Nội san

Hợp xướng - Một hình thức âm nhạc nhiều bè

29 Tháng Sáu 2014

                                             Hoàng Thị Cúc

 

Hợp xướng là một loại hình nghệ thuật phổ biến và phổ cập nhất của con người. Về cơ bản, nó xuất hiện và phát triển như một nghệ thuật của những người lao động, nghệ thuật của đông đảo quần chúng. Bởi lẽ nội dung chính chủ yếu của hình thức nghệ thuật nhân dân này là phản ánh chân thực và đa dạng đời sống nhân dân, tư duy, tình cảm, thế giới quan và những lý tưởng của nhân dân.

Vai trò của nghệ thuật hát hợp xướng trong đời sống xã hội được khẳng định không chỉ vì nó có những phương tiện biểu hiện rất mạnh mẽ, có thể đem đến cho người nghe những khoái cảm cực kỳ lớn lao mà hát hợp xướng còn lôi cuốn đông đảo dân chúng giao tiếp và tích cực tham gia sáng tạo nghệ thuật. Hát hợp xướng khiến mọi người dân đoàn kết với nhau hơn, liên kết họ thành một tập thể quần chúng nhân dân để  hướng tới nghệ thuật ca hát, coi đó như là những vũ khí hùng mạnh trong công cuộc đấu tranh giải phóng. V.I. Lê Nin đã viết: “Không có bất kỳ sức ép buộc nào của cảnh sát có thể ngăn trở những bài ca vô sản về sự giải phóng sắp tới của loài người khỏi lao động làm thuê vang lên ở khắp các thành phố lớn trên thế giới, trong tất cả các xưởng thợ, và ngày càng nhiều trong những túp lều của những cố nông”.

Danh từ hợp xướng đã rất quen thuộc với những thính giả, những người yêu nhạc nước ta. Từ cuối những năm 50, ở một số thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng ... đã có phong trào hát đồng ca, hợp xướng trong thanh niên và học sinh rất sôi nổi, tiếp đó hợp xướng trong phong trào ca nhạc quần chúng đã xuất hiện trên sâu khấu trong các hội diễn ca nhạc. Đến những năm 60 đã thành lập nhà hát giao hưởng...Hợp xướng, nhạc vũ kịch Việt Nam, với biên chế hợp xướng 120 người.

Tên gọi thì rất quen thuộc, nhưng chắc rằng nhiều người chưa hiểu rõ hết về hình thức của thể loại âm nhạc này. Hát hợp xướng là gì? Nó có những đặc điểm, hình thức, phương tiện biểu hiện, đội hình của nó thế nào? Đó là một số vấn đề cơ bản mà bài tác giả sẽ đề cập đến trong bài viết này.

Hợp xướng là một loại hình nghệ thuật được trình diễn bằng giọng hát (thanh nhạc) gồm nhiều bè, nhiều giọng (thuật ngữ âm nhạc – Anh (choir); Đức (chor); Pháp (choenr).

Hát hợp xướng là một loại hình diễn tấu tập thể, một nghệ thuật có khả năng liên kết, thống nhất, tình cảm, ý chí và tư tưởng của con người qua một tác phẩm âm nhạc. Với đặc điểm là giọng hát và lời ca, khác với các loại hình khí nhạc, hợp xướng có điều kiện dễ phổ cập và gần gũi với quần chúng.

Với một dàn nhạc, nội dung tư tưởng của một tác phẩm âm nhạc được thể hiện bằng âm thanh của các nhạc cụ trong dàn nhạc như thông qua các nhạc cụ trong các Bộ: Bộ dây - Bộ đồng - Bộ gõ, đan xen, hòa hợp, khi êm ái, thủ thỉ, lúc ào ạt hùng tráng để diễn tả tư tưởng của tác phẩm.

Song với một dàn hợp xướng, nội dung tư tưởng của tác phẩm âm nhạc sẽ được thể hiện bằng âm thanh của giọng người. Nhưng với giọng người, là thứ nhạc cụ bẩm sinh, tiềm tàng trong cơ thể con người có nhiều thuận lợi, dễ sử dụng - dễ truyền cảm. Bên cạnh đó cũng có những hạn chế, âm vực có hạn và điều quan trọng là không phải ai muốn cũng có được.

Hợp xướng: là một danh từ ghép có nghĩa là cùng hát, cùng xướng lên một bài hát, cần phân biệt hợp xướng, hát tập thể và đồng ca. Hát tập thể là một số đông quần chúng tham gia hát (có thể là một trường học, một đoàn thể, một cơ quan, xí nghiệp ...). Đồng ca là một đội hát những bài hát có cùng một bè, có tổ chức (một cách đơn giản) có sự luyện tập nhất định. Hợp xướng là đội hát gồm nhiều giọng, nhiều bè, có tổ chức, có chương trình luyện tập, có chỉ huy, có hoặc không có dàn nhạc đệm. Ta cần hiểu muốn được gọi là hợp xướng thì phải có những tiêu chuẩn, những yêu cầu nhất định về tổ chức, số lượng người, số lượng giọng hát cùng một số yêu cầu về chuyên môn âm nhạc.

Dựa trên âm sắc và tầm cữ giọng, người ta chia giọng hát thành những loại giọng khác nhau.

        Giọng thiếu nhi: Là loại giọng đang phát triển, chưa ổn định không phân biệt giới tính (trai hay gái ).

        Giọng nam: (Nam cao, nam trung, nam trầm)

        Nam cao (tenor): là giọng có nhiều khả năng diễn tả, tính chất linh hoạt sáng sủa, khỏe mạnh làm phong phú màu sắc hòa âm (giọng nam cao cũng chia làm ba loại: Nam cao trữ tình, nam cao hài ước và nam cao kịch tính)

Nam trung (Bryton): màu sắc ấm áp khỏe mạnh, đầy đặn.

Nam Trầm (Basse): tính chất trầm hùng, vững chắc làm nền cho hợp xướng. Ngoài ra có giọng Nam cực trầm ( actavist) rất hiếm.

Giọng nữ: (Nữ cao, nữ trung, nữ trầm).

Nữ cao ( Spranno): tính chất trong sáng, đẹp đẽ, là âm cực cao nhất trong dàn hợp xướng, là bè chính thường đảm nhiệm bè giai điệu.

Nữ trung ( Mezzo sopranno): mang màu sắc êm dịu và hơi tối.

Nữ trầm ( Alto): vang khỏe, trầm hùng, âm sắc ấm áp, duyên dáng, thường đi kèm với bè nữ cao.

Ngoài ra còn có giọng nữ cực trầm (Con tralto) rất hiếm gặp.

Để có thể được gọi là hợp xướng nhất thiết phải có những bè hát khác nhau, ít nhất cũng phải có 4 bè:

Bè nam cao chia ra làm hai loại ( Nam cao 1, Nam cao 2)

Bè nữ cao cũng chia làm hai loại (nữ cao 1 và nữ cao 2) .Sau đó đến bè Nam trung và Nam trầm, Nữ trung và nữ trầm v.v....

Trong hát hợp xướng, giọng nam cao và nữ cao thường đảm nhận phần giai điệu chính, các bè khác đảm nhiệm các bè còn lại, đệm và làm tôn bè giai điệu lên. Nếu tác phẩm hợp xướng ít bè thì nam cao và nữ cao hát giống nhau, nam trầm và nữ trầm hát giống nhau; nếu tác phẩm nhiều bè thì mỗi bè đảm nhiệm từng bè của mình. Khi vào hát thì các bè hòa lại thành một tổng thể nhiều tầng, nhiều lớp giọng, khi kết hợp 4 bè thì âm vực của hợp xướng được mở rộng, mỗi bè đều phát huy được đặc điểm của giọng hát trong âm vực của mình, khi đó hiệu quả của hòa thanh cũng được tăng lên rõ rệt.

Căn cứ trên giọng hát của con người, từ giọng hát ở lứa tuổi thiếu nhi đến giọng hát của người lớn (giọng nam và giọng nữ). Nghệ thuật hợp xướng, hình thành các hình thức:

 

Hợp xướng thiếu nhi: Đặc điểm của giọng trẻ em ở lứa tuổi chưa có giọng chỉ có 2 loại giọng (cao và thấp).

Cả hai loại giọng này mang màu sắc của giọng nữ. Giọng nữ cao trẻ em giống giọng nữ cao (Sopranno), giọng trầm của trẻ em giống giọng nữ trầm (Alto) (kể cả giọng con trai và con gái).

 Hợp xướng nữ: (toàn giọng nữ) cách phân bè như sau: Nữ cao bè 1 và bè 2; Nữ trung bè 3; Nữ trầm bè 4.

 Hợp xướng nam: (toàn giọng nam), cách phân bè như sau: Nam cao bè 1 và bè 2; Nam trung bè 3; Nam trầm bè 4.

Hợp xướng nam, nữ: (gồm cả nam và nữ), cách phân bè như sau: Nữ cao bè 1; Nữ trầm bè 2; Nam cao bè 3; Nam trầm bè 4.

Hợp xướng không có dàn nhạc đệm: là một hình thức hợp xướng khó. Vì vậy, tất cả những diễn viên trong hợp xướng phải được rèn luyện để có trình độ cao mới có thể hát tốt được. Các thành viên trong dàn hợp xướng phải có tai nghe tốt để không hát sai, không hát chênh phô, cao lên hay thấp xuống, mặc dù không có một nhạc cụ hay dàn nhạc nào làm chỗ dựa. Hợp xướng không có dàn nhạc đệm ấy gọi là hợp xướng Aca ppella.

Hợp xướng có dàn nhạc đệm: (đây là hợp xướng có dàn nhạc hoặc một nhạc cụ đệm (Piano). Trong hợp xướng thì hát là chính còn dàn nhạc và nhạc cụ đệm chỉ là phần đóng góp để tăng thêm phần hiệu quả của phần hợp xướng mà thôi.

Để có một giàn hợp xướng khỏe mạnh, đẹp, cần đạt được 3 yếu tố cơ bản đó là sự đồng diễn, sự chuẩn xác và cao độ, sắc thái. Để đáp ứng được ba yếu tố trên, cần phải đạt những yêu cầu sau:

Yêu cầu thứ nhất: Hợp xướng phải có nhiều bè (đủ 4 bè). Ví dụ một dàn hợp xướng hỗn hợp gồm có (nam cao bè 1, nữ trầm bè 2, nam cao bè 3, nữ trầm bè 4)

Yêu cầu thứ hai: Phải hát chuẩn xác về cao độ và âm thanh: Một hợp âm mỗi khi vang lên phải chuẩn xác về cao độ và âm thanh, cân bằng về âm lượng và đồng nhất về âm sắc, các âm thanh và nốt nhạc giữa các giọng phải hòa quyện với nhau, sự đồng đều và chuẩn xác về cao độ là yếu tố đầu tiên tạo nên âm thanh hợp xướng. Trong mỗi bè, dù số lượng lên đến vài chục người nhưng âm thanh phải hòa quyện với nhau như một người, khi hát làm sao trong một bè không có tiếng to quá, bé quá, để người khác nghe không thể phân biệt được tiếng của anh A hay chị B.... Hơn nữa, âm thanh giữa các bè phải cân bằng không được bè nọ át bè kia, tất cả hợp xướng phải tạo thành một âm thanh thống nhất, hài hòa cho dù hát rất khẽ cũng có thể vang lên rất rõ và bay rất xa, hơn hẳn một hợp âm có âm sắc rất to mà không chuẩn xác về cao độ cũng như không có sự đồng nhất về âm sắc.

Yêu cầu thứ ba: Sắc thái chính là sự sống của âm nhạc. Một âm thanh không có màu sắc và sắc thái thì sẽ mất sức truyền cảm, nó chỉ là một âm thanh chết. Hợp xướng mà thiếu mất sắc thái cũng như người máy có khả năng làm việc nhưng rất nhạt nhẽo và vô vị. Trong hát hợp xướng, màu sắc của giọng hát nhẹ nhàng hay mạnh mẽ, ngọt nẩy hay mềm mại, du dương, rõ ràng mạch lạc...Tất cả những biến đổi tế nhị về cường độ và màu sắc của âm thanh chính là sắc thái trong âm nhạc.

 

Ảnh: Liên hoan hợp xướng Những bài ca dâng Đảng - Tiết mục biểu diễn của Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương.

 

Một hợp xướng đúng với tên gọi của nó phải biết hát có sắc thái, có nghĩa phải tuân thủ theo các quy định của tác phẩm, hát đúng các yêu cầu về sắc thái to dần, nhỏ dần được ký hiệu như: mạnh (forte), yếu, nhỏ (piano), từ to tới nhỏ, nhỏ dần (dimimeno), từ nhỏ tới to dần (creseendo). Đây là những yêu cầu cần thiết trên một nốt nhạc, lúc thì to như tiếng sấm, lúc thì nhẹ nhàng như gió thoảng, khi đó mới tạo ra được sự tương phản về màu sắc, âm thanh trong một tác phẩm âm nhạc.

Ba yếu tố (sự đồng diễn, chuẩn sắc cao độ, sắc thái) chúng luôn bổ sung cho nhau, liên kết chặt chẽ với nhau tạo thành âm thanh của hợp xướng, thiếu một trong ba yếu tố trên thì âm thanh sẽ không còn là âm thanh mẫu mực của hợp xướng nữa.

Để đạt được những yêu cầu trên thì những người hát trong hợp xướng cần có những hiểu biết tối thiểu về kỹ thuật thanh nhạc thì mới hát được những âm thanh đẹp đẽ và đều đặn (tròn vành, rõ chữ), có sắc thái to nhỏ, có lúc hát liền giọng (legarto), có lúc lại hát nẩy từng tiếng một (stacato) muốn thế các thành viên trong hợp xướng phải có thời gian luyện tập cùng nhau thì mới trở thành một tập thể thống nhất, hòa hợp thành một dàn hợp xướng. Dù là loại hình hợp xướng nào đi chăng nữa (hợp xướng nam, hợp xướng nữ...) thì vẫn phải đạt 3 yêu cầu cơ bản nói trên.

Chính vì những đặc thù của giọng hát như vậy nên nghệ thuật hợp xướng có những đòi hỏi riêng, đòi hỏi người chỉ huy phải thật am hiểu về nghệ thuật thanh nhạc, giọng hát, lối diễn xuất, từ đó xây dựng lên những tác phẩm hợp xướng đạt kết quả cao với những âm thanh đẹp./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.         P.Trexnacốp (1961), Hợp xướng và chỉ huy hợp xướng (tài liệu dịch).

2.          Kraxhôsêcốp (1969), Những vấn đề về hướng dẫn hợp xướng (tài liệu dịch).

3.         Vũ Tự Lân – Lê Thế Hào (1998), Phương pháp hát và chỉ huy dàn dựng hát tập thể, Nxb Giáo dục.

4.         Nguyễn Minh Cầm (2004), Chỉ huy hợp xướng, Nxb Bộ Văn hoá - Nhạc viện, Hà Nội.

5.         Nguyễn Bách (2010), Nghệ thuật chỉ huy dàn nhạc và hợp xướng, Nxb Trẻ.