Nội san

MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO VẼ MỸ THUẬT CHO SINH VIÊN NGÀNH CÔNG NGHỆ MAY

16 Tháng Bảy 2021

      Nguyễn Phương Việt

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

 

Đề tài được thực hiện theo Hợp đồng nghiên cứu khoa học và Phát triển công nghệ giữa Nhà trường và Nhóm nghiên cứu

 

TÓM TẮT :

Vẽ mỹ thuật trong chương trình đào tạo kỹ sư công nghệ may cung cấp những kiến thức, phương pháp, rèn luyện kỹ năng để hình thành khả năng mỹ thuật ngành nghề như: nhạy cảm về kiểu dáng, đường nét, màu sắc, có cảm giác tốt về sự cân đối và tỷ lệ của sản phẩm, kỹ năng quan sát, vừa phải biết nhìn tổng thể song lại chi tiết, chính xác. Đôi bàn tay làm việc vừa khéo léo song cũng dứt khoát để chắp nối những chi tiết rất nhỏ của sản phẩm. Sinh viên tham gia học tập ngành công nghệ may hiện nay thi tuyển đầu vào hầu hết được xét tuyển bằng kết quả của các môn học tự nhiên và xã hội. Tâm thế học mỹ thuật cơ sở của các em sinh viên khi vào học ngành may không được chuẩn bị. Ý thức về môn học chưa cao, thời lượng môn học ít dẫn đến hiệu quả chưa cao. Với lý do đó, việc nghiên cứu thực trạng tìm ra những tồn tại, xây dựng giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo vẽ mỹ thuật cho sinh viên ngành công nghệ may là rất cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo ngành nghề công nghệ may, một ngành nghề đang được xã hội đặc biệt quan tâm.

 

Từ khóa:  Giải pháp, chất lượng đào tạo, vẽ mỹ thuật, ngành công nghệ may

 

SOME SOLUTIONS TO IMPROVE THE QUALITY OF TRAINING DRAWINGS OF FINE ARTS FOR STUDENTS OF THE GARMENT TECHNOLOGY INDUSTRY

 

(Abstract): Art drawing in the sewing technology engineer training program provides knowledge, methods and skills to form professional artistic abilities such as: sensitivity to designs, lines, and colors. a good sense of the balance and proportions of the product, the skill of observation, having to know the overall look but in detail and accuracy. The working hands are both skillful but also decisive to join the very small details of the product. Students participating in the garment industry today are currently taking entrance exams mostly by the results of the natural and social subjects. The basic art-learning attitude of the students entering the garment industry is not prepared. Awareness of the subject is not high, the duration of the subject is less leading to low efficiency. For that reason, it is very necessary to research the current situation, find out the shortcomings and develop solutions to improve the quality of art painting training for students in the sewing technology industry, contributing to improving the training quality. sewing technology, a profession that is particularly interested in society.

 

Keywords: Solution, training quality, art drawing, sewing technology industry

 

Các học phần theo hướng đào tạo thẩm mỹ cho sinh viên ngành công nghệ may có thể thấy ở hầu hết các chương trình đào tạo của những trường đại học, cao đẳng có đào tạo ngành này. Các học phần thường thuộc khối kiến thức cơ sở ngành hướng đến cái đẹp cân đối, chuẩn xác của các yếu tố trên sản phẩm may mặc như: hình dáng, màu sắc, chất liệu của thân áo, cổ áo, tay áo, cổ tay áo, túi áo, đường may... thông qua phương pháp, kỹ năng.

Sinh viên đầu vào học ngành công nghệ may hiện nay có số lượng tương đối. Đăng ký thi tuyển đầu vào hiện nay hầu hết được xét tuyển bằng kết quả của các môn học tự nhiên và xã hội như: toán - hoá - lý - sinh - anh – văn. Với thiên hướng khối thi của các em như vậy thì số sinh viên có năng khiếu mỹ thuật là rất ít. Đặc biệt, tâm thế học mỹ thuật cơ sở của các em sinh viên khi vào học ngành may rất hiếm, ít các bạn sinh viên nghĩ rằng ngành may mặc lại liên quan đến mỹ thuật cơ sở, đến thẩm mỹ.

Những công trình nghiên cứu về vẽ mỹ thuật trong ngành công nghệ may nói chung và nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng vẽ mỹ thuật cho sinh viên ngành công nghệ may nói riêng là chưa thấy. Các tài liệu dạy vẽ bằng tiếng nước ngoài và tiếng Việt tương đối phong phú. Tuy nhiên các tài liệu trên đều là những tài liệu hướng tới chuyên ngành nghệ thuật, tập trung những người có đam mê sở thích và năng khiếu về mỹ thuật. Việc tự nghiên cứu, tiếp cận các tài liệu mang tính chuyên ngành trên là khó, đôi khi cũng không phù hợp. Bên cạnh đó cách truyền đạt của tài liệu cho đối tượng có năng khiếu cũng là một vấn đề đối với các em ngành công nghệ may.

            Thực trạng học vẽ mỹ thuật của sinh viên ngành công nghệ may

Nghiên cứu thực trạng học vẽ mỹ thuật của sinh viên ngành công nghệ may trường Đại học công nghiệp Hà Nội, nhóm nghiên cứu đề tài nhận thấy các điều kiện đào tạo như: khung chương trình, mục tiêu học phần, chuẩn đầu ra, đề cương chi tiết, giáo trình, nội dung giảng dạy, tổ chức lớp học, cơ sở vật chất, dạy - học của giảng viên và sinh viên ngành công nghệ may tiệm cận theo tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 20 tháng 4 năm 2018 như: Mục tiêu của chương trình đào tạo được xác định rõ ràng, phù hợp với sứ mạng và tầm nhìn của cơ sở giáo dục đại học, phù hợp với mục tiêu của giáo dục đại học quy định tại Luật giáo dục đại học. Bản mô tả chương trình đào tạo đầy đủ thông tin và cập nhật. Chương trình dạy học được thiết kế dựa trên chuẩn đầu ra. Các hoạt động dạy và học được thiết kế phù hợp để đạt được chuẩn đầu ra. Có các quy định về đánh giá kết quả học tập của người học. Giảng viên có trình độ chuyên môn, tích cực cùng nhà trường từng bước thực hiện xây dựng nội dung, chương trình, giáo trình hoàn thiện hệ thống nội dung giáo trình bài giảng đáp ứng một cách tốt nhất trong công tác đào tạo tại trường và khoa.

Sinh viên tham gia học tập ngành công nghệ may thi tuyển đầu vào hiện nay hầu hết được xét tuyển bằng kết quả của các môn học tự nhiên và xã hội. Điểm chuẩn đầu vào của sinh viên ngành công nghệ may trường Đại học công nghiệp Hà Nội năm 2020 là 22.8 có xu hướng tăng cao hơn năm 2019 là 20.75 và năm 2018 là 19.30. Có thể thấy mặt bằng chung kiến thức sinh viên đăng ký học ngành công nghệ may là khá, việc nhận thức của sinh viên tương đối tốt. Tâm thế học mỹ thuật cơ sở của các em sinh viên khi vào học ngành may ít, tuy vậy thái độ tham gia học tập của sinh viên tương đối tốt, các em thực hiện bài tập, tham gia đầy đủ các buổi học, tỷ lệ sinh viên nghỉ học rất ít, hoàn thành cơ bản các nội dung, bài tập của học phần yêu cầu.

Một số thực trạng nhóm đã xây dựng bảng khảo sát, câu hỏi để làm cơ sở phân tchs. Đối với sinh viên, nhóm nghiên cứu xây dựng 3 bảng đánh giá ở kiến thức (10 câu hỏi), kỹ năng (17 câu hỏi), thái độ (11 câu hỏi). Các câu hỏi trong bảng được nhóm xây dựng dựa vào các nội dung kiến thức, kỹ năng, thái độ đã được học ở học phần vẽ mỹ thuật và khả năng vận dụng kiến thức từ học phần vẽ mỹ thuật vào chuyên ngành của sinh viên, bám sát mục tiêu, đáp ứng chuẩn đầu ra của học phần. Phiếu được khảo sát ngẫu nhiên trên 120 sinh viên (K14) ngành công nghệ may đã học môn vẽ mỹ thuật. Qua đó nhận thấy về kiến thức còn có 56 phương án trả lời mức độ yếu (chiếm 4,67%) tập trung nhiều ở câu hỏi về trình bày nội dung yêu cầu của bài vẽ? Phân tích đặc điểm hình vẽ mô tả sản phẩm công nghệ may? Về kỹ năng, có 84 phương án trả lời ở mức độ yếu (chiếm 4,1%). Các phương án trả lời tập trung chủ yếu ở những câu hỏi về kỹ năng khái quát hình? vẽ đậm nhạt nét diễn tả mẫu? tổ chức nét trong mảng đậm nhạt và xác định tỷ lệ các bộ phận nhỏ trong dựng dáng người? Về thái độ, có 38 phương án trả lời ở mức độ yếu (chiếm 2,9%). Các phương án trả lời ở mức độ yếu không nhiều tập trung chủ yếu ở những câu hỏi về mức độ hứng thú và chia sẻ khi học vẽ mỹ thuật?

Đối với thực trạng giảng dạy của giáo viên nhóm tác giả xây dựng bảng hỏi (10 câu hỏi) dựa vào những tiêu chuẩn đánh giá một tiết dạy do nhà trường quy định như: khâu chuẩn bị, tổ chức thực hiện và đánh giá nhằm đánh giá chung tình hình giảng dạy của giáo viên đối với môn vẽ mỹ thuật tại khoa. Kết quả thu được đa số các thầy cô thực hiện tốt việc giảng dạy một cách thường xuyên. Một số phương án trả lời thỉnh thoảng như: giao bài tập ngoài các bài vẽ thực hành trên lớp? Tổ chức cho sinh viên phân loại bài? Sự liên hệ giữa vẽ mỹ thuật với các môn học chuyên ngành khác với đặc thù ngành công nghệ may. 

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng kết quả học tập môn vẽ mỹ thuật của sinh viên khoá 14 trên hệ thống đại học điện tử của trường để phân tích làm kết quả nghiên cứu thực trạng cho đề tài. Từ những thống kê kết quả theo chuẩn đầu ra, nhóm nghiên cứu nhận thấy chuẩn đầu ra kỹ năng thể hiện làm chủ nét vẽ và vận dung trong việc thể hiện tính chất, không gian của bài và việc tuân thủ quy trình các bước thực hiện có tỷ lệ đạt là 77,4% thấp hơn so với các chuẩn đầu ra khác là 94,5%. Thống kê kết quả học tập của sinh viên bằng điểm số có tỷ lệ dưới trung bình là 11,6%, đây cũng là cơ sở để nhóm nghiên cứu đưa ra những giải pháp giải quyết mục tiêu của đề tài.

Từ những nghiên cứu thực trạng trên có thể thấy nhận thức của sinh viên về môn học, mục tiêu, chuẩn đầu ra còn chưa mạch lạc. Sinh viên chưa nhìn thấy những mối liên quan trực tiếp, gián tiếp tới ngành nghề, sự kết nối liên môn trong ngành nghề còn mơ hồ làm cho ý thức sinh viên chưa cao trong rèn luyện nhằm nâng cao kết quả học tập. Thời gian học ít nên việc rèn luyện các kỹ năng còn hạn chế dẫn đến kết quả học tập chưa cao. Các kỹ năng thể hiện hình vẽ có tính chất đặc thù ngành nghề chưa được quan tâm khai thác làm cho việc học vẽ còn chung chung.

Đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo vẽ mỹ thuật cho sinh viên ngành công nghệ may

Dựa trên kết quả nghiên cứu thực trạng học vẽ mỹ thuật của sinh viên, qua phân tích, thực tiễn giảng dạy vẽ mỹ thuật cho sinh viên ngành Công nghệ may Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, nhóm tác giả đề xuất hai nhóm giải pháp: Một là nhóm giải pháp nâng cao nhận thức về môn học. Đây là nhóm giải pháp mà nhóm nghiên cứu xây dựng nhằm chỉ ra mối liên hệ ở những nội dung, yêu cầu giữa học phần vẽ mỹ thuật với ngành nghề. Bên cạnh đó khơi gợi ở người dạy và người học những tìm tòi, sáng tạo để vẽ mỹ thuật càng trở nên hữu ích đối với ngành công nghệ may. Nhóm giải pháp thứ 2 nhóm nghiên cứu tập trung vào rèn luyện những kỹ năng còn hạn chế trong thể hiện bài vẽ. Phân tích, minh hoạ, những gợi ý giao bài tập về nhà để hoàn thiện những kỹ năng đáp ứng tốt những yêu cầu học phần.

Nhóm giải pháp nâng cao nhận thức về học phần:

- Nhận thức rõ mục tiêu, chuẩn đầu ra của học phần, có liên hệ vận dụng kiến thức trong mỗi bài vào trong thực tiễn ngành nghề. Làm rõ đặc điểm đối tượng của ngành nghề thông qua phân tích, minh hoạ hay các hoạt động học tập, giao bài tập; Kỹ năng vẽ thực hiện theo quy trình chặt chẽ, thể hiện tính trật tự, thiên về mô tả kỹ thuật hơn là sáng tạo nghệ thuật; Thài độ, vẽ mỹ thuật hướng tới sự hứng thú, yêu nghề có trách nhiệm, kiên trì, tỉ mỉ gắn với ngành nghề

- Hiểu nội dung, yêu cầu đánh giá của mỗi bài: Về nội dung cần hiểu được cấu trúc nội dung các bài học của học phần, qua đó có những chuẩn bị cho việc học. Về yêu cầu mức độ đạt được có những yêu cầu cụ thể trước mỗi bài thực hành, cần phải phân tích chi tiết yêu cầu sát với ngành nghề. Đánh giá học phần theo tiêu chí đề ra trước khi làm bài, dựa vào kết quả đầu ra, có tính đến sự tiến bộ trong quá trình học tập. Đánh giá thường xuyên, tất cả các bài thực hành, kết hợp đánh giá của giảng viên với tự đánh giá của sinh viên.

            - Phân tích được mối liên hệ giữa học phần vẽ mỹ thuật với yêu cầu trong bản tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm may Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6054:1995 về Quần áo may mặc thông dụng do Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường ban hành, để từ đó việc xây dựng nội dung, yêu cầu hữu ích cho ngành nghề.

- Mối liên hệ giữa hình vẽ mô tả sản phẩm, kỹ thuật của các đơn hàng may trong nước và nước ngoài với học phần vẽ mỹ thuật. Phân tích được hình vẽ mô tả sản phẩm từ đặc điểm bố cục, hình dáng, nét… thể hiện ta sẽ thấy nó thể hiện sản phẩm, cho ta hình dung từ hình dáng, kết cấu, chi tiết độ mềm mại, độ cứng, thậm chí còn cảm nhận được sự căng, bề mặt chất liệu của sản phẩm. Việc liên hệ này sẽ giúp cho việc học vẽ mỹ thuật đối với ngành công nghệ may trở nên thực tiễn hơn.

- Mối liên hệ giữa học phần vẽ mỹ thuật với các học phần trong khung chương trình. Mối liên hệ các môn học trong chương trình đào tạo có tính hệ thống đi từ những kiến thức cơ bản đến nâng cao, từ những môn cơ sở đến những môn chuyên ngành, từ lý thuyết tới thực hành và vận dụng trong ngành nghề. Nếu hiểu được những vấn đề liên môn với nhau thì việc học sẽ hiệu quả. Khi đó kiến thức sinh viên nhận được có tính hệ thống sẽ chắc chắn và thực tiễn. Có thể phân tích một vài liên hệ gián tiếp, trực tiếp với các môn như: mỹ thuật trang phục, vẽ kỹ thuật, thiết kế trang phục, sáng tác thời trang, đồ hoạ ứng dụng, công nghệ may và đồ án tốt nghiệp.

Nhóm giải pháp rèn luyện kỹ năng 

Kỹ năng, hiểu đơn giản là khả năng làm thuần thục một công việc nào đó. Đối với môn học thực hành vấn đề không hoàn toàn nằm ở chỗ hiểu biết mà nó là kỹ năng thể hiện. Việc này đòi hỏi người học phải hiểu và rất chịu khó rèn luyện mới đạt kết quả.

Kỹ năng quan sát và nhận xét mẫu, quan sát rèn luyện con mắt giúp cho người học có được sự mẫn cảm thường trực về sự sắp xếp hoặc những cân bằng trong cái nhìn. Để kiểm soát được kỹ năng này, sau khi hướng dẫn sinh viên về phương pháp quan sát, nhận xét mẫu chúng ta cần thường xuyên đặt ra những câu hỏi nhằm kiểm tra kết quả quan sát được của người học, xem mức độ chính xác và khả năng vận dụng linh hoạt phương pháp trong quan sát. Sau đó kiểm tra phương pháp mà người quan sát vận dụng như thế nào để thu được kết quả như vậy. Qua đó có thể biết được khả năng vận dụng phương pháp quan sát của người học đến đâu để từ đó có những hướng dẫn cụ thể cho mỗi đối tượng.

Kỹ năng vẽ nét ở đây là thao tác làm chủ nét vẽ, thể hiện sáng tối của nét và xử lý nét dựa trên quan sát và phân tích mẫu. Đây là một trong những kỹ năng quan trọng bước đầu, nó nằm ở hầu hết cácbài vẽ, giúp sinh viên chủ động tự tin, làm chủ trong các thao tác vẽ nét. Nhóm nghiên cứu cho rằng cần có những bài tập bổ sung để người học hình thành kỹ năng làm chủ nét vẽ như: Vẽ nét thẳng dọc, ngang, xiên có độ dài khoảng từ 10cm đến 50cm và lấp đầy nét dọc, ngang, xiên trong một trang giấy khổ A3; Sau đó vẽ các nét trên đi qua 1 điểm, 2 điểm; Vẽ nét cong nhẹ khoảng 1/8 vòng tròn. Vẽ nét có đậm nhạt và vẽ các hình khối đơn giản bằng nét thể hiện sáng tối của mẫu.

Kỹ năng xác định tỷ lệ hình là thao tác xác định vị trí các phần (bộ phận) của mẫu. Trong nhiều tài liệu dạy vẽ cũng đã hướng dẫn cách sử dụng que đo để đo, xác định tỷ lệ. Cái khó trong xác định tỷ lệ chính là xác định vị trí để đo, không phải mẫu vẽ nào cũng như khối lập phương có 6- 7 điểm rõ ràng để đo. Để xác định vị trí đo, người vẽ bắt buộc phải quan sát, phân tích, nghiên cứu kỹ đối tượng, ước lượng khoảng cách giữa các không gian và phải hiểu việc chia nhỏ đối tượng ra thành các dạng hình học đơn giản và ngược lại. Gợi ý bài tập rèn kỹ năng xác định tỷ lệ hình như: xác định tỷ lệ chiều rộng và chiều cao, vị trí và tỷ lệ các bộ phận cổ, vai, thân của một cái chai; Nối các vị trí đã xác đinh bằng nét vẽ thẳng.  

Kỹ năng tổ chức nét trong mảng đậm nhạt, không cứng nhắc phải tuân theo một cách nào, miễn sao lớp chì này không trùng khít với lớp chì trước là được. Chính vì vậy mà tổ chức nét chì cũng vô cùng phong phú, và sáng tạo. Tổ chức nét trong một mảng gây cảm giác sáng tối và bề mặt của mẫu, đây là những ảo giác mà tổ chức nét gây ra cho mắt. Dựa trên nguyên lý này mà người vẽ tạo được những hiệu quả về độ lồi, lòm, khối, không gian của mẫu. Bài tập rèn kỹ năng tổ chức nét trong mảng đậm nhạt như: Tổ chức nét vẽ trong một diện tích hình vuông một lớp, hai lớp, ba lớp vẽ chì theo hướng không trùng lên nhau; Tổ chức nét vẽ trong một diện tích hình vuông thể hiện các độ, chuyển sáng sang tối; Tổ chức nét chì thể hiện các độ từ sáng - trung gian và tối; Tổ chức nét chì thể hiện độ cong và phẳng của bề mặt.

Kỹ năng sử dụng thước trong vẽ dáng người thời trang, nếu như ở bài vẽ theo mẫu trước đó sinh viên không được dùng thước để vẽ thì đến bài vẽ dáng theo tỷ lệ người học cần dùng thước để chia tỷ lệ và dựng khung dáng được chính xác cụ thể.  

            Kỹ năng bố cục các hình dáng trên diện tích của giấy. Việc xác định vẽ mấy dáng trong một tờ giấy cũng là việc phải xác định để xoay ngang hay dọc tờ giấy. Phần từ hình vẽ ra mép giấy nếu vẽ một dáng sẽ khác với việc vẽ 3 dáng trong trang giấy và cụ thể phần chừa là bao nhiêu cm? Đây là một thao tác nhỏ nhưng cho thấy các kỹ năng thực hiện bài vẽ chặt chẽ ngay từ những bước đầu tiên thì bài vẽ mới chặt chẽ được.

Kỹ năng xác định tỷ lệ cho các bộ phận, chi tiết của dáng. Sau khi thực hiện các bước dựng một khung xương cơ thể tổng quát chung. Cần xác định các vị trí, tỷ lệ nhỏ hơn cho những bộ phận như cổ, bắp tay, cổ tay, đùi, cổ chân, bàn chân… để từ đó các nét vẽ phác có phương hướng, chính xác và không có những sai lệch. Việc xác định các tỷ lệ ở những bộ phận nhỏ hơn trong dáng người học ước lượng so sánh với những tỷ lệ khác gần đó để có được kết quả. Việc xác định đúng tỷ lệ là cơ sở cho việc vẽ hình không bị lệch lạc.

Đối với phần vẽ trang phục lên dáng người thời trang, sinh viên ngành công nghệ may làm rất hứng thú và mang lại kết quả tương đối tốt. Việc vẽ trang phục lên cơ thể vừa đúng chuyên ngành lại có vốn thực tế trong may sản phẩm giúp các em có tinh thần học tập hơn. Ở phần vẽ trang phục lên dáng kỹ năng xác định, lựa chọn thể hiện hình dáng trang phục rất quan trọng. Trang phục nhìn từ hướng nào tới? nghiêng hay nhìn thẳng trực diện, trang phục mặc trên người dáng tĩnh đứng yên hay đang chuyển động… Đối với ngành công nghệ may việc mô tả hình dáng trang phục ở tư thế tĩnh, không bị che khuất giúp cho hình vẽ cụ thể đầy đủ dễ nhận biết, đó cũng là một đặc điểm của hình vẽ mô tả sản phẩm công nghệ may. Một mẫu trang phục đẹp đầy đủ các yếu tố hình, kết cấu, đậm nhạt, chi tiết cũng là một lựa chon bởi việc thể hiện nó sẽ dễ dàng hơn.

Trong phần vẽ phác hình dáng trang phục lên cơ thể, kỹ năng vẽ phác hình, Vẽ phác bằng những nét kỷ hà nhẹ tay người vẽ cần xác định những nét kẻ gióng, khung, nét chính và nét phụ. Khi chỉnh sửa và hoàn thiện hình vẽ rất cần liên hệ với những kiến thức ngành nghề thì mới thể hiện được vẻ đẹp chọn vẹn của trang phục. Những vùng, vị trí mà có đệm mút, ép mếch là những vùng cần tạo hình dáng, phẳng, cứng cho trang phục thì khi thể hiện nét vẽ cũng phải thể hiện được tinh thần đó. Nếu không thể hiện được tinh thần như vậy, trang phục vẽ ra sẽ có cảm giác nhàu nát, cũ kỹ, mất phom dáng của sản phẩm.

Kết luận

Đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghệ may có những đặc thù riêng, bên cạnh những kiến thức về kỹ thuật đòi hỏi ở người học một khả năng thẩm mỹ nhất định. Nhận biết bằng ngoại quan, cảm nhận tốt để có thể tạo ra những sản phẩm may mặc vừa đảm bảo tình kỹ thuật vừa đảm bảo tính mỹ thuật.

Những nghiên cứu, đề xuất giải pháp nâng cao nhận thức về học phần vẽ mỹ thuật, rèn luyện bổ sung những kỹ năng còn chưa tốt trong đào tạo vẽ mỹ thuật cho sinh viên ngành công nghệ may tại trường đại học công nghiệp Hà Nội giúp sinh viên nhận thức, có mục tiêu cụ thể, động lực, tự giác học tập đáp ứng tốt yêu cầu của học phần, đạt chuẩn đầu ra của học phần. Hoàn chỉnh các năng lực của người kỹ sư công nghệ may, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo ngành nghề công nghệ may đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp và xã hội.

                                                         Tài liệu tham khảo

  1. Lương Xuân Nhị, Giải phẫu tạo hình, Nxb Từ điển Bách khoa 2012
  2. Naoki Watanabe, Contemporary fashion illustration techniques (Kỹ thuật minh họa thời trang đương đại), Publisher Rockport 2009
  3. Michele Wesen Bryant, Illustration techniques for fashion designers (Kỹ thuật minh họa cho nhà thiết kế thời trang), Publisher  Laurence King 2016
  4. TS. Nguyễn Thị Lệ, Kỹ thuật may cơ bản, NXB Giáo dục Việt Nam 2017
  5. Phạm Thị Quỳnh Hương (CB), Đỗ Thị Thuỷ, Giáo trình công nghệ may 1, NXB Giáo dục Việt Nam 2017
  6. Nguyễn Kim Hoà, Phạm Quỳnh Hương, Đỗ Thị Thuỷ Giáo trình công nghệ may 2, NXB Giáo dục Việt Nam 2012
  7. TS. Trần Thuỷ Bình, Giáo trình mỹ thuật trang phục, NXB Giáo dục 2005
  8. TS. Võ Tấn Phước (hiệu đính), Mỹ thuật trang phục, NXB Lao động-Xã hội 2006
  9. Nguyễn Thị Loan - Phạm Thu Cát, Giáo trình vẽ mỹ thuật, Nxb Đại học Sư phạm 2016
  10. Nguyễn Thị Mai Hoa - Đặng Thu Hương, Giáo trình mỹ thuật trang phục, NXB Đại học sư phạm 2015
  11. Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6054:1995 về Quần áo may mặc thông dụng do Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường ban hành
  12. Nguyễn Phương Việt (2019) Môn Mỹ thuật trong đào tạo ngành Công nghệ may hiện nay, Tạp chí Giáo dục nghệ thuật, số 28 năm 2019