Nội san

Tinh hoa nghề chạm gỗ Sơn Đồng

17 Tháng Sáu 2014

Tinh hoa nghề chạm gỗ Sơn Đồng

 

Thúy Anh

                                                                                    

Có rất nhiều công trình nghiên cứu về nghệ thuật chạm khắc gỗ đình làng, chạm khắc trang trí kiến trúc chùa làng hoặc các công trình kiến trúc cổ của người Việt, song sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới nghề chạm gỗ Sơn Đồng. Qua cầu Hậu Ái đến ngã tư Sơn Đồng thuộc địa phận xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức- Hà Nội, đâu đâu chũng ta cũng bắt gặp các biển hiệu cửa hàng: "Chuyên phục chế đồ thờ”, “Tu sửa các di tích lịch sử, chuyên tượng gỗ"… – đây chính là làng nghề Sơn Đồng nổi tiếng.

Là một làng nghề truyền thống chuyên sáng tác, làm mới, phục chế đồ thờ với các nguyên liệu từ gỗ, Sơn Đồng đã nổi tiếng khắp trong Nam, ngoài Bắc với kỹ thuật sơn son thếp vàng. Bốn phía Sơn Đồng rực lên màu vàng của sơn thếp, những hoành phi câu đối, những con ngựa gỗ, hạc gỗ... sừng sững hai bên đường: kiệu gỗ, bệ thờ và cả những bức tranh lớn với các mô típ hoa văn: rồng, mây, sóng nước, chim, phượng…được cách điệu rất sinh động. Chính nơi đây ghi dấu ấn của những bàn tay phục chế di vật cổ đồ thờ, những tác phẩm nghệ thuật được các nghệ nhân dân gian làng nghề tạo tác tinh khéo, giả chất với phương thức lên nước thời gian và thổi hồn cho tác phẩm góp phần gìn giữ di sản văn hóa vật thể Việt Nam nhiều thế kỷ

Sơn Đồng trong nếp nghĩ xưa là làng nghề nổi tiếng, từ đời này qua đời khác tiếng đục chạm đã ăn vào máu vào thịt. Trong làng, trẻ nhỏ từ 9, 10 tuổi đã làm quen với "con đục" (dao đục)... đến 60, 70 tuổi vẫn đắm mình trong những sáng tạo trên gỗ. Tượng tròn, phù điêu đa dạng, sinh động mô tả về thế giới Phật thoại quyện hòa với mùi nồng nồng của sơn ta, mùi ngai ngái của gỗ...trong hương đồng gió nội tạo nên dấu ấn rất riêng của Sơn Đồng.

Quan sát kỹ, thấy quy trình làm tượng, chạm khắc các sản phẩm thờ của làng khá thú vị, bộ dao đục chạm kể cũng khoảng 60 chiếc đủ loại kích cỡ khác nhau. Những con đục đó có thể khắc được các chi tiết tinh vi nhất, mảnh nhỏ như sợi chỉ hoặc cũng có thể chạm bong những hoa văn nổi cao; khối chắc khoẻ cho ta cảm giác sờ nắm được các khối chạm lộng, chạm kênh bong, đó chính là sự kế thừa và phát huy phong cách chạm gỗ dân gian truyền thống Việt.

Đi sâu vào làng (từ ngã tư rẽ trái, quẹo phải vào xóm Hàn) đến cửa hàng nhà Chú Miến chuyên làm tượng phật, đặc biệt tượng Phật Bà Quán Âm (người ta hay gọi là đức Quan Âm) được coi là một trong những cơ sở sản xuất có tiếng của làng. Trong số những tác phẩm ở đây chúng tôi bắt gặp một nét riêng biệt không chỉ bởi tài nghệ của đôi bàn tay nghệ nhân mà dường như ở mỗi tác phẩm tượng ẩn chứa những giá trị tâm linh sâu sắc. Với không gian của một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc được đặt để là không gian đa chiều nhưng có thể còn vượt lên không gian cao tầng, đó phải chăng là sự hòa điệu tâm hồn của những tinh hoa đang gửi gắm nơi nét chạm, là chiều sâu và bề rộng của không gian tâm linh quyện hòa trong những tác phẩm điêu khắc nơi đây.

Nhiều thế kỷ nay, làng Sơn Đồng hầu hết chỉ truyền dạy nghề cho con cháu. Không qua các lớp đào tạo chuyên nghiệp về điêu khắc song các sản phẩm của các nghệ nhân ở đây thực sự là được coi là các tác phẩm nghệ thuật, được thể hiện với kỹ thuật với trình độ cao, tỉ lệ khối chuẩn mực, kỹ thuật đục chạm tinh tế. Những năm gần đây, con em trong làng đã được theo học các trường đào tạo về Mỹ thuật, nhiều sinh viên đang theo học trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, ĐHSP Nghệ thuật TW…. Không ít người thành nghề, giỏi nghề và kết hợp giữa chất nghệ thuật dân gian với các yếu tố bác học bài bản tạo nên những khởi sắc cho làng nghề Sơn Đồng vốn nổi tiếng nhiều thế kỷ. Tính chất dân gian và bác học được nhào luyện qua năm tháng kết tinh nên những tác phẩm điêu khắc mang lại cho làng nghề sự “giàu sang”. Cái “giàu” là sự đa dạng, phong phú về số lượng, chủng loại sản phẩm; cái “sang” là tiếng thơm lan rộng khắp mọi miền để Sơn Đồng xưa và nay vẫn được biết đến như một điển hình của làng nghề xứ Bắc.

 

Tượng Tam thế Phật- gỗ mít

 

Nghề làm tượng cũng vất vả, công phu. Người thợ phải đục mộc cũng đến hàng tháng, ghép mộc sau đó rồi thếp vàng, phủ sơn, lại nước, sao cho có độ bóng đẹp như ta vẫn thấy các pho tượng trong các đền, phủ thờ, các chùa làng và các am thờ là cả một quy trình công nghệ công phu. Những sản phẩm của làng nhiều thể loại, kể ra dễ đến hàng chục thứ: từ lư thờ đến hộp trầm, rồi đến những bộ hoa sen phủ sơn, những bộ đũa thờ sơn khảm sang trọng với màu sắc vàng đậm đượm chất dân gian.

 

Hoa sen làng Sơn Đồng

 

Sản phẩm làm theo các đơn đặt hàng tỉ lệ thuận với nhu cầu tín ngưỡng và khả năng tiêu thụ ngày một gia tăng của các đền to, phủ lớn và các ngôi chùa hàng năm vẫn được thập phương phật tử cúng tiến. Những bức tượng Phật, các hoành phi câu đối, các sản phẩm đục chạm, các kiệu rước dành cho lễ hội, các khám thờ, liên ba... hầu hết đều “bước ra” từ Sơn Đồng.

 

Người thợ Sơn Đồng đang “lại nước” tượng Phật

 

Các pho tượng theo quan niệm của phái Đại Thừa (Mahayana) - con đường cứu vớt rộng khắp không chỉ có Phật Thích Ca mà còn có Phật Adi đà, Di lặc, Đại dược sư, Văn Thù Bồ tát, Phổ hiền, Quan Âm, Địa Tạng...

 

Tượng thờ nhà Tổ - tác phẩm đặt hàng tại làng Sơn Đồng

 

Thế giới của Phật thoại được người thợ Sơn Đồng mô phỏng qua các pho tượng gỗ ngày ngày vẫn gieo vào lòng người Việt tín ngưỡng, tâm linh, Phật pháp sâu xa, cứu độ chúng sinh của nhà Phật... trở thành “vàng ròng” trong dòng chảy dân gian suốt nhiều thế kỷ.

Các tác phẩm điêu khắc tượng Phật của Sơn Đồng không đem lại cho người xem cảm giác về “uy quyền” của thế giới tâm  linh mà trở nên gần gũi với đời thường. Phật giáo luôn luôn đề cao nỗ lực và ý chí của con người, chính các nghệ nhân Sơn Đồng đã tịnh tiến trong đức tu, sự tu luyện vượt thời gian để giác ngộ chân chính, duy trì và phát triển một làng nghề đặc thù giữa cuộc đời bộn bề xuôi ngược. Người làng Sơn Đồng tịnh tâm nơi nét chạm, họ thả hồn vào những tác phẩm và coi đó là tinh hoa khởi phát tự tâm, tu giữa đời thường.

Đến Sơn Đồng vào một ngày hè. Từ đầu làng, tiếng rộn rã của những nhát đục điêu luyện và dưới ánh nắng trưa, màu vàng của sơn, màu trắng lấp lánh của bạc thiếp… khiến Sơn Đồng trở nên đẹp một cách rực rỡ. Không ai có thể nói chính xác về nguồn gốc cái tên của làng nghề. Chỉ biết nghề làm đồ thờ do ông tổ Đào Trực truyền dạy và dân làng vẫn hay nói vui cái nghề sơn lên gỗ để giả đồng mà cũng đẹp không kém gì đồng thật nên Sơn Đồng đã trở thành tên gọi của làng. Nghề truyền thống đã gắn bó và ăn sâu vào máu thịt, kể từ đó những người thợ Sơn Đồng đã phục chế không biết bao di tích lịch sử văn hoá trong làng ngoài xóm, từ Nam chí Bắc.

 Ấn tượng của làng nghề Sơn Đồng không chỉ để lại bởi sắc màu đằm thắm, lộng lẫy của những sản phẩm sơn thếp mà chính là bởi tâm hồn của dân tộc thấm sâu vào từng thớ gỗ, kỹ thuật chạm khắc truyền thống từ ngàn đời và được nâng lên bởi những giá trị tâm linh sâu sắc với tinh hoa từng nét chạm. Sơn Đồng nổi tiếng như ngày nay chính là kết quả của sự duy trì truyền thống, là sự tiếp nhận tinh hoa, trân trọng vốn cổ lưu truyền từ tổ nghề tới đời đời con cháu.