Nội san

Môi trường nghệ thuật biểu diễn và cảm thụ thẩm mỹ của người Hà Nội

17 Tháng Tám 2012

Nguyễn Thế Khoa

 

 

Đã từ lâu, cảm thụ thẩm mỹ của người Hà Nội, mảnh đất ngàn năm văn hiến, chốn đế kinh muôn đời của nước Việt, cái nôi của văn hóa Việt, được coi là một chuẩn của thẩm mỹ Việt, là biểu hiện trình độ và bản lĩnh văn minh cao trong sáng tạo và hưởng thụ nghệ thuật trong việc hướng tới những lý tưởng chân thiện mỹ của con người Việt Nam hôm qua và hôm nay. Điều này cũng dễ hiểu vì Hà Nội bao giờ cũng là nơi hội tụ các bậc hiền tài thức giả của bốn phương, nơi có những đại học đường, những trung tâm sinh hoạt và giao lưu văn hóa lớn nhất đất nước, bệ phóng lý tưởng cho những giá trị văn hóa nghệ thuật chân chính. Trong nghìn năm tồn tại và phát triển của mình, Hà Nội đã tạo ra một môi trường nghệ thuật hết sức phong phú, đa dạng, là hình ảnh tiêu biểu của nền nghệ thuật đất nước. Và chiều cao, chiều sâu cảm thụ thẩm mỹ của người Hà Nội đã được tạo nên từ cái môi trường sinh hoạt nghệ thuật nghìn năm hết sức phong phú và tuyệt vời đó.

Một số thư tịch cổ cho biết, nghệ thuật ca múa nhạc Việt Nam đã phát triển ở Thăng Long từ thời Lý. Đời Vua Lý Thái Tông đã ban chiếu truyền tuyển lựa ca nữ, nhạc công và đã thành lập một Ban nhạc cung đình tới hơn trăm người. Đó là Đoàn ca múa nhạc quốc gia đầu tiên của nước ta. Các đời Vua Lý tiếp theo đã duy trì, phát triển và nâng cao thêm hoạt động của Đoàn ca múa nhạc này. Các sinh hoạt cung đình của thời Lý Trần tại Thăng Long luôn luôn có mặt nghệ thuật ca múa nhạc và đặc biệt cả Vua và các đại thần đều có thể tham gia múa hát rất tự nhiên. Sách “Việt sử thông giám cương mục” có miêu tả một lễ sinh nhật của Vua Lý Thần Tông, một vị Vua từng chế tác các nhạc khúc, có cả một xe sân khấu đưa các ca sĩ vũ công biểu diễn qua các đường phố trong kinh thành.

Cũng ngay trong thời Lý, nghệ thuật sân khấu chèo từ các sân đình làng quê đồng bằng Bắc Bộ đã khá phổ biến tại kinh thành Thăng Long. Trong các ngày hội, lễ, tết, các phường chèo đều có mặt giúp vui. Sang thời Trần, các buổi biểu diễn chèo đã trở thành sinh hoạt thường xuyên ở những nhà quyền quý.  Và ở những buổi biểu diễn này, dân chúng đều có thể đến xem rất tự nhiên. Cũng theo “Việt sử thông giám cương mục”, trong nhà Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, hầu như không ngày nào là không có hát chèo. Sách “Vũ trung tùy bút” của Phạm Đình Hồ đã từng mô tả một hình thức nghệ thuật tại các lễ tang gọi là chèo hội diễn ra ở đời Trần như sau: “Triều nhà Trần, hễ có quốc tang, lúc sắp rước quan tài đến sơn lăng để an táng, dân cư ngoài phố phường xúm lại xem vòng trong, vòng ngoài chật ních cả chốn điện đình, không thể rước đi được. Người dẹp đám phải bắt chước lối vãn ca đời cổ đặt ra khúc hát “long ngâm” sai đi hát diễn xung quanh đường phố, Dân chúng liền đổ đi theo để xem. Nhờ thế mới rước quan tài đi được. Đời sau tiếp tục bắt chước lối hát vãn này, hàng năm đến rằm tháng bảy, những tang gia đều cho gọi các phường hát đến hát để giúp tế lễ. Tiếng hát bi ai cảm động, tục gọi đó là phường chèo hội”.

Như vậy, từ khi Lý Thái Tổ định đô ở Thăng Long, nghệ thuật ca múa nhạc sân khấu đã từng bước phát triển tại đây và đã trở thành nguồn sống tinh thần cho tất cả mọi người, từ Vua quan đến dân chúng. Đến cuối thế kỷ 13, đầu thế kỷ 14, nghệ thuật tuồng cũng bắt đầu xuất hiện ở Thăng Long. Một số sách ghi thời Vua Trần Dụ Tông, các vương hầu thường tổ chức các buồi diễn tuồng để mời Vua đến xem. Thời này còn lưu truyền nhiều câu chuyện về việc các vương hầu thường chiếm đoạt các cô đào nổi danh về làm thê thiếp. Đặc biệt phổ biến là câu chuyện Cung túc vương Trần Nguyên Dực cướp vợ của Dương Khương, một cô đào đẹp có biệt danh là vương mẫu về làm vợ và sau này con trai của ông và cô đào hát này đã trở thành Vua trong một năm. Sự mê hoặc của các cô đào tuồng đối với các vương gia đã làm triều đình kinh sợ và vua Lê Thánh Tông đã từng ban điều luật trừng phạt “Quan chức mà lấy con gái xướng ca làm thê thiếp sẽ bị phạt đánh 70 trượng, con cháu quan chức mà lấy con gái xướng ca cũng bị phạt đánh 60 trượng và bắt ly dị”. Chính tuồng đã hình thành và phát triển tại vùng đồng bằng Bắc Bộ và kinh thành Thăng Long, sau đó đã được Đào Duy Từ đưa vào miền Trung để đạt đến đỉnh cao tại đây với danh nhân Đào Tấn và phát triển về phía Nam hình thành nên sân khấu hát bội Sài Gòn.

 

Ảnh: Trích đoạn chèo Chuyện nhà Bá kiến ( Nguồn: Sức khỏe và đời sống.vn)

 

 

Đến cuối thời Trần, triều đình đã cho chia âm nhạc cung đình thành Đại nhạc và Tiểu nhạc. Đại nhạc gồm các nhạc cụ như trống cơm, tiêu, sáo, não bạt, mõ lớn…chỉ dành riêng cho Vua. Tiểu nhạc gồm các nhạc cụ tỳ bà, tranh, đàn bảy dây và đàn cầm…được dùng rộng rãi cho mọi tầng lớp xã hội.

      Đến đời Lê, Vua Lê Thái Tông rất chú ý đến nghệ thuật ca múa nhạc và tuồng. Đặc biệt, năm 1437, nhà Vua đã sai các bậc đại thần hiệu đính lại Nhã nhạc. Nguyễn Trãi là người được giao chỉ đạo thực hiện việc này. Đó là lúc Nguyễn Trãi có bản tấu nổi tiếng về cái gốc của âm nhạc: “Không có gốc thì nhạc không vững, không có văn thì nhạc không thể lưu hành. Hòa bình là gốc của nhạc. Thanh âm là văn của nhạc. Xin bệ hạ yêu nuôi muôn dân để chốn xóm thôn không còn tiếng oán hận lầm than, như thế thì mới không mất cái gốc của nhạc…”.

Đến thời Hồng Đức, nhóm đại thần của Vua Lê Thánh Tông như Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Lương Thế Vinh đã nghiên cứu âm luật cổ kim, trong ngoài mà đặt ra hai bộ “Đồng văn”“Nhã nhạc”, một bộ chuyên tập âm luật để hòa nhạc, một bộ chuyên chuộng nhân thanh, trọng về tiếng hát. Đây là một bước phát triển lớn của lý luận âm nhạc cổ truyền Việt Nam.

Như vậy, ta có thể nhận thấy, nghệ thuật ca múa nhạc và tuồng chèo đã từ các vùng làng quê vào đến Thăng Long, đã được chuyên nghiệp hóa tại kinh thành và tạo nên một bước phát triển mới về chất từ rất lâu. Đặc biệt, ca trù, nghệ thuật hát nói đặc sắc của dân tộc dù bắt nguồn từ Cổ Đạm hay Lỗ Khê nhưng chỉ được hoàn chỉnh và thăng hoa rực rỡ tại mảnh đất Thăng Long với sự đóng góp của các bậc tao nhân mặc khách như Lê Đức Mao, Nguyễn Công Trứ, Phan Huy Vịnh…Bộ môn nghệ thuật được GSTS Trần Văn Khê coi là “độc nhất vô nhị” này có thể nói là bộ môn nghệ thuật đậm chất Thăng Long, một đặc sản nghệ thuật của Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Là cái nôi của ca múa nhạc dân tộc và nghệ thuật sân khấu truyền thống, đến những năm đầu thế kỷ 20, Hà Nội lại là nơi chứng kiến sự ra đời của các bộ môn nghệ thuật biểu diễn mới như tân nhạc, kịch nói, kịch thơ. Đây là các bộ môn nghệ thuật tiếp nhận từ bên ngoài trực tiếp là nước Pháp nhưng khi vào Việt Nam, đặc biệt là vào mảnh đất văn hiến Việt nghìn năm, các bộ môn này đã được Việt hóa rất nhanh, đặc biệt là ở nội dung biểu hiện. Ở tân nhạc là các ca khúc tiêu biểu của Dương Thiệu Tước, Đặng Thế Phong, Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao, Nguyễn Văn Thương…kịch nói là các vở bi kịch và hài kịch của Vũ Đình Long, Nguyễn Hữu Kim…kịch thơ là các vở “Bóng giai nhân” của Yến Lan và Nguyễn Bính, “Hận Nam quan”, “Kiều Loan” của Hoàng Cầm, “Bến nước Ngũ Bồ”, “Cung phi Điểm Bích” của Hoàng Công Khanh.

Cho đến trước ngày cách mạng Tháng Tám thành công, mảnh đất Thăng Long - Hà Nội không những đã góp phần rất quan trọng trong việc giữ gìn và phát triển các di sản nghệ thuật biểu diễn truyền thống của dân tộc, đưa chúng đạt đến những đỉnh cao đáng tự hào mà còn du nhập và Việt hóa thành công một số bộ môn nghệ thuật biểu diễn mới như tân nhạc, kịch nói, kịch thơ. Cho đến trước cách mạng tháng Tám, dù có hơn 170 năm ở thế kỷ 18, 19 và nửa thế kỷ 20 không phải là kinh đô của đất nước nhưng Hà Nội luôn được coi là trung tâm văn hóa lớn nhất nước và hầu hết những giá trị tinh hoa của nghệ thuật biểu diễn của đất nước đều được tạo nên tại đây.

Giai đoạn 1954, từ khi thủ đô Hà Nội giải phóng cho đến đại thắng mùa xuân 1975, có thể nói là giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của nghệ thuật ca múa nhạc và sân khấu dân tộc dưới ánh sáng của đường lối văn hóa văn nghệ đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Các đoàn nghệ thuật nhà nước của TƯ và Hà Nội về các bộ môn nghệ thuật biểu diễn dân tộc hình thành. Về sân khấu, không chỉ có chèo, tuồng, cải lương của miền Bắc mà tuồng Liên khu 5, cải lương Nam Bộ cũng hội quân về thủ đô Hà Nội để xây dựng và phát triển nghệ thuật của mình. Đoàn tuồng Liên khu 5 được thành lập trên cơ sở tụ họp những nghệ sĩ tuồng miền Trung xuất sắc tập kết ra Bắc như Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Lai, Phạm Chương, Ngô Thị Liểu, Minh Đức, Đinh Quả…với hàng loạt vở tuồng cổ được đánh giá cao ở trong nước và thế giới như Tam nữ đồ vương, Sơn hậu, Giang tả cầu hôn, Trảm Trịnh Ân, Nghêu Sò Ốc Hến…song song với việc xây dựng các vở tuồng mới đề tài lịch sử và cách mạng với các thế hệ diễn viên trẻ tài năng như Kim Cúc, Minh Ngọc, Quang Vinh...Bên cạnh Đoàn tuồng Liên khu 5, Đoàn tuồng Bắc cũng được thành lập với các nghệ sĩ Bạch Trà, Quang Tốn, Lê Bá Tùng, Ngọc Như, Đình Khoái và thế hệ nghệ sĩ trẻ đầy triển vọng như Mẫn Thu, Tiến Thọ và các vở tuồng cổ nổi tiếng như Mộc Quế Anh và các vở đề tài hiện đại cách mạng như Má Tám, Đề Thám…Đoàn tuồng Kim Lan cũng được thành phố Hà Nội phục hồi và hoạt động mạnh mẽ. Hai thập kỷ  1960 và 1970 là giai đoạn nghệ thuật tuồng phát triển rực rỡ nhất ở thủ đô Hà Nội với sự phát triển và hoạt động rộng khắp, liên tục của các đơn vị tuồng trên trong sự hâm mộ nồng nhiệt của khán giả thủ đô. Cùng với nghệ thuật tuồng, nghệ thuật chèo cũng phát triển và thăng hoa mạnh mẽ trong giai đoạn này. Các đoàn chèo TƯ, đoàn chèo Hà Nội và đoàn chèo Tổng cục hậu cần được thành lập và người xem thủ đô được tắm trong tiếng hát chèo đằm thắm duyên dáng với các tích truyện cổ tràn đầy tinh thần nhân ái như “Lưu Bình, Dương Lễ”, “Quan Âm Thị Kính”, “Kim Nham”…cũng như các tích mới như Chị Tấm anh Điền, Vẹn cả đôi đường, Con trâu hai nhà, Đường đi đôi ngả, Mối tình Điện Biên…Không chỉ tuồng chèo, cải lương, nghệ thuật của vùng đồng bằng sông Cửu Long, cũng đã trở nên quen thuộc và trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu đối với khán giả thủ đô với sự phục hồi các gánh cải lương Bắc từng xuất hiện thời thủ đô còn bị tạm chiếm như Chuông Vàng, Kim Phụng và đặc biệt là sự xuất hiện đầy sức chinh phục của Đoàn cải lương Nam Bộ tập kết với các vở diễn gây chấn động như Máu thắm đồng Nọc Nạn, Người con gái đất đỏ, Dệt gấm. Bên cạnh sự phục hồi và phát triển các bộ môn sân khấu truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, khán giả thủ đô còn chứng kiến và cổ vũ mạnh mẽ cho sự ra đời của một số bộ môn sân khấu mới như ca kịch bài chòi, ca kịch Trị Thiên – Huế với sự xuất hiện hai Đoàn dân ca kịch khu 5 và Dân ca kịch Trị Thiên – Huế với các vở diễn rất hấp dẫn như Thoại Khanh Châu Tuấn, Tiếng sấm Tây Nguyên, Nghìn thu vọng mãiCon gà chân chì, Tín hiệu trái tim…Bên cạnh tuồng, chèo cải lương, dân ca kịch, các đoàn múa rối và xiếc chuyên nghiệp của TƯ và thủ đô đã được thành lập trên cơ sở khai thác vốn xiếc và múa rối dân gian và tiếp thu những thành tựu của nghệ thuật xiếc và múa rối ở nước ngoài và cũng được người xem thủ đô rất ưa thích.

Song song sự chuyên nghiệp hóa, khởi sắc và phát triển chưa từng thấy của các bộ môn sân khấu truyền thống trên, kịch nói Việt Nam cũng đã trưởng thành nhanh chóng với sự có mặt các Đoàn kịch nói TƯ, Kịch nói Nam Bộ, Kịch nói Hà Nội, Kịch nói Quân đội, Kịch nói Công an trên địa bàn thủ đô. Với những lợi thế của mình, kịch nói nhanh chóng trở thành bộ môn sân khấu có công chúng đông đảo nhất ở thủ đô…

Nghệ thuật biểu diễn ca múa nhạc cũng có những bước phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh các đoàn ca múa nhạc tổng hợp và ca múa nhạc dân tộc là các đơn vị nghệ thuật mới như giao hưởng, hợp xướng, nhạc vũ kịch. Các vở nhạc kịch lớn liên tiếp ra đời trên sân khấu thủ đô như Người tạc tượng, Núi rừng hãy lên tiếng

 

Ảnh: Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam

 

Giai đoạn sau năm 1975 và đặc biệt trong thời kỳ đổi mới bắt đầu từ năm 1986, thời kỳ giao lưu và hội nhập, sinh hoạt nghệ thuật biểu diễn tại thủ đô có chựng lại vì sự lấn át của các phương tiện nghe nhìn hiện đại và sự tràn ngập các sản phẩm văn hóa đại chúng nước ngoài. Tuy vậy, yêu cầu giao lưu hội nhập cũng làm bừng sáng lên ý thức dân tộc và việc đấu tranh giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Chính thời kỳ này là thời kỳ  bộ môn ca nhạc đặc sắc của Hà Nội, bộ môn ca trù có dấu hiệu phục hồi tuy mới chỉ từ các hoạt động nhỏ lẻ của các CLB có tính chất bán chuyên.

             Môi trường địa lý, truyền thống văn hóa nghệ thuật lâu đời cũng như điều kiện giao lưu văn hóa của một trung tâm chính trị văn hóa lớn nhất đất nước trong ngàn năm lịch sử, cùng những sinh hoạt nghệ thuật biểu diễn sân khấu và ca múa nhạc hết sức phong phú đa dạng, đặc biệt trong thời đại Hồ Chí Minh đã tạo nên những đặc sắc hay những tính trội trong cảm thụ thẩm mỹ của người Hà Nội trong sáng tạo và hưởng thụ nghệ thuật biểu diễn:

1.      Một tri thức văn hóa nghệ thuật dân tộc khá sâu rộng, tạo cơ sở cho tình yêu lâu bền, sự hiểu biết, cảm nhận tinh tường và cổ vũ mạnh mẽ cho các giá trị đích thực của nghệ thuật biểu diễn dân tộc hôm qua và hôm nay.

2.      Khả năng gạn đục khơi trong trong tiếp nhận, gìn giữ và phát triển đến đỉnh cao các di sản nghệ thuật truyền thống từ các vùng miền trong cả nước

3.      Thái độ bình tĩnh, không bảo thủ hay cấp tiến thái quá trong đổi mới và phát triển, trong giao lưu với bên ngoài, trong tiếp nhận và Việt hóa các di sản nghệ thuật thế giới

Những đặc sắc về cảm thụ thẩm mỹ này của người Hà Nội đã làm Hà Nội trở thành một mảnh đất lý tưởng cho việc giữ gìn, phát huy các giá trị tinh hoa cuả văn hóa và nghệ thuật biểu diễn dân tộc cũng như việc tiếp nhận thành công các di sản văn hóa nghệ thuật của nhân loại để làm phong phú thêm truyền thống văn hóa nghệ thuật của dân tộc mình. Chính điều này lý giải vì sao trong những năm đầu thế kỷ 21 này, trong sinh hoạt nghệ thuật biểu diễn ở thủ đô, người Hà Nội song song với việc tìm về với ca trù, hát xẩm, tuồng chèo, vẫn rất hào hứng đón nhận múa đương đại, nhạc đương đại cũng như Word Music…