Nội san

Vài suy nghĩ về giáo dục thẩm mỹ cho học sinh phổ thông

22 Tháng Tám 2010

HỘI THẢO KHOA HỌC

GIÁO DỤC NGHỆ THUẬT VÀ CUỘC SỐNG

----------------------------------------------------------------------

  

Ths. Nguyễn Thuý Bình

Trưởng bộ môn Tâm lý – Giáo dục

Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

 

Trong thực tế có rất nhiều quan điểm khác nhau về bản chất của cái đẹp, cái thẩm mỹ. Các nhà Triết học duy tâm chủ quan, khách quan quan niệm cái đẹp là một loại cảm giác đặc biệt của một cá nhân nào đó, là trò chơi cầu kỳ của trí tưởng tượng, là những phán đoán thuần tuý của đầu óc con người hoặc là hình ảnh của một ý niệm tuyệt đối, là hồi quang của cái đẹp vĩnh cửu và siêu nhiên, không liên hệ gì với hiện thực, là sự linh cảm thần bí. Với quan niệm như vậy thì vai trò của giáo dục thẩm mỹ hoặc đã bị phủ nhận hoặc nó chỉ là nhân tố bên ngoài có tác dụng làm tăng nhanh hay kìm hãm quá trình bộc lộ những phẩm chất tự nhiên bị chế ước bởi tính di truyền mà thôi.

 Đối lập với các quan điểm trên, mỹ học Mác – Lê nin với tư cách là một ngành khoa học triết học, nghiên cứu lĩnh vực cái thẩm mỹ như là biểu hiện chuyên biệt của các quan hệ giá trị của con người đối với thế giới và lĩnh vực hoạt động nghệ thuật của con người. 

Mỹ học Mác – Lê nin đã vạch ra bản chất của cái thẩm trong đời sống, trong nghệ thuật, đề ra nguyên tắc chung của việc chiếm lĩnh thế giới về mặt thẩm mỹ, phát hiện các quy luật hoạt động thẩm mỹ của con người. Cái đẹp và cái xấu, cái bi và cái hài, cái cao cả và cái thấp hèn, cái anh hùng và cái đê tiện – đó là những thuộc tính có thực của mọi sự vật, hiện tượng và tình huống trong hiện thực, được cảm nhận bằng tình cảm thẩm mỹ và được biểu hiện trong những cảm xúc, thị hiếu thẩm mỹ.

 Mỹ học Mác – Lê nin còn khẳng định cái đẹp là một giá trị, nguồn gốc của cái đẹp là cuộc sống, là hiện thực xã hội với toàn bộ tính đa dạng của nó, nó tồn tại một cách khách quan không phụ thuộc vào ý muốn của riêng ai. Và cuộc sống cao hơn nghệ thuật, nhưng nghệ thuật là lĩnh vực tập trung một cách cô đọng cái đẹp của hiện thực, đồng thời cũng là công cụ để xã hội tác động đến những khía cạnh thầm kín và sâu xa trong tâm hồn con người, nghệ thuật phản ánh chân thành cuộc sống đồng thời phê phán, đánh giá và làm lại cuộc sống theo lý tưởng thẩm mĩ của người nghệ sỹ, xây dựng một mô hình – hình tượng cao hơn cuộc sống. Nghệ thuật chân chính kích thích “người nghệ sỹ” trong mỗi con người, nghĩa là xây dựng trong mỗi con người sự nhạy cảm về cái đẹp và lòng mong muốn đưa cái đẹp vào cuộc sống hiện thực. Nghệ thuật có khả năng mạnh mẽ thống nhất tình cảm, tư tưởng – ý chí của quần chúng theo phương hướng của lý tưởng cách mạnh.

 Hoạt động thực tiễn của con người là cơ sở của quan hệ thẩm mĩ đối với hiện thực. Chính trong hoạt động mang tính xã hội này đã hình thành nên năng lực sáng tạo theo quy luật cái đẹp và xem xét mọi sự vật, hiện tượng  với cái “độ thẩm mỹ”. Nhờ đó con người đã tìm thấy trong thế giới tự nhiên, trong đời sống xã hội, trong nghệ thuật cái thẩm mĩ đa dạng.

Cái đẹp là một giá trị, bằng hành động của chính mình con người mới nhận thức được cái giá trị đó.

Nhưng học sinh - thế hệ đang lớn không tự lớn lên giữa môi trường, nó chỉ có thể lĩnh hội, chiếm lĩnh và thể hiện được cái đẹp khi có vai trò trung gian của người lớn -  giáo dục.

Các luận điểm cơ bản này của mỹ học Mác – Lê nin đã chỉ rõ vai trò vô cùng lớn của giáo dục thẩm mỹ cho thế hệ trẻ. Đồng thời là chỗ dựa về mặt lý luận, là điểm xuất phát để xây dựng mục tiêu, kế hoạch, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục thẩm mĩ cho học sinh

Giáo dục thẩm mỹ là một bộ phận quan trong của nền giáo dục phổ thông, đó là quá trình hoạt động chung của nhà giáo dục và người được giáo dục nhằm hình thành và phát triển ở người được giáo dục những quan hệ thẩm mỹ đúng đắn với hiện thực bằng cách thông qua các phương tiện thẩm mỹ, đặc biệt là phương tiện nghệ thuật nhằm góp phần phát triển nhân cách toàn diện hài hoà cho người được giáo dục.

 Nói cách khác, giáo dục thẩm mỹ cho học sinh thực chất là quá trình nhà giáo dục giúp đứa trẻ biến đổi mình trở thành một chủ thể thẩm mỹ đích thực với quan hệ thẩm mỹ đúng đắn được biểu hiện ở các dấu hiệu cơ bản sau:

1. Hình thành và phát triển được những tình cảm thẩm mỹ trong quá trình cảm thụ và lĩnh hội cái đẹp trong nghệ thuật, trong tự nhiên, trong các mối quan hệ xã hội, tạo được hứng thú đối với các khía cạnh thẩm mỹ của hiện thực, cảm nhận và hiểu biết được cái đẹp trong những biểu hiện đa dạng của nó.

2. Có những quan niệm, chuẩn mực, niềm tin thẩm mỹ, phát triển năng lực phán đoán và đánh giá thẩm mỹ, hình thành thị hiếu, lý tưởng thẩm mỹ đúng đắn.

3. Hình thành năng lực sáng tạo nghệ thuật, lòng ham muốn và khả năng đem cái đẹp vào đời sống học tập, lao động và ứng xử.

4. Có thái độ không khoan nhượng đối với những cái xấu xa, phản thẩm mỹ trong tâm hồn, trong hành vi ứng xử, trong hình dáng, trang phục cũng như đối với những cái phi thẩm mỹ trong các tác phẩm nghệ thuật.

Từ lý luận và thực tiễn giáo dục thẩm mỹ cho học sinh đã chỉ rõ:

- Giáo dục thẩm mỹ chủ yếu hướng vào việc phát triển tình cảm của con người, tạo nên sự lớn mạnh và phong phú về tâm hồn của con người, tổ chức và điều khiển hành vi ứng xử của con người theo tiêu chuẩn cái đẹp. Nếu trẻ có khả năng cảm nhận cái đẹp của những cử chỉ cao thượng, cái thi vị của các hoạt động sáng tạo, thì điều đó đã biểu hiện trình độ phát triển nhất định về mặt thẩm mỹ của trẻ. Trái lại, nếu trẻ ham đọc tiểu thuyết, thơ ca, thích nghe âm nhạc, ham xem phim ảnh, biết nhiều sự kiện trong đời sống nghệ thuật, nhưng lại có những hành vi thô lỗ, thấp hèn, có những ham muốn tầm thường, nhỏ nhen, vị kỷ thì khó mà nói được rằng trẻ đã có được một trình độ văn hoá thẩm mỹ chân chính, đã có quan hệ thẩm mỹ đúng đắn được.

- Mặt khác trong những điều kiện bất kỳ, thậm chí ngay trong những điều kiện thuận lợi nhất của việc giáo dục thì những dấu hiệu cơ bản kể trên trong trẻ cũng không thể phát triển ở mức độ như nhau mà nó sẽ phát triển theo quy luật “không đồng đều”, “Tính toàn vẹn”, “tính mềm dẻo và khả năng bù trừ”.

Do đó trong từng độ tuổi, trong từng hoàn cảnh sống và giáo dục, nhà giáo dục cần đặc biệt chú ý đến những mặt phát triển không đồng đều, mất cân đối, thậm chí mâu thuẫn giữa các thành phần trong cấu trúc quan hệ thẩm mỹ khi hình thành cho các em. Ví dụ:

- Khả năng cảm thụ khác nhau giữa cái anh hùng, cái cao cả và cái hài hước, cái bi, giữa cái đẹp trong trong tự nhiên và cái đẹp trong các mối quan hệ xã hội và trong nghệ thuật

- Khả năng hiểu biết và thưởng thức khác nhau đối với các loại hình nghệ thuật như Văn học, Sân khấu điện ảnh, Âm nhạc, Hội hoạ, Điêu khắc, Kiến trúc cũng như đối với các loại hình khác nhau trong Văn học, trong Âm nhạc, trong Hội hoạ…

- Sự phản ứng và mối quan tâm khác nhau đến mặt hình thức, các sự kiện trong các tác phẩm nghệ thuật và mặt nội dung các vấn đề đạo đức - thẩm mỹ trong các tác phẩm đó…

Nhà giáo dục không thể nóng vội với tư tưởng hoặc bi quan, hoặc bình quân san bằng sự phát triển các mặt đó để đưa ra những nhận định, phán xét lớp trẻ (học sinh) bây giờ thế này thế khác được, mà phải thận trọng, thật bình tĩnh, kiên trì trước hết là trong vai trò chủ đạo của mình để lãnh đạo, tổ chức, điều khiển hoạt động nhận thức của các em trong các giờ học, đặc biệt, giờ học các môn nghệ thuật để các em thích thú với các giờ học đó, chính sự thích thú này đã động viên kích lệ các em tìm tòi, phát hiện và hiểu ra được cái đẹp về hình thức và nội dung trong các tác phẩm nghệ thuật, đã đánh thức được “người nghệ sĩ” trong các em. 

Cùng với các giờ học chính khoá nhà giáo dục tạo cơ hội cho các em được tham gia vào các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, ngoài trường và tiếp xúc với các mặt của đời sống con người bằng cách nhà giáo dục sử dụng khéo léo các phương tiện nghệ thuật cũng như các phương tiện thẩm mỹ khác trong hiện thực (thiên nhiên, lao động, đời sống xã hội, quan hệ giao tiếp, các hành vi ứng xử…) để các em bộc lộ quan hệ thẩm mỹ của mình trong các hoạt động đó. Khi bộc lộ các em sẽ dễ dàng nhận ra điểm mạnh, điểm yếu của mình một cách tinh tế. Đây lại chính là động lực thúc đẩy các em bước những bước tiếp theo trong quá trình hoàn thiện mình về mặt quan hệ thẩm mỹ dưới vai trò chủ đạo của nhà giáo dục

Từ những trình bày trên cho thấy nghệ thuật là phương tiện giáo dục thẩm mỹ quan trọng bậc nhất nhưng không duy nhất. Điều này một lần nữa nhắc chúng ta những người làm công tác giáo dục phải luôn tỉnh táo    

   

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Phân viện báo chí và tuyên truyền – khoa triết học, Mỹ học, bài giảng cho các lớp không chuyên Triết, Hà nội 1996
  2. Iu.A. Lu Kin, V.C.XCA.CHE- RƠ- SIC- CÔP, người dịch Hoài Lam, Nguyên lý mỹ học Mác – Lê Nin, NXBSGK Mác – Lê Nin, Hà Nội 1985
  3. Đỗ Huy, Cái đẹp - một giá trị, NXBTTLL, Hà Nội 1985 Đặng Vũ Hoạt và Hà Thế Ngữ, Giáo dục học tập2, NXBGD, Hà Nội 1987