Nghiên cứu lý luận

Nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về văn hóa trên địa bàn huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang

02 Tháng Sáu 2016

                                                             Dương Văn Tuấn [*]

 

 

            Chiêm Hóa là một huyện miền núi của tỉnh Tuyên Quang, cách trung tâm tỉnh lỵ 67 km về phía Bắc, có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và an ninh quốc phòng. Thời gian qua, huyện Chiêm Hóa đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong sự phát triển các mặt của đời sống xã hội. Công tác quản lý nhà nước về văn hoá được Đảng bộ, chính quyền và các cơ quan hữu quan của huyện thường xuyên quan tâm và đạt được kết quả nhất định.

            Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vẫn còn không ít những khó khăn, thách thức, thậm chí bộc lộ những hạn chế trong quản lý Nhà nước đối với các hoạt động văn hoá trên địa bàn huyện. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự phát triển không đồng đều, thậm chí trên một phương diện nào đó có sự xuống cấp về văn hoá của một số bộ phận dân cư trên địa bàn huyện, thiết chế văn hóa cơ sở hoạt động kém hiệu quả. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” còn hình thức, chưa đi vào chiều sâu... Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước về văn hóa từ huyện đến cơ sở còn nhiều lúng túng, chưa phân biệt rõ giữa chức năng quản lý nhà nước về văn hóa và tổ chức hoạt động sự nghiệp văn hóa, đội ngũ cán bộ quản lý văn hoá từ huyện đến cơ sở còn thiếu, hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ, quản lý nhà nước...

            Sự phát triển đa dạng của các loại hình văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa văn hóa hiện nay đòi hỏi hoạt động quản lý nhà nước về văn hóa có những yêu cầu mới, phù hợp với sự phát triển chung của xã hội. Trước thực trạng nêu trên, thiết nghĩ, muốn nâng cao chất lượng quản lí Nhà nước về văn hóa trên địa bàn tỉnh cần có các giải pháp hiệu quả.

            Một là, nâng cao nhận thức, năng lực lãnh đạo và quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hoá - thông tin

            Cần làm tốt công tác tuyên truyền, để mọi ng­ười dân nhận thức đúng đắn về quan điểm xây dựng và phát triển văn hoá là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, các cấp, các ngành, các đoàn thể trên địa bàn huyện. Xây dựng kế hoạch, tổ chức các chương trình hoạt động, chăm lo bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sinh hoạt văn hoá của nhân dân trên địa bàn.

            Nâng cao năng lực lãnh đạo, hiệu quả của tổ chức bộ máy, từng bước quy hoạch đào tạo bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn cho đội ngũ cán bộ. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá. Nâng cao trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, tổ chức và nhân dân trong quản lý và phát triển sự nghiệp văn hoá.

            Xây dựng cơ chế trao đổi thông tin hiệu quả, cập nhật và thường xuyên trực tiếp và gián tiếp qua các phương tiện thông tin đại chúng giữa đơn vị quản lý văn hóa với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Cung cấp các văn bản pháp luật và tổ chức các hoạt động tư vấn đầy đủ, kịp thời cho các doanh nghiệp, tạo sự liên hệ chặt chẽ trong tổ chức kết nối mạng lưới các doanh nghiệp dịch vụ văn hoá trong và ngoài địa phương.

            Hai là, Tăng cường nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật cho văn hoá và quản lý văn hoá - thông tin

            Xây dựng quy hoạch phát triển đào tạo nguồn nhân lực ngành văn hoá của huyện trên cơ sở khảo sát thực trạng và dự báo nhu cầu nhân sự, trong đó đưa các chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thành những chỉ tiêu cơ bản trong mục tiêu phát triển. Cần có chiến lược xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng để đội ngũ cán bộ văn hoá và quản lý văn hoá có bản lĩnh chính trị, đạo đức, lành mạnh về lối sống và trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ ngày càng cao, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển văn hoá của tỉnh, cũng như của huyện Chiêm Hóa. Các đơn vị căn cứ điều kiện hoạt động cụ thể xây dựng quy hoạch nguồn cán bộ quản lý và chuyên môn phù hợp. Từng bước cân đối cơ cấu nguồn lực cán bộ về tuổi, giới tính, thành phần dân tộc, địa bàn công tác cấp cơ sở.

            Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho văn hoá và quản lý văn hoá, tăng cường nguồn lực về tài chính cho tất cả các hoạt động văn hoá; cần có những chính sách ưu đãi và khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực văn hoá trên địa bàn huyện, đồng thời thu hút các dự án kinh tế văn hoá nhằm tạo ra các nguồn vốn để có thể tổ chức và quản lý các hoạt động văn hoá, các sự kiện văn hoá trên địa bàn huyện.

            Bên cạnh đó, cần ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho hoạt động văn hoá, thể thao ở cơ sở, đặc biệt cần có chính sách cụ thể để đầu tư toàn phần cho việc xây dựng các thiết chế văn hoá cơ sở ở những xã còn nhiều khó khăn. Hỗ trợ kinh phí đào tạo chuyên môn, kỹ năng tiếp cận công chúng, tạo cơ hội tiếp xúc đầu tư và giúp quảng bá giới thiệu sản phẩm văn hóa của các doanh nghiệp.

            Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của tỉnh bố trí cho các chương trình, mục tiêu, dự án đầu tư phát triển văn hoá, kinh tế, xã hội của địa phương, các dự án về bảo tồn di sản văn hóa, chương trình du lịch để xây dựng cơ sở hạ tầng vật chất và gây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ ở các cụm dân cư khó khăn, các xã có mức hưởng thụ văn hóa thấp.

            Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý cho việc tăng cường và mở rộng xã hội hoá hoạt động văn hoá. Trong đó, chú ý cơ chế chính sách đối với các hoạt động trên lĩnh vực bảo tồn tôn tạo di tích, gìn giữ bản sắc văn hoá truyền thống các dân tộc, các hoạt động văn hoá nghệ thuật quần chúng. Đảm bảo việc sử dụng ngân sách và thực hiện khối lượng công việc được giao đúng tiến độ. Tích cực triển khai hoàn thành các dự án theo nguồn vốn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

            Ba là, Phát huy sức mạnh tổng hợp và công tác xã hội hoá trong sự nghiệp phát triển văn hoá - thông tin

            Phát triển sự nghiệp văn hoá trong giai đoạn hiện nay rất cần phát huy sức mạnh tổng hợp giữa nhà nước và nhân dân với hình thức nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, đây là việc làm cần thiết phù hợp với chủ tr­ương và định h­ướng của Đảng, Nhà nước, và quy luật phát triển của từng lĩnh vực và đáp ứng đòi hỏi của thời kỳ mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất n­ước nhằm thực hiện nhiệm vụ chiến lược trên lĩnh vực văn hoá, xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khoá XIII của Đảng.

            Thực hiện xã hội hoá hoạt động văn hoá nhằm huy động mọi tiềm năng trí tuệ và vật chất của toàn xã hội chăm lo đến hoạt động văn hoá ngày càng cao của nhân dân, đồng thời tạo điều kiện để toàn xã hội, đặc biệt là các đối tượng chính sách, người nghèo được hưởng thụ văn hoá ở mức độ ngày càng cao trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.

            Xã hội hoá hoạt động văn hoá nhằm mở rộng các nguồn đầu t­ư, khai thác các tiềm năng nhân lực, tài chính và sơ sở vật chất trong toàn xã hội, phát huy và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nhân dân để phát triển sự nghiệp văn hoá. Sự phát triển của văn hoá dân tộc trong hàng nghìn năm đã gắn với việc thực hiện quy luật xã hội hoá các hoạt động văn hoá, tr­ước hết là sự tham gia tích cực, chủ động, toàn diện của mọi tầng lớp nhân dân vào toàn bộ quá trình sản xuất, sáng tạo, truyền bá, phổ biến, lưu giữ văn hoá.

            Tiếp tục triển khai nhân rộng các mô hình liên doanh, liên kết giữa các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế với Nhà nước trong các lĩnh vực hoạt động văn hóa - thông tin và bảo tồn di sản văn hóa truyền thống. Thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế tư nhân, hộ gia đình tham gia các hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá, các tổ chức, tư nhân, tập thể các thành phần kinh tế đứng ra thành lập các cơ sở hoạt động văn hoá nghệ thuật, thể thao…

            Đẩy mạnh công tác xã hội hoá hoạt động văn hoá nhằm thu hút mọi lực lượng xã hội, mọi thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân tham gia các hoạt động sáng tạo, cung cấp và phổ biến sản phẩm văn hoá, tạo ra nhiều sản phẩm văn hoá, công trình văn hoá có chất lượng vừa phong phú, đa dạng, hiện đại, vừa giàu bản sắc văn hoá dân tộc nhằm nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân, xoá dần sự chênh lệch về hưởng thụ văn hoá ở các địa phương trên địa bàn huyện. Sự đóng góp nhân lực, vật lực, tài lực của xã hội cho các hoạt động văn hoá ngày càng được tăng cường, góp phần giúp địa phương tăng nhanh mức đầu tư cho các hoạt động văn hoá.

            Tăng cường xã hội hoá hoạt động văn hoá thông tin cơ sở, trong đó tập trung khuyến khích các cá nhân, đơn vị, tổ chức đầu tư cụm kinh tế - văn hoá, cụm văn hoá thông tin, điểm vui chơi cho trẻ em và các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng và loại hình văn nghệ dân gian. Chúng ta có thể thấy, hoạt động xã hội hoá văn hoá là một trong những chủ trương lớn của Đảng, ngành văn hoá tỉnh Tuyên Quang nói chung, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Chiêm Hóa nói riêng đã được tích cực triển khai và đạt hiệu quả cao. Nhờ đó thu hút đ­ược đông đảo lực lượng tham gia, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hoá tinh thần của người dân trên địa bàn huyện.

            Bốn là, Củng cố mạng lư­ới quản lý văn hoá từ huyện đến cơ sở

             Quản lý, giám sát chặt chẽ, thường xuyên các hoạt động kinh doanh, dịch vụ quảng cáo, karaoke, nhà hàng trên địa bàn huyện. Nghiêm cấm mọi hình thức hoạt động karaoke tại vực gần cơ quan, công sở, trường học, bệnh viện... Tăng việc hướng dẫn, kiểm tra, phòng chống, ngăn chặn các hoạt động văn hóa thiếu lành mạnh, độc hại làm mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến đời sống văn hóa của nhân dân. Bên cạnh đó, cần khuyến khích sáng tác, phục dựng các tác phẩm nghệ thuật có chất lượng phục vụ công chúng. 

              Tập trung chỉ đạo điểm về xây dựng mô hình xóm, làng văn hoá điển hình, cơ quan văn hóa, trường học văn hóa để từ đó rút kinh nghiệm, nhân rộng ra các địa phương khác; đẩy mạnh xây dựng nếp sống văn hoá công cộng; sáng tạo các nội dung hoạt động cho nhà văn hóa cộng đồng, câu lạc bộ, cuộc thi, sinh hoạt văn nghệ, thể thao... đảm bảo tạo sức hấp dẫn người dân tham gia; đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn các xóm, làng, tổ dân phố hoàn chỉnh, bổ sung quy ước văn hóa.

              Đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động thư viện thông qua việc vận động thành lập thư viện hoặc phòng đọc sách tư nhân ở cộng đồng dân cư, xây dựng tủ sách, phòng đọc báo, tạp chí ở tất cả các xã trên địa bàn dưới hình thức phối hợp giữa nhà nước và nhân dân, giữa các ngành và địa phương. Bên cạnh đó chú trọng nâng cao chất lượng phong trào văn hóa văn nghệ, tránh tình trạng xây dựng phong trào mang tính hình thức, chạy theo thành tích. Xây dựng các chương trình nghệ thuật biểu diễn ở các nhà văn hóa thôn, xóm và dành kinh phí đầu tư cho các phong trào tại khu vực dân cư gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận và hưởng thụ nghệ thuật.

              Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền cho các phong trào, đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu n­ước và các cuộc vận động ở cơ sở để phổ biến, động viên, khích lệ quần chúng nhân dân hưởng ứng, tích cực tham gia hoạt động văn hóa nghệ thuật, nâng cao chất lư­ợng xây dựng làng văn hoá, khu phố văn hoá, gia đình văn hoá. Tăng cường công tác quản lý văn hoá, nhất là các hoạt động về dịch vụ văn hoá ở cơ sở xã, phường; chăm lo, xây dựng, củng cố kiện toàn và đảm bảo hoạt động có hiệu quả của bộ máy làm công tác văn hoá ở cấp xã.  

            Năm là, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát

            Công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá trên địa bàn huyện cần được đẩy mạnh và tăng cường hơn so với giai đoạn trước. Đội kiểm tra liên ngành tập trung thanh tra, kiểm tra các nhà nghỉ, nhà hàng karaoke, dịch vụ Internet đề đảm bảo môi trường an ninh văn hoá lành mạnh trong sinh hoạt hàng ngày của người dân và trong các đợt diễn ra sự kiện văn hoá, chính trị của địa phương.

            Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và đánh giá trong hoạt động văn hoá và quản lý văn hoá, phối hợp với các cơ quan chức năng trực tiếp chỉ đạo triển khai, tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động về văn hoá trên địa bàn huyện. Phòng Văn hóa và Thông tin huyện phối hợp với các ngành, các cấp và các cán bộ văn hoá xã triển khai các chương trình phát triển và hợp tác cùng phát triển trong các hoạt động văn hoá của địa phương. Tham mưu cho UBND huyện ban hành các chính sách, cơ chế phát triển văn hoá theo đúng chiến lược phát triển và định hướng quy hoạch của huyện.

            Tóm lại, để nâng cao chất lượng quản lí Nhà nước về văn hóa trên địa huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang thì cần phối hợp đồng bộ các giải pháp nêu trên, cần  đổi mới tổ chức, nội dung và cơ chế quản lý kinh tế, hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách được đồng bộ hoá trong quản lý văn hoá và trong đời sống xã hội, tạo ra môi trường vĩ mô thuận lợi để thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển KT - XH. Việc đổi mới đó phải gắn liền với cải cách hành chính để làm tăng hiệu quả quản lý văn hoá, khắc phục tình trạng quan liêu, tăng cường bám sát cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các hoạt động văn hoá trong huyện phát triển đúng định h­ướng chính trị và pháp luật của Đảng và Nhà nước.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1.  Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) (1998), Về xây dựng và phát    

        triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nghị quyết    

        số 03-NQ/TW ngày 16R7/1998.

          2. Nguyễn Khoa Điềm (2001), Xây dựng và phát triển nền văn hoá tiên tiến đậm

                 đà bản sắc dân tộc, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

          4. Uỷ ban nhân dân huyện Chiêm Hóa (2015), Báo cáo tình hình phát triển kinh    

               tế, xã hội giai đoạn 2010-2015.

          5. Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang (2012), Quy hoạch phát triển sự nghiệp văn   

              hoá đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020.     

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k2 – Chuyên ngành Quản lí văn hóa