Nội san

Hát ví xình ca và vũ điệu tắc xình trong lễ hội cầu mùa của người Sán chay

06 Tháng Tám 2012

 

                                                                                         NGÂN THƯƠNG

 

Sán Chay còn có các tên gọi: Cao Lan, Sán Chí.... là một dân tộc ít người cư trú chủ yếu ở Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Giang và rải rác ở một số tỉnh phía Đông Bắc bộ khác. Trải qua lịch sử lâu đời, cũng như các dân tộc khác, người Sán Chay đã tạo lập cho mình một nền văn hóa mang bản sắc riêng. Trong đó, lễ hội cầu mùa là một sinh hoạt văn hoá cộng đồng chứa đựng những giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc.

Lễ hội cầu mùa của người Sán là một trong những lễ hội được hình thành từ tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp ở Việt Nam. Lễ hội cầu mùa phản ánh được nhiều mặt của đời sống: tôn giáo, tín ngưỡng, các nghi lễ, phong tục tập quán, văn hóa nghệ thuật, trò chơi dân gian. Đây chính là môi trường sản sinh, lưu truyền và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó, nhiều giá trị vẫn còn phù hợp và cần thiết đối với đời sống xã hội hiện đại.  Trong các nghi lễ của người Sán Chay thì đây là lễ hội nông nghiệp tiêu biểu và đặc sắc nhất. Lễ hội tổ chức trước hết là để cầu cho mưa thuận gió hoà, cầu cho cái xấu, cái ác ra khỏi bản làng, cầu cho mùa màng tốt tươi, chăn nuôi phát triển, người người ấm no. Lễ hội cũng là nơi để cho nhân dân vui chơi giải trí sau một năm lao động vất vả, là nơi để trai tài, gái sắc trong vùng về dự hội chung vui, thể hiện tài năng của mình qua các trò chơi. Xong hội, nhiều nam thanh nữ tú có thể nên duyên, kết thành đôi thành lứa.

 

Ảnh minh họa (nguồn vinaculto.vn)

 

Nghệ thuật diễn xướng dân gian trong lễ hội cầu mùa trước tiên phải kể đến sự phong phú và đặc sắc của các điệu múa. Đây là các điệu múa diễn tả và cách điệu hoá, nâng cao các hoạt động trong sinh hoạt và lao động hàng ngày. Người Sán Chay không đơn thuần múa trong sinh hoạt, vui chơi, mà chủ yếu là trong các nghi lễ tín ngưỡng. Hình thức sinh hoạt văn hoá hấp dẫn nhất là “xình ca” thể hiện trong những bài hát giao duyên và các điệu múa “tắc xình” độc đáo cùng những điệu múa trống, múa chim gâu, múa đâm cá…

Một trong số các điệu múa truyền thống của người Sán Chay vẫn còn giữ được đến ngày nay là điệu “tắc xình”. Từ những động tác trong lao động sản xuất và sinh hoạt hằng ngày như xúc tép, bắt cá, tra hạt, phát nương... và những công cụ lao động sản xuất mà người Sán Chay đã sáng tạo, cách điệu thành vũ điệu để phục vụ sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Với các đạo cụ đơn giản chỉ là những ống tre, vầu, nứa, người dân có thể tạo nên âm nhạc cho múa với giai điệu rất vui nhộn nhưng cũng rất dễ, ai cũng có thể tham gia. Điệu “tắc xình” trong lễ hội cầu mùa là vũ điệu thể hiện sự tưởng nhớ tổ tiên, là cầu nối tâm linh giữa đất trời và lòng người, cõi sống và cõi chết, thế hệ trước và thế hệ sau, thắp lên niềm tin, khát vọng chinh phục thiên nhiên của người dân lao động. Đây được xem là phần biểu diễn sôi động nhất với số người tham gia đông nhất. Nét đặc sắc nhất ở đây là các nhạc cụ đều rất dân dã và độc đáo. Dàn nhạc bao gồm trống, kèn ống nứa. Tất cả các điệu múa đều sử dụng loại nhạc cụ là trống tang sành. Trống trong lễ hội phải là trống đất. Ngoài ra người dân Sán Chay còn sử dụng một số loại nhạc cụ khác như trống lớn, trống con, chuông nhỏ, chiêng, chập cheng, thanh la, kèn tổ sâu, nhị, sáo, trống đất, khèn ống nứa…

Đạo cụ múa do người dân tự làm gồm một cây tre hoặc mai còn giữ lại một số cành nhỏ phía ngọn. Người ta chôn thẳng cây tre xuống đất và dùng một sợi dây se bằng những sợi nhỏ tước bằng vỏ cây tu va (một loài cây mọc ở vùng núi  phía Bắc) buộc ở đoạn giữa cây tre nối với một ống mai vừa cỡ tay cầm, rỗng hai đầu.

 Nếu nhóm múa gồm có 4 người thì sẽ có 2 người gõ nhạc (kèm theo 2 bộ nhạc), còn 2 người múa. Khi người gõ vít ngọn cây tre, đập ống mai bằng que gõ được vót bằng mảnh tre già ống mai sẽ phát ra tiếng kêu “tắc - tắc”. Sau đó, người gõ nhạc một tay dùng thanh tre già gõ vào ống mai tạo ra âm thanh rất đanh tắc tắc thì tay kia cũng gióng mạnh ống giang tạo nên tiếng xịch đục trầm: Tắc tắc xịch; tắc tắc xịch; tắc tắc xịch - tắc xịch - tắc xịch… theo những âm thanh này người tham gia tốp múa thực hiện động hình múa mô phỏng động tác phát nương, vơ cỏ, tra hạt, chăm sóc cây, đuổi thú dữ, gặt hái, đứng gõ chày tay và mô phỏng sự ngưỡng mộ thần linh.

Điệu nhảy tắc xình có tiết tấu riêng. Tắc thì đưa chân lên, xình thì đặt chân xuống. Hình tượng múa ở đây thể hiện rất rõ tín ngưỡng phồn thực, đó là ngọn tre và dụng cụ gõ được biểu trưng như cầu nối truyền khí dương từ 4 tầng mây (trời), hoà quyện với khí âm (đất), và âm dương sẽ hài hoà tạo ra sự sinh sôi nảy nở, tác động vào cuộc sống lao động sản xuất, tạo ra tâm lí phù hộ để mưa thuận gió hoà, làm ăn thuận lợi.

           Bên cạnh những điệu múa truyền thống, trong lễ hội cầu mùa của người Sán Chay còn có những bài “hát ví xình ca” gọi là slơica. Các chàng trai, cô gái tìm đến với nhau qua các đêm hát vui vẻ, xoá đi bao mệt nhọc của một ngày lao động vất vả. Từ những đêm hát ấy nảy sinh những mối tình thật đẹp và nhiều đôi trai gái đã thành vợ thành chồng cũng từ đây.

Dân ca Sán Chay là một loại hình văn hoá dân gian truyền thống với nhiều đề tài đấu tranh chống thiên nhiên, lao động sản xuất, quan hệ xã hội và gia đình… thể hiện ước vọng của đồng bào trong tình yêu, chinh phục thiên nhiên ca ngợi chính nghĩa đấu tranh chống lại cái ác nhằm có được cuộc sống ấm no hạnh phúc tươi đẹp. Những câu ví trữ tình, gửi gắm tình cảm đôi lứa bạn tình trong ngày hội, chẳng hạn như:

Rau cải năm nay bao nhiêu lá, em về hội?

Rau cải năm nay 18 lá

Đã ra ngồng, trổ hoa…

Xình ca của người Sán Chay không chỉ gồm những bài hát giao duyên, mà còn có nhiều bài nói lên tâm tư nguyện vọng của người dân lao động. Trước đây ở người Sán Chay mỗi khi có dịp hội ngộ, người ta lại hát cho nhau nghe những bài ca, ca ngợi cảnh đẹp quê hương, làng bản, những cảnh sinh hoạt sản xuất trong bốn mùa và qua đó ngỏ ý giao duyên, xe tơ, kết bạn.  Lại có những bài hát nói về khuôn phép ứng xử trong xã hội, nhiều bài ca ngợi những người có công với nước, với xóm làng.

Hát Ví và vũ điệu Tắc xình trong Lễ hội cầu mùa của người Sán Chay là những giá trị văn hoá độc đáo thật đáng trân trọng có sức sống lâu dài trong tâm trí người dân nơi đây. Trước tình hình phát triển của xã hội như hiện nay, những giá trị văn hóa ấy đã dần bị mai một và không còn giữ được nguyên vẹn. Chúng ta hy vọng vào trách nhiệm của các đơn vị có thẩm quyền trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị nghệ thuật ấy để gìn giữ cho các thế hệ mai sau, làm giàu thêm kho tàng nghệ thuật dân gian Việt Nam. Nhiệm vụ ấy không chỉ của các ngành chức năng mà còn cần sự phối hợp của các ban ngành, của chính cộng đồng người Sán Chay để những nét văn hóa độc đáo ấy sẽ trường tồn với thời gian; tạo nên dấu ấn về bản sắc văn hóa tộc người trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.