Nội san

Đặc điểm âm nhạc của ca khúc mang âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh trong dạy học Thanh nhạc hệ Đại học Sư phạm Âm nhạc Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

31 Tháng Bảy 2014

Nguyễn Thúy Hà

 

Nghĩ về xứ Nghệ là nghĩ tới núi Hồng, sông Lam. Về xứ Nghệ là về với quê hương Ví Dặm, nơi có  những câu dân ca thấm đượm nghĩa tình được đúc kết từ lời ăn tiếng nói mộc mạc, từ cái hay cái đẹp tinh túy trong cuộc sống của người lao động. Dân ca Xứ Nghệ tồn tại như một biểu tượng vững bền trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam- như một con thuyền chở hồn người về neo đậu bến quê ân tình.

Để có thể dạy học thanh nhạc hiệu quả, bên cạnh việc nắm chắc và vững vàng các kỹ thuật cần thiết, cách xử lý tình cảm của tác phẩm thì cả người dạy và người học Thanh nhạc nên hiểu thêm về bài hát như: cấu trúc, giai điệu, tiết tấu, lời ca. Có một số giảng viên quan niệm, dạy thanh nhạc không cần phải hiểu cấu trúc, giai điệu, tiết tấu, đó là công việc của các nhà lý luận, với Thanh nhạc chỉ cần kỹ thuật hát và xử lý tình cảm tốt là được. Chúng tôi cho rằng, muốn xử lý tình cảm tốt thì cần hiểu bài, hiểu đặc điểm âm nhạc. Lẽ dĩ nhiên, dạy và học thanh nhạc không cần phải đi sâu phân tích chi tiết bài hát như các nhà lý luận mà cần nắm một cách khái quát. Nắm được cấu trúc, phân chia đúng câu nhạc, tiết nhạc để phân ngắt hơi thở đúng; hiểu đặc điểm giai điệu, nhất là bài có âm hưởng dân ca hay không để thể hiện tình cảm đúng với bài hát.  

1.      Cấu trúc

          Nhìn chung, ca khúc mang âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh được sáng tác theo phong cách âm nhạc châu Âu kết hợp sử dụng chất liệu dân ca Nghệ Tĩnh. Phong cách châu Âu được thể hiện ở lối cấu trúc, điệu thức, lối tiến hành giai điệu, thể hiện các sắc thái, cường độ (p, mp, mf, f, crescendo, decrescendo, diminuendo…).v.v.

            Chất liệu dân ca Nghệ Tĩnh được thể hiện qua âm hưởng của làn điệu dân ca, điệu thức, cấu trúc, các quãng đặc trưng trong cách phát âm tiếng nói người Nghệ Tĩnh...

 Cấu trúc hai đoạn đơn.

Có thể nói rằng, phần lớn các ca khúc sử dụng chất liệu dân ca Nghệ Tĩnh được viết ở hình thức hai đoạn đơn theo âm nhạc phương Tây. Trong đó, một số bài có sự vận dụng kết hợp cấu trúc của dân ca Nghệ Tĩnh như hai đoạn có mở đầu giống Hát Ví, cấu trúc khổ nhạc giống Hát Dặm

Có thể kể một số bài tiêu biểu ở hình thức hai đoạn đơn như: Giữa mạc tư khoa nghe câu hò ví dặm (Trần Hoàn - Quý Doãn); Miền Trung nhớ Bác, Vầng trăng Ba Đình (Thuận Yến); Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Người đi xây hồ kẻ gỗ (Nguyễn Văn Tý); Ấm tình quê Bác (Văn An); Tình ta biển bạc đồng xanh (Hoàng Sông Hương); Gửi em chiếc nón bài thơ (Nhạc: Lê Việt Hòa, lời thơ: Sơn Tùng); Neo đậu bến quê, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Ca dao em và tôi  (An Thuyên); Bài ca bên cánh võng (Nguyên Nhung); Từ làng Sen (Phạm Tuyên); Sợi nhớ sợi thương (Thúy Bắc

Cấu trúc lớn hơn hai đoạn đơn.

          Ca khúc sử dụng chất liệu dân ca Nghệ Tĩnh có một số ít bài được viết ở hình thức 3 đoạn đơn và hình thức hai phần (trong đó phần 1 là hình thức 1 đoạn đơn, phần 2 cấu trúc 2 đoạn đơn).

 Dạng cấu trúc 3 đoạn đơn tiêu biểu có Tiếng hò trên đất Nghệ An của Tân Huyền. Bài được viết ở dạng 3 đoạn đơn có tái hiện trong âm nhạc phương Tây.

 

 

Dạng cấu trúc 2 phần, tiêu biểu có Người con gái sông La của Doãn Nho. Sở dĩ bài hát này gồm 2 phần là vì phần 1 sử dụng chất liệu của Ví với tính chất chậm rãi, ngâm ngợi tạo sự tương phản với phần 2, còn phần 2 được xây dựng như một ca khúc hoàn chỉnh gồm 2 đoạn đơn với tính chất nhịp nhàng, duyên dáng (chất liệu của dặm) ở đoạn a; mãnh liệt, khí thế ở đoạn b.

2.      Giai điệu

            Nếu như giai điệu của Ví và Dặm Nghệ Tĩnh  âm vực thường chỉ hạn hẹp không quá một quãng 8 thì các ca khúc mang âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh có âm vực rộng hơn, có một số bài âm vực rất rộng như Xa khơi là quãng 13 (d1- h2), đặc biệt bài Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm âm vực rộng tới 2 quãng 8 (g- g2). Với những tầm âm như vậy phải sử dụng kỹ thuật thanh nhạc châu Âu nhuần nhuyễn mới có thể hát tốt. Bài Xa khơi lên cao tới nốt h2 đòi hỏi giọng nữ cao đã được luyện tập kỹ thuật thanh nhạc châu Âu vững vàng mới có thể thực hiện được.

          Giai điệu của các bài mang âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh đa phần đều có tính chất trữ tình song có nhiều màu sắc trữ tình khác nhau:

Trữ tình trong sáng, mượt mà, du dương có các bài như: Bài ca bên cánh võng, Ấm tình quê Bác, Gửi em chiếc nón Bài thơ…

 Trữ tình đằm thắm, ngọt ngào có thể kể tới: Người đi xây hồ kẻ gỗ, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm, Vầng trăng Ba Đình, Neo đậu bến quê, Ca dao em và tôi …

Ví dụ :

NEO ĐẬU BẾN QUÊ (trích)

 

Trữ tình ngợi ca có các bài như: Miền Trung nhớ Bác, Tiếng hò trên đất Nghệ An, Từ làng Sen…

         Ngoài ra có những bài thể hiện nhiều tính chất khác nhau: trữ tình, linh hoạt, mạnh mẽ… như bài Xa khơi, Người con gái sông La…

   Ngay trong các bài hát trữ tình ta thấy, tính trữ tình thường được thể hiện ở đoạn a còn đoạn b lại linh hoạt hoặc rộn ràng. Đây chính là một đặc điểm độc đáo của các ca khúc mang âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh bởi sử dụng chất liệu từ Ví và Dặm của dân ca Nghệ Tĩnh. Có thể nói, rất nhiều bài lấy chất liệu từ Ví và Dặm. Chất trữ tình sâu lắng, man mác, đằm thắm, ngâm ngợi tự do của Ví thường được đưa vào đoạn thứ nhất; sự linh hoạt nhịp nhàng trong tiết tấu có chu kỳ và cấu trúc độc đáo của Dặm thường được đưa vào đoạn thứ hai. Hai tính chất khác biệt ấy tạo nên màu sắc phong phú cho bài hát. Các bài tiêu biểu cho dạng đoạn a là chất liệu Ví, đoạn b là chất liệu Dặm có thể kể Bài ca bên cánh võng (Nguyên Nhung), Người con gái sông La (Doãn Nho), Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác (An Thuyên), Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Ví Dặm (Trần Hoàn), Vầng trăng Ba Đình (Thuận Yến)...

         Ngoài âm hưởng của Ví và Dặm, trong các ca khúc mang âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh còn có chất liệu Hò hoặc sử dụng những nét uốn lượn luyến láy, mang đậm cung quãng, thanh điệu tiếng nói của người Nghệ Tĩnh mà điển hình là các quãng 4 đúng (theo âm nhạc châu Âu là từ bậc V đi lên bậc I, hoặc I xuống V), và quãng 3 thứ (từ bậc I lên bậc III và ngược lại).

            Dưới đây, chúng tôi xin phân tích sơ lược về sử dụng hai chất liệu Ví và Dặm trong các ca khúc mang âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh.

Sử dụng chất liệu Hát Ví

 Như chúng ta đã biết, Ví Nghệ Tĩnh là một làn điệu có tính trữ tình, nhẹ nhàng, đằm thắm. Nhịp độ thường chậm hoặc khoan thai, có thể co giãn, linh động tùy theo cảm xúc. Vì vậy chất liệu của Ví Nghệ Tĩnh thường xuất hiện ở những tác phẩm có tính chất tha thiết, sâu lắng hoặc sử dụng để xây dựng đoạn a hay phần đầu của tác phẩm chậm rãi, dàn trải.

 Các bài có âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh sử dụng chất liệu Ví (ở đoạn đầu) điển hình là các tác phẩm như Xa khơi của Nguyễn Tài Tuệ, Gái sông La của Lê Hàm, Bài ca bên cánh võng của Nguyên Nhung, Người con gái sông La của Doãn Nho...

Chẳng hạn như ca khúc Bài ca bên cánh võng của Nguyên Nhung, từ cách sử dụng điệu thức, tiến hành quãng cho tới tiết tấu tự do ngâm ngợi, đậm chất giai điệu của Ví:

                        BÀI CA BÊN CÁNH VÕNG (Trích đoạn a)

                                                                                            Nhạc và lời: Nguyên Nhung

 

 

 

Ta thấy điệu thức 5 âm tiêu biểu của Ví trong bài là la-đô-rê-mi-sol, trong đó 4 âm được sử dụng chủ yếu là la-đô-rê-mi. Các quãng đặc trưng của Ví là mi-la (4 đúng), la-đô (3 thứ) được sử dụng nhiều nên bài có âm hưởng của Ví rất rõ nét.

Với ca khúc Xa khơi của Nguyễn Tài Tuệ, tác giả không chỉ đạt được ý đồ về nghệ thuật trong việc xây dựng hình tượng mang những tình cảm day dứt, nhớ thương của người con gái khi nghĩ đến người thân ở miền Nam còn đang trong hoàn cảnh bị chia cắt, mà tác phẩm còn đạt được hiệu quả âm nhạc rất đặc sắc qua những âm hưởng của làn điệu Ví Nghệ Tĩnh.

Ngay câu đầu tiên của bài là chất liệu của "Ví phường vải" với giai điệu legato mềm mại, nhịp độ chậm vừa nên giai điệu có tính chất êm ái phù hợp với nội dung của tác phẩm.

Ta thấy, nét giai điệu trên của Xa khơi là sự biến hóa của Ví Phường vải. Cách tiến hành hoàn toàn là những quãng đặc trưng của Ví phường vải từ sử dụng quãng 3 thứ, 4 đúng (chữ nắng luyến một quãng 3 thứ, từ e1 lên g1, chữ tỏa sang chữ chiềuchiều sang nay đều tiến hành các quãng 4 đúng, rất tiêu biểu trong tiếng nói Nghệ Tĩnh), các nốt luyến và láy cũng từ âm hưởng của Ví phường vải.

 Sử dụng chất liệu Hát Dặm

Chất liệu của Ví thường được sử dụng ở đoạn a của bài hát để tạo tính trữ tình ngâm ngợi, còn chất liệu của Dặm thường được sử dụng ở đoạn b, tạo tương phản với a bằng những chất liệu mới có nhịp độ nhanh hơn, linh hoạt hơn. Chất liệu Dặm chủ yếu được biểu lộ qua tiết tấu tạo thành những chu kỳ được dùng để dựng thành những câu nhạc, tiết nhạc có sự phân chia rành mạch. Tuy nhiên, không phải ca khúc mang âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh nào ở thể hai hoặc ba đoạn cũng có đoạn a là chất liệu Ví, đoạn b là chất liệu Dặm. Một số bài có chất liệu Hò, nhiều bài chỉ là cung quãng trong âm điệu tiếng nói Nghệ Tĩnh… Bài Xa khơi có đoạn a là chất liệu Ví nhưng đoạn b chủ yếu là chất liệu Hò và cung quãng tiếng Nghệ Tĩnh.

Do bản thân Dặm Nghệ Tĩnh thực chất có sự hạn chế trong âm điệu như: tầm cữ hẹp, thành phần các âm không nhiều… cho nên khi đưa chất liệu này vào trong các các ca khúc mang tính chuyên nghiệp chúng ta có thể nhận thấy các tác giả chủ yếu sử dụng tiết tấu của Dặm, còn những thành phần khác thì có sự phát triển mang tính giai điệu chứ không mang tính hát nói như Dặm Nghệ Tĩnh.

 

Ví dụ:                       VẦNG TRĂNG BA ĐÌNH (Trích đoạn a)

                                                                                  Nhạc và lời: Thuận Yến

                                                                                                                              

Bên cạnh những bài có đoạn a là chất liệu Ví, đoạn b là chất liệu Dặm thì có một số bài chỉ có đoạn b sử dụng chất liệu Dặm mà đoạn a không có chất liệu Ví. Ví dụ, bài Từ làng Sen của Phạm Tuyên, đoạn a không có âm hưởng của Ví nhưng đoạn b có tiết tấu đặc trưng của Dặm với nhịp 7/8 rất độc đáo.

Nói tóm lại, việc dạy học thanh nhạc muốn đạt được hiệu quả, giảng viên dạy học thanh nhạc  bên cạnh việc nắm chắc và vững vàng các kỹ thuật, cách xử lý tình cảm của tác phẩm thì cả người dạy và người học thanh nhạc cần hiểu thêm về  nội dung, đặc điểm âm nhạc của các bài bài hát như đã trình bày ở trên để việc giảng dạy và học tập các ca khúc mang âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh thuận lợi và đạt được hiệu quả cao. Đó không chỉ là kiến thức về âm nhạc mà còn góp phần vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam./.