Dương Chí Dũng có tội lỗi khi lôi kéo em trai mình vào vòng lao lý. Thế nhưng, Dương Tự Trọng quả thực lại có rất ít sự lựa chọn. Sự lựa chọn còn ít hơn khi nếu bị bắt và bị xét xử, người anh có thể sẽ phải đối mặt với án tử hình. Từ chối trợ giúp sẽ không vi phạm pháp luật. Tố giác còn có thể được thưởng. Nhưng làm như thế thì tình cốt nhục, đạo đức có còn hay không? Đặc biệt, trong một gia đình mà tình cốt nhục sâu nặng như họ Dương thì làm như thế rõ ràng là không thể!
Pháp luật xung đột với đạo đức là một điều rất không may. Bởi vì đạo đức mới chính là nền tảng quan trọng nhất của xã hội loài người. Đạo đức mới là cái làm cho cuộc sống tốt đẹp và trường tồn.
Cha ông ta xưa đã hiểu rất rõ điều này. Pháp luật xưa vì vậy đã từng cho phép người thân trong gia đình "giấu tội cho nhau". Ngày nay, chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền. Pháp luật trong một nhà nước pháp quyền - như Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ - phải tiệm cận được công lý. Nghĩa là, pháp luật phải được ban hành và áp dụng phù hợp với đạo lý, với lẽ phải và lương tri.

Hiến pháp mới có hiệu lực từ ngày 1.1.2014 (trước ngày toà tuyên phạt Dương Tự Trọng 18 năm tù) cũng giao nhiệm vụ cho toà án phải bảo vệ công lý: "Toà án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý" (Khoản 3, Điều 102, Hiến pháp năm 2013). Thế nhưng, phạt nặng một người bắt buộc phải thực hiện nghĩa vụ đạo lý của mình thì có bảo vệ được công lý hay không và có hợp hiến hay không? là điều làm chúng ta thật sự băn khoăn, quan ngại.

 

Theo laodong.com.vn