Nội san

Dàn dựng các chương trình Nghệ thuật cho sinh viên

22 Tháng Sáu 2014

                                 Nguyễn Anh Tuấn

 

Nghệ thuật là sự sáng tạo không ngừng của con người để làm nên những sản phẩm, những thành tựu, những giá trị dưới dạng hữu hình và vô hình (vật thể hoặc phi vật thể). Nghệ thuật mang trong mình bản chất về cái đẹp, chứa đựng những giá trị lớn về tư tưởng - thẩm mỹ - quan niệm – tín ngưỡng…mang tính văn hóa. 

Trong đời sống xã hội hiện nay, bên cạnh việc phát triển về kinh tế, xã hội, chính trị của đất nước thì đời sống văn hóa trong các trường đại học cho sinh viên đã được nâng cao rõ nét. Đây cũng chính là tất yếu của xu thế phát triển chung, không phải chỉ được kế thừa từ truyền thống văn hoá vẻ vang của mỗi quốc gia mà sự phát triển nhanh về phương diện văn hoá đã có tính chất toàn cầu, tạo ra những diện mạo văn hoá - xã hội cho mỗi quốc gia, mỗi khu vực, mang đậm dấu ấn của thời đại. Đời sống văn hoá - xã hội phát triển, kéo theo nó là sự nâng cao hơn những nhu cầu thưởng thức, cảm  nhận các mặt văn hoá xã hội nói chung và các chương trình nghệ thuật nói riêng.

Trong đời sống xã hội, có nhiều loại hình nghệ thuật. Các chương trình nghệ thuật cho sinh viên vừa có tính chất tập hợp đông đảo sự tham gia của sinh viên, vừa mang ý nghĩa giáo dục chính trị tư tưởng. Đặc biệt, trong hoạt động giáo dục thể chất, các chương trình nghệ thuật mang một ý nghĩa và tầm quan trọng bởi thông qua đó khẳng định được tầm vóc, quy mô, hình thức của hoạt động, thậm chí còn có sức ảnh hưởng đối với uy tín của đơn vị tổ chức. Chính vì vậy, việc dàn dựng các chương trình nghệ thuật cho sinh viên có ý nghĩa thực tiễn trong các hoạt động của mỗi nhà trường.

 Từ nhận thức như vậy, chúng tôi mong muốn có những đóng góp để nâng cao chất lượng và hiệu quả cũng như giá trị của các chương trình nghệ thuật, như: Hội diễn, hội thi tiếng hát sinh viên, nghiệp vụ sư phạm, lễ kỷ niệm, lễ hội, đại hội... bởi các hoạt động trên cũng là một cách phản ánh chân thực nhất đời sống văn hoá, tinh thần của sinh viên trong các trường cao đẳng - đại học. Mặt khác, các chương trình nghệ thuật cũng đem đến cho xã hội một tiếng nói, một khát vọng, một sự gửi gắm về tư tưởng, tình cảm cũng như tư duy của sinh viên đối với cuộc sống đương đại. Và trên hết, chính các chương trình nghệ thuật phục vụ và chuyển tải nội dung cho các hoạt động chính trị, văn hóa cũng nói lên trình độ nhận thức, diện mạo về trí tuệ và sức cảm thụ của con người trong đời sống văn hoá tinh thần; đồng thời, giúp nâng cao nhân cách, giáo dục chính trị, giáo dục thẩm mỹ, phát triển kỹ năng sáng tạo nghệ thuật cho sinh viên, hướng thế hệ trẻ Việt Nam vào các hoạt động mang tính cộng đồng. Có thể nói, các chương trình nghệ thuật chính là biểu hiện hoàn chỉnh nhất, tiêu biểu nhất của sinh hoạt cộng đồng.

            Tuy nhiên, nhìn vào thực tế hiện nay, qua khảo sát các chương trình nghệ thuật trong các trường đại học, cao đẳng khu vực Hà Nội thì ngoài các trường chuyên như: Học viện Âm nhạc Quốc gia, Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, Đại học Nghệ thuật Quân đội …, các chương trình nghệ thuật ở các trường không chuyên chưa có vai trò nhất định mà ở đây chủ yếu là phục vụ các ngày lễ trong năm và tham gia các chương trình hội diễn, hội thi theo yêu cầu của Bộ, Ban, Ngành; mang tính chất nhất thời, chưa thực sự trở thành một nội dung trong phương pháp giáo dục và phát triển nhân cách toàn diện cho sinh viên.

            Bên cạnh đó, các hoạt động như thể dục thể thao, hội thi của các ngành nghề,... trong quá trình tổ chức thường lồng ghép với các nội dung nghệ thuật. Điều này cho thấy bản thân hoạt động nghệ thuật mang tính xã hội hoá cao. Như trong nội dung hội thi Nghiệp vụ Sư phạm Toàn quốc, ngoài những nội dung thi đấu thể dục thể thao, không thể thiếu hai nội dung quan trọng là phần thi nghiệp vụ sư phạm và phần thi văn nghệ. Muốn làm được điều đó, các nhà tổ chức phải sử dụng các loại hình nghệ thuật như một phương tiện để chuyển tải mọi ý nghĩa của hoạt động; đồng thời cũng để động viên, khích lệ hoặc để khắc hoạ một dấu ấn, một sự kiện.

 

Ảnh: Tiết mục “Rạng rỡ Việt Nam- báo cáo nghiệp vụ công tác Đoàn Đội

Trường Đại học Sư phạm Thể dụcThể thao Hà Nội , tháng 8 năm 2012

 

 

         Các chương trình nghệ thuật chính là hình thức, là cầu nối, là bộ phận trong bản thân hoạt động đó. Vậy nên, muốn chương trình nghệ thuật như hội diễn, hội thi, lễ kỷ niệm, lễ hội có hiệu quả phải có cách thức đánh giá, nghiệm thu nó.

            Trước hết, cần tìm hiểu nghệ thuật là gì?

Cho đến nay, khi bàn về khái niệm nghệ thuật tức là đang bàn về sự đa dạng, phong phú và phức tạp về quan điểm của tất cả các nhà học giả, các nhà nghiên cứu, các hệ thống triết thuyết khác nhau ở tất cả các thời kỳ, các giai đoạn lịch sử và ở mọi không gian khác nhau, mọi góc độ khác nhau khi nhìn vào một hình thái ý thức của xã hội, đó là Nghệ thuật. Tuy nhiên, danh từ Nghệ thuật đang được nhiều sự quan tâm và có thể đưa ra đây những khái niệm có tính chất đồng nhất và tương đối tiệm cận với đời sống, đó là:

Nghệ thuật là sự sáng tạo không ngừng của con người để làm nên những sản phẩm, những thành tựu, những giá trị dưới dạng hữu hình và vô hình (vật thể hoặc phi vật thể). Nghệ thuật mang trong mình bản chất về cái đẹp, chứa đựng những giá trị lớn về tư tưởng - thẩm mỹ - quan niệm - tín ngưỡng… mang tính văn hóa. Nghệ thuật là “cái” mang tác dụng tác động vào môi trường sống của con người, làm nên những rung cảm, tư tưởng, tình cảm cho người thưởng thức. Đồng thời chính những rung cảm, tư tưởng tình cảm của cuộc sống lại là chất liệu để người nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật. Do đó, sức sáng tạo nghệ thuật là không ngừng và nghệ thuật chứa đựng trong mình nhiều thể tài, đề tài và loại hình loại thể khác nhau.

      Một số vấn đề về đạo diễn và dàn dựng chương trình nghệ thuật

Khi bàn về đạo diễn và dàn dựng chương trình nghệ thuật, chúng ta hiểu rằng đó là những chương trình nghệ thuật tổng hợp. Đó là sự liên kết, hợp thành từ những tác phẩm, tiết mục đơn lẻ nằm trong một tổng thể, sắp xếp cố định và chương trình đó đã hàm chứa tính nghệ thuật tổng hợp. Nói cách khác, chương trình nghệ thuật tổng hợp là tập hợp các tác phẩm, tiết mục đơn lẻ của nhiều loại hình nghệ thuật. Song, nó phải tuân theo quy luật cấu trúc và cân bằng sinh thái, tình cảm, tâm lí và thẩm mĩ người xem. Chương trình nghệ thuật tổng hợp phải thực hiện được hai yêu cầu là tính logic nghệ thuật và tính logic khoa học, tính hợp lí, hấp dẫn.

 

Ảnh: Tiết mục biểu diễn trong chương trình nghệ thuật chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội

 do tác giả  biên đạo và dàn dựng

 

Chương trình nghệ thuật tổng hợp rất phong phú, đa dạng, gồm nhiều loại hình, nhiều hình thức, dạng, kiểu kết cấu nghệ thuật, thành tố nghệ thuật. Tùy theo yêu cầu, mục đích, nội dung, tính chất của từng loại chương trình mà lựa chọn các tác phẩm, tiết mục, loại hình cho thích hợp.

      Nghề đạo diễn

Đạo diễn là một môn nghệ thuật, nghề nghệ thuật ở cấp cao, đòi hỏi phải được đào tạo, trang bị kiến thức về nhiều mặt, có tính hệ thống, tính lí luận và năng lực thực hành. Thực chất, nghề đạo diễn là nghề hướng dẫn, truyền đạt cho diễn viên kiến thức về cách thức, các phương pháp thể hiện, trình diễn các tác phẩm nghệ thuật, nghĩa là người đạo diễn phải chỉ ra, phân tích cho diễn viên thấu hiểu nội dung, cấu trúc, tính cách của từng loại tác phẩm; đồng thời, phải gợi ý cho người thực hiện (diễn viên) về tình cảm, kĩ thuật, thủ pháp xử lí tác phẩm mà người diễn viên sẽ trình bày.

Người đạo diễn sự kiện đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo dựng nên những hình ảnh khác biệt, đặc trưng, mang giá trị nội dung và tính thẩm mỹ nghệ thuật cao cho mỗi sự kiện. Có thể nói, thông qua tài năng của người đạo diễn, mỗi sự kiện sẽ trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Công việc của người đạo diễn là dàn dựng. Đó là một trong những thành tố quan trọng hàng đầu của quy trình tổ chức sự kiện..

 

 

      Kỹ năng dàn dựng

Kỹ năng dàn dựng thực chất là năng lực cơ bản của một đạo diễn – người đóng vai trò kết cấu nội dung; vận dụng các đơn nguyên biểu diễn; thị phạm các hình thức diễn xuất;  thêm, bớt về liều lượng các thủ pháp của nghệ thuật và truyền – thổi vào cho diễn viên thực hiện các nhiệm vụ tối cao việc tải chủ đề tư tưởng và thể hiện nội dung trong một chương trình hay một tác phẩm nghệ thuật. Kỹ năng dàn dựng là hệ thống các tổ hợp từ tư duy tới hoạt động một cách thuần thục của một đạo diễn trong quá trình thực hiện chuyên môn và vận dụng nghiệp vụ. Do vậy, vấn đề đặt ra là để có thể trở thành một người có kỹ năng dàn dựng các chương trình nghệ thuật thì phải hội tụ các kỹ năng làm cơ sở, đồng thời cũng là điều kiện cần và đủ như: Kỹ năng nhận thức – nhận diện vấn đề; Kỹ năng tư duy – phân hóa; Kỹ năng nói – truyền đạt; Kỹ năng viết – kết cấu nội dung; Kỹ năng tổ chức – Phân tích, vận dụng, lồng ghép, phối hợp, tạo hiệu ứng; Tổ hợp các kỹ năng chuyên môn về diễn xuất...

 

Ảnh: Tiết mục “Người là Hồ Chí Minh” đạt Huy Chương Bạc tốp ca Nam Liên hoan Tiếng hát Giáo viên toàn quốc lần thứ III ngày 19.4.2011

 

Một số điều cần quan tâm đối với người làm công tác dàn dựng chương trình, biên tập chương trình và biên đạo múa

Trong những năm gần đây, do sự phát triển văn hóa - xã hội ngày càng phong phú và đa dạng, đặc biệt là trong lĩnh vực văn nghệ quần chúng không chuyên, chủ đề “Việt Nam, đất nước, con người” luôn là tư tưởng chủ đạo trong các cuộc thi và hội diễn văn nghệ quần chúng. Đây là một dạng “đề mở,” giúp cho các chương trình văn nghệ quần chúng ngày càng được nâng cao về chất lượng, phong phú về nội dung. Đó cũng chính là “mảnh đất màu mỡ” cho các biên tập chương trình, các biên đạo múa và những người dàn dựng thỏa sức sáng tạo nghệ thuật. Thông thường, người biên tập luôn phải là người dàn dựng, còn biên đạo múa là độc lập. Tuy nhiên, trong trường hợp “khan hiếm nhân tài” của Việt Nam nói chung và các địa phương, trường học nói riêng, dàn dựng chương trình cho đội ngũ không chuyên cần quan tâm tới từng đối tượng liên quan đó là:

Thứ nhất, người biên tập chương trìnhdàn dựng chương trình phải là những người có chuyên môn và yêu cầu phải có “số vốn phong phú” về các bài hát để tránh sự “đụng hàng”, nghĩa là bị trùng tiết mục và thể loại với các đơn vị khác.

Thứ hai, cần nắm bắt và hiểu rõ chủ đề do Ban tổ chức đề ra; từ đó, vận dụng có sáng tạo vào chương trình của đơn vị dự thi.

Thứ ba, người biên tập chương trìnhdàn dựng chương trình phải là người luôn cập nhật, năng động và sáng tạo để luôn đưa những nét “mới” vào chương trình, phải có những yếu tố “bất ngờ và thú vị”, không chỉ cho ban giám khảo mà cho cả người xem.

Thứ tư, người biên tập chương trìnhdàn dựng chương trình tốt nhất nên là “5 trong 1” người với những vai trò: Tư duy kịch bản, biên tập, viết bè bài hát Phối nhạc, dàn dựng phần ca và biên đạo múa. Có như vậy mới bảo đảm tính chặt chẽ về bố cục của chương trình biểu diễn. Trong trường hợp người dàn dựng chương trình không thể đảm nhận một lúc nhiều chức năng như đã nêu trên thì nhất định phải có một ê-kíp dàn dựng chương trình thật ăn ý và phải cùng có tinh thần “vì nghệ thuật”. 

Thứ năm, tránh những mâu thuẫn về chuyên môn, tự ái cá nhân, tự ti hoặc độc tôn (giấu nghề).Trong bất kỳ tình huống nào, người dàn dựng chương trình cũng phải hết sức bình tĩnh để chủ động trong việc xứ lí các tình huống và vấn đề phát sinh trong quá trình tập dượt và biểu diễn; đặc biệt, không được chủ quan khi buổi Tổng duyệt diễn ra trót lọt, không bị sự cố nào (Đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với người dàn dựng chương trình).

Thứ sáu, chọn những bài hát phù hợp với chủ đề cuộc thi hoặc Hội diễn hay một chương trình lễ hội; phải chọn tone (tông) phù hợp cho người hát để tránh tình trạng hát bị quá cao hoặc quá thấp.

Thứ bảy, cần xác định rõ các thể loại đã đăng kí, thí dụ: Ca - Múa thì Ca là chính, Múa chỉ mang tính minh họa, hoặc “Múa - Hát” thì Múa là chính, Ca là phần hỗ trợ để từ đó xác định “mục tiêu đầu tư” cho tiết mục (Trong Thể lệ và Quy chế Hội diễn cần ghi rõ)

Thứ tám, cần chọn bài phù hợp với thể loại (Tốp ca, Hợp ca, Hợp xướng, Ca-Múa, Múa-Hát…); nên khai thác những điểm mạnh của các đơn vị (Ca-Múa) hơn là đầu tư trang phục, đạo cụ và những hình thức khác. Nên dàn dựng thêm bè đối với những tiết mục hát đông người như song ca, tam ca, tốp ca, hợp ca..; tránh sự nhàm chán khi tiết mục đông người mà chỉ hát đồng âm (một bè giai điệu của bài hát).

 

Ảnh: Tiết mục múa "Sắc xuân Tây Bắc" đạt giải A Hội diễn khoa học công nghệ tháng 4 năm 2014 do tác giả  biên đạo và dàn dựng

 

Hoạt động văn hóa nghệ thuật nói chung và tổ chức các chương trình nghệ thuật cho sinh viên các trường cao đẳng – đại học nói riêng thực chất là một phương pháp giáo dục tự thân cho đối tượng. Nếu quá trình đào tạo và giáo dục nhằm tác động đến trí tuệ và nâng cao khả năng tư duy bằng việc tích lũy kiến thức (trong đó có các cấp độ kiến thức như:  Kiến thức đại cương - Kiến thức cơ sở ngành - Kiến thức lý luận ngành - Kiến thức chuyên ngành...) thì các chương trình nghệ thuật được xem là quá trình giáo dục bằng việc tác động vào tâm hồn, tình cảm, xúc cảm để định hướng về phong cách, thế giới quan, nhân sinh quan trong toàn bộ quá trình hình thành nhân cách cho đối tượng. Mặt khác, hoạt động này đã tạo ra một phong trào có tác dụng lan tỏa và cũng là một yếu tố góp phần xây dựng một đời sống tinh thần cho sinh viên, thể hiện chất lượng hoạt động trong một môi trường đặc thù – nhất là đối với một môi trường sư phạm.

Việc phát huy tính tích cực và điều chỉnh những hành vi lệch lạc trong ý thức đạo đức, văn hoá của học sinh, sinh viên có tác dụng vô cùng to lớn trong việc phát triển và sử dụng nguồn lực quý này. Vì thế, giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, giáo dục nhân cách cho học sinh, sinh viên là một nhiệm vụ cần thiết, cấp bách hơn bao giờ hết và cần được toàn xã hội, nhà trường và gia đình quan tâm. Theo đó, vấn đề đặt ra là nhà trường cần thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh trong học sinh, sinh viên theo những tiêu chí phù hợp để học sinh, sinh viên có bản lĩnh văn hoá, chính trị đủ sức tự đề kháng trước những tiêu cực nẩy sinh trong đời sống tinh thần xã hội trước xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.

         Với tính chất đặc thù và chuyên biệt, các chương trình nghệ thuật thực sự là cái nôi nuôi dưỡng những tâm hồn. Và hoạt động văn hóa văn nghệ cũng chính là chiếc chìa khóa để góp phần giáo dục các em về nhân cách, góc nhìn, tạo hành trang cho các em trưởng thành trong tương lai.

 

                                 TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1.      Dương Viết Á, Đức Trịnh (2000), Tổ chức và dàn dựng chương trình biểu diễn ở cơ sở, Nxb Giáo dục.

2.      Lê Tuấn Anh ( 2007), Dàn dựng chương trình tổng hợp, Nxb Giáo dục.

3.      Lê Ngọc Canh (2009), Phương pháp đạo diễn chương trình nghệ thuật tổng hợp, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

4.      Lê Ngọc Canh (2001), 100 điệu múa truyền thống Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin – TT Nghệ thuật múa UNESCO Hà Nội.

5.      Đào Ngọc Dung (1997), Những bài hát tập thể đồng ca, hợp xướng I-II-III, Nxb Trường CĐSP Nhạc họa TW.

6.      Lê Thế Hào, Nguyễn Thiết (1985), Chỉ huy và dàn dựng các tác phẩm âm nhạc, Nxb giáo dục.

7.      Lê Ngọc Khanh (2006),Đạo diễn các chương trình nghệ thuật, Nxb giáo dục.

8.       Lê Ngọc Khanh hay Vũ Tự Lân, Lê Thế Hào (2007) "Phương pháp hát và chỉ huy dàn dựng hát tập thể".

9.      Đoàn Phi (1999), Chỉ huy dàn dựng hát tập thể, Nxb ĐH Sư phạm.

10.  Lê Trọng Quang - Giáo trình cơ bản và phương pháp múa - Nxb Đại học Sư phạm.