn.

9.  Website: https://hoinongdan.thanhhoa.gov.vn

 

 

[1] Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa

[2] Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

[3] Cụ thể:  Tiểu vùng duyên hải: Động Bích Đào (Nga Sơn), Sầm Sơn (Thành phố Sầm Sơn), Hải Tiến (Hoằng Hóa), Hải Hòa (Tĩnh Gia); Tiểu vùng đồng bằng: Hàm Rồng (Thành phố Thanh Hóa); Ngã Ba Đầu (Thiệu Hóa); Ngã Ba Bông (thuộc 5 huyện: Thiệu Hóa, Hà Trung, Vĩnh Lộc, Yên Định, Hoằng Hóa); Động Hồ Công;  Tiểu vùng miền núi: Các khu Bảo tồn thiên nhiên: Pù Luông (Bá Thước, Quan Hóa), Pù Hu (Quan Hóa, Mường Lát), Xuân Liên (Thường Xuân), Vườn Quốc gia Bến En (Như Thanh, Như Xuân... và một số điểm điểm du lịch ấn tượng như:  Thác Hươu (Bá Thước), thác Ma Hao (Lang Chánh), động Bo Cúng và núi Lá Hoa (Quan Sơn), Thác Mơ, suối cá thần Cẩm Lương (Cẩm Thủy), Thác Mây, Thác Voi (Thạch Thành), Thác Trai Gái, đền Cửa Đạt (Thường Xuân), cửa khẩu quốc tế Na Mèo (Quan Sơn)…; Hệ thống di sản văn hóa đậm đặc, tiêu biểu: Thành Nhà Hồ, Khu di tích Lam Kinh, Đền Bà Triệu...

[4] Số liệu do nhóm giảng viên Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa: Nguyễn Thị Thục, Hoàng Thanh Bình, Trịnh Xuân Phương, Nguyễn Thị Trúc Quỳnh điều tra, khảo sát, thống kê tháng 8/2019.

[5] Quyết định số 3136/QĐ-UBND ngày 25/9/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch các điểm du lịch làng nghề trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

[6] Xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân.

[7] Xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa

[8] Phường Tào Xuyên, thành phố Thanh Hóa.

[9] Phường Nam Ngạn, thành phố Thanh Hóa.