Nội san

Khối thực và khối ảo trong tượng tròn

27 Tháng Sáu 2011

      ThS. Nguyễn Minh Thuỳ

Khoa Mỹ thuật cơ sở

 

Mỗi loại hình nghệ thuật đều phản ánh hiện thực cuộc sống con người. Đối với điêu khắc, ngay từ thời cổ đại, các nhà điêu khắc thường lấy cảm xúc từ cảnh sinh hoạt của con người. Bằng cách tạo hình khối để thể hiện sự đa chiều của cuộc sống, tranh tượng của họ là những tác phẩm mẫu mực cho các thế hệ sau về hình khối, bố cục, nét gợi cảm và cả sự quyến rũ.

Trải qua những thay đổi của lịch sử, nghệ thuật cũng phát triển theo những khuynh hướng riêng. Các nghệ sĩ muốn tìm đến một loại hình nghệ thuật mới, mà ở đó, khái niệm về năng lượng, tốc độ chuyển động đều được đề cập đến. Xu thế nghệ sĩ điêu khắc đi tìm các hình thức thể nghiệm mới ngày một nhiều, tạo nên một diện mạo nền điêu khắc tạo hình mới, đa dạng hơn, phong phú hơn với sự xuất hiện của những khám phá táo bạo. Ngày nay, nghệ thuật điêu khắc đã mang tính hiện đại, trong đó, các nghệ sĩ hoán đổi từ những hình tượng con người cụ thể thành những khuynh hướng khác nhau như cực thực, lập thể, trừu tượng… Thời gian gần đây, các nghệ sĩ còn dùng cả hình, khối kỷ hà để sáng tạo ra những ý tưởng mang tính trừu tượng và khái quát cao, biến những hình tượng con người thành các khối thực-khối ảo, thậm chí cả khối ảo trong không gian ảo.

Khi nói đến nghệ thuật điêu khắc, ta không thể không nhắc tới ba vấn đề cơ bản là: Hình khối, Không gian và Chất liệu.

Qua quá trình phát triển nghệ thuật, các nhà điêu khắc ở mỗi thời kỳ thể hiện sáng tác của mình thông qua các hình thức bố cục nhằm diễn tả sự đa chiều của cuộc sống (là vẻ đẹp cùng những suy tưởng của con người). Khối điêu khắc được bố cục bởi những hình khối lồi, lõm, tạo hứng thú thẩm mỹ cho cả thị giác lẫn xúc giác. Khối điêu khắc tượng tròn là một thể loại tượng có không gian ba chiều, người xem có thể ngắm tất cả các mặt của nó. Tượng tròn thể hiện mức độ tự do và thoát ly cao nhất của điêu khắc, bởi không gian biểu hiện của thể loại này do chính nó tạo ra chứ không cần thông qua một loại hình nghệ thuật nào khác.

Khối của điêu khắc không chỉ là thể tích và hình thù mà còn là sự thể hiện mối quan hệ giữa các bộ phận và giữa toàn bộ bố cục khối với không gian xung quanh. Không gian là nền của bố cục tượng và tượng là hình trên nền. Mối quan hệ hai chiều đó chỉ đúng nếu nhìn từ phía nào cũng thấy hình và nền hoà hợp với nhau.

Đó là vẻ đẹp của bố cục, dáng thế, mảng miếng và cách tạo hình. Khối còn có vẻ đẹp từ chính bề mặt lồi và lõm, các chi tiết phụ trợ, phong cách diễn tả chất (rắn, mềm, cứng, sần sùi, mịn, căng, đanh…) cũng như từng sắc thái riêng của chất liệu. Thời kỳ nghệ thuật đổi mới xuất hiện nhiều trào lưu với những khuynh hướng nghệ thuật khác nhau. Nhiều hình thức thể nghiệm đã cho ra đời những tác phẩm điêu khắc trừu tượng, lập thể với những khối không gian mạnh mẽ, đa chiều và những hình khối lồi-lõm, thực-ảo khác nhau, tạo cho công chúng những cảm giác cũng như cách nhìn nhận mới về sự tồn tại và vai trò của những hình khối thực-ảo này.

Nhận định về khối, có một số ý kiến như sau:

Khối thực: Là khối hình cụ thể, phải chiếm chỗ trong không gian có thể nhìn thấy, sờ và nắm được. Khối thực ổn định, mang tính nhô nổi, mật độ hình cao, tạo cảm giác đầy chặt, có đường bao quanh hoặc đường ranh giới.

Khối ảo: Có tính lùi sau, là những khoảng không gian rỗng giữa các hình đầy chặt, là cấu trúc luồn lách bên trong các tác phẩm. Khối ảo không có hình dạng cụ thể, không có đường ranh giới mà do trí tưởng tượng của con người tạo ra. Khi xem một tác phẩm điêu khắc ta thấy tồn tại ba hình thức khối ảo, đó là:

+ Khối ảo trong không gian: là loại khối ảo cho ta thấy đư­ợc một dạng hình thù do trí tưởng tượng tạo ra nhờ dựa vào một bề mặt, một yếu tố nào đó có sẵn. Nó không chiếm chỗ trong không gian, không thể sờ nắm đ­ược, mà là sự cảm nhận, đôi khi thể hiện chút bay bổng và trí tưởng tượng phong phú của người nghệ sĩ.

+ Khối ảo được tạo từ hình khối: là những khối ảo được tạo nên từ những mảng lồi-lõm của bản thân bố cục tượng, được sắp xếp, bố cục theo nhịp điệu, hình khối cụ thể khiến người xem cảm nhận được hình tượng, ý tưởng của tác giả.

 

Thánh Gióng – tác giả Nguyễn Hải

 

Tác phẩm “Thánh Gióng” của nhà điêu khắc Nguyễn Hải cũng tuân thủ theo một cách bố cục và sắp xếp mảng khối đan xen giữa những mảng khối thực và mảng khối ảo để tạo nên một tác phẩm vừa mạnh mẽ về hình khối, hiện đại trong cách tạo hình, vừa đ­ưa những t­ưởng tư­ợng của con ngư­ời về câu chuyện đánh giặc huyền thoại của vị anh hùng dân tộc. Trong tác phẩm, ngư­ời và ngựa đ­ược cách điệu một cách nhất quán về nhịp điệu và mảng khối. Những mảng hình khối lồi, khối lõm đầy tính hiện đại nh­ưng vẫn mang hơi thở, mang bản sắc dân tộc về hình t­ượng vị anh hùng trẻ tuổi đánh giặc bảo vệ đất nước. Hình khối ngư­ời và ngựa là hình khối thực, cách tạo hình con ngựa đư­ợc kéo dài ra và những vòng xoắn của khối cách điệu như­ khoan vào không gian (khối ảo) cho ta thấy được sự thần tốc và mạnh mẽ.

+ Khối ảo (cấu trúc bên trong) là loại khối ảo ẩn, chìm, được tạo ra từ những khoảng rỗng (lỗi thủng) to nhỏ khác nhau trên bề mặt tượng. Nó là cấu trúc bên trong của bố cục tượng mà người xem theo cảm xúc thẩm mỹ của bản thân mà phải tưởng tượng ra mình. Khối ảo (cấu trúc bên trong) thường không có hình dạng nhất định, không có đường ranh giới và có thể luồn lách qua những hình khối cụ thể để tạo nên một không gian, một bố cục mới theo trí tưởng tượng của con người.

              

Người nửa nằm, nửa ngồi (Henry Moore-1950)

 

Như vậy, ta có thể có những nhận định về khối ảo (khoảng rỗng) như sau:

+ là thủ pháp biểu hiện của điêu khắc rất đa năng do con ngư­ời sáng tạo ra, nhờ sự kết hợp giữa những cảm quan hình khối với tính năng của bố cục thông qua thị giác;

+ thể hiện sự chuyển động của khối, làm ngôn ngữ điêu khắc thêm phần sức mạnh, làm cho nghệ thuật trở nên phong phú và đa dạng: như­ mây, mái tóc bồng bềnh, sóng nư­ớc… Trong bố cục của một tác phẩm tư­ợng tròn độ to nhỏ hay độ rộng khe hở của khoảng rỗng không giống nhau sẽ xuất hiện hiệu quả và khoảng không gian ba chiều khác nhau.

+ là mảng miếng to nhỏ khác nhau, đ­ược xếp dàn trải theo chiều ngang tạo cho ta cảm giác yêu bình và ổn định, cảm giác tĩnh lặng đứng yên bắt nguồn từ những nhịp điệu đan xen bằng phẳng. Khối ảo đư­ợc sắp xếp theo chiều thẳng đứng làm cho ng­ười xem có cảm giác cao vợi, những khoảng rỗng đó còn gây cho những ngư­ời xem có cảm giác một sức sống mới đang vư­ơn lên.

Nền nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam có những bức tượng tuy đã tồn tại nhiều năm nhưng vẫn mang phong cách tạo hình, kết hợp giữa hai yếu tố thực và ảo, tạo nên một bố cục tượng đẹp về hình tượng và tư duy, một phong cách giàu bản sắc dân tộc của nhân dân ta, mà một trong số đó là tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn đặt tại chùa Bút Tháp.

Bức tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn ra đời trong bối cảnh mà lịch sử chấp nhận nhiều luồng nghệ thuật. Bức tượng không là một hình khối cụ thể về Đức Phật với nhiều chiếc đầu nhỏ và con mắt được tạo hình theo vòng tròn; mà còn tiềm ẩn là khối ảo với sự liên tưởng thành tâm về cách tạo hình với những vòng tròn luân hồi của sự sống con người. Những chi tiết trong bố cục ổn định trong tổng thể để tôn vinh  hình khối cụ thể của một Đức Phật thiêng liêng trong đạo và đời.

Khi ngắm nhìn bức tượng, ta thấy rõ mạch ngầm của khối ảo là sự thiêng liêng, sự tưởng tượng ra thế giới tâm linh luôn có trong cuộc sống, làm cho con người cảm thấy an lành, thành tâm đứng trước một khoảng không gian tĩnh lặng và đầy huyền bí (khoảng không gian của tâm linh và thế giới hiện thực). Tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn có hai thế giới; mà ở đó, khối thực và khối ảo luôn bổ trợ và tương tác cho nhau, trong thực có ảo, trong ảo có thực, nhằm làm nên một tác phẩm với tạo hình đẹp.

Không chỉ xuất hiện trong các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc cổ, khối thực-ảo và sự tương tác của chúng ngày càng phát triển theo nhiều chiều hướng và ý tưởng sáng tạo nghệ thuật của nền điêu khác hiện đại Việt Nam như các tác phẩm Thánh Gióng, Anh Trỗi của tác giả Nguyễn Hải, tác phẩm Âm-dương của tác giả Phan Gia Hương…

Như vậy, từ những phân tích về khối thực-khối ảo trong điêu khắc trên, chúng ta thấy được một cách cụ thể và rõ ràng về giá trị của thực và ảo trong không gian tác phẩm tượng tròn. Tiếng nói của khối thực-khối ảo luôn đóng vai trò chủ đạo trong việc thể hiện cái nhìn thế giới xung quanh người nghệ sĩ. Đối tượng của nghệ thuật điêu khắc là thiên nhiên, bản chất khối thực-khối ảo trong bố cục của điêu khắc là chuyển tải tới người xem những ý đồ tư tưởng, hình tượng, tâm tư cuộc sống tình cảm của tác giả mà trong đó thực-ảo, ảo-thực luôn gắn kết với nhau. Sự biến đổi thực-ảo, ảo-thực đã tạo nên cho điêu khắc một phong cách tái hiện thế giới con người trên mặt phẳng không gian ba chiều thực sự độc đáo. Đó là ngôn ngữ tạo hình thực sự giản dị phong phú và sâu sắc; công cụ đa năng nhất để con người khám phá và nhận thức thế giới xung quanh; phương tiện để con người thể hiện sự sáng tạo của bản thân thông qua sáng tác nghệ thuật, tất cả những điều đó hoà quyện và bổ trợ cho nhau để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật./.