Nội san

Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng di tích đền thờ Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội

31 Tháng Ba 2016

Nguyễn Tuấn Anh [*]

 

“Có ai về thăm hội Hạ Lôi

Tháng giêng mồng sáu cho tôi đi cùng

Kiệu Bà đi trước kiệu ông

Nữ binh hộ giá khăn hồng hài hoa”.

 

Hàng năm, có lẽ không có làng quê nào lại không mở hội làng. Hội làng là đặc trưng quan trọng của văn hóa làng xã. Nó thể hiện nét sinh hoạt, tôn giáo, nghệ thuật, thể thao truyền thống của cộng đồng làng xã. Xuất phát từ sự ước mong và cả nhu cầu của cuộc sống, từ sự tồn tại và phát triển, từ sự bình yên cho từng cá nhân và gia đình, sự vững mạnh của dòng họ và sự bội thu của mùa màng... Hội làng nào cũng có một mong muốn chung là ‘‘Quốc thái dân an’’ hay ‘‘Dân khang thịnh vận’’ mà lễ hội truyền thống đền Hai Bà Trưng cũng không ngoài mục đích đó.

            Nhân dân tưởng nhớ Hai Bà Trưng cùng các tướng lĩnh, lập đền thờ, mở hội ở khắp các nơi, từ Vĩnh Phú (hội Phết Hiền Quang, thờ nữ tướng Thiều Hoa); rồi Hải Phòng (hội đền Nghè, thờ nữ tướng Lê Chân); đến Thái Bình (hội Tiên La, thờ công chúa Bát Nạn)...nhưng nổi tiếng hơn cả là lễ hội đền thờ Hai Bà Trưng ở xã Mê Linh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội. Lễ hội được nhân dân tổ chức từ ngày 04 đến ngày mồng 10 táng Giêng âm lịch.

Tương truyền ngày mồng 6 tháng giêng là ngày Hai Bà Trưng mở tiệc khao quân, cho nên sau này dân làng mở hội để kỷ niệm sự kiện đó nhằm ôn lại truyền thống lịch sử của cha ông trong buổi đầu dựng nước và giữ nước. Trong lễ hội có lệ cúng bánh dày và thường tổ chức tế lễ, đấu cờ, đấu vật, hát quan họ và tổ chức các trò chơi dân gian, lễ hội thể hiện tình đoàn kết cộng đồng làng xã, thu hút đông đảo mọi người dân tham dự.

Ngày nay, lễ hội tại di tích được diễn ra trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm và vẫn đầy đủ những nghi thức của một lễ hội cổ truyền và mang những sắc thái riêng của vùng miền. Hội đền thờ Hai Bà được mở ra từ ngày 4 đến ngày 10 tháng giêng âm lịch. Theo các cụ cao niên trong làng cho biết cứ năm năm một lần (với những năm có số cuối là 0 và 5) nhân dân trong làng lại tổ chức rước kiệu Hai Bà Trưng, kiệu Thành hoàng làng Hạ Lôi và kiệu thánh Cốt Tung là một danh tướng của Hùng Duệ vương được thờ tại làng Hạ Lôi.

Công việc chuẩn bị cho ngày lễ hội làng chủ trì có ban hành lễ do chủ tế đứng đầu. Phân công cụ thể các công việc cho từng bộ phận, dọn dẹp vệ sinh khu vực trang hoàng di tích, bao sái ban thờ…Các gia đình mang lễ đến đền và cùng thực hiện các công việc liên quan đến lễ hội dưới sự điều hành của ban hành lễ.

Sáng ngày 4 tháng giêng âm lịch, sau khi làm lễ “tế trình”, đoàn rước hai cỗ kiệu Hai Bà đi từ đền về đình làng (đình Hạ Lôi). Đi hộ giá Hai Bà có các đội nghi trương gồm: cờ lệnh, đội cờ ngũ hành, đội cờ tứ linh, đội cờ thần tàn lọng, đội gươm trường bát bửu, đội nữ binh hộ giá, hai voi trắng, ngựa hồng, ngựa bạch..cùng các đội múa sinh tiền, đội múa lân vừa đi vừa múa trong tiếng nhạc lễ cung đình của dàn bát âm, hòa quện trong tiếng trống, tiếng chiêng, rộn rã, linh thiêng.

Từ trong sân đền, kiệu Bà Trưng Trắc đi trước nhưng khi ra khỏi cổng đền, kiệu Bà Trưng Trắc dừng lại bên phải đường để kiệu bà Trưng Nhị đi trước (với ý nghĩa: (Nội gia tỷ muôi, ngoại quốc quân thần). Việc đổi vị trí kiệu gọi là “giao kiệu”. Cùng thời điểm này, từ đình làng Hạ Lôi, đoàn rước kiệu Thành hoàng làng và kiệu Thánh Cốt Tung đi đến ngã tư cổng đền để nghênh đón kiệu Hai Bà về đình làng (với ý nghĩa: Hai Bà Trưng đi kinh lý về thăm quê hương).

Đoàn rước kiệu tham gia với hơn 400 người. Đi đầu đoàn rước là cờ Mao, cờ Tiết (cờ của các tướng cầm quân), cờ ngũ hành (chỉ sự thống nhất vẹn toàn), cờ Tứ Linh (Long, Ly, Quy, Phượng) (biểu thị âm dương giao hòa) tiếp đến là đội Nghi Trương gồm: chiêng, trống, ngựa hồng, ngựa bạch và hai cỗ Voi trận. Đi sau Voi, ngựa là kiệu văn, cờ lệnh, cờ Trưng Vương và ba kiếm lệnh biểu thị lưỡng ban văn võ của triều đình Trưng Vương. Tiếp lối đội hình là đội nữ binh hộ giá 50 người quần đen, áo nâu, đầu đội nón chóp, lưng thắt đai đỏ bỏ múi bên trái, chân quấn xà cạp, đi giày ba ta xanh, tay dâng giáo hướng về phía trước, đội nữ binh hộ giá tượng trưng đội quân của Hai Bà, tiếp đến là đội xinh tiền vừa đi vừa múa theo điệu nhạc cung đình, đi sau đội xinh tiền là biển “Hồi tỵ” (tránh đi),  biển “Tĩnh Túc” (giữ yên lặng và trang nghiêm) và biển “Trưng Nữ Hoàng Đế” có người vác lọng để che. Đội rước kiệu đi theo thứ tự: từ đình làng kiệu Bà Trưng Trắc đi trước kiệu Bà Trưng Nhị, sau đến kiệu thờ thành hoàng làng, tiếp đến là kiệu Thánh Tung đi cuối cùng. Đội hình 4 kiệu đi ra ngoài cổng đình làng thì dừng lại Kiệu Bà Trưng Nhị tiến lên đi đầu hoán đổi vị trí kiệu hai chị em gọi là “giao kiệu”. Đi hộ giá mỗi kiệu là đội cờ thần 10 người, đội gươm trường bát bửu 10 người, nữ quan tay nâng cháp hài hoa (hai kiệu Hai Bà), đội Chú Hỗ, các quan viên tế chấp bái và phường bát âm, đội xinh tiền. Khi đoàn rước kiệu về đến cổng đình làng thì kiệu bà Trưng Nhị dừng lai sang bên phải đường để kiệu Bà Trưng Trắc đi vào sân đình trước (giao kiệu lần 2).

  

Ảnh:  Đền Hai Bà Trưng (Nguồn: sưu tầm)

 

Sau khi đoàn rước kiệu đã tề tựu theo thứ tự tại sân đình làng, ảnh Hai Bà Trưng, bài vị của bốn vị Thành hoàng làng và bài vị Thánh Cốt Tung được rước đặt trên nhang án trong đình làng. Sau đó, dân làng tổ chức tế lễ tại đình làng từ chiều ngày mồng 4 đến hết ngày mồng 5 tháng giêng với ý nghĩa chào đón Hai Bà Trưng về thăm quê hương.

Sáng ngày mồng 6 tháng Giêng âm lịch, đoàn rước kiệu lại rước bốn cỗ kiệu từ đình làng về đền Hai Bà Trưng. Từ trong đình làng, đội nghi trương dẫn đầu đoàn, tiếp đến là kiệu Bà Trưng Trắc đi trước. Khi đoàn rước kiệu ra khỏi cổng đình làng, kiệu Bà Trưng Trắc dừng lại để kiệu Bà Trưng Nhị đi trước (giao kiệu lần thứ nhất trong ngày 6). Trong quá trình lễ rước kiệu, nhiều lần đội hình rước kiệu dừng lại, thực hiện động tác đổi vai nâng kiệu qua đầu ba lần cả bốn cỗ kiệu. Động tác đổi vai nâng kiệu qua đầu của bốn cỗ kiệu được thực hiện không đồng thời mà tiếp nối nhau, nên nếu nhìn tổng thể sẽ thấy hình ảnh các cỗ kiệu nhấp nhô giữa đội hình cờ xí, tựa như thân hình một con rồng đang uốn lượn, hòa quện trong tiếng trống tiếng chiêng của dàn nhạc bát âm cung đình rộn rã và uy linh, Khi đoàn rước kiệu về đến cổng đền, kiệu Bà Trưng Nhị dừng lại để kiệu Bà Trưng Trắc vào sân đền trước (giao kiệu lần thứ hai trong ngày mồng 6). Việc “giao kiệu” trong lễ rước kiệu là một nghi thức độc đáo, đặc sắc chỉ riêng có tại lễ hội thờ Hai Bà Trưng ở làng Hạ Lôi, xã Mê Linh. Khi đội hình rước bốn cỗ kiệu về hội tụ tại sân nghi lễ của đền, ban tổ chức lễ hội cử hành lễ mít tinh kỷ niệm Hai Bà tế cờ khởi nghĩa theo nghi thức Nhà nước. Sau đó, các vị đại biểu cùng toàn thể nhân dân và khách thập phương vào dâng hương tưởng niệm Hai Bà. Sau lễ mít tinh và dâng hương tại khu vực sân thượng trước tiền tế diễn ra lễ tế công đồng theo nghi lễ cổ tuyền của nhân dân bốn địa phương có đền thờ Hai Bà là xã Mê Linh, phường Đồng Nhân, xã Hát Môn thuộc Thành phố Hà Nội và xã Phụng Công thuộc tỉnh Hưng Yên.

Ban tế gồm 18 người được chọn theo tiêu chuẩn, là thành viên hội người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên và gia đình song toàn, con cháu hiếu thảo. Chủ tế phải là người cao tuổi của xã Mê Linh và đứng chiếu trên. Ba vị bồi tế đứng ở chiếu thứ ba, là người cao tuổi của phường Đồng Nhân, xã Hát Môn và xã Phụng Công. Tiếp theo đó là 12 quan viên tế đứng thành hai hàng hai bên, đứng đầu mỗi hàng là một quan viên tế cầm cờ sai trống lệnh, những quan viên tế còn lại tước nhang đăng, hoa quả, trà tửu...tùy theo mỗi tuần tế, theo sự điều khiểu của quan viên đông xướng. Đứng sau hai hàng quan viên tế là hai quan viên đông xướng và tây xướng điều hành việc hành lễ của vị chủ tế, các vị bồi tế và hai hàng quan viên tế.

Có 5 tuần tế, xen giữa các tuần tế là tấu nhạc ca của đội chúc hỗ gồm 12 thiếu nữ thanh tân và múa của đội xinh tiền gồm 18 thiếu nữ mặc áo trang phục cổ truyền, theo điệu nhạc lễ cung đình của dàn nhạc bát âm, khiến cho không khí của buổi tế Vua Trưng Thánh Vương tăng phần hào khí, thành kính và trang nghiêm.

Trong thời gian lễ hội còn có các tế lễ dâng hương cầu phúc của đoàn tế xã, phường ở thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận, diễn ra trong các ngày lễ hội.

Bên cạnh ngày lễ hội truyền thống đền Hai Bà Trưng còn tổ chức tế lễ vào ngày như :

Ngày mồng bẩy tháng giêng lễ kỷ niệm ngày yết hạ.

Ngày mồng một tháng tám lễ kỷ niệm ngày sinh nhật của Hai Bà Trưng.

Ngày mồng tám tháng 3 lễ kỷ niệm ngày hóa nhật.

Ngày mồng mười tháng 11 lễ kỷ niệm ngày mất ông Thi Sách.

Đồ lễ vào ngày mồng sáu tháng giêng và ngày mồng 10 tháng 11 trước đây có bánh giày và lợn đen đem ra đền tế. Ngày mồng một tháng tám theo lễ cũ mỗi xóm nuôi trâu một năm, đến ngày tiệc đem trâu ra nộp dân tế tại đền Hai Bà Trưng sau đó chia cho những người có vị thứ và một nửa chia cho các xóm. Ngày nay việc tế lễ có phần giản đơn hơn nhưng vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống.

Song hành với việc tế lễ dâng hương (phần lễ) ở trong đền, bên ngoài khu vui chơi (phần hội) cũng diễn ra nhiều trò chơi dân gian như lễ hội vật Hai Bà Trưng, những đô vật của các lò vật nổi tiếng khắp miền Bắc tranh tài, cống hiến những pha vật thật đẹp mắt trong tiếng vỗ tay, hò reo cổ vũ của hàng ngàn khán giả hâm mộ.

Tại sân thi đấu cờ tướng, cờ người...những tuyển thủ cờ nổi tiếng trong vùng trầm tĩnh suy tư trong tiếng trống khẩu giục giã của trọng tài, cùng phía bên ngoài sân thi đấu, là những lời bình luận rôm rả về nước đi cũng như muốn tư vấn cho mỗi tuyển thủ.

Những đôi trai gái hò reo cổ vũ cho cặp chơi năm nữ trên đu tiên thêm hào hứng nhún cao và rồi giành nhau để đến lượt cặp mình lên đu trổ tài.

Các em thiếu nhi vui nhộn hò reo ở khu dành cho các trò chơi dân gian như bịt mắt dê và khu chọi gà, bịt mắt đập niêu..Các liền anh liền chị ở các thôn xóm huyện Mê Linh với chiếc nón quai thao, chít khăn mỏ quạ, nam thì áo the, khăn xếp trên chiếc thuyền rồng hát mời chầu.

Như vậy, lễ hội của đền Hai Bà Trưng đã thể hiện sự hào khí, tinh thần thượng võ, nét đẹp văn hóa...tôn vinh phụ nữ, giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc cũng như tình đoàn kết của cư dân Hạ Lôi.

 

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k2 – Chuyên ngành Quản lý văn hóa