Nghiên cứu lý luận

Hát dậm Quyển Sơn – Tiếng lòng của ngàn xưa

10 Tháng Chín 2016

Lương Thị Giang [*]

 

Vùng châu thổ Bắc Bộ là nơi người Việt sáng tạo ra nền văn minh lúa nước, nơi hầu như mỗi làng xã đều có những sinh hoạt ca hát của riêng mình. Những sinh hoạt ca hát này vừa có những nét chung, lại có những nét riêng rất độc đáo. Ở thôn Quyển Sơn, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam có sinh hoạt hát dậm. Từ lịch sử lâu đời nghìn năm đến nay, những điệu hát dậm được các nghệ nhân đem đi giới thiệu tại 16 quốc gia trên thế giới và trở thành di sản văn hóa của nhân loại.

1. Ngược dòng lịch sử

Năm 1069, thái úy Lý Thường Kiệt đem quân đi đánh dẹp giặc phương Nam. Khi đoàn chiến thuyền tiến quân theo sông Đáy đến trại Canh Dịch (nay là thôn Quyển Sơn, xã Thi Sơn, Kim Bảng, Hà Nam) thì bị một trận gió lớn bẻ gãy cột buồm và cuốn luôn lá cờ đại lên đỉnh núi. Thấy điềm lạ, Lý Thường Kiệt bèn cùng tướng lĩnh lên bờ làm lễ tế trời đất cầu mong chiến thắng.

Ông cũng đặt tên ngọn núi là Cuốn Sơn. Lần ra quân ấy, đại quân của Lý Thường Kiệt thắng lớn. Trên đường trở về kinh đô ca khúc khải hoàn, Lý Thường Kiệt đã cho dừng quân hạ trại tại rừng Trúc dưới chân núi Cuốn Sơn khao thưởng ba quân, làm lễ tạ ơn trời đất. Trong lúc cơm no rượu say, tức cảnh sinh tình ông đã sáng tác ra làn điệu hát dậm gồm 30 tiết mục với hơn 1.000 câu thơ.  Những lời hát trong điệu hát dậm được ví như cuốn lịch sử bằng âm nhạc ghi lại những ngày tháng còn sơ khai của hồng hoang lịch sử.

Để tưởng nhớ công ơn của vị tướng văn võ song toàn, nhân dân đã lập đền thờ ông tại rừng Trúc. Trải qua ngàn năm sương gió, ngôi đền vẫn giữ được những nét cổ kính nguyên vẹn với những kiến trúc mang đậm dấu ấn đời Lý. Cũng từ sự thành kính của nhân dân và sự linh thiêng của ngôi đền mà núi Cuốn Sơn còn được gọi là núi Cấm.

Đình Uyển Sơn và đềnTrúc, nơi thờ thần thành hoàng làng và thánh của dân làng chính là vị anh hùng dân tộc lừng danh Lý Thường Kiệt, nằm ở trung tâm làng và núi Cấm thuộc xã Quyển Sơn, huyện Kim Bảng, Tỉnh Hà Nam. Nơi đây, đất cổ, làng cổ, phong cảnh hữu tình nên thơ ngoạn mục, địa hình phong phú đa màu sắc. Chính tại mảnh đất thiêng có huyệt đế vương có cây thi thảo, Lý Thường Kiệt vừa là thần thành hoàng, vừa là thánh của dân làng vì đã có công rất lớn lớn trong cho họ từ thuở ban đầu khai thiên lập địa, và từ ông những làn điệu dân ca hát dậm độc nhất vô nhị Việt Nam đã ra đời để từ đó cho đến nay, trải qua hơn ngàn năm đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể  của Việt Nam và thế giới, là viên ngọc quý long lanh trong kho tàng âm nhạc cổ truyển của dân tộc.

 

Hát Dậm (Nguồn: st)

 

2. Làn điệu đi cùng năm tháng

Trải qua hơn 1000 năm, hát dậm Quyển Sơn đến nay đã sưu tập được  38 làn điệu. Mỗi làn điệu lại có một nội dung và nghệ thuật thể hiện khác nhau như múa chèo, chảy quân, chèo quỳ, múa hương, giáo vọng, quỳ thực quỳ hoa, phong pháo, phong ống... Những bài hát phản ánh không khí đấu tranh một thời hào hùng của dân tộc trong cuộc chiến tranh bình định Chiêm Thành, phản ánh cuộc sống sản xuất nông nghiệp của cư dân Quyển Sơn thời bấy giờ đó là nền sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước, trồng dâu, nuôi tằm. Một nội dung không thể thiếu trong múa hát dậm là tình cảm gia đình và hạnh phúc lứa đôi. Đó là tình yêu thuỷ chung son sắt của người phụ nữ ngóng trông chờ chồng đi đánh giặc, là lời nhờ cậy của người chồng đối với vợ thay mình chăm sóc mẹ già đầy xúc động, là cảnh chia tay bịn rịn người yêu đi lính của chàng trai.

Chính sự phong phú đa dạng này đã tạo nên nét độc đáo quyến rũ của hát dậm. Có vui có buồn, có bi có hùng, có dài có ngắn, có êm xuôi phẳng lặng có gập ghềnh trắc trở, có thực tế có lãng mạn bay bổng hay nội tâm thẳm sâu hun hút, y như hiện thực cuộc sống của con người. Toàn bộ đời sống kinh tế xã hội, tôn giáo của người  dân xưa kia đã được phản ánh đầy đủ và rõ nét trong những làn điệu phiêu linh ấy. Trải qua hơn một ngàn năm đầy sóng gió chông gai thử thách thăng trầm của lịch sử, cho đến ngày hôm nay, những làn điệu hát dậm làm đắm say mê mẩn lòng người, lay động trái tim tâm hồn con người, vẫn ngân lên da diết ma mị tưởng như không bao giờ dứt, như những tiếng lòng của ngàn xưa trôi đến tận bây giờ và mãi về sau.

Hát dậm ngày nay còn thêm những giai điệu ngọt ngào thiên về tình yêu đôi lứa. Đến lễ hội, người ta nghe những câu hát đầy tình ý để thấy lòng mình đầy sự rung cảm, với những ánh mắt, cử chỉ, khóe môi xinh xắn của những nghệ nhân hát dậm: “Đôi ta muốn lấy nhau chơi, nhưng cái duyên không định thì trời không xe. Những nơi tít tắp bờ tre, nhưng cái duyên cứ định, trời xe anh vào. Ba đồng một sợi chỉ đào, áo vóc không vá, vá vào áo tơi...”,  và những lời hát đệm du dương “ô mấy dẫu tình rằng, ô mấy dẫu tình ơi...”.

3. Bài ca của những cô trinh nữ

Hát  dậm lối hát tập thể, đồng ca, tiếp sức nhau hay còn gọi là hát đối, hát kèo đan xen giữa thời gian hát nối là biểu hiện đặc trưng nhất của hát dậm, là hình thức giữ sức – giữ giọng cho người hát dậm  bởi  họ hầu như không được nghỉ trong suốt cả thời gian hát  múa hết 38 làn điệu mỗi đêm  với thời gian là trên dưới 2 tiếng đồng hồ. Hát dậm là tiếng hát dâng lên thần thánh, là tiếng lòng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với vị tướng quân Lý Thường Kiệt  đã được thiêng liêng hóa, nên chỉ được biểu diễn nơi cửa đền đình linh thiêng và có những quy định vô cùng khắt khe nghiêm ngặt đối với những người  thể hiện. Bởi thế, những người có chồng không được tham gia hát dậm.

Phường hát dậm có từ 30 người trở lên. Đứng đầu phường hát là “bà trùm”, vừa cao tuổi, vừa có tài hát, đặc biệt là tài nhớ bài. “bà trùm” thuộc lòng tất cả các làn điệu, trực tiếp điều khiển “con dậm” thực hiện chương trình. Khi diễn xướng, “bà trùm” mặc áo thụng vàng, vấn khăn vàng, đi dép cong, các “con dậm” mặc áo mớ ba nhiễu đỏ trong cùng rồi the xanh, the đen bên ngoài, yếm đỏ, váy lĩnh, khăn đỏ, mũ tiên đính ngọc...

Nhạc cụ có cặp sênh do “bà trùm” sử dụng để gõ nhịp. Một cặp trống con có đường kính 23cm, chiều cao 10cm, tay cầm dài khoảng 20cm, do 2 “con dậm” vừa dùng làm đạo cụ, vừa là nhạc cụ diễn xướng.

Trong những ngày diễn ra lễ hội, trước bàn thờ Thánh khi diễn xướng “bà trùm” mặc áo lụa vàng, đội khăn vàng đứng giữa. Dọc hai bên là mười đến mười hai thiếu nữ xinh tươi, duyên dáng trong tà áo dài trắng, đầu đội khăn vấn màu đỏ, thắt lưng màu đỏ, đứng thẳng hàng quay mặt vào ban thờ và cùng hát xướng. Thông thường trước mỗi làn điệu “bà trùm” bao giờ cũng hát mấy câu dạo đầu theo kiểu lĩnh xướng và làm một số động tác múa mẫu để “con dậm” hát và múa theo. Nhạc cụ của hát dậm khá đơn giản không có đàn, sáo, nhị, trống mà chỉ dùng đôi sênh, một đạo cụ làm bằng gỗ trắc và tre gõ vào nhau, do “bà trùm” gõ nhịp lúc khoan, lúc nhặt, tạo ra nhịp điệu đều đều các cô gái đồng trinh sẽ vừa múa vừa hát theo nhịp gõ. Lời ca trong hát dậm có các thể thơ 4 chữ, 5 chữ, thơ tự do, lục bát, lục bát biến thể, tứ tuyệt. Giai điệu các bài có nội dung cầu chúc thần thánh thì trang nghiêm, thành kính. Những bài có nội dung về sinh hoạt lao động và tâm tình nam nữ thì giai điệu tinh tế, trữ tình, trong sáng.

4. Thăng trầm và giá trị

Giống như số phận đất nước con người Việt Nam, hát dậm cũng trải qua bao biến cố thăng trầm với dòng chảy của thời gian , lịch sử và sự biến thiên đổi thay của xã hội. Rất nhiều năm tháng, hát dậm đã bị chìm vào lãng quên và đứt đoạn liên miên. Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, hát dậm Quyển Sơn dần bị phai nhạt. Dân làng không thể tổ chức lễ hội, phường dậm cũng vì thế mà dần tan rã.

Vào khoảng cuối những năm 60 của thế kỷ trước, nhiều đoàn nghiên cứu văn hóa tìm về Quyển Sơn với ý định khôi phục làn điệu hát dậm. Các cụ, các bà ngày trước từng tham gia phường dậm được mời về Hà Nội biểu diễn. Những buổi biểu diễn đó được ghi hình, nén vào băng để làm tư liệu nghiên cứu. Cũng nhờ đó, phường dậm được khôi phục. Hiểu được giá trị vô cùng to lớn của hát dậm, các thế hệ sau đã quyết tâm giữ cho được quê hương mình những làn điệu - điều không thể mất, không được mất ấy. Bắt đầu từ nghệ nhân Trịnh Thị Rằm, báu vật nhân văn sống của hát dậm Quyển Sơn, người đã bỏ dành cả một đời đắm say, sống chết với làn điệu quê hương. Chính nghệ nhân đã đổ không biết bao nhiêu mồ hôi trên bỏ biết bao công lao, tâm huyết trên chặng đường khôi phục. Từ cụ, hát dậm đã bay xa, lan tỏa tới tận 16 nước trời Âu. Thế giới đã biết đến hát dậm Quyển Sơn và ghi nhận nó như là báu vật của nhân loại.

Hàng năm, cứ vào dịp hội đền Trúc, làng Quyển Sơn tổ chức múa hát dậm để tưởng niệm vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt. Sáng mùng 1 tháng 2 âm lịch, làng chính thức mở hội rước tượng Phật cùng bài vị thờ Lý Thường Kiệt từ đền về đình làng. Sau phần lễ là đến phần múa hát thờ. Hát dậm được biểu diễn liên tục 6 ngày. Đến sáng mùng 7 lại rước tượng Phật cùng bài vị của Lý Thường Kiệt về đền, hát dậm vẫn tiếp tục trong 3 ngày nữa (gọi là hát yên vị) và đến 10 tháng 2 thì đóng cửa đền, vãn hội. Còn con sông Đáy, núi Cấm, làng Quyển Sơn,  người Quyển Sơn, còn hội làng, còn sự khắc ghi tưởng nhớ tới ông bà tổ tiên, tới công lao to lớn của vị hào kiệt Lý Thường Kiệt, thì hát dậm sẽ sống mãi với thời gian và vĩnh hằng như bất cứ một giá trị nhân văn cao cả.

                                                       Tài liệu tham khảo

1. A. Lag Reze - Công sứ tỉnh Thanh Hoá (1989), Những tư liệu có liên quan đến đền Sòng ở Thanh Hoá.

2. Bùi Đức Hạnh (1980), Bài hát Chèo cổ, Nxb Văn hoá, Hà Nội.

3. Cao Huy Giu (1973), Đại Việt sử ký toàn thư T1, T2, T3, T4, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

4. Đảng bộ thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa (2001), Lịch sử Đảng bộ thị xã Bỉm Sơn 30 năm, Nxb Thanh Hoá, Thanh Hóa.

5. Đặng Văn Lung, Hồng Thao, Trần Linh Quý (1978), Quan Họ nguồn gốc và quá trình phát triển, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

____________________________

[*] Lớp Cao học k1– Chuyên ngành Quản lí Văn hóa