Nội san

Biện pháp tạo nên tính cụ thể cho bài giảng học phần Nhạc lý sơ giản

26 Tháng Sáu 2014

                                                                                               Nguyễn Thế Phương

 

Âm nhạc là nghệ thuật âm thanh được xếp là loại hình nghệ thuật thời gian. Những dòng âm thanh nối tiếp nhau xuất hiện theo thời gian để biểu hiện tất cả những gì trong cuộc sống nội tâm con người như niềm vui sướng và nỗi đau thương; cuộc đấu tranh sống còn và những tâm tư thầm kín; những khát vọng....và ước mơ xán lạn về hạnh phúc, tương lai.

Âm nhạc trong xã hội ta hiện nay đã có một vị trí quan trọng đáng kể trong nhà trường với tư cách là một môn học nghệ thuật. Đó là một môn nghệ thuật phản ánh hiện thực khách quan bằng những âm thanh hết sức biểu cảm. Cái đẹp trong âm nhạc đã tạo nên những hình tượng có tác động truyền cảm mạnh mẽ làm rung động lòng người, hướng con người tới cái đẹp, cái chân thực, cái nhân văn... Với sức hấp dẫn lôi cuốn kì diệu của nó, hoạt động âm nhạc đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của nhân loại.

Từ những đặc điểm đó của âm nhạc, đòi hỏi việc đào tạo những người làm công tác âm nhạc từ chuyên nghiệp đến không chuyên nghiệp phải có kiến thức, phương pháp và cách tiếp cận thích hợp mới có thể đáp ứng được những yêu cầu của xã hội mới cũng như thể hiện đúng đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong chương trình đào tạo giáo viên Tiểu học tại các trường Cao đẳng đều có môn Nhạc lý sơ giản. Có thể nói với bộ môn âm nhạc dành cho sinh viên chuyên ngành Giáo dục Tiểu học thì phân môn Nhạc lý sơ giản là môn học quan trọng, là cơ sở cho các phân môn sau này của bộ môn âm nhạc. Qua phân môn Nhạc lý sơ giản, sinh viên nắm được các kiến thức âm nhạc cơ bản một cách có hệ thống như: Cao độ, trường độ, nhịp phách, quãng, hợp âm,….làm nền tảng cho việc học các học phần khác. Việc học môn Nhạc lý sơ giản sẽ giúp cho các em có thể học tốt các phân môn Tập đọc nhạc, Học hát hay Nhạc cụ sau này.

Môn Nhạc lý sơ giản chiếm một thời lượng khá ít trong chương trình đào tạo hệ Cao đẳng Sư phạm Giáo dục Tiểu học của Bộ Giáo dục và Đào tạo so với các môn học khác. Chính vì vậy, học Nhạc lý sơ giản không phải học theo một cách tràn lan, nội dung tùy tiện, không theo một trình tự nào . Việc học Nhạc lý sơ giản cần phải đi từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp và nội dung học phải phù hợp với yêu cầu, đối tượng người học. Môn Nhạc lý sơ giản là môn học mang ý nghĩa lý thuyết nhưng bên cạnh đó, cần kết hợp với thực hành rèn luyện khả năng nghe, đọc các yếu tố diễn tả của âm nhạc (nhịp, phách, các kí hiệu âm nhạc, quãng, giọng…).

Trong quá trình đào tạo sinh viên Cao đẳng ngành Sư phạm Giáo dục Tiểu học, nếu như chất lượng giảng dạy môn Nhạc lý sơ giản không tốt hoặc không đạt yêu cầu đề ra thì sẽ có ảnh hưởng xấu đến hầu hết sự tiếp nhận các kiến thức về âm nhạc sau này. Vì thế, nếu như chất lượng đào tạo môn Nhạc lý sơ giản chưa đạt hoặc chưa tốt thì nhất thiết phải tìm cách để nâng cấp nó lên. Giải quyết tốt môn Nhạc lý sẽ là một trong những chìa khóa quan trọng thúc đẩy sự tiến bộ của các môn kiến thức âm nhạc khác.

Với một vị trí đặc biệt quan trọng như vậy, phân môn Nhạc lý sơ giản đòi hỏi người dạy và người học phải có những phương pháp tích cực, linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng cụ thể của người học.

Để nâng cao chất lượng giảng dạy môn Nhạc lý sơ giản tại các trường cao đẳng sư phạm nói nói chung và bộ môn Âm nhạc cho sinh viên Giáo dục Tiểu học, khoa Tiểu học - Mầm non, Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nam nói riêng là một vấn đề đòi hỏi phải có sự kết hợp của nhiều yếu tố như: Đội ngũ giáo viên; Cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ giảng dạy; Chương trình, giáo trình, giáo án; Phương pháp giảng dạy; Nôi dung hình thức thi, kiểm tra, cách đánh giá học lực của sinh viên.

 Việc sử dụng các phương pháp dạy học cần phải đảm bảo các tiêu chí:

Thứ nhất, người học phải là trung tâm của việc dạy và học nhưng không có nghĩa là loại trừ phương pháp truyền thống.

Thứ hai, thu hút hơn nữa sinh viên tham gia học tập, nghiên cứu âm nhạc.

Thứ ba, sử dụng triệt để các phương tiện, đồ dùng dạy học cũng như ứng dụng một cách phù hợp theo sự phát triển của Công nghệ Thông tin và mạng Internet.

 Thứ tư, phải thay đổi, cải tiến các nội dung, phương pháp giảng dạy, mục tiêu, cách xây dựng một giờ giảng, các cách kiểm tra đánh giá... theo lộ trình từng phần, dần dần tiến đến thay đổi một cách toàn diện.

Thứ năm, các bài giảng phải mang tính cụ thể cao, các ví dụ minh họa đưa ra phải sinh động, dễ hiểu.

Dựa trên các tiêu chí trên, khai thác đặc điểm và sử dụng kết hợp một số phương pháp dạy học vào giảng dạy môn Nhạc lý như: Sử dụng phương pháp tự đọc, thảo luận nhóm, thuyết trình và trình diễn; phương pháp diễn giảng kết hợp phương pháp trực quan sinh động; kiểm tra đánh giá kết hợp với phương pháp thuyết trình.

Bên cạnh đó, cần phân bổ, sắp xếp lại thời lượng và tiến trình của môn học để đảm bảo phù hợp với đối tượng là những sinh viên chuyên ngành Sư phạm Giáo dục Tiểu học; đồng thời, bổ sung thêm một số hình thức kiểm tra, đánh giá sau mỗi học trình, học phần.

Việc kết hợp nhiều phương pháp giảng dạy tích cực khác nhau bổ sung và làm thay đổi phương pháp giảng dạy cũ để tìm ra những giải pháp giải quyết các vấn đề tồn tại được nhanh. Theo hình thức trên, các phương pháp tích cực sẽ phát huy được tác dụng của mình để làm giảm các mặt khiếm khuyết của phương pháp thuyết giảng một chiều trước đây.

 

Ảnh: Một tiết học âm nhạc của học sinh Tiểu học ( Nguồn: Sưu tầm)

 

Nếu thực hiện giảm tải về nội dung môn học thì sẽ tăng được thời lượng luyện tập các kỹ năng thực tế ngay tại lớp. Kết hợp môn Nhạc lý với các môn học khác như Xướng âm, Học hát; đưa các bài hát của địa phương vào trong chương trình giảng dạy nhằm giới thiệu tới người học kiến thức về nhạc lý cũng như văn hóa của địa phương như: Đưa thêm dân ca vào chương trình một số làn điệu dân ca, ca khúc viết về quê hương Hà Nam. Hơn thế nữa, nó sẽ giúp cho các em rất nhiều trong việc hoạt động văn hóa nghệ thuật ngoại khóa tại các trường các đơn vị về công tác sau này. Được học chính những làn điệu dân ca của quê hương mình, các em sẽ cảm thấy hưng phấn và dễ học hơn, hứng thú hơn.

Giải pháp cụ thể đối với các làn điệu dân ca, ca khúc về quê hương được lựa chọn như sau: Bài hát phổ biến, được nhiều người yêu thích; Lời ca dễ nhớ, dễ thuộc; Phù hợp tầm cữ giọng của sinh viên; Nội dung hình thức làn điệu dân ca phù hợp với chương trình giảng dạy của phân môn; Phù hợp với lứa tuổi, phát huy được tính sáng tạo của sinh viên;  Đảm bảo tính vừa sức, không quá dễ cũng không quá khó đối với sinh viên.

Ví dụ: Giáo viên có thể sưu tầm các bài hát về kho tàng dân ca Hà Nam để minh họa cho tiết dạy. Thông qua các bài hát, các làn điệu dân ca của quê hương mình để sinh viên thêm yêu quý và tự hào về mảnh đất Hà Nam anh hùng và giàu truyền thống, yêu thương con người, cần cù lao động.

 

 

VD1: Minh họa cho nhịp 2/4, nhịp lấy đà, dấu luyến

 

 

 

VD 2: Minh họa cho đảo phách:

 

 

Như vậy, ngoài việc học lý thuyết các em lại được thực hành trên những bài hát trong chương trình Tiểu học. Việc đưa thêm những bài dân ca địa phương sẽ tạo điều kiện giúp các em hiểu rõ ý nghĩa, kiến thức Nhạc lý; vừa học, vừa được rèn luyện kỹ năng học hát, cảm nhận được tính chất, tác dụng của các kí hiệu, giai điệu của các tác phẩm âm nhạc vừa có thêm một số kiến thức hỗ trợ cho việc giảng dạy sau này.

Với phương pháp mới, các giáo viên cần làm rõ những kiến thức, kí hiệu âm nhạc được dùng trong bài hát nhằm kích thích sinh viên động não và khuyến khích các em cùng bày tỏ ý kiến của mình, tích cực tham gia hoạt động vào tiến trình giảng bài; qua đó, nâng cao tính thực hành cho sinh viên nhằm đạt các mục tiêu giảng dạy bằng những giải pháp mới, tiến đến gần các tiêu chuẩn giảng dạy đại học tiên tiến hiện nay.

Có thể nói, sự thành công của phương pháp giảng dạy còn phải phụ thuộc vào việc chuẩn bị kỹ giáo án, kỹ năng thuyết trình, trình độ kiến thức chuyên ngành sâu của giáo viên đứng lớp. Vai trò của người thầy trong việc thay đổi phương pháp giảng dạy đòi hỏi một nỗ lực cao về nhiều mặt. Giáo viên cũng phải năng động để điều hành các hoạt động bổ trợ, các bài kiểm tra thực tế. Có như vậy mới góp phần vào  công tác nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên tiểu học nói chung và của tỉnh Hà Nam nói riêng.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.       Phan Trần Bảng (2011), “Phương pháp giảng dạy âm nhạc trong nhà trường phổ thông”, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

2.       Nguyễn Thanh Bình (2008), “Giáo dục Việt Nam trong thời kỳ đổi mới”, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

3.       Đào Ngọc Dung (sưu tầm - 1996) (2004), Bài ca đi học, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

4.       Nguyễn Kế Hào (chủ biên) - Nguyễn Quang Uẩn, “Tâm lý học lứa tuổi và tâm lý học sư phạm” (2004), Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội.

5.       Trần Bá Hoành (2010), “Đổi mới phương pháp dạy học, chương trình và sách giáo khoa”, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

6.       Phạm Tú Hương, Đỗ Xuân Tùng, Nguyễn Trọng Ánh (2005), “Giáo trình Lý thuyết Âm nhạc cơ bản dành cho hệ Trung học Âm  nhạc chuyên nghiệp”, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Hà Nội.

7.       Phạm Tú Hương, Đỗ Xuân Tùng, Nguyễn Trọng Ánh (2005), “Giáo trình Lý thuyết Âm nhạc cơ bản”, Bộ Giáo dục và Đào tạo, dự án đào tạo giáo viên Trung học cơ sở, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

8.       Phạm Tú Hương (2010), “Lý thuyết Âm nhạc cơ bản”, (dự án đào tạo giáo viên THCS), Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

9.       Hoàng Long - Hoàng Lân (2005), Phương pháp dạy học âm nhạc, Nxb Đại học sư phạm, Hà Nội

10.   Hoàng Long (2006), “Âm nhạc và phương pháp dạy học âm nhạc ở Tiểu học”, Nxb Giáo dục, Hà Nội.