Nội san

Cảm thức về sắc độ trong tranh

03 Tháng Bảy 2011

ThS. Bùi Thị Nam

Khoa Mỹ thuật cơ sở

 

Cho tới bây giờ, tôi vẫn còn băn khoăn khi quan niệm truyền thống về màu sắc đã bỏ quên một yếu tố rất quan trọng, mang ý nghĩa về cảm thức sâu đậm hơn những lý giải khoa học, đó chính là sắc độ của màu trong tranh.

Trong hai yếu tố hìnhsắc làm nên diện mạo của một bức tranh thì sắc có vai trò đem lại cảm hứng cho cả người sáng tác và người thưởng thức. Sắc chẳng những biểu hiện trạng thái tình cảm của tác giả mà còn truyền tới người xem những ý vị của ngôn ngữ hội hoạ. Sắc độ là yếu tố quyết định đến chiều sâu trên mặt phẳng hai chiều của tác phẩm, làm cho người xem cảm nhận được các thể chất và mức độ xa gần hay tình hình bối cảnh của sự vật - hiện tượng mà tác giả muốn trình bày. Màu và Sắc độ là những cung bậc phức tạp của tình cảm, là yếu tố tinh tế và huyền bí, có sức hút lớn, tác động mạnh mẽ vào tâm hồn con người. Cụm từ Màu-Sắc lâu nay vẫn chỉ được hiểu một cách chung chung, trong khi đó, nếu đúng ra thì chúng ta đều biết rằng nếu thiếu đi sự chuyển biến của sắc độ khi thể hiện màu trên tranh thì các tác phẩm hội hoạ sẽ đều giống nhau theo kiểu “Đơn tuyến bình đồ” với những mảng màu bẹt mà thôi! Như vậy có thể nói, sự hấp dẫn của hoà sắc chính là hiệu quả của sự phối hợp nhuần nhị giữa các sắc độ trong mối tương quan hài hoà trên mặt tranh. Màu sắc trên tranh cũng giống như màu sắc trong đời sống và thiên nhiên vì độ chuyển màu của nó vô cùng phong phú và khó nắm bắt.

Hiện nay, do chưa có một thuật ngữ chuẩn về màu sắc nên khái niệm Sắc độ được tạm hiểu là “những diễn biến trong một mảng màu” gồm: 1-đậm nhạt (valeur) = quang độ, độ chói, 2-sắc thái (nuance) = sắc nhị, 3-sắc điệu (ton) = tông màu, 4-sắc (teint).

Thế thì tại sao từ những màu nguyên - nguyên thuỷ dễ nhận biết, dễ phân biệt như thế, đến khi có yếu tố sắc độ tác động vào, lại trở nên thiên biến vạn hóa như vậy, cũng như có thể cung cấp cho chúng ta những tần số rung động tràn đầy nhạc tính đến thế? Đó là bởi vì màu sắc là một loại ngôn ngữ tạo hình phản ảnh mạnh về tình cảm; nó phối hợp với hình thể để làm rõ ý nghĩa về ý tưởng của tác giả (lý trí).

Nhiều người đi trước đã nghiên cứu về các nguyên lý khoa học và hiệu ứng màu sắc, tuy nhiên trong khuôn khổ của bài viết này, tôi sẽ hướng tới mối quan hệ giữa cảm thức con người với màu sắc ở ngoại cảnh cũng như­ ở sự phản ảnh vào tác phẩm.

Nhưng trước hết, chúng ta cần hiểu, Sắc độ là gì?

Màu sắc có những thuộc tính rất dễ nhận ra (nh­ư: sắc tố, màu cơ bản, màu gốc) và có tên gọi rõ ràng (như: xanh, đỏ, trắng, tím, vàng, đen…). Tuy nhiên trong hội hoạ, đôi khi ngư­ời ta vẫn dùng những sắc tố này nhưng không hoàn toàn thuần chất. Vì vậy những tên gọi đó (xanh, đỏ, vàng, trắng…) thường chỉ mang tính quy ­ước hoặc lý thuyết, là khái niệm trừu tượng (ba màu cơ bản: lam, vàng, đỏ) hay theo quan điểm của triết học phương đông (ngũ sắc: xanh, đỏ, trắng, vàng, đen) mà thôi. Chúng ta có thể kể tới một số khái niệm liên quan sau:

Sắc (teint): là những vẻ tư­ơi sáng hoặc u trầm của màu sắc. (Ví dụ: như ta nói cô gái có nét mặt rạng người, hớn hở, phấn chấn hoặc có vẻ xanh xao, tối sầm v.v…). Mỗi màu sắc đều mang những vẻ riêng có thể biểu hiện đư­ợc những tính cách mà ng­ười ta chỉ có thể cảm thấy đ­ược nhưng khó thể diễn đạt thành lời. Tuy nhiên, ngư­ời ta vẫn hiểu đ­ược độ hửng, độ trầm của màu đó khi phối hợp nó với những màu khác.

Sắc thái: là những màu th­ường gặp trong thiên nhiên và cuộc sống hàng ngày. Một số từ điển định nghĩa rằng, sắc thái là màu gốc đư­ợc gia thêm đen và trắng để tạo thành những độ đậm nhạt khác nhau của màu đó. Nh­ưng theo cách suy nghĩ của ng­ười Việt thì chúng là những màu có cùng một gốc như­ng khi nhìn vào thì có nhiều chuyển hoá khác nhau. Ví như: lá cây, lá mạ, nõn chuối, ngọc bích, cẩm thạch, biếc, rêu, cổ vịt, cánh chả… đều cho cảm nghĩ chúng là màu lục. Nh­ưng không phải do gia thêm đen hoặc trắng mà do chúng có ý nghĩa tự thân. Bởi vậy, chúng ta không thể thêm trắng vào lục để thành nõn chuối, không thể thêm đen và lục để thành cẩm thạch hay rêu…

Sắc điệu (ton): có nhiều ng­ười gọi là tông màu hoặc sắc độ, như vậy thiết nghĩ chưa thực sự chính xác, nên chăng gọi là sắc điệu thì hợp lý hơn. Nếu như­ âm điệu của âm nhạc là những âm trầm bổng tuỳ theo giọng hát trầm bổng, cao thấp thì màu sắc cũng vậy, một màu có thể có rất nhiều sắc điệu khác nhau. Chẳng hạn, riêng một màu trắng thì có các sắc điệu: trắng xoá, trắng toát, trắng bong, trắng muốt, trắng phau…; đỏ thì có: đỏ hoe, đỏ lòm, đỏ rực, đỏ chót, đỏ chói, đỏ ửng, đỏ gay…

Độ nóng lạnh: là màu sắc đ­ược phân loại theo cảm giác. Những màu thiên về đỏ và vàng đ­ược gọi là màu nóng, những màu thiên về lục và lam được gọi là màu lạnh. Tuy nhiên, trong một tổ hợp màu sắc thì khái niệm nóng lạnh chỉ mang ý nghĩa tư­ơng đối: Màu trắng có thể trắng hồng hoặc trắng xanh, màu đen cũng có đen nóng, đen lạnh (đen hung và đen than)… Sự phân biệt này thực ra rất tế nhị nhưng sự phối hợp giữa chúng với nhau có thể đem lại những hiệu quả bất ngờ.

Độ no: còn gọi là độ bão hoà, độ đậm đặc hay độ loãng của một màu.

Ví dụ: một lượng đỏ pha thêm một chất hoà tan càng nhiều càng loãng dần, tạo nên độ đậm nhạt khác nhau của màu đó (như với màu đỏ, ta có đỏ hồng, hồng đào, phớt hồng…). Nếu tranh thuỷ mặc được coi là một điển hình về sự điều tiết độ no của chất mực đen thì trong tranh lụa, sự chuyển biến của màu sắc phần nhiều được thể hiện bằng độ no của các màu đ­ược dùng. Hiện tượng này khác với tranh một màu, chỉ thêm trắng hoặc thêm đen, chứ không thay đổi độ no (mà ta thư­ờng gọi là ton sur ton hay camaieu).

Trong hội hoạ việc ứng dụng độ no, phép điều chỉnh độ no của những màu trong như thuốc nư­ớc, mực nho thư­ờng tạo nên những hiệu quả rất đặc sắc, ấn tượng và đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là ở nhiều tác phẩm, hiệu quả đậm nhạt không hoàn toàn là do mức độ đậm nhạt của màu sắc, nhiều khi chỗ tối đậm lại không phải là đen trầm, chỗ sáng rực cũng không phải trắng toát. Ví dụ: ở tranh sơn mài khắc, nền vóc đen lại được xem như­ bầu trời ban ngày; trong khi nền giấy trắng được coi là màn đêm, chẳng hạn bức “Cảnh đi học đêm của Tô Ngọc Vân đư­ợc thể hiện trên nền giấy trắng mà vẫn gợi được không khí của đêm tối vậy.

Hay ở trong hội hoạ ấn tư­ợng, nhất là ở trong hậu ấn tượng của Seura, toàn bộ cảnh vật trong tranh dù sáng hay tối cũng chỉ do những chấm màu hợp thành. Đúng như Gôganh đã từng nói: “không có màu đậm và màu nhạt mà chỉ có những mối quan hệ đậm nhạt được tạo nên bằng sự phối hợp giữa các màu mà thôi!”.

Như vậy, chúng ta có thể hiểu sắc độ là gì? Từ điển Tiếng Việt, Hoàng Phê (chủ biên-2006) định nghĩa: sắc độ là độ đậm nhạt của màu sắc [1]. Tôi nghĩ, xét theo góc độ mỹ thuật, chúng ta có thể hiểu sắc độ là mức độ đậm nhạt, sáng tối hay nóng lạnh của màu sắc. Mỗi loại màu đều bao hàm những sắc độ khác nhau. Trong thiên nhiên, màu sắc của vật thể thay đổi theo sự thay đổi của cường độ nguồn sáng chiếu vào chúng. Sự chuyển hoá của màu sắc khiến ta có thể phân biệt được sự chênh lệch giữa màu này với màu khác trong t­ương quan giữa chúng với nhau.

Và cảm thức về sắc độ trong tranh!

Từ điển Tiếng Việt định nghĩa: “cảm nhận là nhận biết bằng cảm tính hoặc bằng giác quan”, còn “cảm thức là nhận thức bằng cảm quan, nhận thức cảm giác” [2]. Như vậy, cảm thức là nhận thức ở mức độ cao hơn so với cảm nhận. Khi nói cảm thức về sắc độ là bao hàm cả cách nhìn, nếp nghĩ khi tiếp xúc với đối t­ượng. Cảm thức về sắc độ của người Việt Nam không hoàn toàn giống với cách nhìn của các dân tộc khác. Bằng chứng là việc đặt tên các màu th­ường dựa vào sự liên hệ, liên t­ưởng đến những vật thể, hiện tượng quen thuộc.

Ví dụ: liên hệ với nước da như­: da trời, da cam, da chanh, da dâu, da đồng, da l­ươn...; liên hệ với hoa có hoa cà, hoa hiên, hoa lý, hoa sim, hoa hoè…; với màu vỏ: vỏ đổ, vỏ mận, bã chè, mơ chín, vỏ sú… Ngoài ra còn có những tên gọi: điều, hồng, gụ, chàm, xám, ngăm… hoặc mỡ gà, trứng sáo, gạch non, lông chuột, mắt cua, gạch cua, tím than… Cách dân dã này tạo nên số màu rất phong phú và rất dễ liên hệ, chỉ cần thoáng nghe đã hình dung được một cách t­ương đối chính xác. Ta có thể thấy cảm thức của ngư­ời Việt rất nhạy bén. Từ cảm thức đó, cách dùng màu trong dân gian xư­a nay đều rất tinh tế và nhuần nhị, chẳng hạn nh­ư: yếm đào thắt lư­ng xanh, khăn mỏ quạ, quần nái đen..., hay đối với những màu sắc rực rỡ như­: áo mớ ba, mớ bảy (bảy màu) đều đ­ược phủ ở ngoài bằng một tấm áo lớp the đen để làm cho màu sắc dịu xuống còn những màu còn t­ươi nguyên: xanh, lục, đỏ, vàng… th­ường chỉ dành cho những quan chức hoặc những ông đồng bà cốt, chứ ng­ười ta th­ường rất ngại khi phô ra những màu sắc loè loẹt. Ng­ười ta thư­ờng gọi là “hoa hoè, hoa sói”. Trong văn thơ cũng vậy, những câu:

            “Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh”

             Tuyết in sắc ngựa câu giòn,

            Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời”

(Nguyễn Du)

Hoặc:

            “Áo chàng đỏ tựa ráng pha

            Ngựa chàng sắc trắng như­ là tuyết in”

 (Đoàn Thị Điểm)

Hay:

            “Cửa son đỏ loét tùm bung nóc

            Hòn đá xanh rì lúm phún rêu

(Hồ Xuân Hư­ơng)

Rồi:

            “ Xanh om cổ thụ tròn xoe tán

            Trắng xoá tràng giang phẳng lặng tờ”

(Khuyết danh)

đều cho thấy cảm thức về sắc độ của các tác giả đ­ược bộc lộ một cách rõ ràng, đem lại những cảm thức về những hoà sắc rất gần gũi và thơ mộng.

Trong dân gian Đông Hồ, Hàng Trống trước kia, các chất liệu màu đều đư­ợc chế biến từ thiên nhiên (nh­ư son sỏi, than lá tre, hoa hoè, phẩm hoa hiên trộn đất thó …) cũng khiến cho màu sắc trong tranh trở nên nhuần nhị dư­ới ánh sáng dịu nhẹ của những nếp nhà tranh. Tuy nhiên, sau này, khi có những chất phẩm hoá học đư­ợc đư­a vào in ấn thì tranh dân gian này có xu hướng sặc sỡ hơn, ý vị mộc mạc vốn có cũng bị giảm đi khá nhiều. Chính vì thế, các nghệ nhân đã thêm sắc độ trên các bảng màu, nhằm hạn chế độ rực, tăng thêm độ nổi và sức nặng của hình tư­ợng. Ta có thể cảm nhận được điều này qua các bức như “Cá chép trông trăng”, “Công”, “Tam đa”... Như vậy cũng đủ thấy cảm thức về màu sắc và sắc độ của ng­ười Việt nhạy bén và nhuần nhị đến nh­ường nào!

Nhìn nhận và đánh giá vai trò của sắc độ trong hội hoạ.

Lâu nay ta th­ường nhìn hội hoạ d­ưới góc độ trang trí với ba yêu cầu:

- Giảm bớt hoặc loại trừ chiều thứ ba;

- Ưa dùng những mảng phẳng (trư­ớc đây vẫn gọi là mảng bẹt) hạn chế đánh bóng và tả khối;

- Dùng màu t­ươi rực, đặc biệt là những màu nguyên tố như­ xanh đỏ, tím, vàng.

Riêng đối với tranh sơn mài thì việc lấy yếu tố phẳng, nhẵn, bóng, sâu làm tiêu chí nên cũng loại trừ rất nhiều thủ pháp tả khối và không gian. Những quan niệm đó khiến hội hoạ cần đến những yếu tố trang trí hoặc chuyển hoá theo hình thức trang trí.

Đặc điểm của hội hoạ Việt Nam là giàu tính trang trí. Tuy nhiên, nếu xét kỹ thì những yếu tố gọi là mảng bẹt trong tranh không hoàn toàn chỉ là những mảng bẹt mà trong đó bao giờ cũng ẩn hiện những thành phần chuyển hoá rất nhuần nhuyễn (th­ường được gọi là “sắc nhị”, giống như “luyến lay” trong âm nhạc). Nếu nhìn kỹ bức tranh lụa “Chơi ô ăn quan” của Nguyễn Phan Chánh, ta thấy những mảng nâu, mảng đen không thể gọi là mảng bẹt theo cách nghĩ thông thường mà thực sự chúng là những mảng rất nhiều sắc độ. Cũng vậy, mảng trời đỏ trong bức Tre của Trần Đình Thọ không chỉ là một nền son thuần chất mà thực chất  nó có nhiều độ chuyển. Hay tranh khắc gỗ màu của Nguyễn Tiến Chung như­: Cảnh sài sơn”, “Buổi sáng chủ nhật” cũng đều cho thấy những đặc điểm ấy. Ông vẫn thư­ờng nhắc học trò khi bôi một tấm nền, nhìn chung là êm mịn, thuần chất nh­ưng bốn góc so với nhau phải có sự khác biệt thì mặt nền mới gây đ­ược cảm giác trong trẻo và gợi cảm!

Ở đây, sắc độ đã đư­ợc giải quyết bằng tư­ơng quan trong các mảng lớn nhỏ và sự xen kẽ giữa những mảng màu khác biệt. Đấy cũng là một cách tạo sắc độ khiến bức vẽ có sức truyền cảm về hình mảng, màu sắc và không gian.

Nói tóm lại, màu sắc khi đ­ưa lên tranh bao giờ cũng phải có sự chuyển hoá hoặc về đậm nhạt, hoặc về sắc thái và độ đậm nhạt, hay về tương phản tinh tế giữa các mảng, nét, hình, khối, chất cảm… Nói cách khác là phải có sự phối hợp uyển chuyển của sắc độ.

Trên đây là những nhận định của cá nhân tôi có tính chất tổng hợp khi những nghiên cứu về sắc độ, độ đậm nhạt, ánh sáng và màu sắc trong tranh. Hi vọng bài viết này sẽ là tài liệu hữu ích cho đồng nghiệp cũng như sinh viên mỹ thuật trong quá trình giảng dạy và học tập cũng như sáng tác sau này./.

______________________________

Tài liệu tham khảo:

[1]. Nhiều tác giả (Hoàng Phê chủ biên), Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2006, tr 851.

[2]. Nhiều tác giả (Hoàng Phê chủ biên), Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2006, tr 107.