Nội san

ĐỔI MỚI KINH TẾ VÀ CHÍNH SÁCH VĂN HOÁ: CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC CHO CÁC ĐƠN VỊ NGHỆ THUẬT Ở VIỆT NAM TRONG XU THẾ TOÀN CẦU HOÁ

04 Tháng Tám 2021

TS. Nguyễn Thị Anh Quyên

Trường Đại học Văn hoá Hà Nội

 

 

Tóm tắt

Sau hơn 30 năm đổi mới, mọi mặt của đời sống xã hội Việt Nam có nhiều thay đổi từ kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với những chính sách quan trọng trong lĩnh vực văn hoá như chủ trương xã hội hoá và cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập đã tạo nên những tác động mạnh mẽ, tạo những cơ hội và thách thức mới cho các đơn vị nghệ thuật ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá.

Từ khoá: Đổi mới, chính sách văn hoá, đơn vị nghệ thuật, cơ hội, thách thức

Abstract

After more than 30 years of renovation, all aspects of Vietnameses social life have changed from economy, politics, culture and society. The socialist-oriented market economy with important policies in the field of culture such as socialisation policies and autonomy mechanism of public non-business organisations has created strong impacts, new opportunities and challenges for arts organisations in Vietnam in the age of globalisation.

Keywords: Renovation, cultural policy, arts organisations, opportunities, challenges.

 

Bối cảnh kinh tế Việt Nam

Từ năm 1986, Việt Nam được đánh dấu bởi sự đổi mới trên nhiều phương diện, với mục đích chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung, dựa trên sở hữu tập thể theo hướng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo GS.VS. Nguyễn Duy Quý “Khác với các nước Đông Âu và Liên Xô, ở Việt Nam nhu cầu đổi mới các chính sách xuất phát từ chính lĩnh vực kinh tế, chứ không phải là hệ quả của những biến động chính trị” (13).

Đến nay, sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu với 90% dân số làm nông nghiệp, Việt Nam đã xây dựng được cơ sở vật chất - kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước đáp ứng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo ra môi trường thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển. Diện mạo đất nước có nhiều thay đổi, kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên, đạt ngưỡng thu nhập trung bình, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện; đồng thời tạo ra nhu cầu và động lực phát triển cho tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Về tăng trưởng kinh tế, trong suốt hơn 30 năm qua, kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn hẳn thời kỳ trước đổi mới. Sau giai đoạn đầu đổi mới (1986-1990) với mức tăng trưởng GDP bình quân hàng năm chỉ đạt 4,4%, nền kinh tế Việt Nam đã trải qua gần 20 năm với mức tăng trưởng rất ấn tượng. Lực lượng sản xuất có nhiều tiến bộ cả về số lượng và chất lượng. Cơ cấu kinh tế của Việt Nam đã bước đầu chuyển dịch theo hướng hiện đại. Cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm khu vực nông nghiệp, tăng khu vực dịch vụ và công nghiệp. Cơ cấu thành phần kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng phát huy tiềm năng của các thành phần kinh tế và đan xen nhiều hình thức sở hữu.

Qua hơn 30 năm đổi mới, đất nước cũng đã đạt được những thành tựu rất quan trọng về hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tư tưởng, đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được thể chế hóa thành pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho nền kinh tế vận hành hiệu quả. Việt Nam đã dần hình thành đầy đủ, đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường, vận hành cơ bản thông suốt, gắn kết với thị trường khu vực và quốc tế. Thị trường hàng hóa, dịch vụ đã có bước phát triển và hoàn thiện về quy mô, cơ cấu hàng hóa - thị trường trong và ngoài nước, kết cấu hạ tầng thương mại, dịch vụ, cơ chế quản lý, mức độ cạnh tranh.

Việc tăng trưởng kinh tế đã cơ bản gắn kết hài hòa với phát triển văn hóa, xây dựng con người, tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường. Tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển. Từ chỗ Nhà nước bao cấp toàn bộ trong việc giải quyết việc làm đã dần chuyển trọng tâm sang thiết lập cơ chế, chính sách để các thành phần kinh tế và người lao động đều tham gia tạo việc làm;  An sinh xã hội cơ bản được đảm bảo; hệ thống an sinh xã hội và phúc lợi xã hội phát triển khá đồng bộ, đặc biệt là trong vấn đề giảm nghèo, giải quyết việc làm, phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội, chính sách ưu đãi người có công với nước, trợ giúp xã hội, chính sách bảo hiểm y tế toàn dân tạo điều kiện để người dân được hưởng thụ nhiều hơn về văn hóa, y tế và giáo dục. Trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều khó khăn, Việt Nam đã tăng thêm ngân sách và huy động nguồn lực để thực hiện các chính sách xã hội; đồng thời hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành và phát triển; thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được quan tâm xây dựng và từng bước hoàn thiện. Môi trường đầu tư không ngừng được cải thiện, thế và lực của nước ta vững mạnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên, tạo ra những tiền đề quan trọng để đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hóa và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Đồng thời vẫn còn những hạn chế, khó khăn không nhỏ của nền kinh tế đã và đang đặt ra những vấn đề cần phải có những quyết sách trong thời gian tới, đưa nước ta phát triển nhanh và bền vững.

Toàn cầu hoá - một xu thế tất yếu của thời đại ngày nay

Thuật ngữ toàn cầu hoá xuất hiện vào những năm 1960 và đã trở thành một trong những khái niệm được sử dụng rộng rãi (5). Toàn cầu hóa là khái niệm dùng để miêu tả các thay đổi trong xã hội và trong nền kinh tế thế giới tạo ra bởi mối liên kết và trao đổi ngày càng tăng giữa các quốc gia, các tổ chức hay các cá nhân ở góc độ văn hóa, kinh tế, v.v... trên quy mô toàn cầu.

Toàn cầu hoá đã có ý nghĩa và tác động quan trọng không chỉ đối với kinh tế, chính trị mà còn đối với văn hoá - xã hội. Toàn cầu hoá làm gia tăng các trao đổi văn hoá quốc tế. Các sản phẩm văn hoá nghệ thuật có thị trường toàn cầu và việc xuất, nhập khẩu, mua bán, trao đổi, thưởng thức các sản phẩm văn hoá nghệ thuật cũng trở nên rất thuận lợi. Các chuẩn áp dụng toàn cầu cũng gia tăng; ví dụ luật bản quyền; Công nhận sở hữu trí tuệ ở quy mô giữa các nước (ví dụ, bằng sáng chế do Việt Nam cấp có thể được Mỹ thừa nhận).

Trong xu thế toàn cầu hoá xuất hiện các phương tiện truyền thông mới như điện thoại thông minh, internet, trí tuệ nhân tạo... Công nghệ phát triển nhanh chóng đã đem lại các dịch vụ giải trí tại nhà như games online (các trò chơi trực tuyến), nghe nhạc, xem phim online, nhà hát truyền hình… Công nghệ giải trí tại nhà mặc dù không đem lại những cảm xúc như trải nghiệm trực tiếp tại các nhà hát, rạp chiếu phim, sân vận động,… nhưng đang được một số nhóm công chúng lựa chọn vì những ưu điểm của nó là tiện nghi, chi phí thấp, tiết kiệm thời gian.

Kinh tế, chính trị và xã hội thay đổi, cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đã tạo ra những ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt của đời sống, trong đó có lĩnh vực nghệ thuật. Những thay đổi này tạo ra nhiều cơ hội nhưng đồng thời cũng đem lại nhiều thách thức mới cho các đơn vị nghệ thuật. Thách thức lớn nhất của các đơn vị nghệ thuật là đảm bảo các nguồn lực để phát triển trong bối cảnh sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ, bối cảnh toàn cầu hoá, tư nhân hoá, xã hội hoá, ngân sách nhà nước cắt giảm và nâng cao quyền tự chủ cho các đơn vị nghệ thuật. Những cơ hội và thách thức này đòi hỏi các đơn vị nghệ thuật phải năng động, sáng tạo và thích ứng để thay đổi, hoạt động hiệu quả. Bối cảnh này dẫn đến sự cần thiết của việc ứng dụng lý thuyết và kỹ năng quản trị nghệ thuật, lãnh đạo nghệ thuật và quản trị kinh doanh vào các đơn vị nghệ thuật.

Bên cạnh đó xu thế toàn cầu hoá còn tạo ra những tác động tích cực như: Hình thành những nhu cầu mới, sở thích mới; nâng cao chất lượng sống, đưa tới nhiều lựa chọn cá nhân trong nghỉ ngơi, thư giãn và hưởng thụ văn hoá; tự do cá nhân được tôn trọng và phát triển; Phát triển thị hiếu, bồi dưỡng năng lực thẩm mỹ, làm phong phú đời sống tinh thần của con người theo hướng đa dạng hoá, đa kênh hoá; Tạo những thay đổi tích cực về phong tục tập quán, dung hoà với những khác biệt văn hoá bên ngoài; khuyến khích giao lưu văn hoá, tăng cường hiểu biết về các cộng đồng khác nhau (3).

Tóm lại, “toàn cầu hoá về kinh tế và văn hoá đã làm thế giới thay đổi. Những thay đổi này ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế ở các quốc gia và những thay đổi quan trọng trong các lĩnh vực của xã hội (Burbules and Torres 2000).” (6, tr.6).

Chính sách văn hoá

Theo UNESCO, chính sách văn hóa là một tổng thể các nguyên tắc hoạt động, các cách thực hành, các phương pháp quản lý hành chính và phương pháp sử dụng ngân sách của Nhà nước dùng làm cơ sở cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật (14).

Dựa vào định nghĩa này, Hội nghị bàn tròn các chuyên gia văn hóa tại Monaco năm 1967 đã đưa ra một quan niệm về chính sách văn hóa như sau: “Chính sách văn hóa là một tổng thể những thực hành xã hội hữu thức và có suy tính kỹ về những can thiệp hay không can thiệp của Nhà nước vào các hoạt động văn hóa nhằm vào việc đáp ứng nhu cầu văn hóa của nhân dân, bằng cách sử dụng tối ưu tất cả những nguồn vật chất và nhân lực, mà một xã hội nào đó sắp đặt vào một thời điểm thích hợp” (4, tr.19).

Như vậy, trong chính sách văn hóa có những điểm quan trọng sau:

- Hành động thực hành của Nhà nước nhằm các mục tiêu phát triển và quản lý;

- Các thực hành này được xây dựng trên cơ sở các quan niệm rất khác nhau về văn hóa, vai trò của văn hóa;

- Các chính sách được vận hành bởi các cơ quan chính phủ, được xây dựng bởi các cơ quan luật pháp. Quá trình xây dựng chính sách được đặt trên hướng tăng cường sự tham gia của các bên có liên quan vào quá trình xây dựng chính sách;

- Chính sách văn hóa có những công cụ khác nhau, gồm: luật pháp và các phương pháp hành chính; ngân sách và hệ thống thuế, trong đó, các bộ luật, luật, văn bản pháp quy; cách thức đầu tư từ ngân sách, hệ thống thuế là những công cụ quan trọng nhất để điều hành sự phát triển văn hóa;

- Các chính sách văn hóa đều là các thực hành của Nhà nước dựa trên các nguồn lực về tài chính, vật lực và nhân lực, trong những điều kiện của thời điểm đó. Các đơn vị văn hóa nghệ thuật dựa vào các nguồn lực này mà triển khai các hoạt động thực thi chính sách;

Ở Việt Nam, khái niệm chính sách văn hóa đã được xác định dựa trên các quan niệm về văn hóa, vai trò của văn hóa trong phát triển đất nước, xây dựng con người mới của chế độ mới. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã xác định xây dựng văn hóa là một trong bốn trọng tâm chiến lược của Đảng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, có nghĩa xây dựng văn hóa trở thành một trong bốn cột trụ của phát triển, bên cạnh nhiệm vụ xây dựng kinh tế, cải cách hệ thống chính trị cho phù hợp với cơ chế kinh tế mới, phát triển đảng vững mạnh (4).

Chính sách văn hoá là thành tố quan trọng tạo nên những cơ hội và thách thức, tác động đến quá trình biến đổi văn hoá nói chung và hoạt động của các đơn vị nghệ thuật nói riêng. Trong bài viết này tác giả đánh giá tác động của hai chính sách văn hoá, cụ thể là chủ trương xã hội hoá và cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, và những tác động của nó, cơ hội và thách thức cho các đơn vị nghệ thuật ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay.

Chủ trương xã hội hoá

Xã hội hoá là một khái niệm của nhân học và xã hội học. Xã hội hoá là một quá trình tương tác xã hội kéo dài suốt đời qua đó cá nhân phát triển khả năng con người và học hỏi các mẫu văn hoá của mình. Đó chính là quá trình con người liên tục tiếp thu văn hoá và nhân cách của mình để sống trong xã hội như là một thành viên.

Ở Việt Nam những năm gần đây, khái niệm xã hội hoá thường được dùng để chỉ sự quan tâm, đóng góp của toàn xã hội vào một số lĩnh vực cụ thể như xã hội hoá giáo dục, xã hội hoá y tế, xã hội hoá văn hoá...Nghị quyết về phương hướng và chủ trương xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá đã được Chính phủ thông qua tại phiên họp thường kỳ tháng 3 năm 1997. Xã hội hoá hoạt động văn hoá hướng vào thu hút toàn xã hội, các thành phần kinh tế tham gia các hoạt động sáng tạo, cung cấp và phổ biến văn hoá, tạo điều kiện cho các hoạt động văn hoá phát triển mạnh mẽ, rộng khắp, nâng cao dần mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân, trên cơ sở tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và công tác quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực văn hoá (7).

Ngoài ra, về chính sách khuyến khích xã hội hoá trong lĩnh vực văn hoá còn có các Nghị định: Nghị định của Chính phủ số 73/1999/NĐ-CP ngày 19 tháng 8 năm 1999 về Chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao; Nghị định của Chính phủ số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; Các Nghị định đã quy định: Xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao là vận động và tổ chức sự tham gia rộng rãi của nhân dân, của toàn xã hội vào sự phát triển các sự nghiệp đó nhằm từng bước nâng cao mức hưởng thụ về giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao trong sự phát triển về vật chất và tinh thần của nhân dân; Cùng với việc củng cố các tổ chức công lập, Nhà nước khuyến khích phát triển rộng rãi các cơ sở ngoài công lập phù hợp với quy hoạch của Nhà nước trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao, hoạt động không theo mục đích thương mại hoá. Nhà nước và xã hội coi trọng và đối xử bình đẳng đối với các sản phẩm và dịch vụ của cơ sở ngoài công lập như các sản phẩm và dịch vụ của cơ sở công lập. Các cơ sở ngoài công lập cũng có một phần trách nhiệm thu nhận và cung cấp dịch vụ cho các đối tượng chính sách xã hội như các cơ sở công lập; Nhà nước khuyến khích các tổ chức và cá nhân huy động các nguồn lực trong nhân dân và trong các tổ chức thuộc mọi thành phần kinh tế để phát triển các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao theo đúng quy định của pháp luật (8, 10).

Cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập

Nghị định của Chính phủ số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006, là Nghị định đầu tiên quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập. Mục tiêu thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm là: 1. Trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho đơn vị sự nghiệp trong việc tổ chức công việc, sắp xếp lại bộ máy, sử dụng lao động và nguồn lực tài chính để hoàn thành nhiệm vụ được giao; phát huy mọi khả năng của đơn vị để cung cấp dịch vụ với chất lượng cao cho xã hội; tăng nguồn thu nhằm từng bước giải quyết thu nhập cho người lao động; 2. Thực hiện chủ trương xã hội hoá trong việc cung cấp dịch vụ cho xã hội, huy động sự đóng góp của cộng đồng xã hội để phát triển các hoạt động sự nghiệp, từng bước giảm dần bao cấp từ ngân sách nhà nước; 3. Thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với đơn vị sự nghiệp, nhà nước vẫn quan tâm đầu tư để hoạt động sự nghiệp ngày càng phát triển; bảo đảm cho các đối tượng chính sách - xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được cung cáp dịch vụ theo quy định ngày càng tốt hơn; 4. Phân biệt rõ cơ chế quản lý nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp với cơ chế quản lý nhà nước đối với cơ quan hành chính nhà nước (9).

Tiếp đến, ngày 14 tháng 02 năm 2015 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị định này quy định các nguyên tắc, quy định chung về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực: giáo dục đào tạo; dạy nghề; y tế; văn hóa, thể thao và du lịch; thông tin truyền thông và báo chí; khoa học và công nghệ; sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác. Các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tự chủ về tài chính. Về việc tổ chức thực hiện Nghị định, giao quyền tự chủ cho đơn vị sự nghiệp công lập: đơn vị sự nghiệp công xây dựng phương án tự chủ phù hợp với kế hoạch và điều kiện thực tế của đơn vị, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để phê duyệt, sau khi có ý kiến bằng văn bản của cơ quan tài chính cung cấp. Việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công quy định tại Nghị định này được ổn định trong thời gian 3 năm. Trường hợp nguồn thu, nhiệm vụ của đơn vị có biến động làm thay đổi mức độ tự chủ tài chính, đơn vị báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để xem xét điều chỉnh mức độ tự chủ cho đơn vị trước thời hạn (11).

Với việc tham gia vào nền kinh tế toàn cầu, chịu ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hoá, sự du nhập của nhiều sản phẩm văn hoá và sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế vào hoạt động văn hoá đã làm cho các đơn vị nghệ thuật phải hoạt động trong môi trường ngày càng cạnh tranh mạnh mẽ.

Thực trạng lĩnh vực nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay có những điểm chung với lĩnh vực nghệ thuật của nhiều nước trên toàn thế giới, đó là ngân sách cấp phát của chính phủ giảm và yêu cầu nghệ thuật định hướng thương mại đã được khuyến khích (2). Vì vậy, các đơn vị nghệ thuật cần chủ động về tài chính, đa dạng hoá nguồn thu, trong đó thu nhập từ việc bán vé các chương trình nghệ thuật, các giá trị, dịch vụ của đơn vị chiếm một phần quan trọng.

Các đơn vị nghệ thuật có chức năng, nhiệm vụ cũng như mục tiêu hoạt động khác nhau, nhưng suy cho cùng phát triển khán giả hay “lôi kéo khán giả” đến với các tác phẩm nghệ thuật, các giá trị và dịch vụ của đơn vị vẫn là mục đích cao nhất, là nhiệm vụ sống còn. Bên cạnh đó, các đơn vị văn hoá nghệ thuật cũng nhận thấy rằng phát triển khán giả là cách để đạt được các mục tiêu của mình, dù đó là mục tiêu nghệ thuật, tài chính, xã hội hoặc là kết hợp cả ba mục tiêu này.

Cơ hội và thách thức cho các đơn vị nghệ thuật

Cơ hội

Chủ trương xã hội hoá và cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập đã tạo cơ hội cho các đơn vị nghệ thuật chủ động, tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tự chủ về tài chính. Lĩnh vực nghệ thuật đã có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, huy động nhiều nguồn lực của xã hội cho sự phát triển nghệ thuật của nước nhà.

Các đơn vị nghệ thuật chủ động, từng bước kiện toàn bộ máy tổ chức nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu hoạt động và phát triển. Các phòng, bộ phận chức năng như marketing nghệ thuật, giáo dục nghệ thuật, gây quỹ và tìm tài trợ,.. được thành lập và đi vào hoạt động. Các đơn vị nghệ thuật chủ động trong việc ký hợp đồng lao động tuỳ vào nhu cầu về vị trí việc làm và khả năng tài chính của đơn vị.

Các đơn vị nghệ thuật không chỉ sản xuất và biểu diễn theo nhiệm vụ, chỉ tiêu, phục vụ chính trị mà đã từng bước dàn dựng và biểu diễn những tác phẩm nghệ thuật đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khán giả, phát triển khán giả, tăng nguồn thu cho đơn vị.

Đa dạng hoá nguồn thu thông qua các hoạt động tổ chức biển diễn nghệ thuật, cung ứng dịch vụ nghệ thuật như biểu diễn theo hợp đồng, tổ chức sự kiện, cho thuê địa điểm, cơ sở vật chất, vận động tài trợ. Một số đơn vị nghệ thuật như Nhà hát Tuổi trẻ, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam đã thành công trong việc hợp tác với một số nhãn hàng, doanh nghiệp, các quỹ, đại sứ quán, tổ chức trong và ngoài nước, vận động tài trợ. Kết quả của các hoạt động hợp tác và vận động tài trợ đã giúp đơn vị nghệ thuật có thêm các nguồn lực cho sáng tạo, biểu diễn nghệ thuật, phát triển công chúng.

Đa dạng hình thức biểu diễn. Các đơn vị nghệ thuật đã triển khai các hình thức biểu diễn sau: biểu diễn tại nhà hát, bán vé, hợp đồng biểu diễn; ký hợp đồng doanh thu qua trung gian; biểu diễn ở nước ngoài; hợp tác biểu diễn với các đối tác nước ngoài; biểu diễn lưu động ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới; biểu diễn gắn với du lịch, lễ hội, dịch vụ; biểu diễn theo dự án hợp tác với doanh nghiệp. Đặc biệt hình thức tổ chức biểu diễn kết hợp với doanh nghiệp đã được Nhà hát Tuổi trẻ triển khai là một hình thức biểu diễn năng động, linh hoạt, kết hợp giữa doanh nghiệp và đơn vị nghệ thuật, biểu diễn lưu động ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Hình thức biểu diễn này đã đem nghệ thuật sân khấu đến với đông đảo công chúng, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, giúp đơn vị nghệ thuật đạt được mục tiêu phát triển khán giả, phát triển nghệ thuật và tăng thu nhập, đồng thời các doanh nghiệp cũng đã quảng bá được thương hiệu, sản phẩm của mình, đặc biệt đã thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Thách thức

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xu thế toàn cầu hoá đã dẫn đến việc hình thành thị trường nghệ thuật đa dạng với sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ, buộc các đơn vị nghệ thuật phải năng động, sáng tạo, không thể trông chờ, ỉ lại để có thể tồn tại và phát triển.

Kinh tế phát triển, đời sống vật chất của người dân được nâng cao, nhu cầu về các sản phẩm nghệ thuật, dịch vụ và các điều kiện vật chất của các đơn vị nghệ thuật ngày càng cao, trong khi khả năng đáp ứng của các đơn vị nghệ thuật còn hạn chế.

Ngân sách bao cấp chỉ đáp ứng khoảng 60-70% nhu cầu hoạt động của các đơn vị nghệ thuật. Vì vậy các đơn vị nghệ thuật phải có những chiến lược đa dạng hoá nguồn thu.

Các đơn vị nghệ thuật có những đặc thù riêng. Nếu là công ty tổ chức biểu diễn theo mô hình của nước ngoài là những văn phòng, không có diễn viên, diễn viên sẽ được thuê theo thời vụ, theo chiến dịch, theo dự án, vở diễn, không phải là một đơn vị nghệ thuật như ở Việt Nam. Ở Việt Nam rất đặc thù, ví dụ: các nhà hát vừa là cơ quan nhà nước, vừa là một đơn vị nghệ thuật, vừa hoạt động như mô hình công ty biểu diễn. Làm thế nào dung hoà được tất cả những yếu tố này là công việc khó của những nhà lãnh đạo, quản lý nghệ thuật.

Quản lý nguồn nhân lực trong các đơn vị nghệ thuật trong bối cảnh các công ty nghệ thuật tư nhân phát triển cũng là bài toán khó. Chế độ lương, thưởng thấp, đời sống khó khăn sẽ rất khó giữ chân những người tài. Những nghệ sĩ tài giỏi có thể bỏ các đơn vị nghệ thuật nhà nước để làm việc cho các công ty với mức lương cao hơn, điều kiện làm việc tốt hơn. Liên đoàn Xiếc Việt Nam là một trường hợp điển hình trong việc bị “chảy máu” nhân tài.

Tóm lại, có thể thấy đổi mới kinh tế và các chính sách văn hoá đã tạo những cơ hội và thách thức cho các đơn vị nghệ thuật. Để tự chủ, năng động và phát triển, các đơn vị nghệ thuật cần xây dựng và thực hiện các chiến lược, kế hoạch cụ thể để có thể tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nói chung và lĩnh vực nghệ thuật nói riêng./.

 

 

Tài liệu tham khảo

  1. B, Melanie: “Doi Moi in review: the challenges of building market socialism in Vietnam”, Journal of Contemporary Asia, vol. 38, no 2, p. 221-243, published online 23 Jan 2008.
  2. Caust, J. (2003), “Putting the “art” back into arts policy making: how arts policy has been “captured” by the economists and the marketers”, International Journal of Cultural Policy, vol. 9, no 1, p. 51 - 63.
  3. Lê Quý Đức, Giao lưu tiếp biến văn hoá trong lịch sử Việt Nam (Đề cương những bài giảng), Hà Nội, 2012.
  4. Lê Thị Hiền, Lương Hồng Quang, Phạm Bích Huyền, Nguyễn Lâm Tuấn Anh (2009), Chính sách văn hoá (giáo trình), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
  5. Đào Minh Hồng - Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Toàn cầu hoá (globlization), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (Khoa QHQT - Đại học KHXH&NV TPHCM, Tp.HCM, 2013). http://nghiencuuquocte.org/2016/07/09/toan-cau-hoa-globalization/ (truy cập ngày 25/9/2018).
  6. Le, H. “Economic Reforms, Cutural Policy: Opportunities and Challenges to the Arts and Culture in Vietnam in the Age of Globlization”, Journal of Arts Management, Law, and Society, vol. 38, no. 1, p. 5-17, 2008.
  7. Nghị quyết của Chính phủ số 90/CP ngày 21 tháng 8 năm 1997 về phương hướng và chủ trương xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá (đã được Chính phủ thông qua tại phiên họp thường kỳ tháng 3 năm 1997).
  8. Nghị định của Chính phủ số 73/1999/NĐ-CP ngày 19 tháng 8 năm 1999 về Chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao
  9. Nghị định của Chính phủ số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập
  10. Nghị định của Chính phủ số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường
  11. Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/105 của Chính phủ Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.
  12. Nguyễn Thị Anh Quyên (2014), Marketing văn hoá nghệ thuật của các nhà hát trên địa bàn Hà Nội (luận án tiến sĩ).
  13. http://dangcongsan.vn/tu-lieu-van-kien/tu-lieu-ve-dang/sach-ve-cong-tac-dang/books-310520153565356/index-51052015351515676.html (truy cập ngày 25/9/2018)
  14. The Ideal of “Cultural Policy” https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000001173 (truy cập ngày 15/4/2019)
  15. Những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế qua 30 năm đổi mới, http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Viet-nam-tren-duong-doi-moi/2016/36945/Nhung-thanh-tuu-noi-bat-trong-phat-trien-kinh-te-qua-30.aspx (truy cập ngày 10/4/2019)