Nội san

Diễn xướng hát Văn ở đền Sòng Sơn Thanh Hóa

21 Tháng Sáu 2014

                                                                                    Hoàng Bùi Sơn

 

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII năm 1996 của Đảng đã khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội. Mọi hoạt động văn hóa, văn nghệ phải nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh cho sự phát triển xã hội”.

Đất nước ta đang trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chuyển đổi từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự giao lưu kinh tế, văn hóa và vấn đề toàn cầu hóa có những tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, song cũng nảy sinh nhiều nguy cơ và thách thức lớn đối với chủ thể Văn hóa Việt Nam. Trong thời đại ngày nay, vai trò của văn hoá đã được Đảng ta khẳng định là một động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Sự tồn tại hay tiêu vong của một dân tộc được xác định bởi dân tộc đó còn hay mất bản sắc văn hoá dân tộc. Âm nhạc dân tộc, trong đó có Hát Văn, là bộ phận cấu thành nền văn hoá dân tộc, không thể không được lưu tâm sâu sắc và toàn diện để bảo tồn và phát huy những giá trị đích thực của nó.

Hát Văn có vị trí quan trọng trong tín ngưỡng Tứ phủ, một tín ngưỡng mang đậm bản sắc dân tộc. Từ bao đời nay, nghệ thuật Hát Văn được biết đến như một thể loại âm nhạc nghi lễ tín ngưỡng tâm linh của người Việt. Hát Văn đã được sáng tạo, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và trở thành một trong những di sản văn hoá của dân tộc Việt Nam. Đến nay, song song với chính sách mở cửa nhằm thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, Đảng và Nhà nước ta chú trọng tới việc khôi phục, bảo tồn, duy trì và phát triển nền văn hóa truyền thống của dân tộc. Diễn xướng Hát Văn ở đền Sòng Sơn, Thanh Hoá là hoạt động văn hóa tín ngưỡng góp phần duy trì, bảo tồn, phát huy một thể loại âm nhạc mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc.

            Đền Sòng Sơn là nơi thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã có từ lâu đời. Quần thể đền đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hoá, thắng cảnh cấp Quốc gia và là một tụ điểm sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng dân tộc, nơi mà Thánh Mẫu đã đi vào đời sống tâm linh của nhân dân. Hát Văn ở đền Sòng Sơn Thanh Hoá là sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng diễn ra thường xuyên. Người dân nơi đây thường tổ chức lễ hội lớn từ ngày 24 đến 26 tháng 2 âm lịch hàng năm.           

 

Ảnh: Lễ hội Đền Sòng Sơn Thanh Hóa

( Nguồn: Sưu tầm)

 

 Cung văn trong Hát Văn là những người đàn ông vừa biết đàn, vừa biết hát những bài văn chầu Thánh. Những người làm Cung văn chuyên nghiệp không những biết đàn, hát mà còn biết viết sớ, cầu cúng, lễ bái. Người làm Cung văn chuyên nghiệp phải thuộc tất cả các bài Văn được gọi là các giá đồng; chẳng hạn, các giá đồng chầu Mẫu Liễu Hạnh, văn chầu các ông Hoàng, bà Chúa, văn chầu Cô, chầu Cậu.... Ngoài khả năng đàn hát, Cung văn còn có thể sáng tác những bài ngẫu hứng, biến hoá những cấu trúc âm nhạc tuỳ thuộc vào hiện trạng của mỗi cuộc chầu, kéo dài hay rút ngắn một câu nhạc, đoạn nhạc, một làn điệu nào đó.

 

Cung văn có thể phối hợp với bất cứ một con đồng nào về việc trình bày một giá đồng khi được con đồng yêu cầu. Thường thì Cung văn chỉ phối hợp với vài ba con đồng đã quen cung cách làm việc với nhau, dễ thống nhất về đàn, hát và múa. Theo quan niệm dân gian, Cung văn là người môi giới những cuộc tiếp xúc tâm linh giữa người trần với thần thánh bằng tiếng đàn, giọng hát. Ngay từ thời cổ đại, người Việt cũng như nhiều dân tộc ở nước ta và một số dân tộc ở các quốc gia khác vẫn tâm niệm rằng trong trời đất bao la luôn hiện hữu một thế lực siêu nhiên huyền bí. Đó là những vị thần linh có nhiều phép thuật, giúp được con người và cũng có thể làm hại con người. Cầu cúng, tế tự, ca hát, nhảy múa là để giao tiếp với thần linh, nhờ thần linh giúp đỡ, ban tài, ban lộc. Bởi vậy, diễn xướng Hát Văn là phương thức mời các thần linh về cho người trần tế tự, thỉnh cầu.

Tiếng đàn, điệu hát của Cung văn chẳng những là lời thỉnh cầu mà còn có ý nghĩa như một thông báo triệu tập các vị thần, thánh về trần để người trần giãi bày tấm lòng thành kính, mong các vị đại xá cho các lỗi lầm, giúp đỡ phù trợ cho công việc làm ăn, buôn bán, sức khoẻ, an khang...

Nơi diễn xướng Hát Văn là ở gian giữa đền. Dưới hương án là một bục xây bằng gạch cao khoảng từ 30 đến 40 cm, rộng khoảng 3 - 4m2. Con đồng ngồi trên bục, cung văn và những người dự lễ, xem lễ ngồi hai bên và xung quanh. Trình tự thực hiện nghi lễ hát chầu văn phục vụ hầu bóng có thể chia thành bốn phần chính: Mời thánh nhập; Kể sự tích và công đức; Xin thánh phù hộ; Đưa tiễn. Bài hát thường chấm dứt với câu: "Thánh giá hồi cung!".

Hát Văn là một hình thức hát trong khi ngồi đồng nên các làn điệu và lối hát cũng như độ dài của câu ca, tiếng nhạc đều phụ thuộc vào diễn biến của cuộc hầu đồng. Nếu như không khí, nhịp điệu trong ca trù thính phòng êm đềm, réo rắt, trầm bổng thì trong Hát Văn ngược lại sôi nổi, kích động với trống phách, thanh la rộn ràng, làm cho buổi hầu đồng luôn trong không khí tưng bừng.

Mở đầu buổi lên đồng, Cung văn hát điệu Văn thờ. Tiết tấu điệu này nhanh, gấp. Khi Thánh đã nhập đồng thì Hát Văn hầu để ca ngợi công tích hay sự tích các thánh; sau đó, chuyển hát dọc để kích thích khả năng thăng thoát của người ngồi đồng. Điệu này nhạc dồn dập, tưng bừng. Khi nhân vật đã nhập vai các thánh và “làm việc thánh” thì diễn xướng chuyển sang điệu cờn - điệu thức cao hơn dọc một cung bậc. Tất nhiên, khi người ngồi đồng vào vai thánh nào thì người hát phải chuyển giọng theo ngôi thánh đó cho phù hợp.

Hát Văn không chỉ khó mà còn đòi hỏi cung Văn phải nhanh, linh hoạt để vừa có thể chuyển lời, giọng và nhạc cho ăn khớp mà vẫn hay, vẫn sát vai của người ngồi đồng; thậm chí phải hát lặp lại, luyến láy, kéo dài câu ca, tiếng nhạc trong thời gian chuyển tiếp giữa hai giá hầu. Khi hát, Cung văn phải thể hiện tâm lý, tình cảm của các nhân vật nên giọng hát phải luôn luôn chuyển đổi. Vì thế, chỉ trong một thể hát mà cũng có nhiều dạng khác nhau. Chẳng hạn, thể phú thì có phú dựng, phú chênh để diễn tả tâm trạng vui; phú rầu để diễn tả tâm trạng buồn. Những khi thay đổi như vậy, âm nhạc đều chuyển điệu thức 5 âm để phụ họa theo. Đó là cách Cung văn thể hiện tài năng riêng của mình.

Thông thường, Cung Văn chơi đàn nguyệt đảm nhiệm vai trò hát chính. Nhưng trong các lễ hầu đồng, cả Cung Văn đánh nhịp (phách, cảnh, trống) cũng phải hát. Tiêu chuẩn tối thiểu của một Cung Văn là phải vừa đánh nhịp vừa hát; tiêu chuẩn tối đa là phải vừa đánh đàn nguyệt vừa hát. Do lễ thức này thường kéo dài, có khi tới 6 đến 8 tiếng đồng hồ, nên cần có thêm vài cung văn khác cùng tham gia tiếp sức, hỗ trợ. Họ có thể hoán đổi vị trí, thay nhau đàn hoặc hát sao cho bài văn và âm nhạc liền mạch. Nói vậy để thấy được sự đa năng của các nghệ nhân Hát Văn. Thời lượng diễn xướng của một ban nhạc Hát Văn là đặc điểm hết sức thú vị. Trong âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam, nếu nói đến số lượng lớn nhất của một biên chế dàn nhạc thì người ta sẽ nghĩ ngay đến dàn nhạc cung đình. Thế nhưng, nếu tính đến một cuộc diễn xướng "dài hơi" nhất thì có lẽ lại là dàn nhạc Hát Văn trong các lễ thức hầu đồng. Cho đến nay, đây vẫn được xem là một năng lực đáng nể của các cung Văn trong giới nghệ nhân cổ nhạc.
   

Ở những nhóm Cung Văn thuộc đẳng cấp “nghệ nhân”, nhiều làn điệu họ có thể hát song ca hay đồng ca. Theo các nghệ nhân lão thành kể lại, trong nhiều trường hợp, 4 cung Văn có thể cùng đồng ca thật ăn khớp. Hát Văn là một bộ môn nghệ thuật cổ truyền mang đậm tính ngẫu hứng, luôn tự thích nghi trong mọi trường hợp biến đổi về thời gian do quá trình tổ chức, thay trang phục, đạo cụ trong hầu đồng, không giống như hát theo một bản nhạc đã được ký âm và truyền giữ qua mọi thế hệ. Do tính ngẫu hứng về trường độ và cao độ, giai điệu và âm tiết của Hát Văn nên việc hát đồng ca tập thể là rất khó. Đây chính là một hiện tượng độc đáo trong nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam nói chung; trong đó, nhiều thể loại vốn luôn tồn tại dưới dạng ngẫu hứng của một nghệ nhân trên cơ sở nguyên bản. Nếu muốn đồng ca, các nghệ sĩ phải có sự tập luyện, phối hợp rất công phu để khi diễn xướng, tác phẩm chỉ xuất hiện dưới dạng một dị bản duy nhất. Điều đó có nghĩa là các cung Văn phải lập thành nhịp điệu từng câu, từng từ trong đường tuyến giai điệu thống nhất. Trong một bộ môn nghệ thuật đầy tính ngẫu hứng như Hát Văn, đây là điều không dễ thực hiện.

 

Ảnh: Hát văn ( Nguồn: Sưu tầm)

 

Phần nghi thức hát thờ với tính chất trang nghiêm là bài văn chầu "Tứ phủ công đồng", có ý nghĩa thỉnh mời thánh thần về dự lễ. Phần tiếp theo là hát hầu đồng. Cung Văn đàn hát đến một lúc nào đó thì con đồng nhập thần nhảy múa và phán truyền những điều Thánh dạy. Hát Văn khá phong phú về làn điệu, bài bản. Những bài văn chầu khi hát được quy định từ hàng dưới Tứ phủ công đồng, bao gồm các giá đồng chầu bà, các quan hoàng, các ông cậu, bà cô....

Trình tự mỗi giá đồng trong diễn xướng Hát Văn gồm 3 phần:

Chầu đồng: Cung Văn hát kể về thân thế, sự nghiệp, diện mạo của một vị Thánh nào đó trong hệ thống các vị Thánh được thờ.

Thánh nhập: Cung Văn hát miêu tả những sự việc, những hành động như ban phúc, ban lộc, vân du nơi này, nơi khác.

Đồng thăng: Cung Văn cùng nhạc công thể hiện cao trào âm nhạc bằng âm lượng, âm vực, tốc độ... ở mức lớn nhất, cao nhất, nhanh nhất... mô tả các đức Thánh về trời.

Tham dự sinh hoạt lễ hội có nhiều thành phần trong xã hội với nhiều độ tuổi khác. Tuy nhiên, Hầu đồng, Hát Văn thì chỉ có số ít người tham gia trực tiếp, trong số đó, vai trò quan trọng nhất là cung Văncon đồng.

Trang phục trong sinh hoạt Hát Văn rất phong phú và đa dạng. Cung văn và những người đánh trống phải mặc áo the khăn xếp hoặc khăn lượt, quần trắng. Đây là bộ trang phục rất phổ biến của đàn ông Việt Nam thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám. Các con đồng tuỳ thuộc ở sự hoá thân của mình vào các vị thánh Mẫu, hay các ông Hoàng, bà Cô nào đó khi ngồi hầu bóng mà trang phục cho phù hợp. Màu sắc trang phục của các con đồng có được ấn định: Màu đỏ (áo dài, khăn và thắt lưng) là màu trang phục của ngôi thứ nhất, gồm các vị Mẫu Thượng Thiên, Chầu đệ nhất, Quan lớn đệ nhất, Ông Hoàng Cả, Cô Nhất. Màu xanh là màu trang phục của ngôi thứ hai, gồm các vị Mẫu Thượng Ngàn, Chầu đệ nhị, Quan lớn đệ nhị, Ông Hoàng Đôi, Cô Đôi. Màu trắng là màu trang phục của ngôi thứ ba, gồm các vị: Mẫu Thoải, Chầu đệ tam, Quan lớn đệ tam, Ông Hoàng Ba, Cô Ba. Màu vàng là trang phục của ngôi thứ tư gồm các vị: Mẫu Địa, Chầu đệ tứ, Quan lớn đệ tứ... .

Các vị ở bốn ngôi của hệ thống tín ngưỡng Tứ phủ kể trên có sự ấn định cùng màu sắc của khăn, áo, thắt lưng. Còn các vị ở các ngôi khác, khăn, áo thì cùng màu nhưng thắt lưng khác màu. Kiểu khăn, áo của các vị trong tín ngưỡng Tứ phủ rất đa dạng: Áo có áo dài, áo ngắn được đính kim sa, kim tuyến long lanh, hoa văn trang trí lộng lẫy. Khăn có khăn lượt, khăn xếp cài hoa, cổ đeo vòng bạc, vòng vàng. Các quan lớn, quan Hoàng đầu đội mũ cánh chuồn, quần áo đủ cả cân đai. Hầu hết các bộ trang phục của cung văn, con đồng trong tín ngưỡng Tứ phủ đều đựơc cách điệu đẹp đẽ hơn trang phục đời thường. Đây cũng là biểu hiện của sự thành kính đối với những thần tượng được sùng bái và nó cũng biểu hiện được nét đẹp trong văn hoá ứng xử của nhân dân ta.

Đạo cụ trong sinh hoạt Hát Văn rất phong phú: Quạt, gậy, cung, kiếm long, đao, mái chèo, nhạc đồng... Mỗi khi con đồng được vị thánh nào nhập vào thì sử dụng đạo cụ gắn liền với huyền thoại của vị thánh đó. Ví dụ: nếu Mẫu Đệ Tam (Mẫu Thoải) nhập đồng, con đồng sử dụng mái chèo để múa, mô phỏng động tác chèo thuyền. Hoặc là khi các Quan lớn, Ông Hoàng nhập đồng, thì con đồng sử dụng cung, kiếm, long đao... Đạo cụ Hát Văn phong phú là để ứng với các nhân vật trong hệ thống tín ngưỡng Tứ phủ. Mẫu thượng thiên, các Cô thượng ngàn... dùng đạo cụ là mồi (sợi dây được tết bằng giấy bản có tẩm nến), Quan Lớn Đệ Tứ khâm sai thì dùng quạt làm đạo cụ v.v...

Nhạc cụ trong Hát Văn gồm trống, phách, cảnh, thanh la và đàn nguyệt. Cây đàn nguyệt có vị trí rất quan trọng trong khi trình diễn Hát Văn. Có thể nói, không có đàn nguyệt trong diễn xướng Hát Văn, con đồng khó có thể nhập thần được. Tiếng đàn nguyệt cùng tiếng trống phách lúc khoan thai, lúc rộn ràng, dồn dập đã tác động rất mạnh đến cảm xúc của người nghe, đặc biệt là trong không khí của buổi tế lễ nghiêm trang, khói hương nghi ngút. Sự nhập thần của các con đồng không chỉ ở niềm thành kính với các vị Thánh mà còn do tiếng đàn, tiếng hát của cung Văn góp phần tạo nên.

Nhờ tiếng đàn, điệu hát của cung Văn mà đôi khi con đồng đã tìm thấy những phút thăng hoa của ý niệm, của trạng thái gần như vô thức của sự tưởng tượng về một thế giới hư vô với những hình ảnh thần tiên phiêu lãng. Đàn nguyệt là linh hồn của Hát Văn, nó làm lên những nét độc đáo của âm nhạc Hát Văn.

Tóm lại, Hát Văn là một hình thái sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng. Hệ thống các bài văn chầu thánh của Hát Văn như là những bản kinh thánh, nó chứa đựng những điều thiêng liêng, huyền bí về sức mạnh vô song và những quyền uy tối thượng. Những bản văn chầu là những bài thơ, truyện thơ tuyệt tác, chứa đựng những nội dung của văn chương bình dân và văn chương bác học. Hát Văn là một trong những thể loại nghệ thuật ca hát cổ truyền độc đáo và đặc sắc. Những làn điệu, bài bản trong Hát Văn vừa đa dạng vừa phong phú, nhiều bài bản, làn điệu đã đạt đến độ hoàn hảo về âm nhạc (điệu, khúc thức, giai điệu...). Diễn xướng Hát Văn bao giờ cũng gắn liền với múa Hầu đồng. Hát Văn ở đền Sòng Sơn là hoạt động gắn liền với lễ hội - một sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Lễ hội truyền thống, dù biểu hiện dưới bất kỳ hình thức nào cũng phản ánh hiện thực đời sống xã hội, thể hiện tâm tư nguyện vọng, quan niệm của một tập thể, một cộng đồng về cuộc sống.

 

Tài liệu tham khảo

 

1. Đặng Anh (1999), Đền Sòng với huyền thoại Liễu Hạnh công chúa, Nxb  Thanh Hóa.

2. Lê Ngọc Canh (1998), Múa tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Nxb khoa học Xã hội, Hà Nội.

3. Thanh Hà (1995), Âm nhạc Hát Văn, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

4. Phạm Lê Hòa (2004), Những âm điệu cuộc sống, Nxb Âm nhạc, TP Hồ Chí Minh.

5. Đinh Gia Khánh – Lê Hữu Tầng (1994), Lễ hội truyền thống trong xã hội hiện đại, Nxb Khoa học Xã hội.

6. Vũ Ngọc Khánh – Ngô Đức Thịnh (1990), Tứ bất tử, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.

7. Nguyễn Thụy Loan (1997,1998), Tín ngưỡng, tôn giáo và ca nhạc cổ truyền, Tạp chí Văn hóa – Nghệ thuật số 12/997, số 1,4,6/1998.

8. Tô Ngọc Thanh (2007), Ghi chép về Văn hóa và Âm nhạc, Nxb Khoa học và Xã hội.

9. Bùi Đình Thảo – Nguyễn Quang Khải (1996), Hát Chầu Văn, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.