Nội san

Nâng cao tính tích cực của sinh viên trong dạy học Âm nhạc thông qua hoạt động học nhóm tại Trường Đại học An Giang

21 Tháng Sáu 2014

Nguyễn Quốc Bình

 

Học tập theo nhóm là một trong những nguyên tắc dạy học phát huy tính tích cực của người học được nhiều nhà nghiên cứu tìm hiểu, kế thừa và phát huy trong dạy học ngày nay. Theo tác giả Trần Văn Ba: “Học tập theo nhóm là một phương pháp học tập trong đó các thành viên cùng phối hợp chặt chẽ với nhau để giải quyết một vấn đề học tập cụ thể nhằm hướng đến một mục tiêu chung; sản phẩm của nhóm là sản phẩm của trí tuệ tập thể” [1, tr.9.].

 

 

Qua quá trình học tập, nghiên cứu chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc tại Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương, chúng tôi được học nhiều phương pháp hiện đại. Trong đó, phương pháp học tập theo nhóm tuy không mới nhưng rất có hiệu quả trong việc phát quy tính tích cực của người học, mang lại hiệu quả học tập cao. Do đó, chúng tôi kế thừa và phát quy phương pháp này nhằm cải tiến phương pháp học nhóm môn Âm nhạc tại Trường Đại học An Giang (ĐHAG)

Có hai hình thức học nhóm: Học nhóm trong giờ lên lớp là hình thức tổ chức nhóm tạm thời để hợp tác thực hiện một hoặc vài nhiệm vụ học tập được giao, đồng thời nhóm học sẽ giải tán khi giờ học kết thúc. Học nhóm ngoài giờ lên lớp, hình thức tổ chức nhóm này cũng được hình thành trên cơ sở hợp tác thực hiện nhiệm vụ học tập nhưng bền vững hơn nhóm trong giờ lên lớp, có thể kéo dài trong vài ngày, một học kỳ hay trong suốt quá trình học tập tại trường. Nhóm học ngoài giờ lên lớp thường được giao những nhiệm vụ học tập tương đối lớn, có thể là bài tập lớn, tiểu luận, đồ án hay những sản phẩm cụ thể mà quá trình thực hiện cần đầu tư nhiều thời gian và công sức.

Nghiên cứu về vai trò của việc học nhóm, có lẽ nhiều sinh viên đều nhận thức được rằng, học nhóm giúp người học tăng khả năng hòa nhập, khả năng phản biện, đồng thời tạo cơ hội để rèn luyện kỹ năng thuyết trình, giao tiếp, tổ chức,…

Nhận thức được vai trò của việc học nhóm, Trong những năm gần đây, Trường ĐHAG đã áp dụng hình thức học nhóm trong nhiều môn học khác nhau, trong đó có các học phần âm nhạc. Tuy nhiên, bên cạnh vẫn còn không ít những khó khăn cần khắc phục về phương pháp học nhóm. Qua khảo sát ý kiến của sinh viên (SV) ngành Giáo dục Tiểu học (GDTH), kết quả thu được như sau:

Về mặt nhận thức của việc học nhóm đối với các môn Âm nhạc: Trong số 120 sinh viên được khảo sát bằng bảng hỏi, kết quả có 74.2% ý kiến cho rằng việc học nhóm đóng vai trò quan trọng và rất cần thiết; 25.8 % ý kiến cho rằng việc học nhóm chiếm vai trò thứ yếu, chỉ học nhóm theo yêu cầu của giảng viên; không có ý kiến nào cho rằng việc học nhóm không quan trọng và không cần thiết phải tiến hành.

Về mức độ tham gia học nhóm: Có 15.8% sinh viên thường xuyên học nhóm; 84.2% sinh viên chỉ học nhóm theo yêu cầu của giảng viên (GV); không có sinh viên nào không tham gia học nhóm trong suốt quá trình học tập. Về các hoạt động học nhóm: Có 55.8% sinh viên chuẩn bị chu đáo cả tài liệu, nội dung và phương tiện phục vụ cho buổi học nhóm; 44.2% sinh viên chỉ mang theo giáo trình khi học nhóm và không có sinh viên nào không chuẩn bị gì cho buổi học nhóm.

Từ kết quả khảo sát trên, có thể thấy phần lớn sinh viên ngành GDTH nhận thức sự cần thiết của việc học nhóm và chuẩn bị chu đáo những tài liệu cần thiết cho buổi học nhóm. Tuy nhiên, việc học nhóm của đa số sinh viên không thường xuyên, chỉ tiến hành học nhóm một cách thụ động theo yêu cầu của giảng viên.

 

Ảnh: Nhóm thảo luận lớp Đại học năm thứ 2, ngành Giáo dục Tiểu học

 

Để nâng cao tính tích cực của sinh viên trong việc học nhóm, cần đảm bảo được những yếu tố như sau:

Đối với giảng viên:

Một là, phân chia nhóm làm việc dựa trên năng lực của sinh viên. Đối với môn Âm nhạc, mỗi nhóm được phân chia cần đảm bảo có đủ sinh viên với các mức độ về năng lực: Giỏi, khá, trung bình, yếu để cùng giúp đỡ nhau trong học tập. Các sinh viên học giỏi có thể giúp các bạn yếu trong quá trình làm việc nhóm.

Hai là, tăng cường rèn luyện các kỹ năng học nhóm cho sinh viên. Giảng viên cần chuẩn bị những nội dung, những bài tập những tác phẩm rèn luyện kỹ âm nhạc có độ khó tăng dần để thúc đẩy việc tìm hiểu, thảo luận và làm việc nhóm của sinh viên.

Ba là, tổ chức đa dạng các phương pháp hoạt động nhóm. Đây là cơ hội rất tốt để sinh viên nói lên những suy nghĩ, những hiểu biết, những quan điểm, những cách tiếp cận khác nhau của mình và chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân với sinh viên cả lớp, giúp cho mỗi sinh viên có thể làm sáng rõ nhiều vấn đề, mở rộng tầm hiểu biết và học hỏi được nhiều kinh nghiệm hay.

Bốn là, theo dõi, giám sát quá trình học nhóm. Khi đưa ra yêu cầu làm việc nhóm, giảng viên cần theo dõi, giám sát để phát hiện những sai sót và điều chỉnh kịp thời, đồng thời hỗ trợ sinh viên nếu gặp khó khăn, vướng mắc không giải quyết được trong quá trình làm việc nhóm

Năm là, đánh giá kết quả hoạt động nhóm. Giảng viêncần ghi nhận và biểu dương thành tích của các nhóm hoàn thành tốt công việc và nội dung được giao thông qua cách cho điểm cộng vào điểm học tập hoặc cộng thêm điểm vào ngay trong nội dung làm việc nhóm. Việc làm này nhằm khuyến khích tinh thần học tập của các nhóm đạt thành tích tốt đồng thời tạo động lực để các nhóm còn lại cố gắng trong những nội dung làm việc nhóm tiếp theo. Cuối cùng, giảng viên nêu nội dung các vấn đề, giới thiệu tài liệu và giao công việc cho các nhóm chuẩn bị cho buổi học sau.

Đối với sinh viên:

Thứ nhất là, nâng cao nhận thức học nhóm bằng cách tự trang bị kiến thức, phương pháp và cách thức làm việc nhóm thông qua việc nghiên cứu tài liệu, chuẩn bị đầy đủ nội dung và những tài liệu cần thiết cho buổi học nhóm.

Thứ hai là, tự rèn luyện thói quen học nhóm, tận dụng nhiều thời gian để thường xuyên cùng bạn bè tổ chức nhóm thảo luận những vấn đề học tập, xem học nhóm là một trong những hình thức học tập quan trọng trong suốt quá trình học tập của bản thân.

Thứ ba là, tích cực làm việc nhóm, chủ động liên hệ với bạn học, thành lập nhóm và lên kế hoạch làm việc ngay sau khi giảng viên giao nhiệm vụ. Trong quá trình làm việc nhóm, từng cá nhân phải tích cực luyện tập, thảo luận, trao đổi đóng góp ý kiến để nhanh chóng đưa đến kết quả thống nhất.

Thứ tư là, phát huy vai trò của nhóm trưởng trong học tập. Khi lựa chọn nhóm trưởng cần phải căn cứ vào năng lực thực tế của mỗi người, phù hợp với yêu cầu công việc. Tuy nhiên, các thành viên nên luân phiên nhau nắm giữ vai trò nhóm trưởng, bởi thay đổi nhóm trưởng nghĩa là thay đổi phong cách quản lý nhóm sẽ tạo nên hứng thú mới cho thành viên. Hơn nữa, với sinh viên ngành GDTH, làm nhóm trưởng sẽ là cơ hội cho mỗi sinh viên rèn luyện kỹ năng quản lý lớp học trong tương lai. Công việc nhóm trưởng là cùng các thành viên trong nhóm xây dựng nội quy hoạt động, phương pháp học Nhạc lý phổ thông và Đọc – Ghi nhạc cho nhóm một cách cụ thể, rõ ràng. Nội quy và phương pháp học nhóm phải được cả nhóm nhất trí để mỗi thành viên đều hiểu biết về phương pháp học tập trong nhóm, ý thức được vai trò, quyền hạn và nhiệm vụ của mình. Mỗi sinh viên cần có tinh thần trách nhiệm với công việc của nhóm.

Ngoài ra, nhóm trưởng phải tìm hiểu, biết được năng lực, sở trường của các thành viên để phân công nhiệm vụ phù hợp, lên kế hoạch làm việc cụ thể cho mỗi công việc nhằm định hướng hoạt động đảm bảo sự chủ động cho nhóm và các thành viên trong nhóm; Thường xuyên giám sát các thành viên trong việc thực hiện nhiệm vụ nhóm đã phân công, hỗ trợ các thành viên khi cần thiết;  Đánh giá ý thức tham gia, mức độ hoàn thành công việc của các thành viên và báo cáo kết quả cho giảng viên. Bên cạnh đó, nhóm trưởng cũng là người chịu trách nhiệm liên kết các thành viên trong nhóm, tạo bầu không khí làm việc nhóm đoàn kết, hợp tác, thân thiện.

Tóm lại, học theo nhóm là một hoạt động cần được đẩy mạnh trong quá trình đào tạo đại học theo hướng phát huy tính tích cực của người học hiện nay. Nhà trường, giảng viên và sinh viên cần thực hiện tốt những giải pháp vừa nêu để cải thiện chất lượng học nhóm tại Trường Đại học An Giang, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy nói chung và các học phần âm nhạc nói nói riêng.

                                             Tài liệu tham khảo

1.Trần Văn Ba, “Học tập theo nhóm trong sinh viên khoa Quản lý, Học viện Quản lý giáo dục: thực trạng và giải pháp,Nghiên cứu khoa học.

2.      Phan Trần Bảng (2011), “Phương pháp giảng dạy âm nhạc trong nhà trường phổ thông”, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

Nguyễn Thanh Bình (2008), “Giáo dục Việt Nam trong thời kỳ đổi mới”, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

3.      Đặng Xuân Hải (2011), “Kỹ thuật dạy học trong đào tạo theo học chế tín chỉ”, Nxb Bách khoa, Hà Nội.

4.      Ông Huỳnh Huy Hoàng (2008), “Nhạc lý phổ thông” Tài liệu giảng dạy lưu hành nội bộ Trường Đại học An Giang.