Nghiên cứu lý luận

Một số biện pháp soạn đệm cho học sinh trung cấp Guitar tại trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Lạng Sơn

10 Tháng Chín 2016

 Nguyễn Văn Năm [*]

 

Soạn đệm và đệm bằng Guitar là một kĩ năng mang tính tổng hợp bởi vì nó cần nền tảng kĩ thuật của nhạc cụ, cần kiến thức của các môn Lý thuyết âm nhạc cơ bản, Hòa âm, Phân tích tác phẩm, Lịch sử âm nhạc... Ngay cả trong lĩnh vực Thanh nhạc, người soạn và đệm đàn cũng cần phải có kiến thức và kĩ năng nhất định về đặc điểm, tầm cữ âm các loại giọng hát, kĩ thuật thanh nhạc...

Trường Sơ cấp Văn hóa Nghệ thuật (VHNT) Lạng Sơn được thành lập ngày 19/12/1985 theo quyết định của UBND tỉnh Lạng Sơn. Trường trực thuộc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Lạng Sơn (nay là sở Văn hóa,Thể Thao và Du lịch). Từ năm 2002 trường chính được nâng cấp thành trường Trung học VHNT Lạng Sơn và đến năm 2008 đổi tên thành Trường Trung cấp VHNT Lạng Sơn. Chức năng, nhiệm vụ chính là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trên các lĩnh vực nghiệp vụ Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch, các lĩnh vực khác theo yêu cầu của ngành, tỉnh. Nhà trường đã vinh dự được Thủ tướng chính phụ tặng Bằng khen năm 2005 và rất nhiều Bằng khen, Giấy khen của Bộ VH,TT&DL, Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh, các Sở, Ngành của Trung ương và địa phương.

Khoa Nghệ thuật Trường Trung cấp VHNT Lạng Sơn được thành lập ngày 23 tháng 3 năm 2004 với chức năng, nhiệm vụ tổ chức thực hiện đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực Văn hoá Nghệ thuật; xây dựng kế hoạch, chương trình giảng dạy các lớp bồi dưỡng, các lớp năng khiếu nghệ thuật; quản lý giáo viên, học sinh thuộc khoa; triển khai thực hiện nghiên cứu khoa học, tham gia hoạt động biểu diễn và các phong trào khác theo kế hoạch của nhà trường. Trong nhiều năm qua, Khoa nghệ thuật đã đào tạo ra rất nhiều lớp học sinh, có những đóng góp đáng kể, chiếm một vị trí quan trọng, nổi bật trong sự phát triển của Trường TC VHNT Lạng Sơn.

Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng, chúng tôi đưa ra một số biện pháp hướng dẫn soạn đệm mang tính chung nhất đối với nhạc cụ Guitar như sau:

1. Vấn đề chọn và đặt hợp âm cho tác phẩm

Khi soạn đệm cho ca khúc, hòa âm là yếu tố đầu tiên phải nói đến. Chúng ta có thể khẳng định rằng, hoà âm có vai trò rất quan trọng trong nghệ thuật âm nhạc nói chung và đối với đệm hát thì hòa âm không thể tách rời. Hoà âm không những tạo màu sắc mà còn làm tăng sự biểu đạt cho giai điệu, làm rõ hình tượng âm nhạc, định hình cấu trúc tác phẩm. Vì thế, hoà âm có ý nghĩa lớn trong việc góp phần vào sự thành công của tác phẩm. Để đặt hoà âm ta cần nắm vững cách sự dụng các hợp âm và một số nguyên tắc trong khi đặt hợp âm.

Chúng ta có thể sử dụng hợp âm cho ca khúc theo phong cách phương Tây như: Sử dụng các hợp âm ba chính; các hợp âm ba phụ và kết hợp đa dạng hợp âm. Đối với một số bài dân ca hoặc ca khúc có mang âm hưởng dân ca, ta có thể sử dụng một số chồng âm có màu sắc phù hợp như sus2, sus4, add...

Một số quy tắc mà chúng ta thường áp dụng cho việc đặt hòa âm đó là: Đặt hợp âm theo ô nhịp, đặt hợp âm trong mối tương quan về chiều ngang, những bài có nhịp độ chậm, dàn trải và ở ô nhịp có các nốt ngân dài, có thể đặt nhiều hơn 1 hợp âm trong một ô nhịp (không phải ô nhịp nào cũng nhiều hợp âm vì còn phụ thuộc vào giai điệu của bài) và ngược lại, bài có nhịp độ nhanh có thể vài ô nhịp sử dụng 1 hợp âm.

2. Vấn đề chon tiết điệu

Tiết điệu là một phần quan trọng mà bất kỳ người đệm đàn cũng cần phải tìm hiểu. Tiết điệu nhiều khi được gọi tắt một cách đơn giản thường dùng đó là điệu, ta thường gọi như: điệu Chachacha, điệu Slow, điệu Valse... Đối với Guitar, người soạn đệm, người đệm cần phải hiểu biết và phân biệt các điệu một cách rõ ràng. Vì rằng tiết điệu phụ thuộc hoàn toàn vào người đệm (chỉ với  một nhạc cụ Guitar), sự linh hoạt, chủ động là yếu tố rất quan trọng trong đệm hát đối với nhạc cụ này.

Loại nhịp là một trong những yếu tố để xác định tiết điệu. Các loại nhịp được hình thành từ trường độ của các nốt nhạc và dấu lặng được phân chia đều đặn trong từng ô nhịp với một đội dài nhất định. Có rất nhiều loại nhịp khác nhau và những tác phẩm là ca khúc thông thường sử dụng là một số loại nhịp đơn, nhịp phức như: 2/4; 3/4; 4/4; 3/8; 6/8; 2/2 đôi khi ca khúc có sử dụng nhịp hỗn hợp 5/4; 7/4... và nhịp biến đổi.

Nhịp độ là sự chuyển động nhanh hay chậm của tác phẩm (chúng ta có thể dựa vào máy đập nhịp để xác định nhịp độ), đây là yếu tố giúp người soạn đệm và đệm đàn có thể xác định rõ tính chất âm nhạc có cảm xúc buồn, vui, mạnh mẽ hay dí dỏm... như vậy nhịp độ là yếu tố có ảnh hưởng rất lớn đến ý tưởng nghệ thuật của tác phẩm và phong cách thể loại âm nhạc.

Tiết tấu là sự tổ chức trường độ của tác phẩm, tiết tấu chủ đạo là một nhóm tiết tấu chính để từ đó được phát triển tiết tấu cho toàn bài. Tiết tấu góp phần vào xây dựng phong cách của tác phẩm. Học sinh cần cần tìm được hình tiết tấu chủ đạo và định hình được các tiết điệu để lựa chon phù hợp.

3. Vấn đề soạn các phần nhạc dạo đầu, dạo giữa, kết thúc và các nét nhạc chen.

Nhạc dạo là các phần âm nhạc ngoài giai điệu chính của tác phẩm do người soạn đệm tạo ra nhằm bổ sung, trang sức một cách đầy đủ, trọn vẹn cho tác phẩm âm nhạc đó. Các phần nhạc dạo gồm có dạo đầu, dạo giữa và nhạc kết.

Phần mở đầu/Dạo đầu (Intro: theo từ điển tiếng Anh có nghĩa là giới thiệu) là phần âm nhạc mở đầu tác phẩm có ý nghĩa rất quan trọng khi soạn đệm. Dạo đầu có nhiệm vụ dẫn dắt cho người hát, giúp người hát lấy được đúng cao độ của giọng, xác định được nhịp điệu, tốc độ nhanh chậm để bắt vào thể hiện ca khúc.  Phần nhạc dạo đầu còn là sự giới thiệu, mở ra không gian âm nhạc của bài hát, tạo cảm hứng và định hướng cho người hát, gợi mở cảm xúc và sự liên tưởng cho người nghe về tác phẩm âm nhạc. Mỗi thể loại ca khúc lại có cách dạo đầu khác nhau, tuy nhiên nó cùng dựa trên các thủ pháp soạn dạo như : phiên khúc, điệp khúc, các nhóm hợp âm mẫu, ý nhạc... và câu dạo có độ dài ngắn khác nhau, thông thường từ 4 đến 12 nhịp. Có thể tìm hiểu một số thủ pháp dạo đầu thường dùng sau đây: Dạo đầu bằng một câu, đoạn nhạc điển hình của bài; dạo đầu bằng câu nhạc, đoạn nhạc của bài có phát triển; dạo đầu bằng hợp âm chủ (T, t); dựa vào vòng hòa âm; mô phỏng sáng tạo trên âm hình chủ đề hoặc nét đặc trưng của ca khúc, được phát triển, nhân lên bằng các thủ pháp; dạo đầu bằng sự kết hợp hợp âm và tiết điệu.

            Dạo giữa (Interlude, theo từ điển tiếng Anh nghĩa là nhạc dạo giữa) là phần âm nhạc giữa hai lần hát có tác dụng cho người hát nghỉ ngơi hoặc thể hiện động tác diễn xuất, dành cho phần múa phụ họa và để nhạc công phô diễn kỹ thuật chơi đàn. Cách soạn phần dạo giữa giống với dạo đầu, có thể tái hiện hoàn toàn câu dạo đầu hoặc mở rộng phát triển. Xét về nhiều mặt, dạo giữa có thể phóng khoáng hơn dạo đầu như mở rộng hơn về cấu trúc (những bài mang phong cách Jazz, Rock), đi xa hơn về mặt điệu thức hoặc đưa ra những chất liệu mới, tư duy âm nhạc mới nhằm tạo điểm nhấn cho phần đệm và tác phẩm. Tuy nhiên dạo giữa không nên quá dài vì sẽ bị mất cân đối của tác phẩm. Một số thủ pháp thông thường được áp dụng như: Sử dụng lại dạo đầu; thay đổi khác với dạo đầu...

Phần kết/Nhạc kết (Ending, theo từ điển tiếng Anh nghĩa là phần cuối, phần kết thúc) là phần âm nhạc kết thúc tác phẩm.

Trong soạn đệm cho ca khúc, phần kết có vai trò quan trọng như dạo đầu và dạo giữa. Phần nhạc kết mang ý nghĩa tổng kết những cảm xúc, những liên tưởng và nhận thức về hình tượng nghệ thuật. Một phần kết thúc ấn tượng, cô đọng, góp phần không nhỏ vào sự thành công của toàn bộ phần biểu diễn tác phẩm. Có rất nhiều cách thực hiện phần nhạc kết như nhắc lại một câu nhạc của bài, sử dụng nét nhạc ngắn (thường là rall, chậm dần rồi dừng hẳn, ngắt (ngắt ngay hoặc có một chút dư âm), nhắc lại dạo đầu (thủ pháp nhắc lại nguyên xi hoặc có thay đổi), tăng hoặc giảm tempo kết hợp với một nét nhạc, to dần hoặc nhỏ dần kết hợp một nét nhạc, sáng tạo một đoạn nhạc mới theo hướng mở. Dưới đây là một số kiểu kết thông dụng: Kết bằng một câu nhạc; kết bằng một vòng hòa âm; kết cùng câu hát.

Kết luận

Ngày nay, Guitar đệm hát đã trở nên phổ biến rộng rãi đóng góp và làm phong phú hơn đối với nghệ thuật âm nhạc. Vấn đề giảng dạy Guitar trong các cơ sở đào tạo âm nhạc cần phải trang bị cho các em học sinh trung cấp những kiến thức cơ bản về đệm và soạn đệm cho ca khúc bằng nhạc cụ Guitar.

Soạn đệm và đệm bằng Guitar là một kĩ năng mang tính tổng hợp bởi vì nó cần nền tảng kĩ thuật của nhạc cụ, cần kiến thức của các môn Lý thuyết âm nhạc cơ bản, Hòa âm, Phân tích tác phẩm, Lịch sử âm nhạc... Ngay cả trong lĩnh vực Thanh nhạc, người soạn và đệm đàn cũng cần phải có kiến thức và kĩ năng nhất định về đặc điểm, tầm cữ âm các loại giọng hát, kĩ thuật thanh nhạc... Trong những trường hợp cần đệm đàn trực tiếp, nhạc công có kiến thức và kinh nghiệm khi nghe giọng hát đã có thể phán đoán tương đối chính xác về loại giọng, tầm cữ giọng, từ đó có những liên hệ cần thiết và chuẩn bị dữ liệu cho phần đệm. Sau khi hình thành kĩ năng đệm đàn, người học nên hướng tới việc kết hợp Guitar với các nhạc cụ khác như Guitar Bass, Trống, Organ, Violin... để đệm cho các tác phẩm. Bên cạnh soạn và đệm cho những ca khúc, người học cũng cần tìm hiểu nghe và tập đệm với các làn điệu dân ca như Quan họ Bắc Ninh, hát Then ...

Như vậy, soạn đệm cho Guitar là cần thiết trong quy trình đào tạo Guitar hiện nay tại cơ sở, việc đệm và soạn đệm giúp cho học sinh phát huy khả năng sáng tạo trong quá trình học tập và rèn luyện. Soạn đệm tạo cho học sinh hệ thống và  tổng hợp kiến thức liên môn, khả năng làm việc độc lập và theo nhóm. Sau khi hoàn thành khóa học tại cơ sở các em có điều kiện và khả năng tìm kiếm việc làm,  tiếp tục học tập nâng cao trình độ của mình ở các bậc Cao đẳng, Đại học tại các trung tâm đào tạo âm nhạc lớn của nước ta.

Các vấn đề nghiên cứu của chúng tôi dựa trên điều kiện thực tiễn tại đơn vị, trong đó có thể tương đồng với một số cơ sở đào tạo khác. Do vậy, rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của các Thầy Cô và đồng nghiệp cho đề tài được hoàn thiện hơn.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Nguyễn Thúy Anh (2010), Giảng dạy Guitar cho lứa tuổi thanh thiếu niên tại Hà Nội, luận văn thạc sĩ nghệ thuật học, Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

2. Thân Trọng Bình (2012), Giáo trình cơ sở hòa âm, Nxb Đại học Huế

3. Nguyễn Thị Hà, Vấn đề giảng dạy các tác phẩm Guitar Việt Nam cho học sinh bậc trung cấp dài hạn, Luận văn thạc sĩ nghệ thuật học, Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

4. Hoàng Hoa (2007), Hòa âm ứng dụng, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

5. Phạm Lê Hòa (2013), Phân tích tác phẩm âm nhạc, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

6. Nguyễn Thị Tố Mai (2013), Lịch sử âm nhạc thế giới (Phần châu Âu), Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

7. Phạm Hồng Phương (2004), Học đệm Ghi-ta qua các ca khúc, Nxb Văn hóa thông tin, Hà nội.

8. Nguyễn Thị Thu Thủy (2015), Nghiên cứu biên soạn tài liệu dạy học đệm trên đàn phím điện tử tại Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Vĩnh Phúc, Luận văn thạc sĩ Lý luận và Phương pháp dạy học âm nhạc khóa 3 Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.

9. Nguyễn Khải (2015), “Một số vấn đề đặt hợp âm cho phần đệm ca khúc”, <http://www.spnttw.edu.vn/Pages/ArticleDetail.aspx?siteid=HYPERLINK "http://www.spnttw.edu.vn/Pages/ArticleDetail.aspx?siteid=1&sitepageid=139&articleid=4216"1HYPERLINK "http://www.spnttw.edu.vn/Pages/ArticleDetail.aspx?siteid=1&sitepageid=139&articleid=4216"&HYPERLINK "http://www.spnttw.edu.vn/Pages/ArticleDetail.aspx?siteid=1&sitepageid=139&articleid=4216"sitepageid=HYPERLINK "http://www.spnttw.edu.vn/Pages/ArticleDetail.aspx?siteid=1&sitepageid=139&articleid=4216"139HYPERLINK "http://www.spnttw.edu.vn/Pages/ArticleDetail.aspx?siteid=1&sitepageid=139&articleid=4216"&HYPERLINK "http://www.spnttw.edu.vn/Pages/ArticleDetail.aspx?siteid=1&sitepageid=139&articleid=4216"articleid=HYPERLINK "http://www.spnttw.edu.vn/Pages/ArticleDetail.aspx?siteid=1&sitepageid=139&articleid=4216"4216>, truy cập 10/4/2016.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k4– Chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học Âm nhạc