Nội san

Cần nhiều ca khúc mới, ca khúc hay cho lứa “Tuổi hồng”- “Tuổi áo trắng”

05 Tháng Bảy 2011

Tham luận Hội thảo khoa học

"Ca khúc cho nhà trường phổ thông hiện nay - thực trạng và giải pháp"

 

NS. Hoàng Lân

 

Tuổi hồng, tuổi áo trắng, tuổi học sinh Trung học phổ thông là tuổi giáp ranh giữa thiếu niên và thanh niên. Mọi biến đổi của các em từ tâm lý đến sinh lý diễn ra có bước đột biến mà các nhà tâm lý học đã từng nói tới… Lứa tuổi 15-16 bước vào ngưỡng cửa trường trung học phổ thông với nhiều hoài bão ước mơ, tuy nhiên sự lựa chọn và định hướng còn “lờ mờ” chưa rõ rệt. Đối với các em, một trong các nhu cầu cần quan tâm là nhu cầu văn hóa tinh thần, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật và thị hiếu thẩm mỹ cần được hướng dẫn..

Về âm nhạc, các em không thích bài hát thiếu nhi mà thích hát bài hát người lớn, thích nghe nhạc ngoại, rất nhiều em tìm đến các nhóm nhạc-ban nhạc thịnh hành trên thế giới, trong nước và các loại hình nghệ thuật để tìm hiểu.

Đặc biệt ở thành phố, các em tự mầy mò, thành lập ra ban nhạc, sáng tác ca khúc và tham gia các hoạt động biểu diễn một cách tự nguyện. Phần lớn ưa các loại nhạc sôi động, các tiết tấu mạnh. Thích học các loại nhạc cụ phổ biến như ghi ta, đàn phím điện tử hoặc trống, tìm thầy hướng dẫn theo kiểu không chuyên.

Nhu cầu âm nhạc của học sinh thiếu nhi nói chung là vô cùng to lớn với hàng chục triệu em ở khắp các vùng miền, thành phố, nông thôn, miền xuôi, miền núi. Đối với lứa “tuổi hồng”, khoảng 1,2 triệu em hầu như chưa được chú ý bao nhiêu. Muốn các em có món ăn tinh thần bổ ích với tính thẩm mỹ cao thì các ca khúc cho tuổi hồng không thể thiếu, các em cần những bài hát hay với những đề tài phù hợp, đa dạng, những tìm tòi sáng tạo về ngôn ngữ âm nhạc, gắn với cuộc sống hiện đại.

 Kể từ năm 1990, hàng trăm, hàng ngàn ca khúc thiếu nhi đều đặn ra đời, trong đó có một số bài tốt, cũng đã xuất hiện một số bài hát viết cho “tuổi hồng”, những sáng tác ấy có chỗ đứng trong đời sống học đường, thường xuất hiện qua các hội diễn học sinh trung học phổ thông toàn quốc và các tỉnh thành phố trong cả nước.

Ảnh minh họa (St)

 

Riêng về ca khúc tuổi hồng, xin điểm ra đây một số ca khúc đã “vào” nhà trường, được các em đón nhận một cách hào hứng không hề áp đặt: Chiều thu nhớ trường (Cao Minh Khanh), Tạm biệt mái trường (Bùi Anh Tú), Khi tóc thầy bạc trắng (Trần Đức), Mùa thu ngày khai trường (Vũ Trọng Tường), Tuổi 15 (Trương Quang Lục), Con đường đến trường (Phạm Đăng Khương), Phượng hồng (Vũ Hoàng), Kỷ niệm thành phố tuổi thơ (Hồng Đăng), Tháng 3 học trò, Câu hát đánh rơi (Hàn Ngọc Bích), Bóng dáng một ngôi trường (Hoàng Lân), Tuổi đời mênh mông (Trịnh Công Sơn) Hát với chú ve con (Thanh Tùng), Dòng máu Lạc Hồng, Ơi cuộc sống mến thương (Nguyễn Ngọc Thiện), Thầy cô và mái trường (Duy Quang), Cây đa quán dốc (Quang Vinh),… Những bài hát có cánh tự nó bay từ Nam ra Bắc và từ Bắc vô Nam đến với rất nhiều mái trường một cách tự nhiên.

Sơ bộ nêu một số ví dụ ở đây chắc chắn chưa đầy đủ, nhưng qua đề tài mà những tác giả đã sáng tác trong những bài hát trên, khảo sát qua hội diễn các trường Trung học phổ thông, đã nói lên rằng những bài hát đó đáp ứng yêu cầu các em mong mỏi. Sự lựa chọn của các em rất tự nhiên, không có sự áp đặt và càng không có thể ai áp đặt. Mỗi bài hát được thực tế thử thách, nếu đích thực tốt, có chất lượng nghệ thuật cao, nó sẽ đọng lại, vượt lên, lan tỏa, bay xa tới nhiều địa bàn, nhiều vùng miền khác nhau, (nói vui là không có “thế lực” nào ngăn sông cấm chợ, bế quan tỏa cảng được. Với sự sàng lọc nghiệt ngã của thời gian và sự công bằng vô tư của công chúng trẻ tuổi, nơi tiếp nhận, hưởng thụ nghệ thuật, có nhiều bài đọng lại lâu bền, có bài tự chìm đi, lặn sâu vào quên lãng, không có cách nào cứu vớt được, không để lại một hồi âm. Đó cũng là quy luật rất tự nhiên trong sự tồn tại và đào thải của nghệ thuật.

Thử nêu ra một vài nhận xét rút ra từ những tác phẩm được đối tượng thừa nhận.Thực ra, vấn đề này dành cho các nhà lý luận phê bình phân tích sâu hơn, ở đây tôi với tư cách một người làm công tác đào tạo, có nhiều dịp tiếp cận với nhà trường, tôi xin phép nêu lên vắn tắt một vài điểm:

- Bài hát viết cho tuổi hồng cũng giống như vấn đề sáng tác nói chung, phải được viết bằng cảm hứng, sự rung cảm đích thực, thể hiện qua ý tưởng sáng tạo của tác giả, nói một cách hơi sách vở, đó là yếu tố đầu tiên của những tác phẩm thành công.

- Bài hát được các em yêu thích, đó là những bài có giai điệu trong sáng, có lời ca giàu tính văn học, có hình ảnh gần gũi với đời sống tình cảm tâm lý các em.

- Bài hát được các em yêu thích không nhất thiết đóng khung trong đề tài trường học, đề tài thầy cô giáo mà cả những đề tài khác nhưng phù hợp với những ước mơ khát vọng của tuổi trẻ một cách lành mạnh, cũng có thể xem đó là bài ca phù hợp với lứa tuổi.

Tình hình sáng tác bài hát cho tuổi hồng gần đây khá thưa thớt, đi tìm bài mới rất khó và thiếu bài hay. Tôi thường gặp trong hội diễn ở nhiều vùng miền đất nước chỉ thấy những bài quen thuộc. Có điều vui mừng, vì sức sống tiềm tàng của những bài hát đó, nhưng cũng lo lắng vì sự lặp lại nhiều quá sẽ trở nên nhàm chán. Cũng có một số bài gọi là “sáng tác mới” nhưng nó rập khuôn, hời hợt, vô cảm, không để lại ấn tượng gì cho người nghe, tất nhiên bài như thế sẽ lặng lẽ trôi đi và chìm vào quên lãng.

Nếu bạn có dịp dạo qua các cửa hàng băng đĩa, tìm bài hát “tình ca” các kiểu, các cung bậc não tình thật là dễ dàng, bởi nó nhiều vô kể, y như ta đi vào một bát quái trận đồ. Nhưng tìm ca khúc tuổi hồng thì khó lắm.

Băng đĩa thiếu nhi trước và sau năm 2000 có rộ lên nhưng giờ đây đang lắng đi. Một bài báo ở miền Nam gần đây nhận định về tình hình âm nhạc thiếu nhi, nhất là thị trường băng đĩa, đã dùng từ “chìm lắng” và “ảm đạm”  nghe có phần đúng. Bởi số bài tốt thì đã thu đi thu lại nhiều, vẫn mấy bài quanh quẩn, không ở đĩa này thì thấy ở đĩa kia. Các tập nhạc in ấn – xuất bản thì “xào đi xào lại” đến teo tóp, hết tuyển tập này đến tuyển tấp khác, mở ra đều thấy những bài quen thuộc, thỉnh thoảng có “cài cắm” một vài sáng tác mới vào đó nhưng nghe chừng số bài mới này không có đời sống gì cả, rất nhạt nhòa, lãng đãng.

Nhà trường của ngày hôm nay, học sinh của thế kỷ 21, cách suy nghĩ, cách tiếp cận, cách thưởng thức có nhiều thay đổi. Các phương tiện và điều kiện của các em tiếp xúc với văn hóa nghệ thuật vô cùng phong phú qua công nghệ thông tin, kỹ thuật số. Sự giao thoa giữa các nền văn hóa do xu thế toàn cầu hóa ngày càng phát triển mở rộng. Vì lẽ đó nhạc sĩ cũng phải cập nhật, đổi mới tư duy, viết ra những gì cho đúng với tâm tư tình cảm các em mới mong các em tiếp nhận

Trong khi giao tiếp với học sinh tuổi hồng, chúng ta dễ dàng nhận thấy các em rất thích hát nhiều bài dành cho người lớn. Ví dụ: Một thoáng Hồ Tây, Huyền thoại hồ núi Cốc của Phó Đức Phương, Nhớ mùa thu Hà nội của Trịnh Công Sơn, Miền Trung nhớ Bác của Thuận Yến, Thời hoa đỏ của Nguyễn Đình Bảng, Một thoáng quê hương của Thanh Tùng và Từ Huy, Dấu chân phía trước và Đất nước của Phạm Minh Tuấn, rồi Việt Nam quê hương tôi của Đỗ Nhuận, Ngày mùa, Mùa xuân đầu tiên của Văn Cao, Bức họa đồng quê của Văn Phụng... Những bài hát trên không phải viết cho tuổi hồng nhưng được học sinh đón nhận và mong muốn được thể hiện Nhiều em học sinh THPT đã hát những bài hát này rất thành công trong các hội diễn mà chúng tôi có dịp tham dự. Bên canh đó, tôi gặp một trường hợp khá độc đáo, có một bài hát được đón nhận ở nhiều lứa tuổi như bài Khi tóc thầy bạc trắng của nhạc sĩ Trần Đức. Học sinh cấp 2 hát, học sinh cấp 3 hát, đến sinh viên Cao đẳng cũng thấy dàn dựng với các hình thức sinh động, biểu diễn rất thành công. Vậy ở đây có một vấn đề là sáng tác bài hát cho tuổi hồng không nên đóng khung cứng nhắc theo lối tư duy cuả một số nhà sư phạm mà nên có hướng mở cho rộng rãi.

Âm nhạc thịnh hành của giới trẻ bây giờ mang tính tiết tấu, phá phách, có nội lực, đặc biệt giới trẻ thành phố rất ưa chuộng. Các em tìm đến những Giấc mơ trưa của Giáng Son. Ôi quê tôi của Lê Minh Sơn, Con cò của Lưu Hà An và Nồng nàn Hà nội (quên mất tên tác giả)… Cả lối hát và diễn có tính gào thét thường gặp trên các sân khấu ca nhạc hiện nay có ảnh hưởng không nhỏ tới nhà trường. Các em quen nghe những Pốp-Rock sôi động, mãnh liệt cho nên với các bài mượt mà hiền lành, một số tỏ ra không mặn mà Cần phải biết như vậy để trong các món ăn tinh thần về âm nhạc cung cấp cho học sinh cần có sự đa dạng.

Cuối cùng tôi muốn nói đến một loại bài hát hầu như thiếu nghiêm trọng, đó là bài hát tập thể, bài hát cộng đồng. Kiểu như bài Nối vòng tay lớn của Trịnh Công Sơn, hoặc Như có Bác trong ngày vui đại thắng của Phạm Tuyên. Trong số những bài hay đang lưu hành, lại chỉ có thể biểu diễn sân khấu, hát với nhóm nhỏ hoặc hát cá nhân mà hát chung với cả một tập thể hàng trăm người thì không thể được. Nước ngoài có những bài như Bài ca tạm biệt, Ka-lin-ka đáp ứng yêu cầu cho hàng trăm hàng ngàn người hát thì ở ta lại quá hiếm. Có lúc nghĩ lần thẩn, chẳng may không có 2 bài hát Nối vòng tay lớn, Như có Bác… thì tìm bài nào khác thay vào đây được nhỉ?

Tóm lại, nguyện vọng của các trường học và đặc biệt lứa tuổi hồng mong mỏi có nhiều bài hát mới, bài hát hay nhiều hơn nữa. Các em đang khát, đang đòi được hát. Có một nền “âm nhạc lớn” mà các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam tiếp nối đã dày công vun đắp bao nhiêu năm nay để cho “bằng chị bằng em” trong khu vực cũng như trên thế giới, để hội nhập với quốc tế rộng lớn, thì cũng có một nền “âm nhạc nhỏ”, khiêm tốn, đang phục vụ cho yêu cầu của khối lượng công chúng khổng lồ hàng chục triệu học sinh cần được chú trong. Nếu ví như một mặt trận, thì các quân binh chủng, các loại vũ khí lớn nhỏ từ tên lửa, đại bác đến súng trường, súng lục, lựu đạn đều cần thiết, đều có nhiệm vụ chức năng riêng, không cái nào thay thế được cái nào để dẫn đến chiến đấu, mọi thứ cần đầy đủ và có chất lượng. Cũng như thế, sáng tác âm nhạc phải “sản xuất” tất cả các loại, chống hàng nhái, không có hàng giả. Chuẩn bị cho lớp khán thính giả thưởng thức và hưởng thụ âm nhạc lâu dài sau này với tình hình dân trí càng ngày càng cao là công việc không thể chần chừ./.