Nội san

NICCOLO PAGANINI

03 Tháng Chín 2010

(1782- 1840)

            Trong thế giới của nghệ thuật biểu diễn đàn violon có một người nghệ sĩ mà bao giờ tên ông cũng được nói tới với lòng ngưỡng mộ sâu sắc nghệ thuật diễn tấu điêu luyện của ông - đó là một nghệ thuật diễn tấu luôn tạo cho người nghe những điều kỳ diệu dường như vượt quá khả năng có thể của một con người. Đó là nghệ sĩ biểu diễn đàn violon kỳ tài của lịch sử âm nhạc thế giới nhiều thế kỷ qua Niccolo Paganini. Nghệ thuật biểu diễn và sáng tác âm nhạc của ông có một ảnh hưởng vô cùng to lớn đến văn hoá âm nhạc thế kỷ XIX. Thậm chí, cho đến ngày hôm nay, “Paganini” nhiều khi còn trở thành một danh từ chung chỉ những người có khả năng diễn tấu điêu luyện một loại nhạc cụ khác ngoài cây đàn violon, hoặc những người có khả năng xuất chúng trên một lĩnh vực nào đó của đời sống xã hội.

            Italia nhiều thế kỷ trước đây vốn được coi là quê hương của nghệ thuật opera thế giới, nhưng nơi đây cũng từ lâu được toàn thế giới nhìn nhận như một trung tâm âm nhạc lớn của nghệ thuật biểu diễn đàn dây kéo. Ngay từ thế kỷ XVII, ở Italia đã xuất hiện nhiều trường phái violon nổi tiếng với các đại diện xuất chúng như: Legrensi, Marini, Verachini, Vivaldi, Corelli, Tartini. Và chính âm nhạc violon đã được phát triển trong mối quan hệ chặt chẽ với nghệ thuật opera truyền thống của Italia.

            Niccolo Paganini sinh ngày 27 tháng 10 năm 1782 ở Genoa (Italia) trong một gia đình có 6 người con của bà Teresa và ông Antonio Paganini. Từ khi chưa đầy 6 tuổi cậu đã được học violon từ chính người cha của mình và sau đó là từ những người thày âm nhạc tốt nhất của Genoa. Không chỉ là một người rất có năng khiếu âm nhạc, cậu bé Paganini còn là một tấm gương về sự đam mê trong lao động nghệ thuật. Cậu tập đàn một cách say sưa hàng ngày từ sáng đến tối. Vì vậy, chẳng bao lâu cậu đã nắm chắc không chỉ những kỹ thuật cơ bản của nghệ thuật diễn tấu đàn violon, mà hơn thế nữa, cậu đã có thể biểu diễn một cách thoải mái những kỹ xảo của loại nhạc cụ vốn được giới âm nhạc chuyên nghiệp gọi là “Bà chúa trong dàn nhạc giao hưởng” này. Năm lên 9 tuổi, Niccolo Paganini đã có biểu diễn lần đầu tiên trước công chúng và sáng tác bản sonate đầu tiên của mình. Khi 13 tuổi Niccolo Paganini đã có chuyến đi biểu diễn tại Lombardi. Sau chuyến đi đó Niccolo Paganini tập trung trí tuệ và sức lực của mình vào việc biên soạn các tác phẩm violon theo phong cách mới. Cho đến tận lúc này cậu mới học sáng tác được nửa năm, nhưng đã là tác giả của 24 fuga. Trong khoảng thời gian từ 1801 đến 1804 Niccolo Paganini lại say mê trong những sáng tác cho đàn ghita. Ông đã soạn gần 200 tác phẩm cho nhạc cụ này.

          

 Tiếp theo đó là giai đoạn ông tập trung hoàn toàn cho các hoạt động biểu diễn. Đây cũng chính là lĩnh vực ông đã chiếm được sự khâm phục của đông đảo người nghe và đạt được nhiều thành công rực rỡ nhất. Ông tham gia biểu diễn rất nhiều. Chỉ trong năm 1813, ông đã biểu diễn ở Milan khoảng 40 buổi hoà nhạc.

            Cho đến năm 1828, ông mới tổ chức chuyến công diễn đầu tiên của mình ở nước ngoài. Ông đã đến Vienna, Varsava, Dresden, Leipzig, Berlin, Paris, London và nhiều thành phố khác của châu Âu. Không chỉ với công chúng yêu âm nhạc, mà ngay cả với các nghệ sĩ hàng đầu của nghệ thuật biểu diễn đàn violon trên thế giới, thiên tài biểu diễn violon của ông vẫn luôn được đánh giá cao. Nghệ thuật biểu diễn tuyệt đỉnh của ông không chỉ để lại trong tâm trí người nghe những ấn tượng sâu sắc, mà còn làm nảy sinh trong tâm hồn/tư duy những ý tưởng mới mẻ của lao động sáng tạo nghệ thuật. Có thể kể ở đây tên của những con người như vậy: F. Schubert, F. Chopin, R. Schumann, F. List, H. Berlio .v.v..

            Năm 1831, Niccolo Paganini đến ở tại Paris 3 năm rồi sau đó trở về Italia.

            Những năm cuối đời bệnh tật đã không cho Niccolo Paganini có sức khoẻ để tiếp tục những hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Ông mất ngày 27 tháng 5 năm 1840 tại Nice, nước Pháp.

 

MỘT SỐ TÁC PHẨM CỦA NICCOLO PAGANINI

I. CAPRICES, FOR SOLO VIOLIN, OP.1

No. 1 in E major (The arpeggio)

No. 2 in B minor

No. 3 in E minor

No. 4 in C minor

No. 5 in A minor

No. 6 in G minor (The trill)

No. 7 in A minor

No. 8 in E-flat major

No. 9 in E major (The hunt)

No. 10 in G minor

No. 11 in C major

No. 12 in A-flat major

No. 13 in B-flat major

No. 14 in E-flat major

No. 15 in E minor

No. 16 in G minor

No. 17 in E-flat major

No. 18 in C major

No. 19 in E-flat major

No. 20 in D major

No. 21 in A major

No. 22 in F major

No. 23 in E-flat major

No. 24 in A minor (Tema con variazioni)

 

II. CÁC CONCERTO CHO VIOLON

Concerto for violin No. 1, in D major, Op. 6 (1817)

Concerto for violin No. 2, in B minor, Op. 7 (1826) (La Campanella, 'The little bell')

Concerto for violin No. 3, in E major (1830)

Concerto for violin No. 4, in D minor (1830)

Concerto for violin No. 5, in A minor (1830)

 

III. 12 SONATA CHO VIOLIN VÀ GUITAR

Op. 2, No. 1 in A major; Op. 2, No. 2 in C major; Op. 2, No. 3 in D minor; Op. 2, No. 4 in A major; Op. 2, No. 5 in D major; Op. 2, No. 6 in A minor.

Op. 3, No. 1 in A major; Op. 3, No. 2 in G major; Op. 3, No. 3 in D major; Op. 3, No. 4 in A minor; Op. 3, No. 5 in A major; Op. 3, No. 6 in E minor.

 

                                                                                                          Phạm Lê Hòa