Nội san

Tổ chức giáo dục dân ca trong các trường mần non thuộc phường Kim Liên- Đống Đa- Hà Nội

25 Tháng Sáu 2014

 

                                                                                                            Phan Nhung

 

            Đất nước ta trải qua một quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước lâu dài. Song song với đó là một chặng đường dài hình thành và phát triển các thể loại âm nhạc Việt Nam. Trong kho tàng ấy, không thể phủ nhận vai trò và tầm quan trọng của thể loại dân ca. Những giai điệu dân gian thân thuộc, gần gũi, miêu tả nội dung hết sức đời thường nhưng thấm đậm tình yêu quê hương, yêu đất nước, con người và tinh thần dân tộc cao cả. Trong 54 dân tộc vùng miền, mỗi dân tộc đều có những bài dân ca riêng làm thành một nền âm nhạc dân gian Việt Nam phong phú, đa dạng.

 Dân ca nói chung đều nói về tình yêu quê hương, làng bản, nói về núi rừng, sông suối, về tình yêu nam nữ, tình đoàn kết cộng đồng, nguyện vọng được sống yên vui, no ấm và những công việc sinh hoạt hàng ngày trên nương rẫy, núi rừng... Giai điệu của các bài dân ca thường mộc mạc, chân thành, giản dị và gần gũi với ngôn ngữ của dân tộc. Dân ca có khả năng tác động mạnh mẽ vào tâm tư, tình cảm của con người, giúp chúng ta phát triển khả năng thẩm mỹ, các phẩm chất tư duy, trí tuệ, thể chất, những tình cảm đạo đức tốt đẹp và quan trọng hơn là hình thành nên ý thức dân tộc, tình yêu tha thiết với đất quê hương, đất nước. Khi trẻ  được nghe, được học hát các bài dân ca, trẻ sẽ hiểu được cái hay, cái đẹp trong dân ca, dần dần hình thành trong trẻ những tình cảm, yêu thích và quý trọng dân ca. Đó cũng là con đường tự nhiên và ngắn nhất nhằm bồi dưỡng thị hiếu và tình cảm thẩm mỹ đúng đắn cho trẻ.

Chính vì vậy, giáo dục âm nhạc truyền thống trong đó có dạy hát dân ca cho học sinh Mầm non là để hình thành cho các em những tình cảm đúng đắn với âm nhạc nói chung, với âm nhạc truyền thống nói riêng và để hình thành nhân cách của con người Việt Nam chân chính.

Âm nhạc tác động tới con người ngay từ khi mới sinh ra trong tiếng hát ầu ơ của mẹ cho đến khi giã từ cuộc đời. Tuy không trực tiếp nuôi dưỡng con người như cơm ăn, nước uống, khí trời, cũng không làm ra của cải vật chất nhưng âm nhạc có sức mạnh làm cho con người nhận thức cuộc sống và thêm yêu cuộc sống. Âm nhạc có tác động giáo dục toàn diện nhân cách trẻ mẫu giáo. Nó là một phương tiện giáo dục thẩm mỹ, đạo đức, trí tuệ, thể chất và tinh thần trong trẻ một cách tự nhiên và hữu hiệu nhất.

Cũng như các trường mầm non lớn trên toàn quốc, các trường Mầm non thuộc phường Kim Liên- Đống Đa- Hà Nội đang thực hiện chương trình giáo dục âm nhạc cho trẻ ở nhiều độ tuổi khác nhau. Mục đích của chương trình giáo dục âm nhạc là: Thông qua hoạt động âm nhạc nghệ thuật ở trường mầm non nhằm giáo dục tình cảm đạo đức, thẩm mĩ đồng thời tạo điều kiện cho trẻ phát huy, góp phần phát triển trí tuệ và thể chất. Vì vậy, việc giảng dạy âm nhạc được tiến hành theo các dạng hoạt động: ca hát vận động theo nhạc, nghe hát và trò chơi âm nhạc. Nhìn chung, các trường mầm non tại phường Kim Liên - quận Đống Đa, -Hà Nội đều có giáo viên chuyên trách và bán chuyên trách như trường Mầm non Kim Liên, Hoa Sữa, Đống Đa.

Đối với bộ môn âm nhạc, các cô được đào tạo tất cả các phân môn về âm nhạc như: Nhạc lý, xướng âm, hòa thanh, nhạc cụ, múa hát… Nhưng những đòi hỏi kiến thức, kĩ năng của các phân môn đó hay việc sáng tác, phối hợp âm những bài hát có sẵn chưa thực hiện được. Khi đánh đàn lấy tiết tấu còn chưa phù hợp. Song điều thuận lợi nhất mang lại thành công cho tiết học là các phương tiện trực quan được thay đổi ở nhiều hình thức khác nhau khiến cho trẻ luôn tò mò, thích thú học tập âm nhạc. Đồ dùng học tập của bộ môn âm nhạc cho các cháu sinh hoạt học tập ở trường được trang bị khá đầy đủ. Về tài liệu sách giáo khoa có các loại sách: Sách học đàn (Suối nhạc 1-5, Organ măng non-Ngô Ngọc Thắng...) sách học hát (Trẻ thơ hát-Hoàng Văn Yến…), các sách nói về trò chơi âm nhạc, phục vụ giáo viên trong việc giảng dạy cho trẻ làm quen với âm nhạc; về phương diện trực quan có: trống, phách, song đoan, đàn organ.

Tuy nhiên, các chương trình vận động cho trẻ mẫu giáo nhỡ trong giáo dục âm nhạc hiện nay còn rất nghèo nàn. Hầu hết các giáo viên đều lựa chọn vỗ tay theo nhịp, hoặc cho học sinh thực hiện các động tác đơn giản, ít mang tính nghệ thuật.

Về giáo dục dân ca cho trẻ mầm non, trong cuốn Trẻ mầm non ca hát của Vụ giáo dục mầm non quy định có 218 bài hát được qui định cho cả dạy hát và nghe hát. Trong đó có 30/218 bài là dân ca, chiếm khoảng 13%.

 

Ảnh: Một tiết dạy hát dân ca ở trường Mầm non ( Nguồn: Sưu tầm)

 

Việc dạy hát dân ca ở trường mầm non thường được các cô giáo thực hiện theo cách truyền khẩu. Giáo viên phân từng đoạn, từng câu rồi dạy từng câu nối tiếp nhau, chưa có sự sáng tạo cao. Những động tác múa, vận động theo nhạc còn nghèo nàn, chưa phong phú. Việc giáo dục dân ca cho trẻ vẫn được chưa được chú trọng, sự chênh lệch về số lượng giữa dân ca và các thể loại khác là quá lớn. Đặc biệt là việc số lượng bài để trẻ học hát quá ít. Kiến thức về dân ca của giáo viên còn hạn chế nên phần giới  thiệu về xuất xứ của bài hát cũng như một số đặc điểm về các dân tộc còn sơ sài qua loa.

Qua nghiên cứu và khảo sát thực tế, chúng tôi đã đưa được ra những giải pháp để khắc phục và nâng cao chất lượng giáo dục dân ca tại các trường mầm non thuộc phường Kim Liên, quận Đống Đa.

Căn cứ theo các tiêu chí độ tuổi, trình độ khó dễ của từng bài, và cơ sở vật chất của các trường, chúng tôi phân chia theo vùng miền và thêm bài hát của dân tộc (dân tộc thiểu số). Tuy nhiên vẫn phát huy tối đa các bài dân ca đã được quy định và bổ sung hệ thống các bài  theo từng nhóm độ tuổi nhở, nhỡ, lớn.

Về cơ bản, dạy hát giúp trẻ hát tự nhiên, chuẩn xác, diễn cảm những bài có nội dung phù hợp với độ tuổi trên cơ sở có cảm xúc và kĩ năng thể hiện. Tuy nhiên, để phát triển kĩ năng hát cần phải chú ý rèn luyện cho trẻ tư thế hát, lấy hơi, tạo âm, nhả chữ, sự chính xác, đồng đều khi hát tập thể, và hướng dẫn cho trẻ các kĩ thuật hát cơ bản  như: tư thế hát, lấy hơi, nhả chữ…

Với giờ dạy nghe nhạc, nghe hát dân ca, giáo viên cần chuẩn bị đầu đĩa để mở nhạc, đàn organ, những dụng cụ, trang phục phù hợp với bài hát và vùng miền các dân tộc. Giáo viên hát thuộc bài hát và nắm được nội dung, tính chất bài hát, nắm được những đặc điểm của vùng miền... Ngoài ra, nên chuẩn bị một số tranh ảnh minh họa để tiết học thêm sinh động. Với mỗi bài dân ca, giáo viên cần chuẩn bị tài liệu liên quan tới nội dung cũng như khái quát sơ lược cho trẻ hiểu vùng miền nơi có bài hát dân ca đó. Tạo cho trẻ sự hững khởi và có nhiều hình ảnh ghi nhớ lâu hơn.

Vận động theo nhạc là hoạt động phối hợp giữa âm nhạc và động tác nhảy múa hoặc sử dụng đồ chơi âm nhạc, gõ đệm theo hát tạo cho trẻ có được sự cảm nhận về nhịp điệu, góp phần tích cực vào việc phát triển trí tuệ và thể chất. Giáo viên cần phân chia các động tác theo từng cấp độ từ dễ đến khó phù hợp với độ tuổi, trình độ của trẻ. Các động tác múa không quá khó nhưng đòi hỏi ở trẻ sự mềm dẻo, khéo léo, linh hoạt và có khả năng diễn xuất, biểu cảm tốt. Trong khi múa trẻ được mặc trang phục phù hợp với nội dung, tính chất âm nhạc. Giáo viên định hướng thẩm mĩ cho trẻ một cách hài hòa và trẻ cũng được thể hiện màu sắc cá nhân. Điều đó giúp dần hình thành nên giáo dục đạo đức và hình thành nhân cách cho trẻ. Khi nghe các bài hát dân ca thường thì trẻ sẽ phải mất thời gian nhất định để định hình và liên hệ các động tác có sẵn và khi đó giáo viên nên giúp trẻ định hình được đường tuyến giai điệu, gợi ý các động tác phù hợp và kết hợp với sự sáng tạo của trẻ.

Nhà trường nên tổ chức các cuộc thi văn nghệ, thi hái hoa dân chủ giữa các khối, các lớp với nhau. Vì vậy, nên đưa các bài hát dân ca vào hoạt động âm nhạc ngoại khóa trong những ngày này, có thể là cơ hội tốt và đem lại hiệu quả thiết thực trong việc phát triển cũng như nâng cao trình độ, chất lượng hát dân ca của các em học sinh. Tuy nhiên, nhà trường cần hết sức chú ý trong việc tổ chức các cuộc thi vì sử dụng không đúng cách cũng sẽ trở nên phản tác dụng. Do đó, khi xây dựng tiết mục văn nghệ, giáo viên cần lên kịch bản cụ thể, chi tiết kể cả việc phối hợp âm thanh, ánh sáng và sử dụng đạo cụ như thế nào cho hợp lí. Có như vậy, các thành viên tham gia mới chủ động và buổi diễn của các bé sẽ thành công và buổi diễn mới có thể đạt kết quả cao. Bên cạnh đó cũng nên tổ chức các hoạt động khác như: giao lưu với nghệ nhân hát dân ca, tham quan dã ngoại các địa phương có truyền thống dân ca…

Ngày nay, đất nước ta đang hòa nhập với sự phát triển của thế giới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta tiếp thu những khoa học kĩ thuật đó phục vụ cho cuộc xây dựng và phát triển, nhưng vẫn luôn luôn bảo vệ và giữ gìn bản sắc dân tộc. Nghị quyết trung ương V của Đảng đã nêu rõ: “Xây dựng nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Vì vậy, chũng ta đã đem đến cho trẻ thơ những nguồn vui trong nghệ thuật dân ca Việt Nam. Hãy tạo mọi điều kiện để những làn điệu dân ca luôn luôn có và hiện hữu trong đời sống của trẻ, dạy trẻ chơi các trò chơi gắn liền với những bài hát dân gian, cho trẻ nghe những bài hát dân ca. Bản thân những bài hát dân ca đã chứa đựng cung bậc thể hiện đặc trưng tình cảm của người Việt Nam với những nội dung sâu đậm về tình yêu thương, lòng hiếu thảo sẽ góp phần quan trọng trong sự phát triển và hình thành nhân cách cho trẻ thơ./.