Nội san

Có hay không sự thưa vắng những bài hát hay cho lứa tuổi hồng

27 Tháng Sáu 2011

Tham luận Hội thảo khoa học

"Ca khúc cho nhà trường phổ thông hiện nay - thực trạng và giải pháp"

 

NS.  Hàn Ngọc Bích

 

            Chúng tôi tạm đặt tên cho lứa tuổi học sinh Phổ thông (bao gồm từ các em bé Tiểu học qua bậc THCS cho đến hết bậc PTTH) là lứa "Tuổi hồng".

            Gọi thế cho tiện vì nhân thể Bộ Giáo dục và Đào tạo cứ hai năm một kì, có liên hoan Tiếng hát tuổi hồng dành cho các em học sinh từ lớp 6 đến lớp 12. Cuộc thi rất vui và cũng rất đẹp mắt vì chất lượng nghệ thuật khá cao. Tuyển từ cơ sở là các huyện thị và các trường THPT, sau đó mỗi tỉnh, thành phố lập một đội tuyển dự thi cấp Quốc gia.

            Đã 20 năm nay cứ đến mùa hè năm lẻ, các em học sinh lại ríu rít áo xanh áo đỏ son son phấn phấn về dự thi. Cũng đua tranh đáo để, cũng nhiều tiếng cười và tí ti nước mắt, có thể vì thắng thua nhưng nhiều hơn là vì những cuộc chia tay bạn bè, vấn vương tuổi mới lớn.

            Phần được lớn nhất của Tiếng hát tuổi hồng là học sinh được làm quen với phong trào nghệ thuật hát múa có chất lượng nghệ thuật cao hơn, chuyên nghiệp hơn với phong trào quần chúng ở trường. Các em thêm tự tin khẳng định mình trong hoạt động tập thể. Những rung động thanh cao từ những bài ca điệu múa sắc xảo chắc chắn nuôi lớn thêm tình cảm vốn có trong lành nơi học đường. Tình đoàn kết thân ái giúp đỡ nhau cũng theo đó được bồi bổ.

 

Ảnh minh họa (st)

 

            Có điều thú vị với người sáng tác và theo dõi phong trào ca hát tuổi Hồng là có thể đo đếm chất lượng tác phẩm mới được các em chọn làm tiết mục dự thi.

Chúng tôi nhớ lại kì thi đầu tiên từ những năm 1990 các em đã ngân nga với Quê hương (Giáp Văn Thạch - Đổ Trung Quân), Mỹ Linh năm ấy lần đầu lên sân khấu lớn giành Huy chương vàng với bài ca nhiều xúc động Thày cô và mái trường của nhạc sĩ Duy Quang. Năm sau (1991) Minh Ánh - Minh Anh chắc còn nhớ kỷ niệm đẹp khi nhận Huy chương vàng với bài ca mơ màng Tháng ba học trò...

            Dân ca các miền đến với hội thi cũng bước đầu được diễn xuất khá sinh động: Trống cơm, Đi cấy, Lý kéo chài, Hò thẻ mực...được hoan hô nhiệt liệt. Những khúc dân ca tự thân nó đã rất hay lại được dàn dựng công thì hiệu quả thẩm mĩ ngày càng được khẳng định. Dần dần ở những kỳ thi sau, nhìn vào tần số xuất hiện các bài ca trên sàn diễn hội thi có thể cho những nhận xét thú vị về mối quan tâm của các nhạc sĩ và khuynh hướng thẩm mĩ của giới trẻ học đường. Chúng tôi cũng còn nhớ có khá nhiều đơn vị đã chọn dựng tiết mục các bài ca quen biết như Tuổi hồng của Trương Quang Lục; Cánh én tuổi thơ của Phạm Tuyên; Ca ngợi tổ quốc của Hoàng Vân; Bụi phấn của Vũ Hoàng; Mong ước kỷ niệm xưa của Xuân Phương; Quê hương tuổi thơ tôi của Từ Huy; Mùa hạ và những chùm hoa vắng của Nguyễn Thanh Tùng; Khúc hát chim sơn ca của nhạc sỹ Hòa An...Trong máy năm lại đây thấy rộ lên ở sân khấu học trò ở các tỉnh bài Ước mơ xanh của Thy Mai và Chấp cánh ước mơ của Nguyễn Thị Hải. Đó là hai bài hát hay của các cô giáo nhạc sĩ yêu trẻ, đã dành cho các em những giai điệu trong sáng, gãy gọn, được các em yêu mến.

            Một vài dòng lược thuật Hội thi ca múa Tiếng hát tuổi hồng của ngành Giáo dục có thể giúp ta thêm cứ liệu để cùng thảo luận xoay quanh cốt lõi: Có hay không những sự thưa vắng những bài hát hay cho lứa tuổi hồng?

            Mấy ý kiến có thể tạm rút là:

            Một, tiếng hát tuổi hồng có bao nhiêu bài hát hay, khi mà vòng chung khảo toàn quốc thường có trên dưới 200 tiết mục, vòng sơ khảo cấp tỉnh lại phải có số lượng tiết mục khoảng 30 lần hơn thế. Thôi đành phải lặp lại nhau, lặp lại bài thi nhiều năm trước.

            Hai, Danh mục bài hát hay lại cần phải luôn bổ sung, có như thế hội thi của các em luôn mới mẻ về hình dạng và ngôn ngữ nghệ thuật, theo sát sự tăng trưởng học vấn và thẩm mĩ của tuổi trẻ học đường. Nhưng khó khăn thay, mới và hay không dễ gì có thể đồng hành trong một tác phẩm.

            Sẽ còn bức xúc hơn thế nếu nhìn vào cuộc sống thường nhật ở nhà trường Phổ thông. Chúng ta đang có khoảng 10 triệu nhi đồng, thanh thiếu niên theo học bậc học này; thử nghĩ có bao nhiêu bài hát cho đủ vang lên trong ít phút nghỉ ngơi giữa các tiết học của chục triệu con em.

            Cũng là bức xúc như thế, khi ai cũng biết môn Âm nhạc đã thành chính thức trong biên chế Chương trình 9 năm học, Chín cuốn sách Giáo khoa nghiêm túc, trong đó chứa 150 bài hát hay, hợp lứa tuổi được chọn từ bài hát nhi đồng và thiếu niên Việt Nam, thiếu nhi các nước và dân ca Việt Nam...

            Đáp ứng cho được nhu cầu chính đáng về bài hát hay cho tuổi hồng hình như chỉ là một ước mơ không tưởng. Tuy nhiên có cách nào không để rút ngắn khoảng cách mênh mông đó?

            Khi đi tìm lý giải cho câu hỏi này chúng tôi không dám quên một gia tài phong phú những bài hát hay cho trẻ em Việt Nam. Già nửa thế kỷ của Tân nhạc Việt Nam cùng với kho tàng dân ca, đồng dao đã cho trẻ em mình một gia tài chất ngất những bài ca lý thú. Nhớ lại vào năm 2000 Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Báo TNTP, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài TNVN đã mở cuộc bình chọn 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20. Hai năm sau, tại Nhà xuất bản Âm nhạc, các nhạc sĩ Nghiêm Bá Hồng, Hoàng Long, Hoàng Giai và Văn Tiến đã dày công tuyển chọn giới thiệu cuốn Ca khúc Thiếu nhi 1945 - 2000, trong đó có tới 361 ca khúc. Có lẽ đây là tập hợp dày dặn nhằm tôn vinh đến mấy thế hệ nhạc sĩ hết lòng nâng niu tình yêu với con trẻ.

            Chúng tôi cũng ghi nhớ rất nhiều cuộc vận động sáng tác ca khúc cho tuổi thơ của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, phối hợp cùng Trung ương Đoàn TNCS, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa Thông tin... đã khởi thủy từ nửa thế kỷ trước. Các cuộc vận động sáng tác của Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh, Hội Âm nhạc Hà Nội theo đề tài trẻ em cũng đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Những công việc giàu tinh thần trách nhiệm như thế đã tạo cơ hội cho nhiều bài hát hay ra đời và đến với sân chơi nghệ thuật của trẻ nhỏ.

            Chúng tôi càng không quên công lao của các báo, các đài, các Nhà xuất bản, đặc biệt là Đài tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, là "bà đỡ" mát tay của những tác phẩm tốt, là nơi khích lệ và bồi dưỡng nhiều bạn viết ngày đầu làm quen với trẻ thơ.

            Bài hát cho tuổi trẻ nhà trường là một sản phẩm tinh thần có nhiều đặc thù mà riêng với tính năng động của các em thì, nổi bật lên là tính thời điểm. Đã đành rằng bài hát hay là không có tuổi đối với người thưởng thức nhưng bài hát hay cho các em cất giọng ngân nga thì phải có hàm lượng nghệ thuật cao và phải mới mẻ. Như thế cũng có nghĩa là theo lát cắt thời gian, có tính tương đối, thì lúc này đây đang có tình trạng thưa vắng những bài hát hay cho lứa tuổi học đường.

            Vấn đề đặt ra là làm gì để bù đắp dần khoảng trống đó? Chúng tôi muốn bàn đến một số yếu tố cấu thành:

            - Những người sáng tác.

            - Công việc tổ chức nhằm khích lệ người sáng tác, kể cả việc phê bình và giới thiệu.

            - Con đường phổ biến tác phẩm đến với lứa tuổi trẻ; lắng nghe ý kiến phải hồi của các em, của các thày cô đang giảng dạy môn Âm nhạc ở trường phổ thông.

            1. Về lực lượng sáng tác.

            Chúng ta luôn quý trọng và đặt niềm tin nơi các nhạc sĩ đã dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục tuổi trẻ. Với tình cảm cao đẹp và sự trải nghiệm sau sắc của các anh chị, chúng ta có thể tin cậy và chờ đợi những tác phẩm mới xuất sắc của các anh chị.

            Chúng ta cũng trao gửi trách nhiệm nơi các bạn nhạc sĩ trẻ, đã đến lúc đảm nhận cuộc bàn giao thú vị này. Và các bạn cũng đã có những tác phẩm rất hay, ít nhiều làm thay đổi khuôn mặt sân khấu ca nhạc một thời thì các bạn cũng có thể xứng đáng là nhạc sĩ yêu mến của lứa tuổi hồng. Thế mạnh về độ cập nhật thông tin và kỹ năng âm nhạc của các nhạc sĩ trẻ là điều hiển nhiên; Điều các em tuổi hồng mong đợi ở các anh chị là những tấm lòng ấm áp trong trẻo và những hiểu biết nhiều hơn về đời sống tinh thần lớp đàn em hôm nay. Và, các em có quyền hi vọng chờ đợi những bài hát có ngôn ngữ nghệ thuật - phù hợp với tuổi trẻ học đường.

            Một số lượng hùng hậu và khá tinh nhuệ những Giáo viên Âm nhạc Phổ thông có lẽ nào không phát huy thế mạnh của người trong cuộc, sáng tác cho các em những bài ca nóng hổi hơi thở nhà trường.

            2. Về tổ chức và khuyến khích sáng tác cho tuổi học đường.

            Ý tưởng đau đáu của nhiều bạn bè chúng tôi là có lẽ lại phải tranh thủ rất nhiều nguồn lực để Xã hội hóa việc vận động sáng tác cho học sinh phổ thông. Sẽ phải thường xuyên hơn, tổ chức vận động viết bài hát cho học trò, mà nòng cốt là Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc làm của Bộ trước nay đã tốt, nay chúng tôi mong muốn tích cực hơn, sẽ có thể chỉ 2 năm một lần vận động sáng tác, ứng với thi văn nghệ Tiếng hát Tuổi hồng. Đây là giải thưởng danh giá, phần thưởng tiền bạc chỉ nên là thứ yếu.

 

Ảnh minh họa (st)

 

            Đề nghị Hội Nhạc sĩ Việt Nam và các Hội Âm nhạc địa phương quan tâm nhiều hơn nữa đến khu vực sáng tác cho trẻ em. Chúng tôi vừa biết thêm tin tức rất đáng hoan nghênh về cuộc vận động viết cho Thiếu nhi vừa tổng kết thành công tại Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi cũng mong muốn Ban Chấp hành các Hội Nhạc khởi động lại bộ phận chỉ đạo sáng tác cho thiếu nhi học sinh. Các Hội nên chăng dựa vào sự chi viện của các Sở GD&ĐT mở các trại viết nhỏ, ngắn ngày tại địa phương, khích lệ các nhạc sĩ tập trung trí tuệ.

            Chúng tôi rất thích thú theo dõi sự tăng trưởng xuất bản sách nhạc và đĩa hát của các Nhà Xuất bản như NXB Âm nhạc, NXB Hà Nội cùng các NXB khác. Nơi quầy sách trẻ em đã thấy đẹp mắt vì loại ấn phẩm này. Giá như có hẳn một loại sách và đĩa hát tác phẩm mới thì hay biết mấy cho người sử dụng, người theo dõi và cả... người sáng tác nữa! Các Đài Truyền hình đã nhiều tươi vui với các chương trình ca múa nhạc cho trẻ em. Nếu như chương trình ấy được biên soạn và tổ chức ấn tượng hơn thì hiệu quả giáo dục nghệ thuật còn cao hơn nữa. Các Đài vẫn chưa có chuyên mục tác phẩm mới cho các em khiến cho độ phong phú cũng hạn chế.

            Các Đài và các Báo Nhà nước, có lẽ cần phải tận dụng ngân sách nhà nước để bao cấp hoàn toàn việc xuất bản tác phẩm ca nhạc trẻ em.

            3. Về phê bình và giới thiệu ca khúc học trò.

            Khi bàn về chủ đề này trong tay tôi chỉ có hai cuốn sách ít ỏi, một là Âm nhạc với tuổi thơ của nhạc sĩ Trần Quỳnh Mai và hai là cuốn Những bài hát thiếu nhi Việt Nam phổ thơ của nhạc sĩ Hoàng Lân. Hai cuốn sách thú vị, từng được giải của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Tôi không dám chắc có còn nhiều hơn nữa những công trình tương tự?

            Nhưng dẫu thế công tác phê bình giới thiệu ca khúc trẻ em ở nước ta cũng còn thưa vắng lắm, có phải đó là thứ xa xỉ phẩm trong khi những vấn đề lý luận Âm nhạc Việt Nam còn rất bộn bề?

            Nên chăng, cũng nghĩ lại về một ngành sản xuất, dù chẳng là đại công nghiệp nhưng cũng nằm trong dây chuyền sản xuất nụ cười cho mấy chục triệu trẻ em Việt Nam.

            Sự thưa vắng tạm thời những bài ca hay cho lứa tuổi học đường là có thật và đang là mối quan tâm của nhiều người. Hiện tượng này cũng phù hợp với quy luật của một thời kỳ đang vận động mạnh mẽ: vận động của ngôn ngữ nghệ thuật ca khúc, vận động về lứa tuổi người cầm bút, vận động để xác nhận giá trị tinh thần cao đẹp của thế hệ tuổi trẻ nhà trường hôm nay.

            Khắc phục hiện trạng này là việc lớn, không phải chỉ là mong muốn, càng không phải việc mỗi sớm mỗi chiều là có được mùa màng. Chúng tôi hi vọng Hội thảo này có thể đóng góp tích cực và hữu ích, đáp ứng yêu cầu thiết tha của tuổi trẻ./.