Nội san

Mạng xã hội và cách thức thể hiện bản thân của giới trẻ hiện nay

05 Tháng Tám 2021

Nguyễn Thị Lan Hương

                           Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam

 

Tóm tắt

Mang bản chất của một dich vụ kết nối các thành viên trên Internet bởi nhiều mục đích khác nhau và không phân biệt thời gian - không gian, các mạng xã hội đã và đang là môi trường lý tưởng cho giới trẻ Việt thể hiện bản thân mình với mọi người dưới nhiều hình thức và cấp độ khác nhau như một nhu cầu tất yếu trong cuộc sống. Thực tế này đã khiến cho mạng xã hội thực sự trở thành một không gian ảo rộng mở và đa chiều trong việc xây dựng hình ảnh hay bản sắc cá nhân.

Từ khóa: mạng xã hội, giới trẻ, nhu cầu, thể hiện bản thân

Summary

Social network - a service that connects members in the Internet with many different purposes, regardless of time - space has been an ideal environment for Vietnamese youth to express themselves to people under various forms and levels as an essential need in their life. This fact leads social network to become a virtual, open and multidimensional space in building images or personal identities.

Key words: Social network, youth, need, express yourself

Hiện nay thế giới có hàng trăm MXH khác nhau, trong đó phổ biến nhất là Facebook, YouTube, Instagram, Twitter, MySpace… Mỗi MXH đều có thành công nhất định dựa trên sự phù hợp về các yếu tố yếu tố: địa lý, chính trị, văn hóa… của từng khu vực, từng quốc gia hay vùng/miền, và tại Việt Nam cũng đã xuất hiện rất nhiều các MXH “nội địa” như: ZingMe, Zalo, Gov.vn, YuMe, Tamtay... với nỗ lực cố gắng liên kết người dùng bằng những đặc điểm của địa phương cũng như thể hiện sâu sắc văn hóa Việt Nam. Trên không gian mạng MXH rất tự do và cởi mở, thanh, thiếu niên đang ngày càng có nhu cầu, mong muốn thể hiện bản sắc cá nhân như một sự thể hiện bản thân, gây chú ý hay đơn giản chỉ là sự giải trí.

  1. Thể hiện bản thân - nhu cầu tâm lý tự nhiên của giới trẻ

Ngay từ năm 1943, nhà tâm lý học Abraham Maslow đã đưa ra Tháp nhu cầu (Maslow's hierarchy of needs) với 5 tầng sắp xếp theo thứ tự tăng dần từ “những nhu cầu cơ bản” cho đến “những nhu cầu bậc cao”, trong đó tầng thứ năm là nhu cầu về tự thể hiện bản thân (self-actualization) - muốn sáng tạo, được thể hiện khả năng, thể hiện bản thân, trình diễn mình, có được và được công nhận là thành đạt. Như vậy, thể hiện bản thân là một trong những nhu cầu tâm lý tự nhiên của con người. Theo các chuyên gia tâm lý, độ tuổi từ 13 đến 18 tuổi là thời gian chuyển tiếp từ thiếu nhi, thiếu niên sang người trưởng thành. Các bạn trẻ ở lứa tuổi này vẫn chưa có sự chín chắn hoàn toàn song có cái tôi rất lớn và họ muốn được mọi người công nhận mình là người lớn, thể hiện mình để chứng tỏ giá trị của bạn thân hay đơn giản chỉ để bộc lộ cá tính. Họ có xu hướng muốn bộc lộ cái tôi ra ngoài, muốn làm những điều mình thích, mình cho là đúng và muốn xã hội công nhận nó đúng, thậm chí muốn thay đổi những chuẩn mực đã được định hình.

  1. Mạng xã hội - môi trường lý tưởng để giới trẻ thể hiện bản thân

Thực tế, MXH là một công cụ mới xuất hiện trong khoảng hơn chục năm nay song đã và đang thu hút một số lượng lớn người dùng, trở thành một trào lưu trên khắp thế giới và hiện vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Đây là những trang web tồn tại trên Internet và khi các bạn trẻ đăng ký là thành viên, họ sẽ có một khu vực riêng mà ở đó, họ có thể tự do đăng tải tất cả những suy nghĩ, thông điệp, hình ảnh, video hoặc các đoạn ghi âm ngắn… Cũng thông qua các trang web đó, giới trẻ có thể kết nối với những người khác cùng là thành viên. MXH đã trở thành môi trường lý tưởng để giới trẻ tự giới thiệu mình, chia sẻ và tiếp nhận suy nghĩ, cảm xúc... của bản thân với những người khác và ngược lại theo cách tự do, thoải mái nhất trong các môi trường như trường học, cơ quan và trong cả cuộc sống thường ngày.

Sự thay đổi liên tục trong xã hội ngày nay và đặc biệt là sự phát triển, phổ biến của công nghệ với các thiết bị thông minh như: điện thoại di động, máy tính bảng, máy tính cá nhân... cùng sự hiện diện của các trang MXH trong cuộc sống con người, những nhu cầu của giới trẻ cũng theo đó mà trở nên khác biệt. Một bạn trẻ - blogger có tên Val đã từng đề xuất một sơ đồ hình tháp mới rất thú vị có liên quan đến các trang MXH, qua đó thể hiện vai trò của các trang MXH đối với đời sống giới trẻ cũng như nhu cầu thể hiện bản thân của họ hiện nay như thế nào:

+ Sự an toàn - Linkedln : nơi bạn có thể tìm thấy công việc và các mối quan hệ mà có khả năng dẫn đến sự thành công trong sự nghiệp.

+ Nhu cầu tình cảm - Facebook, Google +: nơi bạn tạo và nối lại các mối quan hệ của mình, bao gồm cả người quen, bạn bè, người yêu hay gia đình.

+ Lòng tự trọng - Twitter: nơi bạn chia sẻ những kinh nghiệm và thành tích để tăng sự tự tin và giành được sự tôn trọng từ người khác.

+ Khẳng định bản thân - Tumbrl, Blogspot, Wikipedia: nơi bạn chia sẻ kiến thức, sở thích, sự sáng tạo và những suy nghĩ sâu xa.

Mục đích chính khi đăng tải thông tin lên MXH của
thanh, thiếu niên (%)

Biểu đồ trên phần nào cho thấy, một số mục đích chính đăng tải thông tin lên MXH của thanh, thiếu niên hiện nay chính là nhằm để thể hiện bản thân như: “bày tỏ góc nhìn, quan điểm riêng” (28.5%), hoặc “xây dựng hình ảnh cá nhân” (20.3%).

 Có thể nói, với những tiện ích của mình, MXH đã và đang tác động đến giới trẻ, khiến họ có những thay đổi nhanh chóng và rõ rệt trong cách thức bộc lộ bản sắc cá nhân. Thể thiện bản thân - như một nhu cầu tất yếu của con người vốn bị nhiều hạn chế ở vào thời điểm trước khi MXH ra đời khi họ chỉ có thể biểu đạt bản thân từ quan điểm, cảm xúc, suy nghĩ đến những năng lực/khả năng cá nhân của mình một cách trực tiếp người với người hoặc gián tiếp thông qua các phương tiện truyền thông truyền thống như báo giấy, phát thanh, truyền hình. Song dường như mọi thứ đã thay đổi kể từ khi MXH xuất hiện. Trước hết, về những nội dung/thông tin được giới trẻ chia sẻ trên MXH, đó là khi thanh, thiếu niên sử dụng phối hợp các công cụ, tiện ích khác nhau của MXH để thông qua đó thể hiện bản thân. Họ có thể sử dụng nhiều hình thức như: các bài viết, thông tin/hoạt động liên quan đến cuộc sống hằng ngày, hình ảnh, kết quả công việc - học tập, thông tin được sưu tầm, trích dẫn từ nguồn tài liệu nào đó… để đưa lên/chia sẻ trên MXH.

Stt

Nội dung

Không

Ít

Nhiều

Bình thường

1

Liên quan đến cuộc sống hàng ngày

22.0

35.0

12.3

30.7

2

Đăng tải hình ảnh của bạn

13.8

33.8

17.2

35.2

3

Những hình ảnh đẹp, thú vị khác

12.0

28.8

28.5

30.7

4

Thông tin mới, bổ ích

15.8

26.5

25.7

32.0

5

Link bài viết

26.7

37.0

14.0

22.3

6

Quan điểm, suy nghĩ, cảm xúc của bạn về một vấn đề cụ thể

23.7

37.5

11.5

27.3

 

Những vấn đề thanh, thiếu niên lựa chọn để
đăng tải lên MXH (%)

Số liệu điều tra cho thấy, những vấn đề thanh, thiếu niên lựa chọn để đăng tải lên MXH ở các mức độ khác nhau: Mức độ nhiều: Thanh, thiếu niên chỉ đăng tải “những hình ảnh đẹp, thú vị khác” chiếm tỷ lệ cao nhất (28.5%),  “những thông tin mới, bổ ích” (25.7%), thấp nhất là bảy tỏ “những quan điểm, suy nghĩ, cảm xúc của họ về một vấn đề cụ thể” (11.5%); Mức độ ít: trên (30.0%) nhóm thanh, thiếu niên ít khi đăng tải “quan điểm, suy nghĩ, cảm xúc của bạn về một vấn đề cụ thể”, “link bài viết”, “những vấn đề liên quan đến cuộc sống hàng ngày” và “đăng tải hình ảnh của bạn”. Thậm chí trên (20.0%) trong số những người được hỏi trả lời “không đăng tải các vấn đề trên lên MXH”; Và, một bộ phận thanh, thiếu niên (khoảng từ 22%-35%) khi được hỏi về mức độ đăng tải các vấn đề lên MXH họ lựa chọn phương án ở mức “bình thường”.

Với mục đích cao nhất là thể hiện bản thân mình (bộc lộ tính cách/cá tính/bản sắc…) với cộng đồng mạng ở lứa tuổi đang muốn khẳng định “cái tôi”, một bộ phận thanh, thiếu niên dường như ít quan tâm đến sự đánh giá của người khác về những gì mà họ chia sẻ trên MXH. Chính vì vậy nhiều bạn trẻ đang có xu hướng thái quá khi dùng những cách thức/chiêu trò mà họ cho rằng “khác biệt” hay “độc đáo” để thể hiện bản sắc cá nhân/cái tôi nổi trội trong cộng đồng mạng, để tạo sự nổi tiếng (dựa vào lượt người theo dõi và bấm nút “like”) gây nên sự phản cảm đối với cộng đồng mạng. Bên cạnh đó, không ít người đang dành khá nhiều thời gian đầu tư cho việc thể hiện bề ngoài/hình thức của mình trên mạng mà họ không biết rằng những hiệu ứng mang lại đa phần chỉ có tính chất ảo khi những lượt “like” hay bình luận không thể phản ánh đúng hòa toàn bản chất của sự việc hay nội dung mà họ đang chia sẻ.

“Các bạn trẻ nên chứng minh khả năng của mình trong thực tế, nếu mình chứng tỏ được khả năng của mình trong học tập hay công việc thì người khác sẽ tự biết đến chứ không nhất thiết phải “đưa” mình lên trên MXH một cách quá đà”(Nữ, 22 tuổi, Hà Nội).

“… Dường như các bạn trẻ đang tốn nhiều công sức và thời gian hơn để đầu tư cho việc thể hiện bản thân mình trên MXH. Có nhiều bạn trẻ đã đầu tư thời gian, tiền bạc để chụp những bộ ảnh với mục đích cuối cùng cũng chỉ để nhận được những bức ảnh đôi khi “chẳng giống ai” và ngồi ngóng các lượt “like”. Bản thân em cũng quen những người bạn nữ rất xinh xắn và biết rằng các bạn ấy có thể đầu tư cả tiếng đồng hồ, dù nắng hay mưa để chụp hình và chỉnh sửa ảnh trước khi đăng lên trên MXH. Và chúng em vẫn hay nói đùa nhau rằng: phía sau mỗi bức ảnh là cả một câu chuyện. Những hiện tượng như thế đã trở thành xu thế chung của các bạn trẻ hiện nay”. (Nam, 23 tuổi, Hà Nội).

Mức độ quan tâm về sự đánh giá của người khác với

những chia sẻ của mình trên MXH của thanh, thiếu niên (%)

Từ kết quả điều tra khảo sát, biểu đồ trên cho thấy, sau khi đăng tải, chia sẻ những thông tin lên MXH, bộ phận giới trẻ tỏ ra ít quan tâm thậm chí không quan tâm đến những đánh giá của người khác sau khi chia sẻ những thông tin lên MXH chiếm các tỷ lệ tương ứng (30.1%) và (12.0%).

Ngoài ra, mức độ về nhu cầu thể hiện bản thân với nhiều người trong cộng đồng mạng của người dùng còn được biểu hiện thông qua sự lựa chọn chế độ khi chia sẻ những dòng trạng thái, hình ảnh hay video…

Chế độ chia sẻ những status/hình ảnh/video trên MXH của
thanh, thiếu niên (%)

Đa phần những status/hình ảnh/video của nhóm thanh, thiếu niên được hỏi thường chia sẻ ở chế độ công khai khi chiếm tỷ lệ cao nhất (56.5%); bộ phận giới trẻ chia sẻ những status/hình ảnh/video của mình ở chế độ chỉ bạn bè biết chiếm tỷ lệ thấp hơn (31.5%); và đặc biệt là nhóm bạn trẻ thường chia sẻ các chế độ “kín” - trong phạm vi gia đình, bạn bè của bạn bè, chỉ mình tôi… chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp. Mức độ chia sẻ thông tin cá nhân lên MXH của giới trẻ hiện nay cho thấy họ đang tỏ ra khá thoải mái. Chẳng hạn, mặc dù nhiều bạn trẻ chia sẻ rằng họ không thể hiện hoàn toàn tính cách thật của mình trên không gian mạng nhưng thực tế đại đa số lại đang sử dụng tên họ thật trên MXH, hay khi khai báo thông tin của bản thân trên MXH, chiếm tỷ lệ cao nhất là nhóm thanh, thiếu niên để chính xác những mục thông tin quan trọng như: giới tính (80.8%), tên (78.3%), ngày tháng năm sinh (69.7%); có tỷ lệ cao tiếp theo là các thông tin về nghề nghiệp (31.2%), địa chỉ và số điện thoại (32.0%). Đây là những dấu hiệu thay đổi đáng chú ý bởi tính cách người Việt Nam vốn khá thận trọng và dè dặt trong việc bộc lộ/chia sẻ bản thân trong các mối quan hệ giao tiếp, nhất là khi đây lại là những mối quan hệ mang tính ảo trên không gian trực tuyến.

Mức độ xác thực của các thông tin cá nhân khai báo trên MXH của thanh, thiếu niên (%)

Thông qua các số liệu và thông tin điều tra khảo sát có thể nhận thấy, nhu cầu thể hiện tính cách, cá tính trên MXH của giới trẻ đang có xu hướng ngày càng tăng cao. MXH đã và đang là không gian lý tưởng để các bạn trẻ bộc lộ bản thân với nhiều nét tính cách và dưới nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt khi tính chất “ảo” của MXH đã cho phép họ sử dụng nhiều tài khoản, tương tác với nhiều đối tượng tạo ra không gian rộng mở đa chiều cho việc xây dựng hình ảnh hay bản sắc cá nhân. Song, có một vấn đề đang đặt ra là, thay vì nằm ở vị trí là công cụ “hỗ trợ” mỗi cá nhân thể hiện năng lực hay bản sắc, việc thể hiện bản thân trên MXH có vẻ đang là hoạt động chiếm lĩnh cuộc sống của nhiều bạn trẻ như một thứ tất yếu mà nếu thiếu vắng nó hằng ngày thì họ sẽ cảm thấy buồn tẻ, thậm chí bứt rứt khó chịu, không thể tập trung vào các công việc khác. Cho dù không gian MXH được coi là “ảo” đi chăng nữa thì mỗi bạn trẻ khi tham gia vào thế giới mạng đều mong muốn xác định được vị trí riêng của mình, thể hiện mình là ai, tính cách và sở thích như thế nào, muốn người khác nhìn thấy hình ảnh mình ra sao… Và nghiễm nhiên khi đó, MXH đã trở thành “bộ mặt ảo” của mỗi người, ở đó nó có khả năng chi phối, ảnh hưởng đến cách mỗi cá nhân nhìn nhận về bản thân cũng như về những người xung quanh.

                                                                        Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Thị Phương Châm (2013), “Internet: Không gian mới cho đa chiều kết nối và thể hiện của giới trẻ hiện nay”, Văn hoá dân gian, 2 (146), tr. 62-71.

2. Bùi Thế Duy (2015), Tác động của công nghệ thông tin - truyền thông đến đạo đức, lối sống của thanh thiếu niên trong giai đoạn hiện nay, Đề tài nghiên cứu cấp Bộ, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, Hà Nội.

3. Nguyễn Thị Hậu (chủ biên) (2010), Mạng xã hội với giới trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Văn hóa - Văn nghệ, Tp. HCM.

4. Từ Thị Loan (2012-2013), Tác động của các loại hình giải trí thông qua các phương tiện truyền thông mới đến lối sống của con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Hà Nội.

5. Bùi Hoài Sơn (2006), Ảnh hưởng của Internet đối với thanh niên Hà Nội, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.