Nội san

Vài nét về công tác phê bình âm nhạc hiện nay

02 Tháng Ba 2012

Hội thảo khoa học: Lý luận phê bình âm nhạc

TS. Trịnh Hoài Thu

Trưởng phòng KHCN

Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

 

Trong thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, các diễn đàn văn hóa nghệ thuật đã mọc lên khá nhiều những “nhà phê bình âm nhạc”.  Họ là ai mà nhiều thế nhỉ? Phải chăng họ là những người từng được đào tạo về lý luận âm nhạc ở các trường âm nhạc chuyên nghiệp? Hay họ là những người chỉ được đào tạo đơn thuần về báo chí? Hoặc, có thể họ là những nhạc sĩ, nghệ sĩ thích viết báo?. Thật buồn, bởi vì rất ít ỏi trong số những người đang phê bình âm nhạc ầm ĩ hiện nay đáp ứng được dù chỉ là một trong ba câu hỏi trên.

Vậy có hay không nhà phê bình âm nhạc ở nước ta hiện nay? Đó chính là câu hỏi đặt ra trong chương trình tập huấn ngày hôm nay mà chúng ta cần quan tâm tìm hiểu.

Trước hết, lý giải về: thế nào là một nhà phê bình âm nhạc? tôi tâm đắc với khái niệm mà nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu đã nêu ra trong bài viết “Ôi, nỗi niềm nghề phê bình âm nhạc” của chị được đăng tải trên Vn.Music (website của Hội nhạc sĩ Việt Nam) đó là công thức: nhà lý luận âm nhạc + nhà báo = nhà phê bình âm nhạc. Cùng quan điểm này, trên mạng Internet “About.com” về giáo dục âm nhạc (musiced.about.com/od/musiccareers/p/musiccritic.htm) đã giải thích: nhà phê bình âm nhạc cũng được gọi là nhà báo âm nhạc và nhà văn nhạc, nhiệm vụ của họ là viết các bài viết về âm nhạc, biểu diễn, cũng như các ban nhạc v.v. Nhà phê bình âm nhạc tốt phải có những phẩm chất sau: đó là họ phải viết các bài báo dựa trên thông tin mà chính họ thu thập khi họ lắng nghe và phân tích những băng đĩa nhạc mới; họ phải đến tham dự các chương trình hòa nhạc và nói chuyện với các nhạc sĩ-nghệ sĩ để có được nguồn tư liệu tương đối chính xác cho bài viết của mình. Các bài viết mà họ tạo ra phải dựa trên thực tế và phản ứng cá nhân vô tư và khách quan của chính bản thân họ đối với tác giả, tác phẩm âm nhạc. Từ đó, họ thông báo cho người tiêu dùng sản phẩm văn hóa (còn có thể gọi là tung ra thị trường âm nhạc) những giá trị đích thực có được từ sản phẩm âm nhạc của nhạc sĩ sáng tác, nghệ sĩ biểu diễn…Nhà phê bình âm nhạc phải có kiến thức chuyên môn về âm nhạc, có thể làm quen được với các thể loại âm nhạc khác nhau, có sự hiểu biết về lịch sử âm nhạc qua các thời kỳ và có khả năng phân tích âm nhạc mang tính học thuật. Đặc biệt, sự công bằng, trung thực và khách quan là một trong những phẩm chất quan trọng nhất của nhà phê bình âm nhạc với đúng nghĩa của nó.

Trở lại với những nhà phê bình âm nhạc ở nước ta hiện nay, tôi nhận thấy hầu như vắng bóng giới lý luận âm nhạc chuyên nghiệp. Sở dĩ tôi chỉ dám nhắc đến giới lý luận âm nhạc vì trên thực tế, tính đến thời điểm này vẫn chưa có một cơ sở giáo dục âm nhạc chuyên nghiệp nào ở nước ta có mã ngành đào tạo phê bình âm nhạc. Lịch sử đào tạo ngành Lý luận âm nhạc của Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam cũng chỉ có một vài khóa đã cách nay gần 30 năm và các khóa đào tạo trong khoảng dăm năm gần đây có thêm chuyên đề giảng về phê bình âm nhạc nhưng không có ai trong số đó có bằng tốt nghiệp chuyên ngành phê bình âm nhạc. Trong diễn trình lịch sử âm nhạc mới Việt Nam ở thế kỷ trước (giai đoạn nửa sau thế kỷ XX) chúng ta cũng đã có một vài nhà nghiên cứu lý luận âm nhạc với bài viết phê bình âm nhạc của mình đã chắp cánh cho những giai điệu âm nhạc Việt Nam như: nhạc sĩ Nguyễn Xinh, PGS. Tú Ngọc, TS. Vũ Tự Lân, NS. Cát Vận…Còn vào thời điểm hiện nay, theo quan điểm riêng của tôi, những người làm công tác nghiên cứu lý luận âm nhạc được coi là nhà phê bình âm nhạc tiêu biểu có lẽ là nữ nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu. Còn lại, các nhà nghiên cứu lý luận âm nhạc khác lẻ tẻ có một vài bài viết mang hơi hướng phê bình âm nhạc. Với họ, dẫu sao phê bình âm nhạc cũng chỉ là tay trái. Quan sát kỹ hơn chúng ta sẽ thấy, những nhà nghiên cứu lý luận âm nhạc rất ngại phê bình và gần như tránh không chơi trên sân phê bình âm nhạc nên độc diễn còn lại là các nhà báo. Điểm mạnh của họ là khả năng viết văn nhanh, mang tính thời sự nhưng lại hạn chế về khả năng phân tích âm nhạc để từ đó làm nổi bật giá trị của tác phẩm nghệ thuật cũng như những phát hiện cụ thể về tài năng của nhạc sĩ, nghệ sĩ. Phải nói rằng, từ nhiều năm trước cũng có các nhà báo đã để lại dấu ấn sâu đậm trong công chúng yêu nhạc khi có những bài phê bình âm nhạc sắc bén như nhà báo Huy Thịnh, nhà báo Nguyễn Thụy Kha, nhà báo Đỗ Quang Hạnh và gần đây hơn như nhà báo Trần Thị Trường… Tuy nhiên, cần mạnh dạn nhìn nhận rằng bên cạnh đó cũng đã có quá nhiều người lạm dụng tư cách làm báo để chạy theo xu hướng thị trường. Đối với họ, phê bình âm nhạc có khi là lăng sê một ca sĩ, nhạc sĩ hay nhóm nhạc, hiện tượng âm nhạc nào đó miễn sao trở thành tin Hot chứ không quan tâm nhiều đến việc tìm ra giá trị nghệ thuật đích thực. Chính vì vậy, từ việc khen hay chê thái quá đã tạo nên những “xì căng đan” và rồi đáng lẽ phải dập đi những thứ nhạc phản cảm và thiếu thẩm mỹ thì vô hình họ lại kích thích trí tò mò của độc giả, cuốn công chúng để ý tới bởi những tít lớn giật gân. Hầu như các bài viết về âm nhạc chỉ loanh quanh tìm hiểu kỹ về đời tư của văn nghệ sĩ, bàn luận khá sâu về trang phục và phong cách sống của họ mà ít đề cập đến những đặc điểm về cái hay cái đẹp trong tác phẩm âm nhạc mà nhạc sĩ, nghệ sĩ cống hiến cho công chúng.

Có thể nói, đời sống âm nhạc hiện nay ở nước ta đang rất phong phú với nhiều thể loại nhạc. Trong xu hướng mở cửa để hội nhập với thế giới, nhiều luồng âm nhạc đã tràn vào nước ta, tốt cũng nhiều mà dở cũng không ít. Tuy nhiên, do đội ngũ các nhà phê bình âm nhạc với con số quá khiêm tốn nên đã không thể hiện được vai trò của mình trong việc giáo dục thẩm mỹ âm nhạc đúng đắn cho công chúng.

Từ những vấn đề nêu trên, thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp cần có định hướng về giáo dục âm nhạc, cụ thể là cần mở ra mã ngành đào tạo những người làm công tác phê bình âm nhạc chuyên nghiệp cho đất nước. Mặc dù bản thân tôi không phải là người phê bình âm nhạc, tuy vậy, tôi rất ngưỡng mộ những nhà phê bình âm nhạc thực sự hiện nay, bởi vì họ đã thật dũng cảm để dấn thân vào công việc đầy khó khăn và rất đáng khích lệ này. Có thể nói, ranh giới giữa nhà phê bình âm nhạc và một bài báo lá cải thật hết sức mong manh. Vì như đã giải thích ở trên, con đường trở thành một nhà phê bình âm nhạc được mọi người tôn trọng cần thiết phải có chính kiến về âm nhạc, có sự công bằng, trung thực và khách quan. Thời đại nào cũng cần có nhà phê bình âm nhạc dám đối mặt và loại bỏ các ấn phẩm âm nhạc tồi trên mọi phương diện. Cuộc sống vẫn tiếp diễn, ngay trong giây phút này vẫn có những bài hát mới ra đời, vẫn có những nghệ sĩ đang biểu diễn, vẫn có người lắng nghe và đánh giá về họ và đó chính là cơ hội, là con đường sự nghiệp vinh quang dành cho các nhà phê bình âm nhạc.