Nội san

TRUYỀN THỐNG - HỆ GIÁ TRỊ LUÔN TÁI SINH: NHÌN TỪ TƯ TƯỞNG CỨU THẾ VÀ VĂN HÓA NGA

06 Tháng Tám 2021

Nguyễn Thị Như Trang

Khoa Văn học, ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN

Tóm tắt

Bài báo chứng minh sự tồn tại và tác động của truyền thống với văn hóa thông qua chính bản thân cơ chế tạo dựng, chuyển phát và sản sinh hệ giá trị của nó.Bài báo được triển khai trên hai luận điểm chính.Luận điểm thứ nhất nhấn mạnh khả năng truyền phát các giá trị của văn hóa thông qua các cổ mẫu.Luận điểm thứ hai chỉ ra tính bến vững và khả năng biến hóa của truyền thống ở cơ chế tái lặp mô hình kí hiệu tư duy và hành động.Với văn hóa Nga, tư tưởng Cứu thế tạo ra một nền tảng truyền thống bởi Cứu thế đã hình thành nên siêu cấu trúc trong văn hóa văn học Nga và là một cổ mẫu xuyên suốt lịch sử văn hóa dân tộc. Cứu thế tạo ra “dung môi” ở đó người Nga liên tục hướng đến cách tân, thay đổi, cách mạng nhưng đồng thời trong sự cách tân mạnh mẽ đó xu hướng trở về với truyền thống, níu giữ truyền thống vẫn luôn hiện diện.

Từ khóa: Truyền thống, Hệ giá trị, Cứu thế, Văn hóa Nga, Văn học Nga

Abstract

This paper points out the impact of tradition into the culture through its own axiological mechanism. The argument of the paper is based on two points. The first emphasizes the possibility of transmitting the culture values ​​ through archetypes. The second shows the sustainability and variability of tradition in the repetition mechanism of thoughts and activities. This paper proves the philosophical argument on the basis of Russian culture. In Russian culture, Messianism make up a traditional foundation because it is a meta-structure and an archetype throughout the national cultural history. In messianic “ecology”, Russia are constantly towards innovation, revolution. However, at the same time, in that radical innovation, the tendency to return to tradition is always present.

Keywords: Tradition, Axiological mechanism, Messianism, Russian culture, Russian literature

Truyền thống vẫn thường được coi như là những gì xa xôi, không có tính thời sự đối với hiện tại. Tuy nhiên, truyền thống – đó không chỉ là tổng hợp những thành tựu “mẫu mực” hay “cổ điển” của văn hóa và không đơn giản là hình thức của mối quan hệ giữa “cái cũ” và “cái mới” , truyền thốngcó tính phổ quát và tính vững chắc. Có thể hình dung truyền thống từ hai phương diện: Thứ nhất, truyền thống hiện diện với tư cách là cơ chế chuyển phát các giá trị văn hóa cơ bản; Thứ hai, truyền thống như là sự tổng hòa các mô hình kí hiệu tư duy và hành động.Những nguyên lí và đặc trưng này được làm rõ thông qua việc xem xét truyền thống văn hóa Nga với nền tảng là tư tưởng Cứu thế. Bài báo triển khai các luận điểm và lí lẽ từ cả hai khía cạnh lí luận và những khảo sát trên nền tảng văn hóa Nga.

1.Truyền thống và cơ chế truyền phát những giá trị cơ bản của văn hóa.

Văn hóa là một hệ thống kí hiệu, biểu thị một thế giới quan về giá trị. . . Những giá trị cơ bản của văn hóa – trở thành cổ mẫu, theo nghĩa, thời đại hình hành của nó tương ứng với giai đoạn hình thành những đặc trưng loại hình của văn hóa. , Các giá trị không đơn giản là nội dung, mà chính là “hình thức” (cấu hình của cấu trúc bên trong) tư duy; được nhận thức “thông qua” việc con người cảm thấy, tư duy, hiểu.

Nhà triết học G. Rikkert cho rằng khi nỗ lực để hiểu ý nghĩa của hiện thực, chúng ta không tác động vào hiện thực bởi vì việc nhận thức ý nghĩa luôn là “cách thông diễn” được cung cấp qua lăng kính của một giá trị nào đó, nghĩa là không phải chính bản thân hiện thực, mà là hình ảnh mang giá trị của nó.  Ý nghĩa này có thể được hiểu như là “sự thống nhất giá trị và hiện thực”[i].Giá trị không liên quan đến phạm trù chủ thể, cũng không liên quan đến phạm trù khách thể.Chúng tạo thành một vương quốc hoàn toàn độc lập, vượt ra ngoài chủ thể và khách thể.Theo đó chúng có phương thức tồn tại đặc biệt mà không ai và không cái gì có được.Rikkert cho rằng chúng không tồn tại cụ thể nhưng chúng có ý nghĩa. Do đó các giá trị có trước cảm xúc và nhận thức – nhưng không phải vì vậy chúng có thể đi trước những khách thể của thế giới bên ngoài. Chúng hình thành nên cơ sở bên trong của kinh nghiệm, tiền định mục đích của nó, đưa ra bối cảnh thế giới quan cho chính tri nhận thoáng qua và  tư duy trừu tượng.  Như vậy, nếu  theo quan niệm của Rikker giá trị của văn hóa có ý nghĩa không chỉ đối với một chủ thể duy nhất mà đối với tất cả những gì thuộc về nền văn hóa của một công đồng người, có thể hiểu chúng như là “tiên nghiệm tập thể”, hình thành trên cơ sở toàn bộ “văn bản” văn hóa,  ít nhiều đảm bảo trật tự ổn định trong quá trình tự tái sản sinh của nó.

Vậy đó là những giá trị gì? Nhìn chung, những gì thuộc về truyền thống tạo nên “nội dung” của truyền thống. Những giá trị như “cái thiện”, “nhân văn”, “hoà bình” hoàn toàn thuộc về truyền thống nhưng không thể nói rằng chúng là cơ sở, nền tảng của “văn bản” văn hóa, bởi quan niệm về cái thiện, về nhân văn, về hòa bình chỉ có thể tồn tại khi các tham số của nó được thiết lập trong phạm vi cơ chế kí hiệu nào đó, cơ chế này xuất hiện với tư cách là “ngữ pháp” của những phát ngôn về giá trị. Chỉ những giá trị của trật tự sơ khai, giá trị - cổ mẫu mới có thể là cơ chế đó, \nó ,  tồn tại trong tư duy.

“Văn bản” văn hóa vẫn thường được giới hạn trong một hình thức nguyên sơ thống nhất. Hình thức tổng hợp này chứa tất cả những hình thức riêng, tất cả các nguyên lí thế giới quan, tất cả những hình ảnh thu nhỏ về quan điểm giá trị. Đó chính là giá trị - cổ mẫu. Với tri nhận của mỗi người, nó  khôngtồn tại ở  hình thức thuần túy mà trong mối quan hệ với các hướng khác nhau của hiện thực văn hóa, trong sự phù hợp với các hướng này. Vì thếchúng ta hiểu được cái thiện, nhân văn, hòa bình, và cũng theo đó, chúng ta không chỉ nói   về một mà nhiều giá trị nền tảng.Vậy những giá trị nền tảng đó đóng vai trò như thế nào trong cấu trúc truyền thống?Thứ nhất, chúng là cái bất biến trong “nội dung” của truyền thống.Thứ hai chúng đóng vai trò của những cổ mẫu, xác định trật tự tồn tại của tất cả các giá trị còn lại.Một mặt, truyền thống truyền lại những giá trị này như là những thứ ổn định quan trọng của riêng mình; mặt khác, chính chúng đảm bảo cho khả năng truyền lại.Thiếu chúng phương pháp tri nhận thế giới, việc tái tạo truyền thống sẽ không tồn tại.

Đối với văn hóa Nga chủ nghĩa tối đa/tối thượng (максимализм)[ii] là giá trị nền tảng, nói đúng hơn trong cách tri nhận của người Nga, chỉ có các cực: cực đại và cực tiểu mới là giá trị, không có phần trung gian. Chính thống giáo hướng con người đến thuyết mạt thế. Thế giới được tri nhận trong sự biến đổi tuyệt đối, đây chính là mẫu gốc ban đầu, là giá trị nền tảng. Khúc xạ qua lăng kính đó, hiện thực của văn hóa dường như được chia đôi, trong đó mô hình nhị nguyên của thời gian, không gian con người và đời sống xã hội chiếm ưu thế. Khát vọng vượt qua tính nhị nguyên này xuất hiện theo chu kì và được thực hiện theo hệ hình nhị nguyên, trong đó truyền thống thường được cách tân chỉ bằng những hình ảnh bên ngoài, còn bản chất vẫn không thay đổi. Một trong những dẫn chứng chứng minh cho điều này chính là công cuộc cải tổ của Piotr đệ nhất.

Như B.A. Uspensky và Lotman đã viết “quan sát lịch sử văn hóa Nga… sự thay thế lẫn nhau của các giai đoạn đã làm cho người ta tin vào sự phân chia của nó (lịch sử văn hóa Nga – NTNT) theo trục vận động, hơn nữa mỗi giai đoạn mới, dù là giai đoạn nước Nga Kito giáo hay giai đoạn cải cách của Piotr đệ nhất (thậm chí cách mạng tháng mười Nga, đặc biệt là những cải cách hiện tại) đều hướng đến việc dứt bỏ tuyệt đối khỏi quá khứ.”[iii]Những cải cách của Piotr, cùng với những cải tổ lớn sau này được miêu tả như là kết quả của một cuộc cách mạng tuần tự lâu dài. Nhưng chúng được người đương thời (trong đó có cả thủ lĩnh cuộc cải cách) trải nghiệm như là sự phá bỏ thực sự cái cũ và tạo lập thế giới của cái mới, hơn nữa cái mới đó ẩn ý rõ ràng có mối liên hệ với “trần gian mới và bầu trời mới” của Kinh Thánh, nghĩa là hàm chứa yếu tố mạt thế. Một dân tộc mới và một đất nước mới – đó là mục đích của cải cách.Cách tân – nghĩa là “cách tân trong tất cả”.Một sự cách tân “trong tất cả” giả định sự phá hủy hoàn toàn những truyền thống cũ và tạo dựng trên vị trí đó một cái gì đó mà trước đây chưa từng tồn tại.

Đổi mới đối với nước Nga thế kỉ XVII- XVIII là yêu cầu tất yếu.Đất nước ấy không thể cứ đóng cửa và lạc hậu.Hơn nữa chủ nghĩa biệt lập không phải là đặc trưng cổ mẫu của văn hóa Nga. Piotr đã tiến hành “cải cách” không phải theo nghĩa thông thường của từ này; nó xuất hiện như một sự cắt đứt mang tính cách mạng tổng thể với quá khứ, diễn ra chốc lát, bất ngờ. N. Ya. Eidenlman đã viết “Ngước Nga  bỗng nhiên đó nhiều lần xuất hiện trong lịch sử dân tộc – dấu hiệu của sự bùng nổ dữ dội vượt ra ngoài giới hạn, giới hạn của tính cách mạng”[iv]. Không phải ngẫu nhiên khi Gertsen gọi Piotr là “nhà cách mạng trên ngai vàng”. Về điều này, nhà thơ Nga, M. A. Voloshin cho rằng “Ở Nga, thế lực quân chủ trong mọi thời đại đều cấp tiến hơn xã hội do họ điều khiển và luôn có thiên hướng tiến hành cuộc cách mạng từ trên xuống, nỗ lực con đường hành chính để vứt bỏ nước Nga ở hàng trăm năm trước, đi theo sự tiến bộ của thời đại mình”[v].

“Cuộc cách mạng” của Piotr chống lại nếp sống hàng thế kỉ của người Nga và có lẽ đối lập với truyền thống. Nhưng thực chất, nó không mâu thuẫn với quan niệm truyền thống của người Nga về lịch sử như là tiến trình “bùng nổ”, về sự biến đổi của lịch sử như là sự phá vỡ “cái cũ” vì cái mới. Theo Yu. Lotman, sự cải danh (переименование) đóng vai trò rất quan trọng trong mô hình lịch sử đất nước này “Lịch sử văn hóa Nga […] có thể được hiểu như là thứ bậc cải danh, trong đó sự phá bỏ tên gọi cũ được hiểu như là sự phá bỏ “thế giới cũ”, việc áp dụng cái mới như là hành động sáng tạo nên “đất mới, trời mới” […] Mục đích của việc gọi tên và cải danh về bản chất là biểu hiện về mặt nghi lễ của chuỗi: sinh ra – chết đi – sự phục sinh mới[vi].

“Cải danh” không đơn giản chỉ là sự thay thế tên gọi cũ bằng bên gọi khác, đó là quá trình những tư duy và giá trị cũ bị thay thế bởi cái mới. Nó như là sự chuyển đổi vị trí: cái mới được củng cố trên những vị trí cũ, loại trừ chúng, cái cũ đang tồn tại từ bình diện tích cực thành đối tượng bị đánh giá ở phương diện bình diện tiêu cực. Vì thế, trong thời kỳ nước Nga cổ đại Kito giáo bức tượng Perun bị chuyển từ đồi Kiev xuống, đặt ở Podol, nơi có nhà thờ thánh Elias.Đó là một ví dụ về sự thay đổi vị trí cao và thấp khi đặc trưng của giá trị tuyệt đối trở thành phi giá trị, và ngược lại cái không giá trị trước đây được kiến lập trên bậc thang tột cùng của giá trị.Sự xuất hiện của cái mới được hiểu như là sự phục sinh (tương đương với sự phục hồi) của cái đã quen thuộc, có dấu hiệu tiêu cực.Cái mới ở đây –là sự phục sinh, đổi mới cái cũ.Nó đồng thời có thể bị thay thế bởi “sự cải danh” tương tự. Chính mã văn hóa này được hiện thực hóa trong những cuộc cải cách theo kiểu Piotr mặc cho tính cách tân của nó rất rõ rệt. Liệu sự thay đổi thủ đô từ Moskva sang Peterburg có phải là hành động mang tính biểu tượng của sự cải danh? B.A. Uspensky cho rằng tên gọi của thủ đô mới – thành phố của vị thánh Piotr  - “có mối liên hệ không chỉ với sự ngợi ca vị thánh bảo trợ Piotr đệ nhất, mà còn với quan niệm về Peterburg như một Rome mới”[vii]. Dường như là sứ mệnh của Rome mới - “Rome thứ ba” không được thực hiện bởi Moskva mà phải được thực hiện bởi Peterburg. Quả thực, đó là sự thay đổi quan trọng, thành Rome này sẽ không khởi hành theo con đường của Byzantium mà theo con đường đầu tiên, xa xưa của Rome. Moskva “thần thánh” như là trung tâm của Chính thống giáo đã bị mất giá trị thay vào đó là tinh thần phục sinh tính chất nhà nước Rome.

Piotr được coi là “người cha của dân tộc” (Отец Отечества)[viii]. Chính cách gọi này giả định rằng không phải đó là tình cha con máu mủ mà là tình cha con về mặt tinh thần, và Piotr rõ ràng hiểu rằng ông đang thực hiện hành động  thách thức với truyền thống tôn giáo. Thực tế là, theo quan niệm của thời đó, các giáo chủ mà trước hết là đại giáo chủ mới có thể được gọi là những người đại diện của thực thể tinh thần tối cao. Khi được gọi “vị cha của dân tộc”, Piotr dường như đã tự chuyển mình sang trạng thái và chức năng của một vị đại giáo chủ. Hành động mang tính biểu tượng này ngay lập tức được củng cố thêm bằng việc bãi bỏ đại giáo chủ và tuyên bố chính thức của Sa hoàng về người đứng đầu thực sự của giáo hội Nga. Theophan Prokopovich trong cuốn “Thể chế” đã đưa ra lập luận về tư tưởng gọi vua (tức là Piotr) là “Giáo chủ của các giáo chủ”, gán cho người quyền lực ở trên tất cả, cả thế giới và cả tinh thần.

Ở đây, cũng như trường hợp di dời thủ đô, chúng ta nhìn thấy câu chuyện liên quan đến việc đổi tên: cái tên “người cha của dân tộc” bị tước mất của đại giáo chủ và đặt cho nhà vua. Đó  chính xác hơn là sự bãi bỏ vừa mang tính biểu tượng vừa mang tính hiện thực quyền tự trị của giáo hội. Sự “cải danh” này từ điểm nhìn của Piotr và những người cùng thời với ông dường như là sự phục sinh cái cũ, ở đó Kito giáo bị cự tuyệt, mô hình nhà nước trong đó hoàng đế đồng thời vừa là người cai trị thế giới trần tục vừa là người cai trị thế giới tinh thần.Tóm lại, sự thay đổi tên là sự đoạn tuyệt triệt để với quá khứ, vả lại nó lại là sự phục sinh đối với quá khứ.Dù đối lập với truyền thống nhưng dù sao đi chăng nữa tính cách mạng của Piotr vẫn là tính cách mạng trong khuôn khổ truyền thống.

Cải cách của Piotr khẳng định niềmtin vào sự bất biến của giá trị - cổ mẫu, và vào  cả mâu thuẫn tất yếu tiền định của chúng từ tư duy của chủ thể văn hóa. Trong truyền thống Nga, có thể nói chủ nghĩa tối thượng là cổ mẫu gốc, theo đó cực trị: cực đại và cực tiểu (không bao giờ có phần trung gian) chính là giá trị trong cách tri nhận của người Nga. Do đó chủ nghĩa cách mạng của quá trình hiện đại hóa nước Nga (không chỉ của Piotr mà đặc biệt cả thời hiện đại) và cách hiểu tương lai như một viễn cảnh cách tân chưa từng có và sự lĩnh hội yếu ớt đối với toàn bộ “cái trung gian” (trung lập, không có mối quan hệ trực tiếp với các cực “bầu trời” và “mặt đất”, “thần thánh” và “quỷ dữ”) tồn tại như một tất yếu trong tư duy Nga. Cổ mẫu này theo chúng tôi, cần phải được coi như một cơ chế mã hóa cốt yếu toàn bộ “văn bản” truyền thống văn hóa, như là “tiên nghiệm tập thể”, tạo ra những thông số quan trọng nhất trong ý thức văn hóa.

2.Truyền thống: sự tái lặp các mô hình kí hiệu của tư duy và hành động

M.K. Mamardashvili cho rằng “chính con người tạo ra trong đối tượng điều kiện sở hữu tri thức về nó và sự phụ thuộc của nhận thức (khác với tự nhiên) là sự phụ thuộc của con người vào kết quả và sản phẩm của hành động của mình. Do đó nội hàm của nhận thức có mối quan hệ chặt chẽ với đối tượng của hành động, mà trước hết có nguồn gốc bắt nguồn từ điều kiện cơ bản sản sinh ra tri thức có tính gắn kết”[ix]. Nhận định này nhấn mạnh rằng hành động chứa đựng trong mình những điều kiện bên trong của nội dung tri thức nghĩa là cấu trúc được nhận thức bởi đối tượng sản sinh ra nội dung này. Rõ ràng cấu trúc đó không xuất hiện theo tình huống, khi chuyển từ hành động nhận thức này sang hành động nhận thức khác. Nó luôn tồn tại trong “kĩ thuật” hay nói đúng hơn, trong hành động diễn ngôn.Vậy diễn ngôn được hình thành như thế nào? Thực chất, đó cũng là sự hình thành của một truyền thống bất kì: “bất kì người nào cũng thực hiện trải nghiệm hiện sinh trong cuộc đời mình. Cuộc sống tạo nên nó (giống như hình thức được chuyển sang hành động thể lực) và chuyển nó sang dạng khác. Những biểu tượng của hành động này vốn được chúng ta tái tạo liên tục với tư cách là sinh thể được tạo ra bởi cuộc sống này vẫn còn lại với chúng ta. Ở đây giá trị và những mối liên hệ qua lại cần thiết và “sống động” được mở ra (nghĩa là nằm ngoài cái bên ngoài và bên trong theo cách phân chia cổ điển)”[x]. Cái mà Mamardashvili gọi là biểu tượng chính là “hình thức cuộc sống” và là mô hình diễn ngôn của hành động.Vậy mô hình truyền thống có mối liên hệ gì với “hình thức cuộc sống” và diễn ngôn hành động này?Truyền thống là phương thức tái tạo chúng ở đó không giả định khoảng cách giữa chúng và chủ thể lĩnh hội chúng (không diễn ra bên ngoài mà từ bên trong tư duy, như là “tự nhiên” đối với chủ thể). Tương ứng với điều đó chính con người với “với tư cách là sinh thể do cuộc sống này tạo ra” được tái tạo bởi các mô hình, do đó những mô hình đó như là nguồn gốc đặc biệt của giá trị. Điều đó có nghĩa là, chúng không đơn giản cung cấp trật tự hành động mà tạo ra thế giới mang đặc tính nhân học, nghĩa là phù hợp và thân thuộc với con người. Khi tư duy và hành động bên trong mô hình truyền thống, con người hiểu thấu thế giới, tự mình làm nên nó, tạo ra từ chất liệu của nó một cái gì đó tương tự với mình (về mặt hình thức)và đồng thời gần gũi với chính thế giới đó. Không phải ngẫu nhiên M.K Mamardashvili nói về sự hợp nhất của truyền thống với đời sống thể xác, nghĩa là trước khi thế giới tinh thần được tạo ra và trạng thái tưởng tượng bị điều khiển bởi ý chí, chúng ta làm việc và hoạt động bằng thể xác mang trải nghiệm văn hóa của chúng ta, khơi gợi nhiều tưởng tưởng tượng của chúng ta. Rõ ràng, ở đây không chỉ nói về thể chất mà còn nói về thể xác “văn hóa”; có thể nói truyền thống tạo ra thể chất mang kí hiệu của con người, nó hòa trộn với thể xác vật lí, bất kì vị trí nào của chúng ta trong thế giới đồng thời và “tự nhiên” đều mang “tính văn hóa”, chính xác hơn là “cái tự nhiên” thông qua “cái văn hóa”.

Quả thực, truyền thống – đó là hình thức văn hóa xã hội ổn định, hướng vào sự gìn giữ lí tưởng và mẫu hình văn hóa thuộc về quá khứ.Có thể gọi một xã hội tràn ngập quyền lực của truyền thống là xã hội truyền thống. Để cái mới được xã hội tiếp nhận nghĩa là cái mới trở thành sự đổi mới, cần phải có những tiền đề tinh thần quan trọng cho nó, cũng như cần phải có sự truyền đạt những tri thức mới, vượt ra khỏi truyền thống. Đây cũng là quá trình trực tiếp đi ra khỏi cấu trúc tinh thần, vượt lên truyền thống.Theo E. Husserl hai điều kiện cần thiết được đặt ra cho quá trình duy trì và vượt ra khỏi truyền thốngchính là: a)  “sự tái kích hoạt” (tái tạo) “tác phẩm đầu tiên” (nghĩa là hình ảnh xuất phát) do tác giả của nó thực hiện theo sự kiểm soát thử nghiệm bắt buộc trong hành động “sản xuất thực sự”; b) “hậu – nhận thức” tác phẩm này bởi người khác khi trong chuỗi nhận thức sự lặp lại rõ ràng chuyển vào trong tư duy của người khác và được tái kích hoạt bởi anh ta. Điều kiện thứ hai (tương ứng với truyền thống) được thực hiện trong hoàn cảnh khi có vị trí “kích hoạt chủ động” (hoạt động thực tiễn,trong đó tác phẩm “được kích hoạt”) và sự xác lập rõ ràng tính đồng nhất của hình ảnh tinh thần trong các tác phẩm thuộc thông tin nhận và thông tin phát đi. Rõ ràng chỉ sự tham gia độc lập của chủ thể vào tiến trình tạo nên truyền thống chính là hình thứclĩnh hội “những đối tượng lí tưởng” đồng thời sản sinh ra truyền thống. Tính độc lập – đó trước hết là phương thức xuất phát từ quan điểm tư duy cá nhân, bằng những nỗ lực cá nhân “hòa mình” mình vào truyền thống đã có từ trước trong tư duy tiền đề. Nếu “sự hòa mình đó” được thực hiện thì như Husserl nói “bất kì sự chuyển đổi từ sự sáng rõ đến việc thực hiện – sáng rõ” trở thành “sự khám phá lịch sử” bởi vì nó “ngụ ý sự kế thừa của những cái đã qua, mỗi cái trong số đó là quá khứ của nền văn hóa hiện tại”[xi]. Ở đây truyền thống hiện diện không phải như là cái tự động, không phụ thuộc vào sự kế tiếp lẫn nhau của các trạng thái văn hóa khác nhau mà như là sự tác động qua lại của rất nhiều quan điểm tinh thần độc đáo, được thực hiện trong giới hạn của mô hình diễn ngôn nào đó.

Với văn hóa và văn học Nga cơ chế “tái lặp mô hình kí hiệu tư duy và hành động” của truyền thống được hiện diện rõ rệt trong truyền thống Cứu thế. Cụ thể hơn, tư tưởng Cứu thế có thể thực hiện được việc tạo ra các mô hình kí hiệu tư duy và hành động chính bởi vì nó tồn tại như một cổ mẫu trong văn hóa và văn học Nga, nó hiện diện trong nhiều trạng thái văn hóa và giai đoạn lịch sử, tạo ra dung môi “kích hoạt” khả năng tiếp nhận truyền thống và sáng tạo cái mới của chủ thể tồn tại trong văn hóa Nga. Mô hình tư duy và hành động mà tư tưởng Cứu thế tạo ra được kết cấu từ ba phương diện: tính tuyển chọn, chủ nghĩa tối thượng trong tâm hồn và sự sùng bái tính toàn vẹn bên trong.  Ba đặc tính này luôn hiện diện trong tư duy và tâm hồn Nga và có thể nói với ba đặc tính đó tư tưởng Cứu thế trở thành “siêu cấu trúc”.Tư tưởng về tính tuyển chọn đi từ gốc rễ là sự lựa chọn của Chúa đối với dân tộc Nga, khẳng định chiến công của dân tộc/ cá nhận đối với nhân loại.Chủ nghĩa tối thượng trong tâm hồn nhấn mạnh khát vọng hướng tới thế giới tinh thần thiêng liêng nhất, ở bậc cao nhất. Tư tưởng về sùng bái tính toàn vẹn bên trong được thể hiện và biến hóa dưới nhiều hình thức như phản duy lí, nhấn mạnh niềm tin, hướng tới chân lý….[xii]. Với một “siêu cấu trúc” vừa có tính ổn định vừa có khả năng biến hóa liên tục qua các giai đoạn lịch sử, Cứu thế trở thành một cổ mẫu đặc biệt trong văn hóa Nga, chi phối tư duy và định hướng hành động của nền văn hóa và các chủ thể văn hóa tồn tại trong đó[xiii]. Qua các giai đoạn lịch sử, từ thế kỉ X đến nay, Cứu thế - một siêu cấu trúc, một cổ mẫu của văn hóa và văn học Nga đã tạo nên truyền thống văn hóa Nga – một dung môi của những ‘hạt cơ bản’ trong tư duy Nga và một môi trường không ngừng thúc đẩy sự đổi mới, thay đổi, “cải danh” và tiến về tương lai, kiến tạo “đất mới, trời mới” bằng tất cả khát vọng và ý thức kiêu hãnh về ‘nước Nga thần thánh’, ‘Moskva – Rome thứ ba’.

Kết luận

Như vậy, truyền thống như sự tái sinh các giá trị văn hóa cơ bản được hình thành trong mô hình giá trị của tư duy và hành động. Giá trị cơ bản – đó chính là mẫu cổ, cái được coi là “hình ảnh văn hóa” của chủ thể, tạo ra trật tự cấu trúc sự thử thách giá trị của hiện thực. Đồng thời chúng có thể được coi như hạt nhân độc đáo cuả chính truyền thống. Mô hình tư duy và hành động trong mối quan hệ với những giá trị cơ bản hiện diện như là “tiên nghiệm tập thể” của trật tự thứ hai, nghĩa là nó giống như những cấu trúc thể hiện hình thức hiện thực hóa giá trị, và hình thành như là cái “sau chúng”. Nó tạo ra chương trình (xác định cơ sở diễn ngôn) của hành động bất kì. Mô hình này không chỉ có mối liên hệ chặt chẽ với cấu trúc tinh thần mà với toàn bộ các hình thức thực tiễn của con người. Truyền thống do đó là phương tức thể hiện cơ bản, đặc trưng không chỉ với loại hình văn hóa, các yếu tố thuộc bức tranh thế giới, đó còn là điều kiện sự tính liên tục tồn tại của tinh thần và là kí ức sống động về nguồn gốc tôn giáo – nghi lễ của văn hóa. Toàn bộ những phương diện đó được thể hiện trong sự truyền  bá những giá trị cơ bản của truyền thống và những mô hình diễn ngôn.

 


[i]Риккерт Г. (1988), О понятии философии in trong Риккерт Г. (1998),Науки о природе и науки о культуре. М., tr.36

[ii]Chủ nghĩa tối đa/tối thượng (максимализм) được coi là một trong ba phương diện biểu hiện cốt lõi của tư tưởng Cứu thế Nga. Nước Nga trong tư duy của người Nga là một nước Nga thần thánh và do đó người Nga luôn hướng đến những “cực” cao nhất và đặc biệt họ hướng đến cái tối thượng trong tâm hồn: thế giới tinh thần là thế giới cao nhất, nếu có sự cứu rỗi tinh thần con người sẽ vượt qua mọi thử thách, khó khăn và thậm chí là cái chết.

[iii]Успенский Б.А. (1994), Избранные труды. Т.1 Семиотика истории.Семиотика культуры. М., tr.220

[iv]Эйдельман Н.Я. (1989), «Революция сверху» в России. М, tr. 50

[v] Dẫn theoИванов В.В. (2000), Волошин как человек духа in trong Иванов В.В. (2000),Избранные труды по семиотике и истории культуры. М., tr.193

[vi]Лотман Ю.М. (1994)Тезисы к семиотике русской культуры in trongЮ.М. Лотман и тартуско-московская семиотическая школа. М., tr.410-411

[vii]Успенский Б.А. (1994), Избранные труды. Т.1 Семиотика истории.Семиотика культуры. М., tr.64

[viii]Отец Отечества: là một danh hiệu danh dự có từ thời La Mã cổ đại do hội đồng cao nhất của nhà nước Rome cổ đại trao cho người có công trạng xuất sắc với dân tộc. Dần dần, danh hiệu này thường được trao cho các hoàng đế La Mã.

[ix]Мамардашвили М.К. (1996), Стрела познания (набросок естественноисторической гносеологии). М., tr. 52

[x]Мамардашвили М.К., sđd, tr. 51

[xi]Гуссерль Э.,Начало геометрии. Введение Жака Деррида. М, tr.224

[xii] Những phân tích cụ thể về tư tưởng Cứu thế  như một siêu cấu trúc trong văn hóa, văn học Nga trên ba phương diện: tính tuyển chọn, chủ nghĩa tối thượng và sự sùng bái tính toàn vẹn bên trong được chúng tôi tiến hành trong bài báo khác có tên gọi “Tư tưởng Cứu thế trong văn hóa và văn học Nga:sự định hình và biến đổi siêu cấu trúc” gửi đến  Tạp chí Khoa học Xã hội Nhân văn (JSSH), đã qua phản biện và sẽ đăng số tháng 12/2018

[xiii] Những lập luận cụ thể Cứu thế như một cổ mẫu trong văn hóa và văn học Nga, xin xem bài báo của chúng tôi: Nguyễn Thị Như Trang (2017), “Cứu thế như một cổ mẫu trong văn hóa và văn học Nga”, Tạp chí Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật (56), tr.78-86