Nội san

“Sáng tác ca khúc cho nhà trường phổ thông hiện nay - Thực trạng và giải pháp”

20 Tháng Sáu 2011

Tham luận Hội thảo khoa học

"Ca khúc cho nhà trường phổ thông hiện nay - thực trạng và giải pháp"

 

 

Ngô Thị Thu Hiền

 Cán bộ Phòng GD-ĐT, Quận Hà Đông

 

Kính thưa các vị khách quý!

Thưa các nhạc sĩ, các thầy cô giáo và các bạn đồng nghiệp!

Âm nhạc với vẻ đẹp của nó sẽ giúp ta vươn tới những giá trị cao đẹp của cuộc sống. Đặc biệt với học sinh tiểu học, âm nhạc càng có vai trò to lớn trong việc giáo dục tư tưởng tình cảm, góp phần hình thành và phát triển nhân cách các em. Đó là điều không cần phải bàn cãi. Không phải đến bây giờ chúng ta mới nhận thức và vận dụng trong giáo dục mà từ ngàn xưa, trong đời sống thường nhật ông cha ta cũng đã ứng dụng hữu hiệu âm nhạc trong việc xây dựng thế giới tâm hồn cho trẻ em. Từ những lời ru mượt mà của bà, của mẹ đến những câu hát đồng dao dễ nghe, dễ thuộc, giàu hình ảnh…, thế giới tinh thần đẹp đẽ đã đi vào tiềm thức và trở thành lối sống tốt đẹp, nhân bản của con người.

Trong cuộc sống hiện nay, xã hội nói chung đang quá chú trọng vào việc dạy dỗ trẻ học tập các môn văn hóa mà dần xao nhãng các bộ môn nghệ thuật. Là một giáo viên Âm nhạc gắn bó với bậc tiểu học 14 năm, tôi đã luôn cố gắng học hỏi các bạn bè đồng nghiệp để có thể mang đến cho các em những giờ học cuốn hút và hiệu quả nhất, song với những điều kiện vật chất chưa đáp ứng đủ, thêm vào đó là thái độ chưa coi trọng các môn học chuyên biệt nên đã ảnh hưởng không nhỏ đối với tâm lý của giáo viên Âm nhạc nói chung và bản thân tôi nói riêng.

* Thực trạng:

- Chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của giáo dục nghệ thuật dẫn đến nội dung, chương trình môn học nghèo nàn, không hấp dẫn được học sinh, mang tính chất sách vở, thiếu thực tế.

Cụ thể: ở hầu hết các trường tiểu học đều học 2 buổi/ 1 ngày nên với một bài hát, các em có thể sẽ phải học đến 4 tiết. Có những bài hát các em đã thuộc từ khi học ở các trường Mầm non (Tìm bạn thân, Mời bạn vui múa ca, Đường và chân...)

Vì vậy để cuốn hút hay gây hứng thú học tập cho các em cần rất nhiều yếu tố: trò chơi, hát múa vận động..., nếu không các em sẽ cảm thấy giờ học buồn tẻ, khô cứng vì cứ phải hát đi hát lại nhiều lần.

- Nhà trường và đại đa số giáo viên cũng như phụ huynh học sinh chưa coi trọng môn học dẫn đến việc chưa đầu tư nhiều cho môn học.

Phòng chức năng chưa có, dẫn đến việc giáo viên phải mang chiếc đàn rất nặng di chuyển từ lớp học này đến lớp học khác. Đôi khi phải dặn các con hát nho nhỏ một chút kẻo ảnh hưởng tới lớp học bên cạnh. Chưa kể việc vận động trong các tiết Âm nhạc là điều rất cần thiết, bàn ghế kê sát nhau, lớp học đông quá sẽ làm cho hoạt động này không hiệu quả.

Ảnh minh họa

 

- Về đào tạo, quản lý giáo viên nghệ thuật chưa tốt. Đào tạo giáo viên nghệ thuật là một việc rất khó và tốn kém, hầu hết các giáo viên chưa thực sự chuẩn.

Tôi thật sự rất may mắn là được đi dự giờ của các đồng nghiệp rất nhiều, học hỏi các bạn rất nhiều nhưng có một điều trăn trở là một bộ phận không nhỏ các giáo viên chưa được đào tạo chuẩn: Sau khi học trung cấp xong, có một số các giáo viên do yêu thích các bộ môn nghệ thuật, có một số do muốn có thêm điều kiện tốt để thi công chức nên đã học thêm một năm để được cấp bằng cao đẳng, vậy với một năm đào tạo lại không được tuyển lựa năng khiếu từ đầu thì liệu chất lượng giảng dạy có thực sự chuẩn và chất lượng không?

- Cơ sở vật chất để đảm bảo cho giờ học nghệ thuật chưa tốt, còn thiếu thốn nên có muốn nâng cao chất lượng cũng khó khăn.

Ứng dụng CNTT là điều rất cần thiết trong các giờ học Âm nhạc, nhưng với số lượng máy móc ít ỏi, lại phải ưu tiên số một cho các bộ môn văn hoá nên giáo viên bộ môn Âm nhạc phải cố gắng hết sức mới có thể dành cho các em một số tiết học nho nhỏ trong cả một năm học.

* Giải pháp:

1. Hàng năm tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên. Chú trọng cập nhật kiến thức mới, các phong trào nghệ thuật mới, tránh trường hợp giáo viên nghệ thuật không nắm bắt được thị hiếu thẩm mỹ thời đại.

2. Cải tiến chương trình phổ thông gắn với nghệ thuật đích thực hơn.

3. Xây dựng đội ngũ cố vấn, quản lý có trình độ chuyên môn vững vàng.

4. Nên đưa môn nghệ thuật gắn với môn hướng nghiệp, dạy nghề.

Trên đây là một số ý kiến các nhân của tôi trong cuộc hội thảo rất bổ ích này. Mong muốn được các nhà quản lý, các nhạc sĩ và các bạn đồng nghiệp cùng chỉ giáo, thảo luận. Xin trân trọng cám ơn.

Chúc Hội thảo thành công! ./.