Nội san

Không gian diễn xướng nghệ thuật quan họ Kinh Bắc

05 Tháng Bảy 2011

                               Giảng viên: Trịnh Thị Oanh

                               Khoa: Thanh nhạc - Nhạc cụ

 

Tổng quan về không gian diễn xướng nghệ thuật Việt Nam

Việt Nam là một đất nước có 54 dân tộc anh em cùng sinh sống với những đặc trưng về phong tục, tập quán, lối sống cũng như văn hóa. Đặc trưng này tạo nên những nét đặc sắc trong sinh hoạt văn hóa nói chung, sinh hoạt âm nhạc nói riêng của từng dân tộc, trong đó phải kể tới các làn điệu dân ca đặc sắc, mang đậm màu sắc riêng biệt của mỗi dân tộc.

Nhắc tới không gian văn hóa ở một vùng miền nào, chúng ta cần đề cập tới những đặc điêm của không gian văn hóa vùng miền đó. Không gian văn hóa là khái niệm mang 3 ý nghĩa khác nhau:

Thứ nhất: là một không gian địa lý xác định mà ở đó một hiện tượng hay tổ hợp các hiện tượng văn hóa nảy sinh, tồn tại, biến đổi và liên kết với nhau như một hệ thống.vd:  Múa rối nước.....

Thứ hai: là vị trí tọa độ xác định hiện tượng văn hóa hay tổ hợp hiện tượng văn hóa đó trong mối quan hệ với các hiện tượng văn hóa hay tổ hợp các hiện tượng văn hóa khác nhau. vd: Thờ Mẫu Việt, Mẫu Chăm, Then Tày là văn hóa Việt trong tọa độ với văn hóa Đông Nam Á và Đông Á.

Thứ ba: là mượn khái niệm của vật lý học để chỉ khả năng tiếp nhận và lan tỏa của một hiện tượng hay tổ hợp hiện tượng văn hóa, tạo cho chúng có không gian văn hóa rộng, trung bình hay hẹp. Chẳng hạn: Văn hoá Việt nói chung có khả năng tiếp nhận, lan tỏa cao được gọi là văn hóa có sự lan tỏa rộng. Văn hóa Thái có khả năng tiếp nhận và lan tỏa hạn chế nên được gọi là văn hóa có sự lan tỏa trung bình.

Chúng ta có thể kể tới một số loại hình văn hóa nghệ thuật của Việt Nam sau đây:

Múa rối nước là một trong những sáng tạo độc đáo của cư dân trồng lúa nước vùng châu thổ sông Hồng. Nghệ nhân dân gian đã tạo nên các con rối (được gọi là “quân rối”) bằng gỗ với hình dáng, vẻ mặt, dáng điệu và trang phục phong phú, đa dạng. Khi đó, nghệ nhân sẽ đứng trong buồng trò để điều khiển con rối bằng những cây sào, thừng, vọt..., hoặc giật con rối bằng một hệ thống dây (được bố trí ở bên ngoài hoặc dưới nước). Màn trình diễn rối nước có thành công hay không phụ thuộc phần lớn vào sự cử động của thân hình, hành động làm trò đóng kịch của con rối qua đôi tay điêu luyện, thành thạo của nghệ nhân.

Múa rối nước (St)

 

Hát Xoan là một loại dân ca độc đáo của Phú Thọ. Những người hát xoan thường sinh hoạt thành phường (khoảng 10-15 người), tạo nên một không gian sinh hoạt văn hóa tập thể đặc sắc. Đây là loại hình dân ca lễ nghi phong tục với hình thức thể hiện gồm nhiều yếu tố như nhạc, hát, múa phục vụ nghi lễ cùng với những trò diễn trong hội làng, bởi lẽ hát xoan thường được tổ chức vào mùa xuân, trong những lễ hội của cộng đồng cư dân làng.

Đi xem hát xoan (St)

Một màn hát giao duyên trong nghệ thuật hát xoan (St)

 

Một minh chứng nữa chính là hát xẩm. Hát xẩm là loại hình văn hóa ra đời thời nhà Trần cách đây hơn 700 năm. Xẩm có nhiều làn điệu, trong đó có thể kể tới một số làn điệu chính như: xẩm chợ, xẩm giao duyên, xẩm hò khoan... với các nhạc cụ chính là đàn nhị, trống mảnh và xinh phách. Xẩm được người khiếm thị sử dụng làm nghề kiếm sống nơi bến đò, kẻ chợ hay lang thang trên đường nên mang tính tự sự như than thân trách phận, nêu gương các anh hùng, liệt sỹ hay châm biếm những thói hư, tật xấu... hoặc trữ tình. Tuy nhiên về sau này nghệ thuật hát xẩm đã dần mai một. Do đó, từ những năm 2007, Trung tâm phát triển nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức dạy và học hát xẩm miễn phí cho những ai yêu thích và muốn tìm hiểu về loại hình nghệ thuật này.

 

Hát xẩm (St)

Nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu (St)

 

            Như vậy, cuộc sống của mỗi chúng ta thấm đượm “chất men của không gian văn hóa” (lời GS. Viện sĩ Trần Ngọc Thêm). Và không gian văn hóa của mối loại hình dân ca Việt Nam là sự thể hiện một cách rõ nét những đặc điểm, đặc trưng về phong tục, tập quán, quan niệm cũng như lối sống của địa phương, của nơi có loại hình dân ca đó. Nói cách khác, càng tìm hiểu về không gian văn hóa của các loại hình dân ca của Việt Nam, chúng ta càng thấy được sự phong phú, đa dạng, độc đáo cũng như những giá trị văn hóa mà thế hệ trước đã gìn giữ cho ngày hôm nay.

Vài nét tiêu biểu về không gian diễn xướng nghệ thuật quan họ Kinh Bắc.

Trong quá trình học cũng như nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, tôi đặc biệt hứng thú và yêu mến những làn điệu "Quan họ Kinh Bắc". Đây là di sản văn hóa phi vật thể xuất phát từ tỉnh Hà Bắc cũ (nay là Bắc Ninh và Bắc Giang). Có một điều không phải ai cũng biết đó là, “dân ca quan họ Bắc Ninh ” mà chúng ta thường nghe chỉ là tên gọi mới thời gian gần đây. Các nhà nghiên cứu đã khẳng định: nghệ thuật hát quan họ bắt nguồn ở Bắc Giang, khi mà ở tỉnh này có tới 18 làng hát quan họ với rất nhiều nghệ nhân đang ngày đêm truyền lại cho thế hệ trẻ những làn điệu cổ trong không gian diễn xướng nguyên bản.

Một canh hát quan họ theo lối mộc tại làng Lim (St)

 

Dân ca quan họ Kinh Bắc là một trong những loại hình nghệ thuật gắn liền với lễ hội. Ngoài lời cổ vốn có, những làn điệu dân ca đã được trải chuốt và trữ tình hóa nhằm tăng phần phong phú về nội dung cũng như hình thức thể hiện của từng làn điệu. Tại sao lại như vậy?

Trước đây, khi chưa có sự tác động của công nghệ âm thanh hiện đại, những làn điệu quan họ Kinh Bắc đơn thuần chỉ là những lời ca, tiếng hát mượt mà, tình tứ được các nghệ nhân có giọng hát trời phú cùng với sự say mê, yêu thích và tích lũy qua thời gian thể hiện. Những buổi hát quan họ được biểu diễn ở lễ hội làng trong không gian làng quê mộc mạc, thân thuộc với cây đa, bến nước, sân đình. Đó thực sự là những màn biểu diễn chân tình mà cũng thật gần gũi với người nghe.

Ngày nay, nhu cầu thưởng thức quan họ Kinh Bắc ngày một lớn đã dẫn tới không gian diễn xướng loại hình nghệ thuật này có sự thay đổi. Công nghệ phát triển với những trang âm ánh sáng xuất hiện, hỗ trợ cho phần trình diễn của các liền anh, liền chị, nhằm đưa những làn điệu, câu hát quan họ tới gần hơn công chúng qua hệ thống loa, mi-cro, đèn sân khấu… Như vậy, không gian sinh hoạt quan họ Kinh Bắc đã không còn được như trước nữa.

Văn hóa dân gian nói chung, quan họ Kinh Bắc nói riêng có vai trò rất quan trọng, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân xưa. Ngoài lễ hội, quan họ Kinh Bắc còn được biểu diễn ở đình làng. Tại đây, các chàng trai, cô gái có dịp biểu diễn, thi thố thông qua những màn đối đáp, hát giao duyên. Trong khung cảnh thanh bình của làng quê Việt, những câu hát quan họ cất lên như lôi cuốn, thu hút người nghe, hướng họ tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống, tạo cho con người những phút giây thăng hoa, bay bổng.

Tại những dịp lễ hội, những làn điệu dân ca quan họ được vang lên bởi khả năng, kỹ thuật trong giọng hát cũng như biểu diễn của các liền anh, liền chị. Điểm đặc biệt ở đây là phần trình diễn của quan họ Kinh Bắc luôn theo một trình tự: đầu tiên là bài "Mời trầu" qua sự thể hiện của các liền chị. Với giọng ca mượt mà, đằm thắm, chân tình, từng liền chị mang những miếng trầu tên cánh phượng một cách khéo léo mời những người có tuổi trong làng cũng như các du khách tham dự.

“Mời trầu” (st)

Khi đêm hội gần tàn, âm điệu tha thiết của "Người ở đừng về" vang lên như níu chân người ở lại. Những câu hát như thể hiện sự nuối tiếc, như trách thời gian sao trôi quá nhanh, khiến cho những trái tim vừa tìm được sự đồng điệu thì đã tới giờ phút chia tay. Cuộc hát đã kết thúc trong sự lưu luyến, bịn rịn, trong lời hẹn tới ngày hội lần sau của các liền anh, liền chị.

Các liền anh, liền chị hát giao duyên (st)

Quan họ đã được Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể long trọng công bố là Di sản phi vật thể đại diện của Nhân loại với sự đánh giá cao của Hội đồng chuyên môn của UNESCO về giá trị văn hóa đặc biệt về tập quán xã hội, nghệ thuật trình diễn, kỹ thuật hát, phong cách ứng xử văn hóa, bài bản và cả trang phục biểu diễn. Như đã nói ở trên, ngoài vốn lời cổ sẵn có, những làn điệu quan họ đã được chải chuốt và trữ tình hóa. Người hát phải đáp ứng được những yêu cầu về âm thanh như: rõ ràng, nẩy hạt, nhẹ nhàng, mềm mại; từng nốt, từng âm luyến láy trong các làn điệu (được gọi là “vang, rền, nền, nẩy”). Giai điệu luyến láy này khi kết hợp với những kỹ thuật thanh nhạc, đã tạo nên nhiều điểm mới lạ trong phong cách thể hiện ở từng làn điệu dân ca. Tuy nhiên, những nét phá cách vẫn tuân theo một quy định chung, một trình tự nhất định về hình thức trình diễn của loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này.

Thêm vào đó, những làn điệu dân ca kinh bắc hầu hết đều viết ở hình thức hai đoạn đơn, có âm vực rộng và nhảy quãng. Điểm đặc biệt của những làn điệu này sử dụng rất nhiều nhiều nốt luyến đảo phách trong mọi âm vực của bài nhưng vẫn không mất đi sự nhẹ nhàng và mềm mại trong từng làn điệu. Để tạo nên những giai điệu mượt mà, trữ tình, đi vào lòng người như vậy, nghệ nhân quan họ không chỉ cần có giọng hát hay mà còn phải khéo léo, tinh tế khi sử dụng, kết hợp các nốt đen, đơn, trắng với những nốt luyến trùm 4, nốt hoa mỹ cũng như quãng 2 đi lên tạo nên sự nhẹ nhàng, mềm mại. Chỉ khi làm được điều này, quan họ Kinh Bắc mới mang nét gần gũi, mộc mạc, tế nhị mà sâu sắc, đọng lại những ấn tượng khó phai trong lòng người nghe.

Tạm kết

Qua tìm hiểu không gian diễn xướng dân ca Việt Nam nói chung, không gian diễn xướng của quan họ Kinh Bắc nói riêng, chúng ta thấy rằng, mỗi làn điệu dân ca của từng dân tộc, từng địa phương đều mang những nét riêng biệt, đặc trưng cho dân tộc đó, địa phương đó. Mà không gian diễn xướng của mỗi loại hình dân ca chính là một biểu hiện cho điều đó. Nghiên cứu không gian diễn xướng của mỗi loại hình nghệ thuật dân gian chính là hiểu thêm các đặc điểm, quan niệm, phong cách, lối sống cũng như đời sống tinh thần của cộng đồng dân cư đó. Mỗi người sẽ có cái nhìn đầy đủ hơn, từ đó góp phần gìn giữ và phát triển những giá trị văn hóa phi vật thể đáng quý mà cha ông ta đã để lại./.