Nội san

Phạm Tuyên - Nhạc sĩ của tâm hồn trẻ thơ

22 Tháng Sáu 2011

                                                          ThS. Lê Thị Mỹ Hạnh

Khoa Giáo dục Đại cương

 

Nói đến nhạc sĩ Phạm Tuyên, chúng ta đều nghĩ ngay đến một đại thụ với những ca khúc chính luận và trữ tình được vinh danh trong bảng phong thần “Xanh mãi với thời gian!” –  Và vì vậy, có thể ai đó sẽ “hồn nhiên” chợt quên mất một mảng ca khúc cũng lẫy lừng chẳng kém gì các ca khúc chính luận và trữ tình của ông, đó là những ca khúc viết cho các cháu thiếu niên, nhi đồng.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên đặc biệt có duyên với tuổi thơ, nói đúng hơn là có một tâm hồn cực kì trong sáng, hồn nhiên của tuổi thơ. Trong tổng số đồ sộ hơn 600 tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Tuyên, có hơn 200 tác phẩm viết cho thiếu niên, nhi đồng. Ngay từ khi ở chiến khu Việt Bắc ông đã có Em vào thiếu sinh quân, Lớp học rừng (1950), Thiếu sinh quân ở một nơi thật vừa (1950), tiếp theo là Tiến lên Đoàn viên (1954) với lời lẽ nhẹ nhàng mang tính ước mơ, với tình cảm trong sáng nhưng thật tha thiết “Tiến lên Đoàn viên em ước ao bao ngày, xứng cháu Bác Hồ dựng xây nước sau này…”. Bài hát đã nhanh chóng được các em đón nhận một cách nhiệt tình, và còn được ngân vang đến ngày nay, bài Chiếc đèn ông sao (1956) được ông sáng tác vào dịp Trung thu và nó đã thật sự gây ấn tượng về ngày hội vui, tạo nên sức sống mỗi độ thu về. Năm 1958, Nhà xuất bản âm nhạc Bắc Kinh đã chọn bài này in trong tập ca khúc thế giới, có phần đệm piano, tới nay bài hát vẫn được hát vang và trở thành bài hát truyền thống của thiếu nhi cả nước. Bài Em được nghe chuyện Bác Hồ (1959), Tự hào là em các anh (1968), Hành khúc đội thiếu niên tiền phong (1970), Trăng ơi từ đâu đến (1973) - Thơ Trần Đăng Khoa, Tiẽn thầy giáo đi bộ đội (1979), Mùa xuân tình bạn (1983), hợp xướng Hát mừng Tổ quốc (1975), Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội (1981), bài hát được viết trong dịp tiến hành Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ lần thứ nhất.

 Và như một thói quen thật đáng trân trọng là đi đến đâu ông cũng để lại cho các em ở đó một ca khúc xinh xắn: Hát dưới trời Hà Nội (Hà Nội),  Thành phố mười mùa hoa (TP Hồ Chí Minh), Hoa đỏ quanh núi Bà Đen (Tây Ninh), Bài Nhật Lệ dòng sông tuổi thơ (Quảng Bình), Hạ Long xanh (Quảng Ninh), Bài ca măng non đất cảng (Hải Phòng), Ngọt ngào quê hương (Hải Hưng), Em đi thăm chùa Tây Phương (Hà Tây), Hát dưới mây trời xứ Lạng (Lạng Sơn), Những con kênh quê em (Cần Thơ), Khăn quàng đỏ bên sông Hàn (Đà Nẵng), Tên em là Nha Trang (Khánh Hoà), Chú voi  con ở bản Đôn (Đắc Lắc), bài hát được sáng tác vào mùa hè năm 1983 khi nhạc sĩ đi thực tế tại Đắc Lắc, kể từ đó các em nhỏ  như thấy địa danh Bản Đôn trở nên gần gũi, thân quen hơn. Bài hát đã được báo TNTP giới thiệu Tết trung thu năm 1983, được đài THVN, đài TNVN, tổ chức dàn dựng, phát rộng rãi trên sóng, đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào sách giáo  khoa lớp 4 (NXB Giáo dục năm 1984). Khát khao với hoà bình là lời khẩn cầu của tuổi thơ.  Năm 1985, hưởng ứng phong trào “Ngọn cờ Hoà bình” của Bun-ga-ri, kêu gọi nhân dân toàn thế giới, đặc biệt các tầng lớp thiếu nhi đấu tranh bảo vệ hoà bình, đoàn đại biểu Việt Nam đã mang một chiếc chuông chùa để tham gia tiết mục hoà tấu, nhân dịp đặc biệt này ông đã sáng tác Tiếng chuông và ngọn cờ (1985). Vào dịp thành phố Hồ Chí Minh sinh nhật 10 năm, Hội Nhạc sĩ thành phố tổ chức vận động sáng tác và bài  Thành phố mười mùa hoa của ông đã đoạt giải, ông là người Hà Nội duy nhất được giải “Ấn tượng 20 năm” do Cung Văn hoá Lao động TP. Hồ Chí Minh tổ chức.

 

Nhạc sĩ Phạm Tuyên trong Hội thảo Ca khúc cho nhà trường phổ thông hiện nay – Thực trạng và giải pháp (tháng 5/2011)

 

Bài Cánh én tuổi thơ (1987) được sáng tác dựa trên ý tưởng từ câu ngạn ngữ Pháp “Một cánh én chẳng làm nên mùa xuân”: “Những cánh én chấp chới của mọi tuổi thơ, những cánh én lấp lánh đầy nhạc và thơ, em ước mong sao bầu trời chẳng đen bóng mây, để ngàn chim hót, để ngàn én bay…”. Ca khúc này đã được cố NSND Lê Dung hát rất thành công trong đêm nhạc “Cánh én tuổi thơ” do Cung Thiếu nhi tổ chức. Các bài Em muốn quanh em có hoà bình,  Chiếc đèn ông sao (1954), Em vui chơi ngày hôm nay (1958), Vì sao lại thế? (1997)… đều trở thành những bài hát “nằm lòng” của nhiều thế hệ tuổi thơ Việt Nam.

 Hồn nhiên, trong sáng, dễ hát, dễ nhớ, đó là những đặc điểm dễ nhận ra trong các bài hát cho thiếu nhi của ông, nhiều thế hệ tuổi thơ đã hát và coi những bài hát ấy là của mình, ngay cả thiếu nhi nước ngoài khi đến nước ta cũng nhanh chóng thuộc một vài ca khúc của ông để hát cùng các bạn thiếu nhi Việt Nam trong các buổi giao lưu. Mùa xuân năm 2001, Đoàn hợp xướng thiếu nhi bang Arizona (Hoa Kỳ) đã hát vang bài Tiếng chuông và ngọn cờ tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội.

Trong cuộc bình chọn bài hát cho thiếu nhi trong cả nước do báo Thiếu niên Tiền phong, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, Ban Khoa học và Giáo dục Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức (1999 - 2000), nhạc sĩ Phạm Tuyên là một trong rất ít nhạc sĩ có số lượng bài hát nhiều nhất được bình chọn vào danh mục “50 bài hát thiếu nhi hay nhất”, đó là những bài Tiến lên Đoàn viên (1954), Chiếc đèn ông sao (1954), Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội (1981), Cánh én tuổi thơ (1987)…

Trong việc sáng tác những bài hát cho thiếu nhi, ông đặc biệt chú ý đến chất liệu dân ca. Chúng ta đều nghe tới những khúc đồng dao như: Con kiến mà leo cành đa, Bà còng đi chợ, Gánh gánh gồng gồng, Cái cò đi đón cơn mưa, Tu hú là chú bồ các, Rềnh rềnh ràng ràng, Con chim chích choè… đã được truyền miệng cho nhau nghe. Nhưng ít ai biết rằng con đường của những khúc ca này bắt nguồn từ hai mươi năm trước, khi đó trong tay nhạc sĩ chỉ có những bài đồng dao cổ tự bao đời, được vang lên trong những lúc chơi đùa của trẻ nhỏ. Những câu văn vần đó rất ngộ nghĩnh, tự thân chúng đã mang âm điệu nhịp nhàng như lời bài hát. Như hoạ sĩ người Nhật Bản Fujiko F. Fujio đã sáng tạo nên nhân vật chú mèo máy Đôrêmon, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã sáng tác những khúc hát đồng dao dựa trên những câu văn vần cổ và âm hưởng dân ca của các vùng quê. Ông tâm sự “ Theo trào lưu mới, các bạn nhỏ bây giờ rất thích ca khúc quốc tế , các nhạc sĩ phải bắt kịp được sở thích đó, các bài hát đồng dao tuy dựa vào lời cổ, được thổi vào một âm hưởng dân gian nhưng vẫn có một số tiết tấu rộn ràng, dễ nhớ, dễ hát nên đã đi vào lòng bạn nhỏ yêu nhạc”, ông còn quan niệm rằng : “ Cái khó của ca khúc thiếu nhi là phải thích hợp ngay cả những lúc các em vui chơi” (Báo TNTP chủ nhật 18/2/2002). Khúc hát đồng dao đã làm được điều đó, lúc chơi đồ hàng đóng giả bà cháu đã có bài hát Cái bống bình, lúc nghịch ngợm thì có Ba bà đi bán lợn con ... hay chính từ khúc hát mà các em sáng tạo ra các trò chơi, đóng kịch nhập vai như: Bà còng đi chợ giời mưa … Những điều rất đơn giản như vậy đã tạo nên một thể loại ca khúc mới được trẻ em ưa thích, cho đến bây giờ, các khúc đồng dao đã trở nên rất phổ biến, được nhiều nhạc sĩ mày mò sáng tác, nhiều chương trình hát đồng dao được dàn dựng thành công, từ nguyện vọng của các trường mầm non trong cả nước, Nhà xuất bản Giáo dục đã liên tục cho phát hành hai tập Bé hát khúc đồng dao, Bầu và Bí gồm những bài phổ nhạc của nhạc sĩ Phạm Tuyên.

Ngoài ra ông còn viết nhiều ca cảnh thiếu nhi: Con thỏ trắng (1954), Mèo câu cá (1986), Con cáo và tổ ong (1989), Cô mây (1989), Nhổ củ cải (1989, Chú voi ngoan (1989), Hai chú bướm (1989), Con Cóc kiện trời, Dê con nhanh trí (1998)…

Bằng những đóng góp cho sự nghiệp âm nhạc nước nhà, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học – nghệ thuật đợt I năm 2001. Đủ thấy, chỉ riêng với số lượng và chất lượng của các ca khúc dành cho tuổi thơ, Phạm Tuyên đã xứng đáng là một nhạc sĩ lớn của dân tộc. Trong rất nhiều gia đình Việt Nam hôm nay, không ít các gia đình có tới ba, bốn thế hệ đã thuộc làu những ca khúc viết cho thiếu niên, nhi đồng của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Đến lớp mầm non, hát. Lên bậc tiểu học, hát. Tới Trung học cơ sở, hát. Và trung học phổ thông vẫn hát. Làm mẹ, hát để ru con. Làm bà, hát để ru cháu…

Có một danh ngôn: “Chỉ có tình cảm chân thành mới gợi được tình cảm chân thành!” – Bài viết này xin mượn câu danh ngôn trên để dành tặng cho nhạc sĩ Phạm Tuyên – nhạc sĩ của trẻ thơ! ./.