Nội san

Rèn luyện kỹ năng làm bài tập Lý thuyết âm nhạc cơ bản

26 Tháng Sáu 2014

                                                                                    Hoàng Ngọc Anh Thơ

 

Trong đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp, môn Lý thuyết âm nhạc cơ bản (LTANCB) giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Muốn hiểu ngôn ngữ viết, tối thiểu ta phải biết đánh vần, đọc chữ. Tương tự như vậy, muốn xem một bản nhạc, ít nhất ta cũng phải biết các ký hiệu trong bản nhạc. Môn LTANCB sẽ giúp chúng ta điều đó.

 Âm nhạc là một bộ mộn nghệ thuật dùng âm thanh để diễn đạt tình ý của con người. Nó được chia ra hai loại chính, đó là thanh nhạc và khí nhạc. Thanh nhạc là âm nhạc dựa trên lời ca, nên ý tưởng và tình cảm cụ thể, rõ ràng. Còn khí nhạc là âm nhạc dựa trên âm thanh thuần tuý của các nhạc cụ, nên trừu tượng. Nó gợi ý, gây cảm giác hơn là nói lên một tình cảm nào rõ rệt, cần phải học hỏi nhiều hơn mới lĩnh hội được.
            Nghệ thuật là kết quả hoạt động của con người biết dùng các phương tiện khả giác một cách khéo léo, tài tình, để thông đạt tình ý của mình. Trong âm nhạc, các phương tiện đó là âm thanh.
Do đó, âm nhạc chủ yếu làm cho tai nghe. Muốn thưởng thức âm nhạc, phải nghe thực thụ ,xem bằng mắt thì chưa đủ.

Môn LTANCB giúp người học có chiếc chìa khóa mở cánh cửa để tiếp cận tác phẩm âm nhạc. Từ đó, cùng với kiến thức của các môn học khác mà hiểu được nét đặc trưng hay hình tượng âm nhạc của tác phẩm. Môn học này có mối liên quan chặt chẽ với nhiều môn học khác. Chẳng hạn như khi học môn Ký - Xướng âm, Thanh nhạc, Nhạc cụ, nếu không có kiến thức về LTANCB, người học sẽ không thể biết vị trí các nốt nhạc, tương quan về độ dài, các ký hiệu chỉ cường độ sắc thái, giọng điệu... của bản nhạc và vì thế, không thể học được các môn này. Tương tự như vậy, muốn học được môn Phân tích tác phẩm âm nhạc, Hòa thanh thì ít nhất phải biết thế nào là quãng, hợp âm... Nói một cách ngắn gọn là không có kiến thức của môn LTANCB thì không thể đọc được các ký hiệu ghi trên bản nhạc.

 

Ảnh: Một giờ học Nhạc cụ  của sinh viên ( Nguồn: Sưu tầm)

 

Kỹ năng làm bài tập môn LTANCB là khả năng vận dụng hệ thống các tri thức về lý thuyết để thực hành làm các dạng bài tập của môn LTANCB như bài tập về trường độ, quãng, hợp âm, giọng điệu... Qua đó, sinh viên có thể nắm được các vấn đề lý thuyết một cách chính xác, đầy đủ và sâu sắc hơn.

Kỹ năng làm bài tập LTANCB có nhiều loại như: Bài tập về nhịp, nhóm quãng tám, quãng, hợp âm, điệu thức… Trong điều kiện hạn chế của bài viết, chúng tôi chỉ xin đi vào một vài nội dung ở phần quãng, hợp âm, điệu thức và cũng chỉ đề cập đến những nội dung mà ở đó cần sử dụng những thủ pháp học nhanh và hiệu quả.  

       Thứ nhất là, kỹ năng thành lập hoặc xác định các quãng rộng (quãng 6, quãng 7).

Khi làm bài tập về các quãng rộng như quãng 6, quãng 7, rất cần những thủ pháp đơn giản, khoa học.

            Trong quá trình dạy học và dự giờ của đồng nghiệp, chúng tôi thấy hiện nay giáo viên thường dạy sinh viên thành lập các quãng 6 và quãng 7 theo kiểu đếm xem độ lớn số lượng có bao nhiêu bậc, ghi nhớ độ lớn chất lượng bao nhiêu cung, từ đó tìm ra đáp án. Ví dụ: Thành lập quãng 6 thứ thì sinh viên tìm âm gốc, đếm đủ sáu bậc để ra âm ngọn; sau đó tìm độ lớn chất lượng là 4 cung. Cách này mất nhiều thời gian, không khoa học và phải nhớ rất nhiều công thức (6 thứ = 4 cung; 6 trưởng = 4,5 cung; 6 tăng = 5 cung; 7 trưởng = 5,5 cung ; 7  thứ = 5 cung…). Khi gặp các quãng phức tạp như 6 tăng kép, 7 giảm… thì làm rất chậm và dễ bị sai.

Chúng tôi đã áp dụng biện pháp đảo quãng cho dạng bài tập này và thấy cách làm trở nên đơn giản và rất hiệu quả. Cụ thể, để sinh viên có thể làm được bài tập về quãng 6 và quãng 7, chỉ cần luyện kỹ các quãng 2 và quãng 3.

      Dựa vào khung cấu tạo của 7 âm cơ bản C-D-E-F-G-A-H-C với các khoảng cách một cung và nửa cung để biết các quãng 2 và 3.

Đối với quãng 2: Khoảng cách một cung sẽ cho quãng 2 trưởng, nửa cung cho quãng 2 thứ ; còn đối với quãng 3: Khoảng cách hai cung sẽ cho quãng 3 trưởng, một cung rưỡi cho quãng 3 thứ:

 

 

Ở hai loại quãng 2 và 3 này, sinh viên chỉ cần nhắm mắt cũng hình dung được khung cấu tạo gam C-dur với các khoảng cách cung-cung-nửa cung… và hoàn toàn làm dễ dàng các bài tập về quãng 2 và 3.

Khi nắm được các quãng 2 và quãng 3, chỉ cần áp dụng nguyên tắc đảo quãng: 2 đảo thành 7; 3 đảo thành 6; trưởng đảo thành thứ; tăng đảo thành giảm… và ngược lại, sinh viên có thể thành lập hoặc xác định các quãng 6 và 7 một cách nhanh chóng mà không cần phải nhớ quãng đó có bao nhiêu cung. Với bài tập thành lập quãng 6 thứ như trên thì chỉ cần thành lập quãng 3 trưởng, đảo quãng 3 trưởng đó sẽ được quãng 6 thứ cần tìm. Luyện tập theo hướng này thành thạo, sinh viên nhẩm tính, nhận biết quãng rất nhanh.

Cách làm này khoa học và đạt được kết quả nhanh nhất vì nó tạo ra phản xạ nhanh cho sinh viên trong việc tìm ra các quãng. Hơn nữa, sinh viên không phải nhớ quá nhiều, chỉ cần nhớ những kiến thức đơn giản (khung cấu tạo gam C-dur và nguyên tắc đảo quãng), đầu óc được thanh thản để tiếp thu các kiến thức khác.

            Thứ hai là, kỹ năng làm bài tập thành lập và xác định hợp âm bảy.

            Kỹ năng làm các bài tập về hợp âm ba tương đối dễ dàng và sinh viên có thể thực hiện tốt, song với hợp âm bảy thì đa phần các em không nhớ cấu tạo và thường xác định sai vì hợp âm bảy phức tạp hơn.

            Hợp âm bảy có những dạng sau: Bảy trưởng, bảy trưởng thứ, bảy thứ, bảy giảm thứ (có sách gọi là bảy thứ giảm) và bảy giảm. Trong nhiều sách đã phân tích cấu tạo hợp âm bảy theo các quãng 3 trong hợp âm. Cụ thể: hợp âm bảy trưởng = các quãng 3Trưởng + 3thứ + 3Trưởng (Trưởng được ký hiệu là T; thứ đươc ký hiệu là t); hợp âm bảy trưởng thứ = các quãng 3T+ 3t+3t; bảy thứ = các quãng 3t+ 3T+3t; hợp âm bảy giảm thứ = các quãng 3t+ 3t+3T; hợp âm bảy giảm = các quãng 3t+ 3t+3t. Công thức như thế này rất khó nhớ nên khi phải thành lập hợp âm bảy thì SV thường làm bài sai hoặc mở sách quay cóp.

            Với bài tập hợp âm bảy, cần tìm ra phương án dựa vào tên của hợp âm để xác định. Tên của các hợp âm bảy đều được đặt dựa theo hợp âm ba và quãng 7 ngoài cùng:

Hợp âm bảy trưởng = hợp âm ba trưởng + quãng 7T.

Hợp âm bảy trưởng thứ = hợp âm ba trưởng + quãng 7t.

Hợp âm bảy thứ = hợp âm ba thứ + quãng 7t.

Hợp âm bảy giảm thứ = hợp âm ba giảm + quãng 7t.

Hợp âm bảy giảm = hợp âm ba giảm+ quãng 7giảm. 

Khi xác định hợp âm bảy, chỉ cần xác định được hợp âm ba gì (trưởng hay thứ) và quãng 7 ngoài cùng (thứ hay giảm) rồi ghép tên hợp âm ba với quãng 7. Ví dụ: Hợp âm G-H-D-F có G-H-D là hợp âm ba trưởng, quãng 7 ngoài cùng G-F là quãng 7 thứ; vậy đây là hợp âm bảy trưởng thứ. Hoặc hợp âm H-D-F-As có H-D-F là hợp âm ba giảm, quãng 7 ngoài cùng H-As là quãng 7 giảm, vậy đây là hợp âm bảy giảm.   

            Thứ ba là, kỹ năng làm bài tập xác định giọng.

             Một trong những kỹ năng của bài tập về giọng là phải thuộc bộ dấu hóa. Giáo viên cần hướng dẫn sinh viên làm thế nào để thuộc được bộ dấu hóa của các giọng một cách nhanh nhất. Cần cho sinh viên rút ra nhận xét là trật tự bộ dấu hóa giáng xuất hiện theo trình tự ngược lại dấu thăng (dấu thăng là: fa đô sol rê la mí si; dấu giáng là: si mi là rê sol đô fa), như vậy sẽ dễ thuộc hơn. Cách tốt nhất là học thuộc lòng, từng sinh viên đọc đi đọc lại bộ dấu hóa để  “ngấm”, kiểm tra liên tục hàng ngày thì tất cả đều thuộc. Cách đọc nên có ngữ điệu, tiết tấu như đọc “thơ” của học văn. Sử dụng phương pháp trò chơi để tạo sự sinh động và hấp dẫn cho giờ học, sinh viên  sẽ hứng thú hơn và tiếp thu nhanh hơn.

      Trong các bài tập xác định giọng thì xác định giọng thứ là khó hơn cả. Thông thường, tìm giọng thứ qua giọng trưởng song song. Đây là phương pháp trong các tài liệu đã đề cập và cần luyện tập kỹ lưỡng để sinh viên thành thạo.

Tuy nhiên, phương pháp tìm giọng thứ như trên phải qua khá nhiều bước nên không nhanh, áp dụng vào thực tiễn nhiều khi bị nhầm, đặc biệt với các giọng thứ có nhiều dấu hóa (es-moll, b-moll, dis-moll). Có một phương pháp làm nhanh hơn mà vẫn chính xác, đó là dựa vào các giọng ít dấu hóa dể nhận biết các giọng nhiều dấu hóa. Sinh viên chỉ cần thuộc các giọng từ 0 đến 3 dấu hóa. 

Khi học xong toàn bộ hệ thống các giọng trưởng, thứ, có thể rút ra nhận xét: Giữa các giọng hóa biểu dấu thăng (#) và hóa biểu dấu giáng (b) có âm chủ cách nhau 1/2 cung thì tổng số dấu hóa của hai giọng này luôn luôn là 7. Ví dụ, G-dur có hóa biểu 1 dấu #, Ges-dur có hóa biểu 6 dấu b; D-dur có hóa biểu 2 dấu #, Des-dur có hóa biểu 5 dấu b; d-moll có hóa biểu 1 dấu b, dis-moll có hóa biểu 6 dấu #. Nắm được quy luật về dấu hóa như trên sẽ nhận biết các giọng rất nhanh, cả giọng thứ lẫn giọng trưởng. Khi thấy bản nhạc có 6 dấu b thì suy ra giọng đó có âm chủ cách giọng có hóa biểu 1 dấu # (G-dur hoặc e-moll) 1/2 cung và đó là Ges-dur hoặc es-moll. Nếu bài có 5 dấu # thì giọng đó có âm chủ cách giọng có hóa biểu 2 dấu b (B-dur hoặc g-moll) 1/2 cung, và đó là H-dur hoặc gis-moll.

Từ tên giọng. xác định dấu hóa cũng được thực hiện rất nhanh theo phương pháp này. Ví dụ, muốn tìm hóa biểu của giọng es-moll, ta chỉ cần nhớ giọng e-moll có 1 dấu #, từ đó suy ra giọng es-moll có 6 dấu b.

Tóm lại, làm bài tập LTANCB cũng rất cần đến các phương pháp sao cho khoa học và hiệu quả . Trong quá trình dạy, chúng tôi thấy có rất nhiều kiến thức và kỹ năng làm bài tập LTANCB mà người học phải thuộc, phải ghi nhớ khiến các sinh viên có năng lực trung bình trở xuống cảm thấy nặng nề, vất vả. Vì vậy, khi dạy LTANCB, cần tìm ra các biện pháp, phương pháp như trên sao cho đơn giản và dễ hiểu nhất để sinh viên  làm bài tập có hiệu quả./.

 

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.             Nguyễn Bách (2002), Giúp trí nhớ Lý thuyết âm nhạc, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh.

2.             Đặng Thành Hưng (2002), Dạy học hiện đại: Lý luận – Biện pháp – Kỹ thuật, Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội.

3.             Phạm Tú Hương (2004), Lý thuyết âm nhạc cơ bản, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

4.             Đỗ Hải Lễ (2001), Lý thuyết cơ bản về âm nhạc, Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc Họa Trung ương.

5.             Lưu Xuân Mới (2000), Lý luận dạy học đại học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

6.             Trịnh Hoài Thu (chủ biên, 2014), Giáo trình Lý thuyết âm nhạc cơ bản (hệ Đại học Sư phạm Âm nhạc), Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương.

7.             Thái Duy Tuyên (2008), Phương pháp dạy học truyền thống và đổi mới, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

8.             Robert J. Marzano – Debra J. Pickering – Jane E. Pollock (2012), Các phương pháp dạy học hiệu quả, Nguyễn Hồng Vân dịch, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

9.              V.A. Va-khra-mê-ep (Vũ Tự Lân dịch, 1993), Lý thuyết âm nhạc cơ bản, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.