Nội san

Bước đầu nghiên cứu thế diễn cơ bản trong Quan họ

06 Tháng Tám 2012

Đặng Lan

                                                                   

            1. Khi đề cập tới khái niệm "diễn" trong dân ca chúng ta thường nghĩ ngay đến các thể loại sân khấu như Chèo, Cải lương… hoặc các thể loại hát kết hợp với múa như hát Xoan, Trống quân… Từ trước đến nay, nói đến Quan họ chúng ta thường chỉ bàn đến “lối hát”, “lối chơi”…, mà bỏ qua một giá trị quan trọng của Quan họ là “lối diễn”. Vì vậy, đặt vấn đề diễn Quan họ có thể dẫn đến những ý kiến không đồng tình. Kì thực, trong cuộc sống chúng ta không chỉ “ nghe hát Quan họ” mà còn “xem hát Quan họ”. Quan họ không chỉ được thể hiện thông qua lời ca với lối hát, trang phục độc đáo, mà còn được thể hiện thông qua tư thế, động tác, điệu bộ đặc trưng của người Quan họ.

2. Diễn trong Quan họ là lối ứng diễn, nghĩa là người hát dựa vào nội dung của bài Quan họ để tự sáng tạo ra các động tác diễn phù hợp. Như vậy,  sự ứng diễn phụ thuộc  nhiều vào cách nhìn, cách nghĩ, cách tưởng tượng và năng khiếu bẩm sinh của người hát. Trải qua nhiều thế hệ, cách diễn Quan họ của các nghệ nhân ngày càng được hoàn thiện về giá trị thẩm mỹ và hình thành phong cách diễn đặc trưng được coi là chuẩn mực, mang tính phổ biến.

        3. Lối diễn trong Quan họ bị chi phối bởi không gian diễn xướng, nội dung của bài hát và văn hóa ứng xử Quan họ. Tuy là ứng diễn nhưng người hát không thể tuỳ tiện, mà sự sáng tạo của người hát phải tuân thủ những  quy tắc nhất định. Nếu không có sự phối hợp giữa hát và diễn, không tuân thủ những quy tắc diễn Quan họ, thì khó có thể đạt đươc hiệu quả diễn xưng, mà đôi khi sự ứng diễn tùy tiện còn gây ra sự phản cảm.

         4. Qua trao đổi với nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ Quan họ, đồng thời dựa vào quan sát, phân tích những đặc trưng diễn Quan họ và một số tài liệu nghiên cứu diễn, múa dân gian, cùng với kinh nghiệm biểu diễn của bản thân, chúng tôi đã so sánh, đối chiếu và mạnh dạn đưa ra một số thế diễn cơ bản của Quan họ dưới đây:

            4.1. Thế mặt    

  Thế 1: Nét mặt tươi vui, hướng về phía bạn diễn - Hình 1.

            Thế 2:  Nét mặt buồn, chờ đợi, nhớ nhung ... - Hình 2.

   Thế 3: Mặt hơi nhìn xuống, thể hiện sự ngượng ngùng, e thẹn - Hình 3.

 

Khi diễn Quan họ cần đặc biệt lưu ý đến đôi mắt: Mắt Quan họ thể hiện tình cảm thiết tha với bạn diễn, phản ánh sâu sắc thế giới tâm hồn và tình yêu của người Quan họ. Khác với mắt trong hát Chèo, Cải lương, Tuồng..., mắt Quan họ không thể hiện tính cách, kịch tính của nhân vật cụ thể, mà luôn thể hiện cái nhìn tình tứ, đằm thắm nhưng không lẳng lơ, sắc sảo.

            4.2.  Thế chân

   Thế 1: Chân đứng tự nhiên, gót chân để sát vào nhau - Hình 4.

 

   Thế 2:  Chân thứ nhất ở thế tự nhiên, chân thứ hai bước lên, đặt gót chân ngang tầm giữa chân thứ nhất, mũi bàn chân hơi chếch sang bên - Hình 5.

   Thế 3:  Chân thứ nhất đứng ở thế tự nhiên, chân thứ hai bước lên một bước, đặt gót chân sát với mũi chân thứ nhất - Hình 6.

   4.3. Thế tay

   4.3.1. Thế tay nữ

Thế 1:  Một tay thả lỏng tự nhiên, một tay cầm vành nón, đồng thời úp nón vào sát người, hướng nón nghiêng về một bên - Hình 7.

   Thế 2:  Một tay thả lỏng tự nhiên, một tay khoác nón lên vai (có thể cầm hoặc không cầm quai nón) - Hình 8.

   Thế 3:  Một tay thả lỏng tự nhiên, một tay đỡ  bên trong nón, mặt nón hơi có độ dốc về phía truớc - Hình 9

            Thế 4:  Một tay đỡ nón phía dưới, khuỷu tay vuông góc, một tay đỡ nhẹ vành nón ở phía trên đồng thời úp nón vào vai - Hình 10.

   Thế 5: Hai tay cầm hai bên vành nón, không nâng nón quá cao hoặc quá thấp, khuỷu tay để vuông góc, bề mặt nón hướng về phía trước - Hình 11.

 

   Thế 6: Hai tay đỡ nón và đặt nón lên vai, mặt trong của nón hướng về phía trước - Hình 12.

 

   Thế 7 : Nón đội trên đầu, một tay giữ nón, một tay cầm nhẹ vào quai hoặc buông xuôi tự do, nón đội cao để không che khuất mặt - Hình 13.

            Thế 8:  Một tay cầm nón phía trên, giơ cao che mặt và chỉ để lộ ra đôi mắt, một tay cầm nhẹ ngang vành nón hoặc buông xuôi tự do -  Hình 14.

            4.3.2. Thế tay nam

            Thế 1: Một tay thả lỏng tự do, một tay để vuông góc ngang tầm bụng đồng thời treo ô lên khuỷu tay - Hình 15

 

   Thế 2: Một tay để sau lưng hoặc thả lỏng tự do, một tay cầm ô giương lên đầu, không giương cao hoặc thấp quá so với đầu, tay cầm ô để tự nhiên, khuỷu tay ngang tầm bụng - Hình 16.

   4.4. Thế đứng

            4.4.1. Thế đứng n

  Dáng đứng của liền chị luôn thể hiện sự dịu dàng, duyên dáng, đầu vừa phải, không ngẩng quá cao hoặc quá thấp, mắt tình tứ, mặt hướng đến đối tượng giao lưu, vai thả lỏng tự nhiên tạo cho cơ thể mềm mại, tay có thể sử dụng kết hợp các thế cầm nón cơ bản (xem hình 7-14), chân đứng thay đổi ở các thế cơ bản (xem hình 4-6), trọng tâm người dồn về phía chân trước, một chân làm trụ, một chân trùng gối, tạo độ mềm mại cho thân hình - Hình 17    

         4.4.2. Thế đứng nam

         Dáng đứng của liền anh luôn thể hiện sự đĩnh đạc, khoan thai. Mặt, mắt luôn hướng về phía bạn diễn, tay có thể giương ô hoặc treo ô theo thế tay cơ bản (xem hình 15, 16), chân đứng thẳng, không được trùng gối, trọng tâm người dồn vào chân sau - Hình 18

          4.5. Thế ngồi

  Thế 1:  Dáng người ngồi thẳng, thoải mái, không căng cứng (có thể ngồi bàn ghế hoặc ngồi chiếu) hai tay đặt xuống tà áo, hoặc đặt nhẹ lên vành nón - Hình 19.

 

            Thế 2: Hai chân khuỵu gối xuống, một chân thấp, một chân cao, trọng tâm người dồn về mũi bàn chân, gót chân nâng lên khỏi mặt đất. - Hình 20

            Trên đây chúng tôi đã trình bày những thế diễn cơ bản trong Quan họ. Có thể khẳng định, Quan họ không chỉ có “lối hát”, “lối chơi”, mà còn có cả “lối diễn”. Đáng tiếc là, mặc dù Quan họ được nghiên cứu từ nhiều phương diện khác nhau, song cho đến nay chưa có công trình nghiên cứu nào đề cập đến vấn đề diễn Quan họ. Vì vậy, sự tìm hiểu và đúc kết một số thế diễn trên đây mới chỉ là công việc bước đầu. Từ việc nắm được các thế cơ bản đến việc chuyển thế diễn và ứng dụng vào tình huống cụ thể là một vấn đề khác, ngoài phạm vi bài viết. Vấn đề này xin được dành cho những nghiên cứu sau.