Nội san

Bồi dưỡng lòng yêu nghệ thuật cho sinh viên qua giảng dạy lịch sử Văn minh thế giới Cổ - Trung đại

22 Tháng Tám 2010

HỘI THẢO KHOA HỌC

GIÁO DỤC NGHỆ THUẬT VÀ CUỘC SỐNG

-------------------------------------------------

 

                                                       Ths. Trịnh Thị Thanh

Trưởng phòng HC-TH

                                                           Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

 

        Ngày 09 tháng 03 năm 2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Quyết định số 1208, giao cho trường ĐHSP Nghệ thuật TW đào tạo hệ chính quy ở trình độ đại học hai ngành Quản lý văn hóa và Thiết kế thời trang. Trên cơ sở đó, trường ĐHSP Nghệ thuật TW đã thành lập Khoa Quản lý Văn hóa - Nghệ thuật. Ngày 01/09/2008, Khoa đổi tên thành Khoa Văn hóa – Nghệ thuật. Ngoài những thành quả ban đầu đạt được, năm học 2009 - 2010, được sự cho phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành Thiết kế đồ hoạ thuộc Khoa đã tuyển khoá sinh viên đầu tiên, đánh dấu một bước phát triển mới của Nhà trường.

Để đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn, nhiều môn học bổ ích, mang tính định hướng và tính giáo dục cao đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đưa vào giảng dạy, trong đó có môn Lịch sử văn minh thế giới. Với mục tiêu trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về điều kiện hình thành và những thành tựu chủ yếu của các nền văn minh tiêu biểu ở phương Đông cổ đại (như Ai Cập, Tây Á, Ấn Độ, Trung Hoa, Đông Nam Á) và phương Tây (như Hy Lạp, La Mã); về sự xuất hiện nền văn minh công nghiệp và giai đoạn khởi đầu của văn minh công nghệ thông tin, môn học đã thực sự chiếm được lòng yêu thích của sinh viên qua việc tìm hiểu những thành tựu rực rỡ của nhân loại trong từng thời kỳ lịch sử. Nhiều giá trị văn hoá tiêu biểu được tái hiện qua các buổi lên lớp và gây trí tò mò, khả năng tìm hiểu, khám phá cho sinh viên. Một trong những giá trị được sinh viên đặc biệt chú ý là các giá trị về nghệ thuật vì nó phục vụ thiết thực cho các ngành học mà sinh viên đã lựa chọn.

      Bên cạnh các thành tựu khác như văn học, toán học, vật lý, y học, ... ngay từ những bài học đầu tiên sinh viên đã được tìm hiểu về nghệ thuật Kiến trúc và điêu khắc của Ai Cập cổ đại. Nghệ thuật không phải đến xã hội văn minh mới có mà được ra đời từ thời nguyên thủy. Nói đến nghệ thuật là nói tới cái đẹp. Thông qua sự phát triển của nghệ thuật chúng ta có thể hiểu được ngoài nhu cầu vật chất con người còn có nhu cầu hưởng thụ về tinh thần, ngoài ra, thông qua nghệ thuật chúng ta còn có thể thấy được sự phát triển của khoa học kỹ thuật và sức sáng tạo kỳ diệu của con người qua từng giai đoạn lịch sử.

Có thể nói, trong quá trình phát triển văn minh, người Phương Đông nói chung và người Ai Cập cổ đại nói riêng đã tạo ra những di sản văn hóa cực kỳ quý báu và đồ sộ trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là kiến trúc Ai Cập cổ đại đã đạt tới một trình độ rất cao. Các công trình kiến trúc tiêu biểu là cung điện, đền miếu và đặc biệt là Kim tự tháp. Nói đến Ai Cập người ta nghĩ ngay đến những Kim tự tháp đứng sừng sững giữa sa mạc mênh mông. Chúng như những tấm bia khổng lồ ghi lại một thời đại huy hoàng trong lịch sử kiến trúc nhân loại, thể hiện được sức sáng tạo kỳ diệu của những người xây dựng nên nó. Bằng bàn tay và khối óc của mình, người dân Ai Cập cổ đại đã để lại cho nền văn minh nhân loại những giá trị nghệ thuật kiến trúc vô giá.

 

Bên cạnh những giá trị về mặt kiến trúc, Nghệ thuật điêu khắc của Ai Cập cũng có nhiều thành tựu lớn, thành tựu đó biểu hiện ở hai mặt: tượng và phù điêu. Tuy nhiên, qua trao đổi, thảo luận, dưới góc nhìn của sinh viên, đặc biệt là sinh viên nghệ thuật thì độc đáo nhất trong lĩnh vực điêu khắc của Ai Cập cổ đại là tượng Xphanh  khổng lồ: gọi là nhân sư, là những bức tượng mình sư tử, đầu người hoặc dê. Đây là một quái vật huyền thoại của người Ai Cập, thể hiện sức sáng tạo kỳ diệu của người dân Ai cập cổ xưa.

Nằm ở khu vực Tây Á, Lưỡng Hà cổ đại thuộc vùng đất nằm trong lãnh thổ hai nước Irắc và Coóet ngày nay. Thời cổ đại, các công trình kiến trúc chủ yếu là tháp, cung điện, đền miếu, thành, vườn hoa, ... Nổi lên trên quần thể kiến trúc: thành, cung điện là vườn treo Babilon. Toàn bộ vườn treo thực chất là một vườn hoa được tạo dựng trên không, được xây dựng vào cuối thế kỷ VII, đầu thế kỷ VI (TCN). Đây là công trình kiến trúc, là chứng tích cho một huyền thoại về tình yêu cuồng nhiệt của những vị vua, hoàng hậu, và công chúa xinh đẹp xứ Mađi.

            Nếu như đối với Ai Cập và Lưỡng Hà cổ đại, nghệ thuật thể hiện cái đẹp rất đặc trưng của văn hóa Phương Đông thì khi nghiên cứu về nghệ thuật Phương Tây cổ đại, trừ giai đoạn đầu có chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Phương Đông, người học không khỏi ngạc nhiên trước những nét đẹp mang đậm màu sắc Tôn giáo của Phương Tây, nét đẹp đó thể hiện qua ba mặt chủ yếu là kiến trúc, điêu khắc và hội hoạ.

        Nói đến văn hóa cổ Hy Lạp là núi đến rất nhiều khía cạnh, như thơ của Homer, nhạc của Hy Lạp, phim ảnh, hội hoạ và những huyền thoại của Hy Lạp, ... Tuy nhiên qua nghiên cứu của mình, nhiều nhà khoa học đó chỉ ra rằng điểm đặc biệt đáng chú ý nhất đó là nghệ thuật điêu khắc của Hy Lạp và nghệ thuật điêu khắc lúc ban đầu của Phật giáo có mối liên hệ với nhau. Người ta cho rằng mỹ lệ của Hy Lạp đó biến thể sang đường nét căn bản trong các hình tượng của phật giáo. Quả đúng như vậy, khi tìm hiểu về lịch sử văn minh thế giới thì những công trình kiến trúc tiêu biểu của Hy Lạp thường được dùng vào mục đích lễ nghi hay tôn giáo, được xây dựng chủ yếu ở thế kỷ “Pêriclet” – bởi nhân dân Hy Lạp – Aten sau chiến thắng rực rỡ với người Ba Tư đã tỏ lòng biết ơn các vị thần phù trợ họ bằng cách dựng nên nhiều đền thờ có giá trị nghệ thuật cao, tạo nên những kiệt tác mà tới nay vẫn được nhân loại trầm trồ, thán phục và coi đó là những thành tựu tiêu biểu để học tập.

Bên cạnh Hy Lạp, thành tựu kiến trúc, điêu khắc và các tác phẩm Hội hoạ của La Mã cũng hết sức rực rỡ. Là một dân tộc có cái nhìn thực dụng, thích sự bề thế, đồ sộ, người La Mã khi thiết kế công trình kiến trúc, điêu khắc dường như thường để ý đến công năng sử dụng của nó hơn là tìm kiếm sự hài hoà, cân đối giữa công trình với môi trường xung quanh. Đối với họ, cái đẹp, cái tinh tế mà người ta thường thấy ở các công trình kiến trúc của người Hy Lạp phải nhường chỗ cho cái hùng vĩ, đồ sộ, nguy nga. Phải chăng đây cũng là cách để người La Mã muốn chứng tỏ cho các dân tộc bị họ khuất phục thấy được sự vĩ đại, tráng lệ và giàu có của mình.

      Sang thời Trung đại, lối kiến trúc Gôtích là đặc điểm bao trùm của nghệ thuật kiến trúc ở Tây Âu. Đặc điểm của lối kiến trúc này rất độc đáo: Vòm cửa nhọn, nóc nhà nhọn, bên ngoài có tháp cao vút, tường tương đối mỏng, cửa sổ lớn và được trang sức bằng kính màu, thể hiện được một bước tiến mới về nghệ thuật xây dựng. Với lối kiến trúc này cho thấy rõ trí tuệ, khả năng sáng tạo của con người đó tạo nên những tác phẩm nghệ thuật bất hủ, những tác phẩm nghệ thuật đó luôn luôn gắn liền với cuộc sống, phản ánh sức mạnh và sự giàu có của con người trong đời sống cư dân thành thị lúc bấy giờ.

      Đầu thế kỷ XVI, nền nghệ thuật thời Phục hư­ng đạt đến đỉnh cao của những thành tựu tuyệt vời về hội hoạ và điêu khắc, những thành tựu đó gắn liền với tên tuổi của nhiều danh hoạ nổi tiếng như Lêônađơvanhxi, Mikenlănggiơ, Raphaen. Mọi từ điển bách khoa, danh nhân, lịch sử mỹ thuật, lịch sử văn hoá, lịch sử thế giới khi nói đến Lêônađơvanhxi (1452-1519) đều bắt đầu bằng những câu “một trong những ng­ười vĩ đại”, ông là linh hồn của thời kỳ phục h­ưng, là ngọn cờ đầu của phong trào phục hưng, một nghệ sĩ toàn diện, lỗi lạc. Thế hệ những người đi trước và thế hệ trẻ ngày nay đều đánh giá rất cao tài nghệ của ông và ngưỡng mộ nhà bác học tài ba này.

       Lịch sử văn minh thế giới không phải là môn học mới lạ đối với nhiều trường đại học trên cả nước, song lại là một môn học mới mẻ đối với một trường sư phạm nghệ thuật. Trong gần ba năm thực hiện chương trình đào tạo, góp phần nâng cao nhận thức của sinh viên về các giá trị của nghệ thuật qua Lịch sử văn minh thế giới là một thực tế. Sinh viên các ngành đào tạo như Quản lý văn hóa, Thiết kế thời trang, Thiết kế đồ hoạ, thậm chí sinh viên của hai ngành có bề dày lịch sử của Nhà trường là sư phạm Âm nhạc và sư phạm Mỹ thuật cũng đều có thể tham khảo và tìm thấy trong môn học những giá trị đích thực về nghệ thuật âm nhạc, kiến trúc, điêu khắc, ... Đó thực sự là những kiến thức quý báu, góp phần giúp cho sinh viên có thêm những hiểu biết nhất định về giá trị văn hóa nói riêng, nghệ thuật nói chung của nhân loại và làm giàu thêm cho hành trang kiến thức vào đời của mình.