Nội san

Chầu văn với công tác đào tạo giáo viên âm nhạc tại Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Nam Định

22 Tháng Sáu 2014

                                                        Đinh Công Tú

 

             Thành ngữ Việt Nam có câu “Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”, để nói về ngày giỗ của hai vị được dân gian thờ phụng: “cha” là Vua Cha Bát Hải Động Đình và Trần Hưng Đạo, còn “mẹ” là chúa Liễu Hạnh - một trong những vị thần quan trọng nhất của tín ngưỡng Việt Nam. Nam Định - vùng đất địa linh nhân kiệt từ lâu đã được coi là "Thánh địa thờ Mẫu". Mỗi khi nhắc đến tục thờ Mẫu, người ta không thể không nhắc đến phần lễ nhạc quan trọng, đó chính là hát Chầu văn.

            Hát Chầu văn là hình thức lễ nhạc trong nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng thờ mẫu (tín ngưỡng Tứ phủ, thờ các mẹ, trong đó có thánh Mẫu Liễu Hạnh). Phủ Giầy - Nam Định được coi là cái nôi của nghệ thuật hát Chầu văn. Với kỹ thuật biểu hiện phức tạp, nghệ thuật hát Chầu văn đã đạt tới tầm cao của một thể loại chuyên nghiệp trong nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Nội dung, không gian văn hoá, giá trị văn hóa, nghệ thuật, hình thức biểu diễn… của Chầu văn rất độc đáo. "Thời kỳ thịnh vượng nhất của Chầu văn là cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Vào thời gian này thường có các cuộc thi hát văn để chọn người hát (cung văn). Từ năm 1954, hát văn dần dần bị mai một vì hầu đồng bị cấm do bị coi là mê tín dị đoan"[1]. Phải rất khó khăn, đến những năm 1990 Chầu văn mới lại có cơ hội phát triển, nhưng vẫn chưa thực sự được coi trọng và nhìn nhận với đúng giá trị nghệ thuật của nó.

          Dù đã trải qua một khoảng thời gian dài tồn tại và  phát triển (từ khoảng thế kỷ XIV – XV, có một số tài liệu ghi là thế kỷ XIII, thời Trần đã xuất hiện lối hát trước mặt Đế vương mà ngày nay chúng ta gọi là hát Chầu văn), nhưng cho đến nay, Chầu văn vẫn chưa thực sự “bước” ra khỏi khuôn viên của những đình, đền, chùa, miếu để hoà nhập với các loại hình nghệ thuật dân gian khác trong đời sống văn hoá tinh thần của công chúng. Nếu có, chỉ là một số chương trình biểu diễn hát văn do Nhạc Viện Hà Nội (nay là Học Viện Âm nhạc Quốc Gia Việt Nam) tổ chức,  gần đây nhất Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội tổ chức Liên hoan nghệ thuật nghi lễ Chầu văn lần thứ nhất (2013). Và thường thì nó chỉ được tồn tại và bảo lưu qua phương thức truyền nghề tự giác giữa thày và trò của những lò đào tạo mang đậm tính gia truyền [2]. Chừng ấy chưa đủ để Chầu văn có chỗ đứng trong đời sống tinh thần người Việt.

 

Ảnh: Một màn múa của người hầu đồng( Nguồn: sưu tầm)

 

          Theo các nhà nghiên cứu, trong khoảng vài chục năm trở lại đây, do nhu cầu tâm linh đồng bóng phát triển, hiện tượng hầu đồng đã trở thành trào lưu rầm rộ trong xã hội, số lượng những cung văn kém chất lượng cũng "nở rộ" như nấm sau mưa. Sự suy thoái chất lượng ở cả trình độ thưởng thức nghệ thuật của giới các ông đồng bà đồng cùng các cung văn thế hệ mới là điều đang diễn ra phổ biến. Sự luộm thuộm, biến thái nhăng nhố trong nghệ thuật Chầu văn ở Phủ Giầy nói riêng, ở các vùng miền khác nói chung hiện vẫn chưa được chấn chỉnh kịp thời.

           Làm thế nào để Chầu văn nhanh chóng phát triển rộng rãi? Làm thế nào để hát Văn nhanh được hoà nhập với công chúng yêu âm nhạc? Có cách nào để Chầu văn trở thành một món ăn tinh thần được người dân ưa chuộng? Chúng ta phải là gì để gìn giữ và bảo lưu một cách trọn vẹn những giá trị nghệ thuật đặc sắc của Chầu văn? Lớp trẻ ngày nay kế tục và phát huy loại hình nghệ thuật này bằng cách nào?... Để góp phần gìn giữ và phát triển nghệ thuật Chầu văn, chúng tôi thiết nghĩ, con đường đúng đắn nhất là đưa Chầu văn vào trong giáo dục. Cụ thể là đưa vào giảng dạy trong các Trường Trung cấp Văn hoá Nghệ thuật, mà trước tiên là đưa vào giảng dạy tại Trường Trung cấp Văn hoá Nghệ thuật (TCVHNT) Nam Định , vì Nam Định là cái nôi của Chầu văn, muốn phát triển rộng rãi nghệ thuật này, đòi hỏi con người (những người yêu âm nhạc dân gian, yêu nghệ thuật Chầu văn) nơi sinh ra nó phải hiểu biết căn bản và yêu thích nó hơn những người ở các vùng miền khác. Thông qua con đường giáo dục, nghệ thuật chầu văn sẽ được tiếp thu một cách bài bản, khoa học nhất. Từ đây chúng ta sẽ có một đội ngũ kế thừa loại hình nghệ thuật này theo đúng nghĩa, một cách trọn vẹn, tiến tới đem quảng bá giá trị nghệ thuật của nó không chỉ trong nước và khu vực mà trên toàn thế giới.

         Qua quá trình khảo sát, chúng tôi có thể khẳng định từ trước đến nay,  Chầu văn chưa được đề xuất đưa vào giảng dạy trong Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Nam Định nói riêng, các trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật các tỉnh nói chung. Việc đưa Chầu văn vào giảng dạy cho giáo sinh Âm nhạc Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Nam Định sẽ là động lực mạnh mẽ để nghệ thuật này phát triển trên chính quê hương của nó. Những giáo sinh âm nhạc nơi đây, trong tương lai sẽ truyền tình cảm yêu Chầu văn của mình vào thế hệ kế tiếp: các em học sinh Tiểu học, thông qua bộ môn Âm nhạc.

      Một số làn điệu Chầu văn đặc trưng ở Phủ Giầy[3]

          Làn điệu Dọc

          Làn điệu Dọc có tính chất âm nhạc khúc chiết, kết cấu rõ ràng. Về cấu trúc âm nhạc, thường thì các điệu Dọc gồm hai câu, câu một đóng vai trò như một câu hỏi, câu hai như một câu đáp. Làn điệu này thể hiện sự phóng khoáng, đĩnh đạc và giàu chất thơ

Làn điệu Dọc (trích)

 

         

 

            Âm vực vừa của làn điệu Dọc vừ phải, không quá rộng, phù hợp với nhiều loại giọng. Các làn điệu Dọc thường dùng nhịp đôi. Sau mỗi khổ hát Dọc là một đoạn nhạc lưu không (khổ lưu không thường không được dài quá hai lần khổ hát). Làn điệu dọc thường sử dụng tiết tấu đảo phách, âm hình đơn giản: đen, đơn, kép...

            Các điệu Dọc thường được dùng trong các giá quan lớn, giá ông Hoàng, giá các Cô, các Cậu khi hầu đồng. Ngoài ra, trong các cuộc thi hát Chầu văn, làn điệu Dọc thường được các nghệ nhân kết hợp với làn điệu Cờn và Xá tạo nên một liên khúc hát Văn hoàn chỉnh, đặc biệt lôi cuốn.

        Làn điệu Cờn

            Nhóm Cờn được phân làm hai loại: Cờn Xuân, tính chất âm nhạc trữ tình, tự sự, giai điệu mượt mà; Cờn Oán, tính chất âm nhạc buồn, ai oán. Trong các điệu Cờn, lời thơ cũng như âm nhạc thường không kết hẳn, với cấu trúc mở, điệu Cờn có thể kéo dài liên tục. Điệu Cờn Xuân thường thường được sử dụng nhiều hơn.

                                                     Cờn Xuân (trích)

 

 

            Cũng giống với làn điệu Dọc, âm vực của làn điệu Cờn không quá rộng (trong vòng 2 quãng tám), thuận lợi với nhiều giọng hát, đặc biệt đối với giọng nam trung, nữ trung. Tiết tấu của làn điệu Cờn cũng thường sử dụng đảo phách. Do tính chất âm nhạc trong tín ngưỡng Tứ phủ, nhóm các điệu Cờn thường được dùng trong hát Văn các giá Thánh Cô (vùng đồng bằng). Ngoài ra, Cờn còn được sử dụng trong hát Văn thi, Văn thờ… nhất là trong các bản Văn Mẫu.

          Ưu điểm là giai điệu mềm mại (nhiều dấu luyến), đậm tính trữ tình, kĩ thuật thanh nhạc không quá phức tạp... được nhiều người ưa thích.

Làn điệu Xá

            Làn điệu Xá có tiết tấu nhanh, vui nhộn, tính chất âm nhạc trữ tình, tự sự, hay thay đổi đột ngột, nhịp điệu thường là tự do. Tiết tấu của Xá tương tự như loại nhip một, nhưng cấu tạo bộ gõ khác nên tạo nên âm sắc khác phù hợp với giai điệu (thanh La được đặt trên mặt trống, có thêm một số đồng xu để tạo nên âm sắc đặc biệt).

            Điệu Xá thường được dùng trong hát văn hầu và hát văn thi. Trong các cuộc thi hát văn, các điệu Xá thường bộc lộ được rất rõ tài năng cũng như kĩ thuật diễn tấu của cả cung văn và người đệm đàn Nguyệt. Đoạn lưu không dạo đầu và dạo giữa là nơi kĩ xảo của "tay đàn" được phô diễn, những kĩ thuật nâng cao như chạy ngón, móc, vê (tremolo)... được thể hiện trọn vẹn trong phần này. Trong làn điệu này, cung văn cũng có cơ hội thể hiện rõ kĩ thuật thanh nhạc thuần túy của mình (từ hát liền tiếng - legato đến kĩ thuật xử lý cường độ âm thanh...).            

 

 

         Gần với âm vực của điệu Cờn và điệu Dọc, âm vực của điệu Xá hoàn toàn phù hợp với kĩ thuật thanh nhạc cơ bản (không quá rộng, không quá trầm, cao...), tiết tấu đơn giản, dễ nhớ, nhiều đối tượng có thể hát được.

 

Ảnh: Hát văn biểu diễn phục vụ du khách( Nguồn: sưu tầm)

 

Ba làn điệu: Dọc, Cờn, Xá có thể coi là đại diện tiêu biểu cho các làn điệu Chầu văn ở Nam Định. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ba làn điệu này tạo thành một "tổ khúc" hoàn chỉnh, khẳng định giá trị độc đáo của nghệ thuật Chầu văn.

          Vị trí của các làn điệu Chầu văn trong công tác đào tạo tại Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Nam Định

           Như chúng tôi được biết, Chầu văn đã được đưa vào danh sách làm hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại[4]. Như vậy để thấy được rằng, Chầu văn sắp được phổ biến trên toàn cầu, được cả thế giới biết đến, đây là tin vui cho nền âm nhạc dân gian Việt Nam.

            Trong những năm qua, Trường TCVHNT Nam Định đã thực hiện đầy đủ số môn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giải quyết được cơ bản những yêu cầu đặt ra của từng môn học, đã đào tạo được một đội ngũ giáo viên Âm nhạc có phẩm chất chính trị, tư tưởng đạo đức, có năng lực chuyên môn và nghiệp vụ, đáp ứng được những nhiệm vụ đặt ra trong giảng dạy cũng như trong hoạt động phong trào văn hoá, văn nghệ ở trường Tiểu học. Tổ chức được các hoạt động âm nhạc ngoài giờ cho học sinh và phong trào văn hoá văn hoá văn nghệ ở trường Tiểu học.

            Tuy nhiên, việc giảng dạy mới chỉ đạt ở mức độ dạy đúng, dạy được chứ chưa đạt tới yêu cầu dạy hay, dạy giỏi. Bên cạnh đó giáo sinh còn một số hạn chế khác trong chuyên môn như: Khả năng thực hành còn yếu, mức độ hiểu biết về âm nhạc chưa sâu, rộng. Đặc biệt, tuy giáo sinh đều là con em của Nam Định – quê hương của hát Chầu văn nhưng kiến thức hiểu biết về Chầu văn của các em rất hạn chế, hầu như chưa thuộc và chưa biết hát một số làn điệu Chầu văn.  

            Trong thực tế giảng dạy ở các trường Tiểu học, các em chưa thấy hết được cái hay, cái đẹp và đặc sắc của kho tàng dân ca vô cùng phong phú của Việt Nam nói chung, Chầu văn ở Nam Định nói riêng. Trong giảng dạy, giáo dục học sinh cũng như trong các hoạt động phong trào văn hoá văn nghệ, tổ chức hoạt động ngoại khoá âm nhạc chưa tạo nét mang tính bản địa trong các chương trình.

            Nguyên nhân của thực trạng trên phần nào do trong quá trình học tập, công tác, giáo sinh chưa có sự đi sâu tìm tòi học hỏi, cũng như chưa nhận thức được vai trò dạy hát Chầu văn cho học sinh. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do trong quá trình được học tập, đào tạo trong nhà trường các em chưa được trang bị một cách đầy đủ, đến nơi đến chốn, cũng như trong chương trình chưa có làn điệu Chầu văn nào được đưa vào giảng dạy. Do vậy những bất cập kể trên là điều không tránh khỏi.

         Việc đưa một số làn điệu Chầu văn vào dạy trong nhà trường là vấn đề quan trọng và cần thiết, nhằm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hoá dân tộc. Việc giáo dục âm nhạc trong các trường đào tạo giáo viên nói chung, đào tạo giáo viên Âm nhạc Tiểu học nói riêng, cần phải chú ý đến việc giáo dục văn hoá âm nhạc dân tộc cho giáo sinh, trong đó phải đặc biệt chú ý đến giáo dục về dân ca và dạy hát dân ca. Đội ngũ giáo sinh này chính là những nhân tố tích cực để phổ biến và nhân rộng hiểu biết của mình về cái hay, cái đẹp của văn hoá Việt Nam nói chung và văn hoá âm nhạc dân tộc nói riêng cho học sinh trong nhà trường phổ thông, để con cháu chúng ta nối tiếp những tinh hoa văn hoá của dân tộc.

            Để khắc phục tình trạng bất cập trong quá trình đào tạo giáo viên âm nhạc Tiểu học ở Trường TCVHNT Nam Định, nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên Âm nhạc của nhà trường, góp phần vào việc xây dựng nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, chúng tôi thấy rằng giáo sinh cần phải được trang bị kiến thức, hiểu biết sâu rộng về âm nhạc dân tộc và đặc biệt phải được học hát dân ca nhiều hơn, nhất là Chầu văn. Do đó cần bổ sung một làn điệu Chầu văn vào chương trình đào tạo.  

             Vấn đề gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật của Chầu văn nói riêng, các thể loại ca nhạc dân gian nói chung không chỉ là công việc của một địa phương nào. Nhà nước cần quan tâm đúng mức, vì giá trị đích thực của một đất nước không thể hiện qua chỉ số GDP mà thể hiện rõ qua nền văn hóa dân tộc (trong đó có âm nhạc dân gian) của đất nước đó. Do vậy, Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi hơn, quan tâm hơn tới các nghệ nhân Chầu văn, cần đầu tư kinh phí ở mức tối đa để mời được các bậc cung văn lão thành bậc thầy tham gia công tác truyền dạy/huấn luyện cho cung văn trẻ nói riêng và cho thế hệ trẻ ở các trường Âm nhạc nói chung. Qua đó, hy vọng ở một tương lai không xa Chầu văn và các loại hình nghệ thuật dân gian khác sẽ hội nhập toàn cầu, cùng với sự phát triển của đất nước./.

 

   



[1] Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

[2] Ông Nguyễn Đăng Sinh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Vụ Bản chia sẻ với chúng tôi về thực trạng này. Ông cho hay, những lò đào đạo theo kiểu gia truyền "chộp giật" mọc lên như nấm, học viên là những người muốn học để đi "hành nghề", bởi cái nghề này có thể kiếm được tiền triệu trong một ngày hoặc thậm chí chỉ trong một canh hầu... chứ không phải học vì mục đích bảo tồn giá trị nghệ thuật, giá trị văn hóa.

[3] Theo các nghệ nhân: Đinh Phan Huấn, Đinh Thơm, Quang Toái, Văn Viện, Văn Huống ở Phủ Giầy nói riêng, Nam Định nói chung thường sử dụng 3 làn điệu chính là: Dọc, Cờn, Xá.

[4] Thông tin này do GS. TSKH Tô Ngọc Thanh cung cấp trong một buổi nói chuyện chuyên đề "Âm nhạc cổ truyền Việt Nam".