Nội san

Cần có phê bình âm nhạc mang tính chuyên nghiệp

27 Tháng Hai 2012

Hội thảo khoa học Lý luận phê bình âm nhạc

TS. Nguyễn Thị Tố Mai

Trưởng khoa Sư phạm Âm nhạc

Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

 

Về công tác phê bình âm nhạc ở nước ta từ nhiều năm nay đã thành đề tài của khá nhiều hội nghị, bài viết; là nỗi trăn trở không chỉ của riêng những người làm công tác âm nhạc mà còn cả của khá nhiều học giả ngoại đạo.

Tất cả những người làm công tác âm nhạc chúng ta đều công nhận với nhau rằng, hiện nay trong các lĩnh vực sáng tác, biểu diễn, đào tạo, nghiên cứu lý luận và phê bình âm nhạc thì phê bình âm nhạc là mảng yếu nhất.

Đã có rất nhiều ý kiến như:

            “Nước ta chưa có phê bình âm nhạc”

            “Chúng ta không có đội ngũ phê bình âm nhạc”

            “Công tác phê bình vẫn ở dạng tự phát”

            “Phê bình âm nhạc chỉ như gió vào nhà trống”

            v.v.

Năm 2003, nhạc sĩ Tô Vũ viết bài đăng trên báo Thể thao văn hóa và nêu ý kiến “Nước ta chưa có phê bình âm nhạc”. Từ đó đến nay đã gần chục năm rồi nhưng thử nhìn lại xem điều đó đã thay đổi được bao nhiêu? Mới chỉ cách đây một năm thôi (năm 2010), trên Sài Gòn giải phóng đã đăng bài của nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu có viết: “chúng ta chưa có đội ngũ phê bình âm nhạc”. Và gần đây nhất (tháng 5 – 2011), trên Xa lộ tin tức lại đăng bài này của chị.

Tôi rất tâm đắc với một bài viết có tiêu đề Kẻ độc hành của nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan khi ông giới thiệu về Nguyễn Thị Minh Châu với tuyển tập Nhà phê bình âm nhạc - Anh là ai. Tôi xin trích một đoạn dưới đây:

Hơn hai mươi năm cặm cụi tiếp cận, cặm cụi đọc, cặm cụi viết, bỗng một lần chị cảm thấy đơn độc, đơn độc thực sự bởi không có người đồng hành. Đứng giữa “khoảng trống” mênh mông của diễn đàn phê bình âm nhạc chuyên nghiệp, “kẻ độc hành” thốt lên: Nhà phê bình âm nhạc, anh là ai?, anh ở đâu, sao anh không lên tiếng để tạo ra “xung”, ra “huých”, ra tranh luận trong cái thời buổi hội nhập đầy biến động này? Tiếng gọi đó, câu hỏi đó như rơi vào hư không, chẳng ai bận tâm trả lời.

...

“Kẻ độc hành”  vẫn mơ tới một nền lý luận phê bình âm nhạc đích thực, mặc dù biết: “Chẳng oan mấy nếu gọi tên thực trạng phê bình nhạc mới là Nguyễn Y Vân - tức “vẫn y nguyên”!”

Và tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến của tác giả: “Không có kẻ đồng hành cũng đồng nghĩa với không có đội ngũ. Không có đội ngũ thì làm sao có thể khích lệ sáng tác hay uốn nắn những thị hiếu lệch lạc, thấp kém 

Quả thật, tiêu đề Kẻ độc hành mà nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan đặt cho bài viết của mình đã nói lên thực trạng khá chua xót, một khoảng trống lớn trong công tác phê bình âm nhạc chuyên nghiệp của chúng ta. Hội Nhạc sĩ Việt Nam, các Hội Âm nhạc Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… đã có nhiều cố gắng để khỏa lấp khoảng trống này như thành lập các câu lạc bộ phê bình âm nhạc, tổ chức các Hội thảo, tọa đàm phê bình âm nhạc, tìm ra những giải pháp… Song xem ra, cũng mới ở tầm vi mô. Trăn trở có, mong muốn có, biện pháp cũng đã có nhưng kết quả chỉ như “gió vào nhà trống”, vẫn thiếu tính chuyên nghiệp và nói là vẫn y nguyên có lẽ cũng không quá. 

Tuy nhiên, sẽ dễ lầm tưởng rằng diễn đàn âm nhạc ít có các bài viết phê bình. Giới báo chí lại từng nói: Giờ đây toàn dân đều viết phê bình âm nhạc. Đúng là có nghịch lý như vậy. Nhiều bài viết bình luận của giới chuyên nhạc, của giới báo chí ngoại đạo, của những người thích bình luận… song chủ yếu vẫn là tự phát, không theo một chiến lược rõ ràng và không phải là của đội ngũ phê bình chuyên nghiệp. Ta có thể kể không hết tên các nhạc sĩ sáng tác chuyên nghiệp, các ca sĩ biểu diễn chuyên nghiệp, còn các nhà phê bình chuyên nghiệp như Nguyễn Thị Minh Châu, Hồ Quang Bình, Vũ Tự Lân thì có lẽ cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay.   

Ai cũng hiểu phê bình âm nhạc là một việc không dễ, có người còn cho là “khó nhằn”, người làm phê bình phải có trình độ âm nhạc chuyên sâu vững vàng, có nền tảng văn hóa, có niềm đam mê, chịu hy sinh lăn lộn với đời sống âm nhạc thường nhật và phải có khả năng về ngôn ngữ học nữa. Cao hơn nữa, viết phê bình âm nhạc thu hút được công chúng là cả một nghệ thuật. Bây giờ sách báo giấy, sách báo mạng tràn ngập, người ta thích đọc những truyện ly kỳ hấp dẫn, mấy ai đọc những bài viết về âm nhạc ngoài những người học âm nhạc đọc để nắm thông tin? Phê bình âm nhạc ở Việt Nam lại càng khó, nếu “bình” thì được, còn “phê” thì... dường như người ta ngại ngùng. Người Việt Nam vốn không thích bị “phê”, sống với nhau chủ yếu dựa trên cái tình, phê bình thì dễ bị động chạm, người ta chọn giải pháp an toàn là hơn. Lực lượng được đào tạo chuyên sâu về lý luận âm nhạc của ta không ít, song nghiên cứu hay giảng dạy thì không đụng chạm đến ai. Vả lại, có ai bắt các nhà nghiên cứu lý luận âm nhạc, các nhạc sĩ phải viết bài phê bình âm nhạc đâu, ai thích thì làm thôi. Đó là rất nhiều nguyên nhân khiến cho mảng phê bình âm nhạc ít có sự tham gia của các nhà âm nhạc chuyên nghiệp.

Việc lập ra các Câu lạc bộ phê bình âm nhạc của các Hội là một việc làm đáng khích lệ, đã thu hút được nhiều sự quan tâm hơn, đã hâm nóng lên những vấn đề bất cập cần được giải quyết. Song, trong thời kỳ kinh tế thị trường và nền văn hóa hội nhập như hiện nay thì ảnh hưởng và sức lan tỏa của các Hội vẫn còn mờ nhạt. Dường như hàng ngày, thị trường âm nhạc vẫn hết sức ồn ào với đa dạng các chủng loại giống như chợ bán đủ các loại thực phẩm: tốt có, xấu có, độc hại có. Và người tiêu dùng thì không phải ai cũng phân biệt được tốt, xấu.

Ý tưởng xây dựng một diễn đàn phê bình âm nhạc trên mạng là một ý tưởng tuyệt vời trong thời đại internet bởi văn hóa đọc trên giấy giờ đã bị giảm sút rất nhiều so với trước đây, người ta đọc chủ yếu trên mạng. Tôi nghĩ, Hội âm nhạc cần tập trung cho vấn đề này, làm sao để có một diễn đàn như một trang báo mạng thực sự chỉ để dành riêng cho phê bình âm nhạc.

Truyền hình là nơi có thể phát huy tốt công tác phê bình âm nhạc, song hiện nay TV ít quan tâm đến vấn đề này, họ dành cho quảng cáo để có lợi nhuận và chiếu phim nhiều hơn. Trên truyền hình có phát những chương trình nhạc thính phòng giao hưởng nhưng thiếu tính hấp dẫn bởi gần như rất ít khi có người diễn giải, phân tích. Điều đó có khác gì mở đĩa hộ cho người xem và nếu vậy khán giả tự mở những đĩa mà họ yêu thích cần gì đến đài truyền hình. Tôi thấy người ta sẵn sàng chuyển kênh khi bật TV lên thấy chương trình hòa nhạc thính phòng.

Một điều nữa là nên thay đổi quan niệm âm nhạc tự thân nó nói lên tất cả, chỉ cần nghe và cảm nó là đủ, còn mọi ngôn từ đều trở nên vô nghĩa. Đây có lẽ là một sự cao ngạo của dân âm nhạc chuyên nghiệp, nếu vậy thì bao giờ nhạc thính phòng, nhạc giao hưởng và opera mới đến được với quần chúng? Như vậy chính chúng ta tự tạo ra một tháp ngà, một rào chắn ngăn cách với quần chúng. Ở đây cần đến những nhà lý luận phê bình âm nhạc, những bài viết không cần quá sâu về chuyên môn, thật giản dị, dễ hiểu để làm cầu nối giúp quần chúng đến với nhạc không lời. Khi nghe được nhạc không lời, dần dần, quần chúng tự rời xa thứ âm nhạc rẻ tiền, rỗng tuếch mà không cần phải kêu gọi tuyên truyền hay tẩy não. Tôi có thể khẳng định, ngay cả với những người học âm nhạc chuyên nghiệp, không phải ai cũng nghe mà hiểu và cảm nhận được tác phẩm nhạc cổ điển nếu chưa biết về tác phẩm đó. Tôi có một cô con gái tuổi teen. Tôi và cháu thuộc hai thế hệ. Tôi nghe nhạc còn cháu xem nhạc. Chương trình yêu thích của cháu là những tiết mục của các diễn viên Hàn quốc và các diễn viên nước ngoài có thân hình đẹp, họ không chỉ là ca sĩ mà còn là những vũ công nhảy cực kỳ diệu nghệ, còn bài hát của họ thì giai điệu không ra giai điệu, tiết tấu không ra tiết tấu, rối rít, tít mù. Nhưng cháu rất thích và thu cả vào điện thoại di động, đi đâu cũng cầm theo để nghe. Tôi là giảng viên dạy môn Lịch sử âm nhạc, một hôm tôi mở đĩa “Những bức tranh trong phòng triển lãm” của nhạc sĩ người Nga - Modest Petrovich Mussorgsky. Khi đến tiểu phẩm “Quỷ xứ” tôi giảng giải cho con gái, cháu hào hứng lắng nghe những âm điệu của đàn piano và giành lấy cuốn Lịch sử âm nhạc để xem. Sau này, thỉnh thoảng cháu còn đề nghị tôi cho nghe“Những bức tranh trong phòng triển lãm”. 

Sự yếu kém trong công tác phê bình âm nhạc hiện nay còn bởi một nguyên nhân rất quan trọng là khâu đào tạo. Muốn có đội ngũ phê bình âm nhạc chuyên nghiệp và để công tác phê bình âm nhạc không mang tính chất tự phát thì không giải pháp nào hữu hiệu bằng phải có chuyên ngành đào tạo ra những người làm công tác phê bình. Chuyên ngành này có thể được đào tạo bên cạnh chuyên ngành nghiên cứu lý luận; có mã ngành tuyển sinh; có mục tiêu đào tạo; có nội dung chương trình các môn học và được cấp bằng đào tạo ghi rõ chuyên ngành Phê bình âm nhạc như chuyên ngành Lý luận âm nhạc. Như vậy, những người theo học ngành này chuyên tâm vào duy nhất một mục đích là trở thành nhà phê bình, ra trường họ ăn lương để làm công tác phê bình. Trong nhà trường họ được đào tạo chuyên sâu vào phê bình âm nhạc thì chắc chắn sẽ không bị mắc phải những điểm yếu của các nhà lý luận nghiên cứu khi viết các bài phê bình như thiếu tinh tế trong nghệ thuật viết, thiếu nhạy cảm trong nắm bắt thời cuộc, quá thiên về học thuật tỉ mỉ… Tuy nhiên, để làm được điều này cần đến chiến lược ở tầm vĩ mô. Thiết nghĩ, Hội Nhạc sĩ, Hội âm nhạc các tỉnh thành phố cần có những kiến nghị mang tính thuyết phục với các Bộ chủ quản để nhanh chóng xúc tiến vấn đề này.

 

Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 2011