Nội san

Bảo tồn và phát huy Hát Dô trong giai đoạn hiện nay

18 Tháng Sáu 2014

Trần Thị Kim Thăng

 

“Rạng ngày đi bẻ cành rành rành

Rành thì chẳng bẻ, bẻ cành mẫu đơn”

“Rạng ngày đi bẻ cành roi

Roi thì chẳng bẻ, bẻ sòi sòi nhuộm thâm.”

Đó là những câu hát Dô - một hình thức ca nhạc dân gian sinh ra từ lễ hội Đền Khánh Xuân. Tuy là thể loại dân ca nghi lễ, song điệu hát Dô không khô cứng, bó hẹp trong một nội dung mà lại có nét nhạc, lời ca rất độc đáo, trữ tình và đề cập đến nhiều mảng màu, nét đẹp trong đời sống lao động sản xuất, tình cảm của con người.

Hát Dô là một hình thức hát dân ca, ca ngợi và tưởng nhớ công ơn Đức Thánh Tản Viên – một trong bốn vị thánh được nhân dân tôn sùng là Tứ bất tử”. Thể loại âm nhạc dân gian này có nguồn gốc từ xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cũ (nay là Hà Nội).

 

Ảnh: Diễn xướng hát Dô- Câu lạc bộ hát Dô xã Liệp Tuyết- Quốc Oai- Hà Nội

 

Hát Dô phản ánh những ước mơ của người dân về thiên nhiên tươi đẹp, về cuộc sống hạnh phúc ấm êm, về thời tiết thuận hòa, mùa màng bội thu, con đàn cháu đống, là tiếng ca trữ tình, nồng nàn về tình yêu nam nữ, về hạnh phúc lứa đôi. Hát Dô gắn chặt với những phong tục tập quán và tín ngưỡng của vùng quê sinh ra nó; phản ánh khái quát nhưng cũng rất đầy đủ, cụ thể những tâm tư, tình cảm, ý nguyện của nhân dân địa phương trong cuộc sống hàng ngày.

Hát Dô là một loại hình dân ca nghi lễ hết sức độc đáo. Nét độc đáo thể hiện ở nguồn gốc xuất hiện, ở nghệ thuật biểu diễn, người hát và cả thời gian mỗi lần tổ chức. Hát Dô gắn liền với Lễ hội đền Khánh Xuân - Lễ hội rất độc đáo của vùng Phủ Quốc xưa (Quốc Oai ngày nay). Lễ hội này có nghi thức chính là những chầu hát thờ và 36 năm mới mở hội một lần. Sau khi tổ chức lễ hội, văn bản gốc được cất lại trong đền, những bản sao thì phải đốt đi. Chính vì vậy, những cứ liệu để nghiên cứu loại hình dân ca này rất hạn chế và khó khăn. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy hát Dô trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa to lớn đối với công tác lưu giữ và phát triển vốn văn hóa phi vật thể của dân tộc.

1. Đặc điểm âm nhạc của hát Dô

1.1. Đặc điểm về hình thức

             Hình thức hát nói: Là hình thức hát chúc mở đầu và kết thúc thường do người cái hát với phần nhạc điệu ở mức thô sơ, âm thanh chủ yếu dựa vào ngữ điệu của người hát. Mỗi nốt nhạc được sử dụng là sự luân chuyển mềm mại âm sắc các ngữ âm tương ứng tùy từng lúc đi lên hoặc đi xuống mà áp dụng nốt cao hay thấp hoặc luyến hai nốt lại với nhau.Tính chất của hát nói tương đối rõ nét chứ không dẫn dắt câu thơ theo tiết tấu của nó. Mỗi lần hát lại mang phong cách ngữ điệu của thời hiện tại, với giọng người cái đương thời nên vừa có tính chất cổ xưa lại vừa có phần hiện đại. Tiêu biểu cho hình thức này là bài Hát chúc, Hát nói.

             Hình thức hát ngâm: Là hình thức ngâm thơ do nhu cầu khác của cuốc sống mà hình thành và phát triển. Âm điệu hát ngâm rất phong phú, nhưng tiết tấu, nhịp điệu chưa rõ ràng, dứt khoát. Trong Hội hát Dô, hình thức hát ngâm thể hiện rõ nét ở các bài hát chúc thơ, ngâm thơ trong phần cuối của cuộc hát hay trong Bỏ bộ. Những tiết tấu tự do, giai điệu chải chuốt nên tính chất hát được nâng cao.

            Thường thường với năm nốt: mi, sol, la, đô, rê hát ngâm tiến hành mỗi từ trong thơ với một, hai nốt hoặc đến ba nốt với trường độ thường ở một nốt đen hoặc một nốt trắng. Đó là phần kém phong phú về âm điệu nhưng chính nó lại thể hiện tính chất cổ xưa, mộc mạc, thô sơ của lọai hình hát Dô. Chúng ta thấy rõ trong các bài hát: Giáo hương, Lên chùa, Răng đen cổ kiêu, Cầu tre cầu trúc...

             Hình thức xô: Hát xô là một bản trường ca diễn xướng liên tục từ đầu đến cuối cuộc hát, do người cái lĩnh xướng. Xen kẽ vào giữa mỗi đoạn, mỗi câu là câu hát đệm của các bạn nàng, kết hợp với những động tác múa mô phỏng phụ họa kèm theo. Phần lời hát của các bạn nàng thường nhắc lại, tô đậm thêm ý chính cho câu hát của người cái hát và phát triển thêm một đôi ý rất phong phú , giai điệu và tiết tấu đơn giản, gần gũi với đời sống nhân dân.

             Đoạn hát sôi nổi nhất của hát Dô, hát để chuẩn bị kết thúc của lối hát chính là chèo thuyền. Phần xô sau nhắc lại toàn bộ câu hát của người cái hát, nốt nhạc được nâng lên một quãng hai theo lối mô phỏng, các bạn nàng lại tiếp vào một nét nhạc phỏng theo lối chèo thuyền khá đặc biệt "huầy dô" là đặc trưng độc đáo của Hội hát Dô. Tiêu biểu cho hình thức này là bài Chèo thuyền, Mười hai tháng

            Hình thức ca khúc: Phần lời ca trong hát Dô là một câu được gói gọn trong hai câu thơ lục bát gồm cả phần hát của người cái và phần xô của các bạn nàng trong diễn xướng loại hình dân ca này. Phần nội dung lời ca có thể tách riêng ra đứng độc lập như những bài dân ca, có ý chính đủ rút ra một nhận xét, một suy nghĩ, một cảm xúc nào đó. Do tính chất liên xướng của hát Dô, phần kết của loại dân ca này ở một số chỗ không phải là kết trọn nhưng khi tách ra một đoạn có nội dung lời ca tương đối hoàn chỉnh trong một đôi hoặc hai đôi câu lục bát để giới thiệu thành một ca khúc thì phần kết vẫn không ra ngoài tính chất chung. Chúng ta có thể thấy rõ trong các bài hát trong phần Bỏ bộ thì hình thức ca khúc thể hiện rõ nét trong các bài Trồng chuối, Muỗi đốt tí tung, Hái hoa...

1.2. Đặc điểm về âm điệu

            Âm điệu của hát Dô được phát triển trên cơ sở lời ca. Ở hình thức hát nói thì phần lời ca không thay đổi, thêm bớt nhưng khi âm nhạc phát triển thêm một bước thì trong lời ca đã bổ sung thêm từ một chữ tiếng đệm như: a, i, ơ, ô, ư, ôi... chiếm nửa phách, một cách có khi có hai, ba chữ đệm chiếm cả phách hay một nhịp. Chúng tôi có thể kể đến rất nhiều bài hát Dô có sử dụng những chữ này như bài  “ Lên chùa”  thêm từ “i”, “a”; bài  Trồng chuối  thêm từ  “a”; bài  Hái hoa” thêm từ “a”, “ơ”, “”; bài  Muỗi đốt tí tung” thêm từ “i”, “a”, “”; bài  Hái chè” thêm từ “a”, “ô”, “là”; bài  Xuân sang hè  thêm từ “a”, “ơ”, hơ” “”; bài  “ Cầu tre cầu trúc ” thêm từ “í”, “a”, “ơi”.... tạo nên những âm điệu mềm mại uyển chuyển cho lối dân ca đặc trưng của vùng Liệp Tuyết, Quốc Oai, Hà Nội. Mặt khác, câu thơ dân ca theo thể 6/8 được đảo ngược để nhắc lại hai lần lời ca của câu sáu. Ví dụ như câu sáu: “Nào khi trúc trúc mai mai...” được đảo khi tiến hành làn điệu và trở thành: “Trúc trúc mai mai. Nào khi trúc trúc mai mai...” ( Bài Trúc mai )

            Bên cạnh đó trong hát Dô còn đảo đi chữ cuối của câu thơ đưa lên trên khá đặc biệt. Chúng ta có thể thấy rõ ở câu thơ:

“Rạng ngày đi bẻ cành rành rành

Rành thì chẳng bẻ, bẻ cành mẫu đơn”

Hay:

“Rạng ngày đi bẻ cành roi

Roi thì chẳng bẻ, bẻ sòi sòi nhuộm thâm.”

thì khi hát lại trở thành:

“…Rạng ngày ra là rạng ngày ra đôi lứa a chúng ta đi bẻ a cành roi roi thời thời chẳng bẻ sòi sòi nhuộm thâm. Rạng ngày ra là rạng ngày ra đôi lứa a chúng ta đi bẻ a cành rành rành thời thời chẳng bẻ cành cành mẫu đơn ấy đơn là mấu đơn. Dở là dở roi, dở là dở roi ô rằng là lưng uốn ô rằng là lưng uốn Qua bớ a ru hời lưng uốn rồi là roi đánh đau lưng uốn rồi là roi đánh đau...”

Một điều đáng chú ý là cao độ các nốt không hoàn toàn lệ thuộc vào các thanh âm của câu thơ (không, sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng). Nhiều thanh cao lại có nốt trầm và ngược lại thanh trầm lại có nốt cao, nhờ vào những nốt nhấn  hoặc hai nốt luyến lên hoặc luyến xuống. Tuy vẫn lệ thuộc vào nhịp điệu và trình tự của lời ca trong câu thơ và với nghệ thuật âm nhạc còn thô sơ nhưng hát Dô đã xuất hiện những dấu hiệu độc lập của nhạc tính trong quá trình diễn xướng.

1.3. Đặc điểm thang âm, điệu thức

 Về điệu thức:  Hát Dô không có điệu thức trưởng, thứ giống như âm nhạc Phương Tây, nhưng theo chúng tôi, hát Dô gần với thứ hơn và ta có thể sử dụng hợp âm 3 thứ để phối hợp do các bài hát thường được tiến hành tuyệt đại bộ phận là các quãng 3 thứ.

Về khúc thức: Hát Dô gồm có các hình thức hát nói, hát ngâm, hát xô và ca khúc diễn xướng liên tục trong một bản trường ca (trừ phần hát Bỏ bộ). Vì thế, mỗi bài hát trong hát Dô không mang tính khúc thức rõ rệt. Hát Dô có thể gói gọn nội dung trong một lời ca có mở đầu và kết thúc. Mỗi bài thường là câu ca dao gồm hai hoặc bốn câu lục bát và chính lời ca của câu ca dao đó phân định ranh giới của bài hát. Nhờ câu hát mở đầu của người cái hát và phần hát xô của các bạn nàng, mỗi đoạn đó trở thành bài ca độc lập. Song không phải đoạn lời ca nào cũng có nét nhạc riêng mà thường chung một nhạc điệu cho nên chỉ có ở những chỗ nào mà nét nhạc có phần sáng tạo hơn mới được ghi thành ca khúc riêng.

Ngoài mặt âm nhạc, trong hát Dô còn có phần múa, có hai giai đoạn khi thực hiện động tác: giai đoạn sử dụng trong phần lời ca chính của hát Dô và giai đoạn sử dụng trong phần hát Bỏ bộ.

Trong phần lời ca, ngoài động tác đi vào và đi ra khỏi bàn thờ lúc mở đầu và kết thúc do người cái đi theo lối chữ chi, các bạn nàng còn có những động tác chèo thuyền ở cuối, đứng thành hai hàng dọc, tay cầm quạt giấy đặt ở phía trước thắt lưng, cả hai bên đều quay mái chèo vào giữa, các bạn nàng vừa làm động tác chèo thuyền vừa hát xô, chân phải bước lên một bước rồi lùi lại một bước nhịp nhàng với động tác tay và câu hát. Những động tác chèo thuyền giống nhau ở tất cả các bài hát.

Sang phần hát Bỏ bộ, là những bài hát có kèm theo điệu bộ. Phần lớn các câu hát đều có động tác mô phỏng nội dung. Khi gặp phải những câu ca trừu tượng hoặc khó bắt chước bằng động tác thì các bạn nàng dùng động tác nhịp nhàng toàn thân: hai tay guộn ( như múa chèo nhưng thô sơ hơn) hoặc vẫy lên vẫy xuống nhịp nhàng , còn chân thì chân trước chân sau ngả tới ngả lui mềm mại.

Do tính chất mô phỏng từng động tác nên về cơ bản những động tác đó đều riêng rẽ, không có tính liên kết trong một bố cục chặt chẽ từ đầu đến cuối. Đội hình của múa trong hát Dô cũng đơn giản. Các bạn  đứng thành hai hàng dọc hướng thẳng vào bàn thờ , tiến lên lùi xuống trong phạm vi hẹp là một hoặc hai chiếc chiếu trải. Thỉnh thoảng mới có sự di chuyển về hình vòng cung, hoặc hai hàng ngang. Rõ ràng những động tác múa trong hát Dô còn thô sơ và mang tính chất cổ xưa.

2. Giải pháp bảo tồn và phát huy hát Dô

Những năm gần đây, việc bảo tồn và gìn giữ các làn điệu dân ca đậm đà bản sắc dân tộc đã bắt đầu được tiến hành trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, đây là một quá trình dài lâu và đòi hỏi nhiều thế hệ phải nỗ lực phấn đấu nhằm mục đích khiến giới trẻ hiện nay thấy hết được giá trị nghệ thuật đích thực của các làn điệu dân ca Việt Nam. Để bảo tồn và pháy huy hát Dô cần chú ý những vấn đề sau:

Thứ nhất là, tuyên truyền về ý nghĩa của việc đưa hát Dô vào các trường học nói chung.

          

Ảnh: Hát Dô trong sinh hoạt đoàn trường CĐSP Hà Tây

 

Bảo tồn âm nhạc dân gian truyền thống các dân tộc là bảo tồn được truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của đất nước, của dân tộc. Giữ gìn được bản sắc dân tộc là giữ gìn được “hồn nước”, giữ được sự độc lập – tự do của tinh thần dân tộc.

Vì vậy, việc đưa âm nhạc dân gian nói riêng và âm nhạc cổ truyền dân tộc nói chung vào chương trình đào tạo ở các trường từ chuyên nghiệp đến hệ thống các trường phổ thông, tiểu học, mầm non là một biện pháp quan trọng trong việc truyền bá, gìn giữ các di sản âm nhạc cổ truyền dân tộc.

Thực tế hiện nay, một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên có xu hướng  xa rời văn hóa truyền thống, dễ dàng tiếp thu và có hiện tượng sính nhạc ngoại đã khiến cho hát Dô bị mai một, lãng quên trong tâm thức người dân . Vì thế, cùng với sự hỗ trợ đắc lực của các dự án đưa dân ca vào trường học với  tâm huyết của các nhà nghiên cứu, cần có sự quan tâm đúng mực của nhà trường. Theo chúng tôi cần thiết phải  tuyên truyền sâu rộng  về ý nghĩa của hát Dô nhằm  giáo dục nhân cách toàn diện cho học sinh, sinh viên.

Đối với các trường  đào tạo Sư phạm âm nhạc, việc đưa hát Dô vào nội dung giảng dạy là điều hết sức cần thiết. Với những kiến thức về âm nhạc được trang bị ở trường    phạm, sinh viên sẽ trở thành nhịp cầu nối quan trọng để đưa hát Dô đến với cộng đồng thông qua học sinh. Chính vì lẽ đó, để nâng cao chất lượng chuyên môn và kích thích được tình yêu của giới trẻ thì cần phải lựa chọn, đổi mới nội dung để phù hợp với đặc thù của lứa tuổi học trò.  Theo chúng tôi, khi nghiên cứu, hát Dô cần quan tâm tới các yếu tố sau: Nội dung lời ca; ngôn ngữ âm nhạc; nghệ thuật diễn xướng trong đó có hát và múa; tóm lược ý nhạc, trích đoạn đưa vào giảng dạy; đặt lời mới phù hợp với đời sống đương đại cho điệu nhạc

Làm được như vậy thì dù 36 năm mới tổ chức lễ hội một lần nhưng  hát  Dô vẫn  thường xuyên có ý nghĩa và vai trò quan trọng trong giáo dục nhân cách, giáo dục tình yêu đối với quê hương, đất nước, dân tộc cho sinh viên. Đồng thời, nếu người giảng viên ứng dụng đa dạng các phương pháp dạy học nhằm gợi mở được trí tưởng tượng cho sinh viên, học sinh qua ứng dụng “Hát Dô” thì sẽ đáp ứng tốt yêu cầu “sáng tạo” của học sinh, sinh viên trong thế kỷ XXI. Việc đưa âm nhạc dân gian, cũng như các loại hình nghệ âm nhạc truyền thống khác vào chương trình giảng dạy, sẽ góp phần giúp cho các em có được khả năng về thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh, nhất là giúp các em có được lòng yêu thích, tự hào với những di sản âm nhạc mà cha ông đã để lại. Chính điều này sẽ góp phần vào việc duy trì, bảo tồn nền âm nhạc cổ truyền dân tộc.

Thứ hai là, Đưa hát Dô vào chương trình chính khóa

Việc đưa hát Dô vào giáo dục trong trường học phải được tiến hành có hệ thống và có đầu tư chiều sâu. Ngoài việc tổ chức các giờ học nhạc được coi là chính khóa cần phải thường xuyên tổ chức thường xuyên các chương trình ngoại khóa với sự hấp dẫn về hình thức, lôi cuốn về nội dung. Có như vậy mới kéo người học đến với âm nhạc truyền thống trong sự hào hứng và dần hình thành ở người học một nền tảng âm nhạc dân tộc vững chắc.

Đưa hát Dô vào chương trình giáo dục là phải cung cấp cho các em một số kiến thức sơ lược, khái quát về dân ca nói chung, dân ca hát Dô nói riêng; về những đặc trưng và giá trị văn hóa; về các hình thức sinh hoạt gắn với lễ hội truyền thống của cộng đồng cư dân nông nghiệp ở vùng Đồng bằng bắc bộ Liệp Tuyết, Quốc Oai, Hà Nội; về tác động của những bài bản dân ca hát Dô trong đời sống văn hóa cộng đồng.

Thứ ba là, đưa hát Dô vào chương trình ngoại khóa

 

Ảnh: Gặp gỡ nghệ nhân hát Dô- xã Liệp tuyết- Quốc Oai- Hà Nội

 

Đưa hát Dô vào chương trình ngoại khóa thông qua các hình thức: Tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ hát dân ca; Tổ chức cho người học xem biểu diễn; Tổ chức cho người học tiếp cận với nghệ nhân hát Dô; Tổ chức chuyên đề về hát Dô.

Bảo tồn và phát huy hát Dô hiện này là việc làm cần thiết và có ý nghĩa to lớn đối việc việc lưu giữ, duy trì một thể loại âm nhạc dân gian của người Việt cũng như góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

 

                                                     TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.              Ban chấp hành Trung ương Đảng (1996), Đường lối văn hóa văn nghệ của ĐCS Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

2.              Báo cáo khoa học (2005), Dự án sưu tầm và bảo vệ dân ca Hà Tây - Hát Dô, Nxb Sở Văn hóa thông tin thể thao Hà Tây.

 3.        Nhiều tác giả (2009), Giới thiệu dân ca Việt Nam ( đề án hỗ trợ đưa dân ca            vào trường THCS), Trường ĐHSP Nghệ thuật TW.

4.                              Kỷ yếu hội thảo khoa học (2004), Âm nhạc cổ truyền trong đời sống hôm nay, Viện nghiên cứu văn hóa.

5.                  Tô Ngọc Thanh (2013), Nói chuyện chuyên đề về âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW 11-10-2013.

6.                  Phùng Văn Thành (2006), Lễ hội đền Khánh Xuân, Viện nghiên cứu văn hóa.