Nội san

Vận dụng phương pháp dạy học theo góc trong giảng dạy môn "Phương pháp dạy học Âm nhạc" tại Trường Đại học An Giang

21 Tháng Sáu 2014

Ông Huỳnh Huy Hoàng

 

Đổi mới phương pháp dạy học là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay của ngành Giáo dục và đào tạo Việt Nam. Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Khóa XI khẳng định: "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc". [2, tr.3]

Qua thời gian học tập và nghiên cứu tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, chúng tôi được tiếp cận với nhiều phương pháp dạy học mới, trong đó phương pháp dạy học theo góc có yếu tố tích cực và phù hợp với hoạt động giảng dạy âm nhạc, có tác dụng kích thích tư duy sáng tạo và tính chủ động, phát huy sự năng động của sinh viên. Để kiểm chứng giá trị thực tiễn của phương pháp, chúng tôi đã tổ chức thực nghiệm: Vận dụng phương pháp dạy học theo góc vào thực tiễn giảng dạy môn Phương pháp dạy học âm nhạc tại Trường Đại học An Giang.

Học theo góc còn được gọi là “ trạm học tập” hay “ trung tâm học tập” là một phương pháp dạy học theo đó học sinh thực hiện các nhiệm vụ khác nhau tại các vị trí cụ thể trong không gian lớp học nhưng cùng hướng tới chiếm lĩnh một nội dung học tập theo các phong cách học khác nhau.
Ví dụ: 4 góc cùng thực hiện một nội dung và mục tiêu học tập nhưng theo các phong cách khác nhau và sử dụng các phương tiện/ đồ dùng học tập khác nhau như: làm thí nghiệm, đọc tài liệu, áp dụng, xem băng, trải nghiệm, áp dụng, quan sát, phân tích. Phương pháp học theo góc cần phối hợp thêm một số phương pháp khác như: Phương pháp thí nghiệm, học tập hợp tác theo nhóm, giải quyết vấn đề, phương pháp trực quan.

   Mục đích thực nghiệm là nhằm đánh giá tính hiệu quả và tính khả thi của phương pháp dạy học theo góc trong giảng dạy môn Phương pháp dạy học âm nhạc; đồng thời, tạo cơ sở khoa học có thể triển khai nhân rộng trong giảng dạy âm nhạc tại Trường Đại học An Giang và làm tiền đề cho việc nghiên cứu, sử dụng các phương pháp dạy học mới, góp phần nâng cao chất lượng dạy học âm nhạc.

Với mục đích nêu trên, chúng tôi bắt đầu tổ chức thực nghiệm với các bước như sau:

Thứ nhất là chọn đối tượng: Bao gồm giảng viên đang giảng dạy và sinh viên đang học tập môn Phương pháp dạy học âm nhạc tại trường Đại học An Giang; sinh viên đại học ngành Giáo dục tiểu học (sinh viên không chuyên âm nhạc): Nhóm thứ nhất 26 sinh viên; nhóm thứ hai 25 sinh viên.

Thứ hai là phạm vi thực nghiệm: Tập trung nghiên cứu tính hiệu quả, tính khả thi của phương pháp dạy học theo góc trong hoạt động dạy và học môn Phương pháp dạy học âm nhạc thông qua nội dung "Phương tiện phục vụ dạy học âm nhạc ở trường tiểu học".

Thứ ba là phương pháp thực nghiệm gồm có phương pháp khảo sát và phỏng vấn lấy ý kiến giảng viên và sinh viên; phương pháp quan sát khi dự giờ tiết dạy thực nghiệm của giảng viên.

Thứ tư là tổ chức thực nghiệm gồm các bước: (1) Trao đổi và chia sẻ với giảng viên về phương pháp dạy học theo góc, cách tổ chức hoạt động ở mỗi góc và di chuyển luân phiên đầy đủ các góc. (2) Chuẩn bị nội dung, phương tiện học tập, chụp ảnh và quay các video clips hướng dẫn cách sử dụng bộ gõ, kèn melodion kết hợp với bài tập đọc nhạc, bài hát. (3) Trong thời gian thực nghiệm, kết hợp dự giờ và chụp ảnh, quay camera các hoạt động giảng dạy và học tập. (4) Sau thực nghiệm, phát và thu phiếu trưng cầu ý kiến sinh viên, đồng thời phỏng vấn giảng viên và sinh viên tham gia thực nghiệm.

 Lớp thực nghiệm được chia thành 4 góc với tên gọi: Phân tích, Quan sát, Trải nghiệm và Áp dụng.

Góc phân tích tham khảo tài liệu Phương pháp dạy học âm nhạc và các tài liệu khác; trình bày và cho biết tác dụng của các phương tiện;

Ảnh: Sinh viên hoạt động tại góc Phân tích

 

Góc quan sát xem từ 5 đến 8 video clips cách sử dụng bộ gõ, kèn melodion; trình bày tư thế biểu diễn;

Ảnh: Sinh viên hoạt động tại góc Quan sát

 

Góc trải nghiệm nghiên cứu từng loại nhạc cụ về chất liệu, hình dáng, kỹ thuật diễn tấu… Luyện tập cách sử dụng trên các loại nhạc cụ thật;

 

Ảnh: Sinh viên hoạt động tại góc Trải nghiệm

 

Góc áp dụng thực hành sử dụng bộ gõ, kèn melodion kết hợp với bài hát, bài tập đọc nhạc (gõ theo nhịp, phách, tiết tấu lời ca, gõ kết hợp).

 

Ảnh: Sinh viên hoạt động tại góc Áp dụng

 

Xử lý kết quả thực nghiệm

Sử dụng phiếu trưng cầu ý kiến: Có 51 sinh viên được thăm dò ý kiến với 10 câu hỏi  thuộc 2 nội dung:

Nội dung 1: Yếu tố tích cực của phương pháp và những lợi ích cho sinh viên (từ câu 1 đến câu 5);

Nội dung 2: Thái độ học tập và tính tích cực, chủ động của sinh viên khi học tập với phương pháp dạy học theo góc (từ câu 6 đến câu 10).

Trực tiếp dự giờ để quan sát và ghi nhận hai tiết dạy kết hợp phỏng vấn giảng viên và sinh viên sau thực nghiệm.

            Kết quả thực nghiệm

Kết quả thu được qua việc thăm dò ý kiến sinh viên được thể hiện qua bảng sau

TT

Nội dung câu hỏi

Không đồng ý

Phân vân

Đồng ý

1

Phương pháp dạy học theo góc phù hợp với nội dung bài học, khả năng học tập của bạn

0

1

50

2

Phương pháp này giúp bạn dễ tiếp thu kiến thức, thực hành kỹ năng âm nhạc

0

1

50

3

Phương pháp này mang lại kết quả đáng kể trong học tập và được liên hệ với thực tiễn dạy học âm nhạc

0

1

50

4

Phương pháp này giúp bạn khám phá, trải nghiệm trong học tập

0

1

50

5

Phương pháp này cần thiết trong hoạt động dạy và học môn Phương pháp dạy học âm nhạc

0

7

44

 

Kết quả và tỷ lệ % Nội dung 1

0

11

244

0%

4,3%

95,7%

6

Bạn rất thích học với phương pháp dạy học theo góc vì nó đáp ứng nhu cầu học tập của bạn

0

11

40

7

Bạn được tham gia đầy đủ ở các góc học tập và tích cực hoạt động nhóm

0

1

50

8

Bạn thực sự hứng thú với phương pháp này

0

5

46

9

Phương tiện, cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu vận dụng phương pháp

0

2

49

10

Bạn sẽ vận dụng phương pháp dạy học theo góc vào giảng dạy âm nhạc ở trường Tiểu học.

0

24

27

 

Kết quả và tỷ lệ % Nội dung 2

0

43

212

0%

16,9%

83,1%

Tổng kết quả và tỷ lệ hai nội dung

0

54

456

0%

10,6%

89,4%

 

 

Điều đáng ghi nhận của giảng viên và sinh viên được thể hiện qua kết quả đánh giá là không thấy lựa chọn nào ở mức độ Không đồng ý . Điều đó cho thấy bước đầu có sự đáp ứng tích cực với phương pháp mới. Mức độ đồng ý về nội dung khảo sát đạt tỷ lệ 89,4% và phân vân chỉ có 10,6%, cho thấy sự hưởng ứng nhiệt tình của sinh viên đối với phương pháp này. Đây là một tín hiệu khả quan cho quá trình nghiên cứu và thực nghiệm bởi tính hiệu quả của phương pháp đã được sinh viên đánh giá khá cao. Chính vì điều đó, phương pháp này đáp ứng nhu cầu học tập của sinh viên.

 

Ảnh: Một tiết dạy thực nghiệm của  giảng viên Bộ môn Âm nhạc Trường Đại học An Giang


 Kết quả sinh viên đánh giá nội dung 1 đạt tỷ lệ 95,7%; nội dung 2 là 83,1% (Bảng 1). Từ kết quả cho thấy phương pháp dạy học theo góc có sự đa dạng hóa các hoạt động học tập và phù hợp với khả năng của sinh viên. Sinh viên được trực tiếp khám phá, trải nghiệm nội dung học tập, qua đó giúp sinh viên tiếp thu kiến thức, kỹ năng một cách chủ động, sáng tạo. Thái độ tích cực học tập của sinh viên được nâng lên rõ rệt thông qua các hoạt động trao đổi, phân tích, phản biện giúp sinh viên hiểu sâu hơn kiến thức, thành thạo kỹ năng. Thành công đạt được ban đầu là sự thích thú của sinh viên trong tiết dạy tăng đáng kể, tạo không khí sôi nổi góp phần kích thích sinh viên tư duy, tham gia xây dựng bài.

Bên cạnh việc tổ chức thực nghiệm, để đánh giá một cách chính xác về phương pháp dạy học theo góc vào thực tiễn giảng dạy môn phương pháp giảng dạy bộ môn Âm nhạc tại trường Đại học An Giang, chúng tôi còn tiến hành phỏng vấn trực tiếp giáo viên giảng dạy môn Âm nhạc và sinh viên Trường Đại học An Giang.

Các ý kiến của giảng viên và sinh viên đều tích cực ủng hộ việc vận dụng phương pháp dạy học theo góc vào giảng dạy môn Phương pháp dạy học âm nhạc. Bên cạnh đó, yếu tố tích cực của phương pháp thể hiện rất rõ qua các ý kiến: Sinh viên được tham gia hoạt động nhiều hơn giảng viên, phát huy tính chủ động, tự giác học tập của sinh viên…, giúp sinh viên nghiên cứu sâu hơn và thu thập được nhiều thông tin qua các hoạt động theo khả năng mỗi sinh viên. Đây là dấu hiệu đáng mừng để tiếp tục triển khai và nhân rộng phương pháp này. Tuy nhiên, để sử dụng phương pháp đạt được hiệu quả, giảng viên cần lưu ý đến trình độ sinh viên, quan trọng là sự lựa chọn nội dung bài học phải thích hợp với ưu điểm của phương pháp.

Qua hai buổi quan sát tại lớp thực nghiệm, chúng tôi ghi nhận tiết dạy có sự hứng thú, nhiệt tình của giảng viên,  giảng viên ý thức hơn trong việc kết hợp linh hoạt các hoạt động dạy học, điều này vốn chưa được sự quan tâm của giảng viên trước đây. Đa số sinh viên hiểu được cấu tạo, tác dụng và sử dụng đúng kỹ thuật phương tiện dạy học qua phần trình bày, nhận xét và thực hành ở mỗi nhóm. Điều này rất có ý nghĩa trong mỗi tiết dạy, góp phần tạo sự hứng thú, hài lòng của sinh viên. Tuy nhiên, hiệu quả tiết dạy sẽ cao hơn nếu giảng viên phối hợp phương pháp linh hoạt hơn và sử dụng thời gian phù hợp cho các hoạt động học tập.

Việc đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy học âm nhạc là nhiệm vụ hàng đầu có ý nghĩa quyết định đến chất lượng đào tạo chung của nhà trường. Qua đánh giá kết quả thực nghiệm, chúng tôi cho rằng việc sử dụng phương pháp dạy học theo góc trong giảng dạy âm nhạc mang đến cho giảng viên và sinh viên một sự thay đổi tích cực trong nhận thức cũng như trong hoạt động dạy và học. Đồng thời, các số liệu khảo sát, phỏng vấn giảng viên và sinh viên cũng xác định được tính hiệu quả của phương pháp. Vì vậy, có thể khẳng định việc vận dụng phương pháp dạy học theo góc trong hoạt động giảng dạy môn Phương pháp dạy học âm nhạc là rất cần thiết, có tính khả thi bởi nó đạt được hiệu quả cao (qua kết quả đánh giá thực nghiệm). Đồng thời, phương pháp này cần được Bộ môn âm nhạc tổ chức triển khai nhân rộng trong giảng dạy âm nhạc nói chung nhằm góp phần đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy học tại Trường Đại học An Giang.

Thực nghiệm này là tiền đề để tiếp tục ứng dụng các phương pháp mới vào hoạt động dạy học âm nhạc, góp phần đạt mục tiêu đề ra của nhà trường.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Ban Tuyên giáo Trung ương (2014), Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI, Tài liệu học tập dành cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở, Nxb Chính trị Quốc gia - sự thật, Hà Nội.

2.      Bộ Giáo dục và Đào tạo (2006), Hướng dẫn thực hiện chương trình các môn học lớp 1, 2, 3, 4, 5, Ban hành kèm theo công văn số 9832/BGD&ĐT-GDTH ngày 01 tháng 9 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (KT.BT Thứ trưởng Đặng Huỳnh Mai).

3.     Đại học An Giang (2013), Chương trình Âm nhạc ngành Giáo dục tiểu học, Niên lịch đào tạo năm học 2013 - 2014.

4.     Hoàng Long (chủ biên) (2007), Âm nhạc và phương pháp dạy học âm nhạc, Tài liệu đào tạo giáo viên tiểu học (trình độ Cao đẳng và Đại học sư phạm), Nxb Giáo dục.

5.     Nguyễn Thị Hải Phượng (2011), Tài liệu bộ môn Phương pháp dạy học âm nhạc, Hệ Đại học Sư phạm Âm nhạc, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.